S.W.I.N.E. là tựa game chiến thuật thời gian thật mang đến trải nghiệm vừa chơi vừa cười mà bạn khó tìm ở game nào khác.
Dòng game chiến thuật thời gian thật từ trước đến nay thường mang nặng tính nghiêm túc, với nội dung thường là cuộc chiến tranh giành “tất vàng tất đất” giữa các phe khác nhau, thậm chí vô nghĩa. Do vậy bạn sẽ rất khó tìm được tựa game nào thuộc thể loại này nhưng vẫn mang tính giải trí thư giãn vui vẻ. S.W.I.N.E. chính là một trong những tựa game hiếm hoi như vậy.
S.W.I.N.E. là viết tắt của cụm từ Strategic Warfare In a Nifty Environment. Và như cái tên của nó, đây là một game lấy nội dung về đề tài chiến tranh và đòi hỏi yếu tố chiến thuật khá hài hước như cái tên viết tắt của nó. Swine có nghĩa là con heo (lợn), tôi không đùa đâu và bạn đọc chính xác đấy. Thậm chí ngay từ nội dung của game, người chơi đã có thể tìm thấy sự hài hước của nó và hiểu kiểu chơi chữ của nhà phát triển khi đặt tên cho trò chơi như vậy.
Nội dung trong S.W.I.N.E. nói về cuộc chiến giữa hai quốc gia. Một bên là nước Cộng Hòa Heo (Republic of the Pigs) do tướng Iron Tusk vừa mới lên chiếm quyền, sau khi dẹp tan các phe phái đối lập trong nước hắn bắt đầu dòm ngó đến quốc gia láng giềng ở Xứ Sở Cà Rốt (Carrotland), với toan tính thâu tóm đất nước vốn là nhà của loài thỏ này. Chiến tranh nhanh chóng xảy ra khi Quân đội nước heo cho quân vượt biên giới và trút những đòn tấn công tàn bạo vào người dân vô tội nước thỏ. Với binh lực suy yếu nặng nề sau những trận tấn công vũ bạo đầy bất ngờ của quân heo, lực lượng quân đội thỏ bắt đầu thay đổi chiến thuật, chuyển sang đánh du kích để giành lại đất nước. Và để làm được điều này, không thể thiếu một chiến lược gia tài năng là người chơi. Một câu chuyện chỉ nghe đã thấy hài hước dù nó đậm chất chiến tranh, đúng không?
S.W.I.N.E. chia phần chơi campaign thành hai phần là rabbit campaign và pig campaign. Về cơ bản bạn có thể chơi phần nào trước cũng được, và sẽ có góc nhìn về cuộc chiến khác nhau giữa hai phe. Tuy nhiên, rabbit campaign thì dễ hơn, phù hợp với những người mới trải nghiệm game lần đầu, trong khi pig campaign lại có độ khó cao hơn. Mặt khác, tuyến nội dung cũng khác nhau vì rabbit campaign kể về câu chuyện sau cuộc tấn công phủ đầu của tướng Iron Tusk, và nỗ lực của quân thỏ để cắt nguồn cung ứng và tiếp tế của quân heo nhằm giành lợi thế trong cuộc chiến. Pig campaign thì nói về cuộc chiến dẹp loạn trong nước của tướng Iron Tusk và trận tấn công phủ đầu vào Carrotland cũng như các chiến dịch tiếp nối sau đó của quân heo.
Cũng như nhiều game chiến thuật thời gian thật khác, S.W.I.N.E. tập trung vào yếu tố lập chiến thuật của cuộc chiến. Tuy nhiên, trò chơi có lối chơi đơn giản hơn nhờ loại bỏ yếu tố xây dựng công trình căn cứ và thu thập tài nguyên. Thay vào đó, người chơi sẽ nhận được Strategic Point (SP) sau khi hoàn thành nhiệm vụ và sử dụng nó để mua thêm quân hoặc một số kỹ năng đặc biệt cho quân mình trong cuộc chiến. Ngoài ra bạn cũng có thể mua quân trong khi thực hiện nhiệm vụ.
Mỗi loại quân đều có khả năng cũng như điểm yếu riêng. Chẳng hạn như Scout là loại xe khá phù hợp cho việc mở rộng bản đồ hoặc dụ kẻ thù truy đuổi vào ổ phục kích của người chơi. Đây cũng là quân duy nhất có khả năng lội nước nhưng điểm yếu là giáp yếu (hay có thể xem như “máu” của quân) nên không thích hợp để tấn công tiền tuyến. Ngược lại các loại xe tăng đều có khả năng tấn công và phòng thủ khá tốt, nhưng lại dễ làm mồi ngon cho các quân tấn công tầm xa.
Hệ thống tìm đường thì khác, vừa đáng chê lại vừa đáng trách. Nó hoạt động khá tốt trong nhiều trường hợp, nhưng lại là ác mộng khi bạn đang giữa chiến tuyến mà chúng đột nhiên “lật lọng”. Thế nhưng, trò chơi lại giới hạn số lượng quân mỗi phe khi ra trận, có lẽ vì mục đích không khuyến khích người chơi dùng chiến thuật “ỷ đông hiếp yếu”. Chưa kể, ngoại trừ duy nhất một loại quân riêng của mỗi bên, các quân chủng khác đều “sao y” nhau nhưng với hình dạng khác biệt, cũng là một điều khá thất vọng. Đổi lại, nếu bạn không để mất quân khi qua mỗi màn chơi, thì chúng sẽ càng chiến đấu hiệu quả hơn, khiến người chơi phải suy tính cẩn thận để giữ mạng cho quân mình thay vì sử dụng chúng làm “tốt thí” như thông thường.
Một trong những tính năng khá thú vị trong S.W.I.N.E. chính là khả năng hiển thị tầm bắn tối thiểu và tối đa của quân, thể hiện bằng những vòng tròn chấm xung quanh quân đó, giúp người chơi có thể quan sát và tận dụng nó cho lợi thế chiến thuật của quân mình. Tính năng này không mới, vì nó vốn được sử dụng khá nhiều trong các game chiến thuật theo lượt, nhưng việc đưa vào thể loại chiến thuật thời gian thật đã mang đến trải nghiệm hấp dẫn hơn, giúp người chơi xây dựng được những chiến lược chiến đấu thú vị hơn. Thậm chí sau này, nó còn trở thành một dấu ấn riêng trong series game Codename: Panzers của cùng nhà phát triển.
Đồ họa cũng là một điểm gây được ấn tượng tốt khi xây dựng địa hình màn chơi khá chi tiết. Ngay cả những ngôi làng của phe thỏ cũng thú vị khi so về tương quan với những thị trấn của phe heo. Nếu so với thời điểm phát hành thì hình ảnh trong S.W.I.N.E. khá đẹp và có chất lượng cao. Ngay cả các quân lực xe cũng vậy, được thiết kế mức độ chi tiết tương đương và đẹp, ngay cả hiệu ứng vật lý cũng được trau chuốt khá tốt. Bạn có thể ngắm các loại quân chiến đấu với nhau khá thú vị, chẳng hạn khi đạn bắn từ các nòng súng xe tăng và trúng vào phe kẻ thù. Nói một cách khác, đồ họa của trò chơi khá ấn tượng nếu tính thời điểm ra mắt.
Phần lồng tiếng cũng được làm khá tốt, đặc biệt khi thời điểm đó việc lồng tiếng cho các nhân vật chưa được chú trọng. Giọng đọc của quân heo và quân thỏ khá hài hước và có lẽ là chủ ý của nhà phát triển. Phe thỏ nói chuyện mang giọng Pháp khá là buồn cười, trong khi phe heo thì lại nói giọng tiếng Anh phát âm khá nặng, nên tôi đoán đó là giọng Đức. Tôi còn nhớ đó là năm mà Final Fantasy X lần đầu tiên được phát hành trên hệ PlayStation 2 và cũng là tựa game đầu tiên trong series này được lồng tiếng. Đáng tiếc là nó đã nhận không ít chỉ trích vì phần lồng tiếng Anh thiếu hồn so với bản tiếng Nhật. S.W.I.N.E. có lẽ cũng chỉ ở mức độ tương tự như thế và phù hợp với nội dung có phần mang tính giải trí của trò chơi, không có gì đáng phàn nàn.
Vấn đề của trò chơi nằm ở chỗ AI khá tệ. Chính điều này làm giảm rất nhiều chiều sâu tính chiến thuật của S.W.I.N.E. trong trải nghiệm. Chúng có cách hành xử khá dễ đoán và thường không biết cách tận dụng quân tương khắc cho phù hợp. Thậm chí ngay cả khi bị tấn công từ xa, chúng cũng chẳng buồn di chuyển để né tránh hay có động thái gì phù hợp với tình hình. Mặt khác, AI của phe ta cũng không khá hơn dù chưa tới mức đáng chỉ trích. Tôi chỉ khó chịu nhất trong một số trường hợp, chẳng hạn như di chuyển qua cầu thì quân ta đều hành xử khá kém, gây ảnh hưởng đến những quân còn lại.
Tóm lại, S.W.I.N.E. là một tựa game chiến thuật thời gian thật khá thú vị để bạn có thể “đổi gió” khỏi thể loại vốn mang nặng yếu tố chiến tranh nghiêm túc này. Vấn đề AI có thể khiến trải nghiệm trong trò chơi không mang nhiều chiều sâu, nhưng chắc chắn có thừa ở khía cạnh giải trí. Yếu tố xăng xe, đạn dược mang tính thực tế có thể tạo cảm giác sự thú vị khi điều binh, nhưng đôi lúc cũng gây phiền phức không cần thiết, dù sao cũng là điểm mới mẻ của trò chơi. Đáng tiếc là phần chơi multiplayer đã ngừng hoạt động do dịch vụ GameSpy để vận hành tính năng này đã đóng cửa từ lâu.
S.W.I.N.E. chỉ được phát hành trên Windows. Hiện tại trò chơi đã ngừng thương mại, nhưng nhà phát triển đã quyết định cho người chơi tải về miễn phí từ năm 2005, trước khi ngừng hoạt động vài năm sau đó. Game chạy tốt trên Windows 10 nhưng không hỗ trợ widescreen.