MDK là một tựa game cũ mà hay khó lòng bỏ qua, gần như ấn tượng về mọi khía cạnh ở thời điểm phát hành ban đầu.
Vào những năm 90, khi thể loại FPS còn đang thống trị trên PC với các tựa series game như Doom, Duke Nukem hay Quake, thì MDK lại xuất hiện một cách bất ngờ với lối chơi TPS “lạc lõng giữa rừng hoa”. Thế nhưng kết quả lại rất bất ngờ khi đây là một trong những tựa game được người chơi đón nhận nồng nhiệt vào năm 1997 khi nó được phát hành.
Nhân vật của người chơi là Kurt, một hình mẫu điển hình của “anh hùng ca” với bộ đồ da và súng máy trông rất dũng mãnh, dù chẳng khác người ngoài hành tinh mấy. Với bối cảnh ở tương lai, MDK đưa người chơi một khẩu súng bắn tỉa và không ít đồ chơi khá ngầu với nhiệm vụ ngăn chặn lũ Stream Rider biến nhân loại trên Trái Đất thành những nô lệ chỉ biết tuân lệnh cho chúng. Điều thú vị là khác với nhiều tựa game FPS thời điểm đó thường bắt người chơi đi trong những hành lang hẹp, MDK lại đưa người chơi đến với những không gian mở đầy mới mẻ. Không có nhiều không gian hẹp đồng nghĩa giảm bớt những “chiêu, trò” kẻ thù bất ngờ xuất hiện khiến bạn không có lựa chọn nào ngoài tiêu diệt chúng để đi tiếp, nhưng cơ bản mục tiêu vẫn không hề thay đổi. Nhiệm vụ của người chơi chỉ đơn thuần là bắn những mục tiêu di động mà họ gặp trên đường.
Điều đầu tiên đập vào mắt người chơi chính là đồ họa 3D đậm chất hoang dã của khung cảnh, cùng với màn chơi đa dạng mỗi màn một sắc khiến tôi ngạc nhiên, không nghĩ đây có thể là một tựa game xưa cũ. Tất nhiên, bạn không thể so chất lượng hình ảnh với các tựa game ngày nay khi nhìn lại thời điểm ra mắt của trò chơi, nhưng nó vẫn thật sự ấn tượng. Cuộc chiến của Kurt đi từ những nơi khá khắc nghiệt cho đến siêu thực, rồi cả những bề mặt phản chiếu hay các bức tường mờ và cảnh nền tuyệt vời. Không chỉ vậy, các kẻ thù cũng đều được dựng 3D, tuy không nhiều khác biệt về bề ngoài nhưng chắc chắn sẽ khiến bạn hài lòng với sự đa dạng về hành động và chiến thuật của chúng.
Cơ chế gameplay của MDK tạo sự khác biệt với các game cùng thể loại khác. Nhân vật Kurt có một chế độ nhắm giúp tạo sự chính xác cao khi sử dụng vũ khí mà có lẽ là sự sáng tạo đầu tiên trên thế giới. Khi bạn phóng to vào cận cảnh, hình ảnh trở nên chi tiết hơn và bạn thậm chí còn có thể theo dõi từng đường đạn để xem “hiệu quả” của nó như thế nào. Cái ý tưởng này khiến tôi gợi nhớ đến Sniper Elite 4 và có thể chính series Sniper Elite đã lấy cảm hứng từ đây để phát triển lên. Tuy nhiên, MDK không cho người chơi “để dành” các loại vũ khí “độc” mà bạn chỉ có thể nhặt được và dùng nó trong tình huống đang phải đối mặt. Bù lại, vũ khí khá thú vị và hài hước, thậm chí có những phân cảnh bạn leo lên máy bay đi thả bom kẻ thù nữa.
Vấn đề lớn nhất của MDK có lẽ là trò chơi khá ngắn. Theo chia sẻ của nhà phát triển thì ban đầu dự án lẽ ra có tám màn chơi, nhưng vì muốn có sự đa dạng trong các màn chơi và không đủ thời gian nên bị cắt giảm chỉ còn sáu màn. Ngoài ra còn một vấn đề mà ban đầu tôi nhầm tưởng là MDK không có save game, thật ra là có nhưng nếu không nói thì quả thật không ai biết. Bạn có thể save game mỗi khi hoàn thành một màn chơi bằng phím F2 và load game bằng F3 trên bàn phím. Hơi đáng tiếc là game quá cũ nên thời điểm đó chưa có hỗ trợ gamepad, chỉ có thể chơi bằng bàn phím và chuột.
Tóm lại, thật không sai khi nói MDK là một trong những tựa game hành động tuyệt vời và đáng nhớ nhất mọi thời đại mà bạn nên thử qua ít nhất một lần. Trò chơi mang đến một lối chơi hấp dẫn và thú vị cùng nhiều yếu tố hài hước đã tạo nên một MDK không lẫn vào đâu được. Chỉ tiếc là đến nay MDK vẫn chưa được nhà phát triển hay phát hành nào “đỡ đầu” để làm phiên bản remaster. Và nếu bạn thắc mắc MDK là gì thì theo một nhà phát triển của trò chơi nó là viết tắt của Murder Death Kill. Đây là cái tên tạm thời của dự án nhưng sau đó họ không tìm được tên nào hấp dẫn hơn và cái tên tạm này cũng không hay nên quyết định đặt tựa MDK cho bí ẩn.