Prince of Persia mang đến một trải nghiệm phiêu lưu hành động đi cảnh hoàn toàn mới lạ nhưng gây nhiều tranh cãi từ phía người chơi.
Hoàng tử Ba Tư có lẽ không phải là một cái tên xa lạ với nhiều người chơi game. Đây là một series game lâu đời từ cuối thập niên 80 và có nhiều tựa game hay nhưng đã gần như biệt tích hoàn toàn vào những năm gần đây. Phiên bản Prince of Persia năm 2008 là một tựa game hoàn toàn tách biệt với bộ ba Sands of Time, Warrior Within và Two Thrones nổi tiếng, người chơi sẽ gặp một chàng hoàng tử hoàn toàn mới mẻ và hài hước trong một câu chuyện thú vị.
Prince of Persia mở đầu với một chàng hoàng tử khá buồn cười khi liên tục gọi tên Farah một cách trìu mến. Thế nhưng nhân vật của người chơi không hề có vẻ gì giống một người trong hoàng gia cả, với tính cách có phần hơi “xa cách” và… tồi. Và cũng như một câu chuyện hoàng tử cứu công chúa khác, hoàng tử Ba Tư của chúng ta đã vô tình gặp được công chúa Elika trong một hoàn cảnh hết sức éo le. Và cuộc gặp gỡ định mệnh này đã đặt trọng trách nặng nề lên vai người chơi để cứu lấy cả thế giới. Thật thú vị khi Prince of Persia là câu chuyện về tình yêu, thế nhưng kỳ thực đó lại là tình cảm của người chơi dành cho nhân vật Elika hơn. Đây cũng chính cơ chế gameplay chính trong trò chơi.
Elika về cơ bản là người đồng hành với nhân vật hoàng tử Ba Tư của người chơi. Cô thường xuyên hỗ trợ bạn trong hầu hết các tình huống, như đưa đường chỉ lối, hỗ trợ nhảy cao hai bậc, thậm chí là trong chiến đấu hay giúp bạn “đánh lừa” thần chết nữa. Nhân vật đáng yêu này cũng chính là cầu nối để kể lại câu chuyện mà người chơi được trải nghiệm, về bối cảnh cuộc chiến giữa hai vị thần và hay tấn bi kịch của những con boss mà bạn phải đối mặt. Ở khía cạnh này, phải thừa nhận nhà phát triển đã làm rất tốt khi Elika gây ảnh hưởng rất lớn trong cốt truyện, luôn sẵn lòng liều mình để cứu nhân vật khó ưa của người chơi chỉ bằng một nút nhấn.
Còn ở phía Hoàng tử, mỗi hành động đều được gán cho một phím nhất định, và nó vận hành khá tốt dù là bạn chạy tự do đu bám trong thế giới của trò chơi hay chiến đấu. Cảm giác điều khiển khá thoải mái, thậm chí có thể nói là nhẹ nhàng dù đây là game phiêu lưu hành động đi cảnh tiết tấu nhanh. Người chơi không cần phải nhấn nút liên tục như nhiều tựa game khác, mà nó đi theo một nhịp độ nhất định để tạo ra một loạt hoạt cảnh chiến đấu hấp dẫn và ấn tượng. Ngay cả khi bạn không thể “khớp” được nhịp điệu đó, nhân vật cũng chỉ tạm dừng chờ bạn ra lệnh chứ không gây khó khăn nào đáng kể, trừ khi bạn đối mặt với kẻ thù.
Không may là hệ thống chiến đấu của nó lại không như những tựa game Prince of Persia trước đây và điều này có thể khiến người chơi cảm thấy rối ban đầu. Trò chơi có một hệ thống combo rất có chiều sâu, tạo nên những đòn tấn công hết sức ấn tượng, dù chỉ yêu cầu người chơi vận dụng và phối hợp hiệu quả trên bốn nút nhấn khác nhau. Mọi trận chiến thường chỉ diễn ra theo kiểu đấu tay đôi, cho phép góc nhìn camera có thể di chuyển tự do để tạo cảm giác trải nghiệm hấp dẫn hơn. Tuy nhiên, đừng vì thế mà bạn lầm tưởng nó dễ, kỳ thực là ngược lại vì AI rất cơ động và dường như chúng có thể học theo chiến thuật tấn công của người chơi.
Nếu bạn giỏi tấn công, kẻ thù sẽ chủ động đỡ đòn nhiều hơn, thậm chí trở nên hung hăng khi tấn công và gây nhiều khó khăn hơn. Trong khi đó, nếu bạn kém ở khoản này, AI cũng sẽ “giơ cao đánh khẽ”. Dù vậy, cảm giác chiến đấu trong Prince of Persia hết sức thỏa mãn, nhất là khi AI “mạnh tay” với người chơi, đặc biệt khi phải nhấn nút kịp thời trong các khoảnh khắc QTE. Thế nhưng, yếu tố này nhanh chóng tạo cảm giác khó chịu vì mang nặng tính lặp lại, nhất là trong các trận đánh boss. Không chỉ vậy, nó còn khiến tôi cảm thấy QTE gây sự bất công không hề nhỏ trong cuộc chiến, với phần bất lợi thuộc về người chơi. Đây cũng là điểm yếu có thể khiến bạn không yêu nổi Prince of Persia và sớm chia tay với trò chơi.
Màn chơi trong Prince of Persia khá rộng lớn, chia làm bốn khu vực khác nhau. Ban đầu, những nơi này có thể không ấn tượng vì khá cằn cỗi, u tối. Thế nhưng khi Elika bắt đầu hồi sinh chúng thì mọi thứ đều thay đổi. Cả không gian sáng bừng lên, thay bằng hoa cỏ và bướm bay hết sức sinh động. Cả khu vực ban nãy còn u tối nay bỗng chốc trở nên rực rỡ, mở ra những con đường mới để người chơi khám phá. Nhưng thú vị hơn có lẽ phải kể đến Light Seed. Chúng có hình tròn và phát sáng, xuất hiện rải khắp toàn bộ thế giới của trò chơi, dùng để nâng cấp sức mạnh cho Elika. Có tổng cộng 1001 Light Seed để bạn khám phá mọi ngóc ngách trong thế giới của trò chơi. Nếu không dùng để mở khóa skin cho nhân vật, thì nó cũng mang lại động lực khiến người chơi quay lại những cảnh đã hoàn thành, vì mục đích tìm kiếm Light Seed. Và khi đó, bạn đừng quên dừng lại một góc nào đó để ngắm phong cảnh tuyệt đẹp như những bức tranh màu nước trên nền đồ họa cel-shade của trò chơi nhé.
Tóm lại, Prince of Persia là một tựa game đi cảnh phiêu lưu hành động chặt chém hấp dẫn. Dù kiểu đồ họa cel-shade không được lòng một số bộ phận người chơi và có một số vấn đề gây khó chịu với hệ thống chiến đấu, nhưng đây vẫn là một game có gameplay đặc sắc và có dấu ấn riêng mà bạn không nên bỏ lỡ. Vấn đề đáng tiếc nhất là phiên bản PC lại không có được kết thúc thật sự của trò chơi như trên console, do phần kết được tách riêng thành DLC và không phát hành trên PC.
Prince of Persia được phát hành trên Windows, Xbox 360 và PlayStation 3.