Trong Gears of War, một mảng bê tông lớn là chiến hữu thân nhất của bạn. Còn nếu như mảng bê tông ấy không quanh quẩn kề bên, bạn sẽ phải quay sang kết thân với xác xe cháy, đống kim loại, cột đá… Tại sao những thứ vô tri này lại có thể gần gũi đến vậy? Bởi, nếu không tìm được chỗ nấp, bạn sẽ chết.
Cả Microsoft và Epic đều đã quyết định đúng đắn khi kết hợp với nhau để tạo ra trò chơi “trốn tìm” bằng những món đồ chơi dữ dội của tương lai này. Nếu bạn quá khó tính và không bằng lòng với các chiến dịch dành cho một người của Gears of War thì phần chơi đối đầu nhiều game thủ chắc chắn sẽ khiến bạn không thể làm ngơ.
Gears of War là câu chuyện li kỳ của người hùng Markus Fenix. Anh này, giống như tất cả những chiến binh xung quanh, là một gã vạm vỡ tưởng chừng như da thịt không thể nứt rạn để cho máu có thể phun ra được. Trò chơi được thiết kế theo phong cách của một sản phẩm điện ảnh hoành tráng trên bối cảnh nền là thế giới viễn tưởng bị lực lượng thần bí Locust trấn áp.
Marcus là cựu chiến binh của Liên minh các chính phủ COG. Quân phục của những người lính thuộc tổ chức này to… khủng khiếp, bao quanh khắp người nhân vật, trừ … cái đầu. (Họ quá mạnh để không cần đến mũ chống đạn hay họ… điếc không sợ súng?).
Fenix bị ghép vào tội phản bội và phải ngồi sau song sắt… Nhưng ngay ở phần đầu game, anh chàng đã thoát được ra ngoài, chỉ để góp sức vào việc chiến đấu chống lại bọn Locust. Sau một đoạn chơi “tập tành” ngắn ngủi bên cạnh Dom (người đến giải cứu nhân vật chính), Markus chạy được đến chỗ chiếc trực thăng đậu sẵn và liên lạc với các thành viên của biệt đội Delta.
Từ đây, bạn sẽ cùng đồng đội bắt đầu cuộc hành trình đi tìm tiểu đội Alpha, hiện bị mất tích và được cho là đang nắm giữ một thiết bị có thể làm thay đổi cục diện của cả cuộc chiến. Dù có cốt truyện không thực sự sâu sắc, nhưng Gears of War có thừa khả năng để “ăn điểm” ở gameplay của mình.
Trò chơi lưu trữ cả một “kho kẻ thù” đồ sộ. Hầu hết bọn Locust đều mang hình dạng con người. Sự khác biệt giữa các chủng quân của lực lượng này tuy không lớn nhưng đủ để bạn phân biệt giữa lính chủ lực (cầm shotgun) và lũ xạ thủ phóng lựu, giữa những chú nhỏ con với những gã khổng lồ đứng choán hết màn hình… Các đơn vị quân này áp dụng chiến thuật khác nhau khi chiến đấu. Còn bạn, chiến thuật hiệu quả nhất là: chờ kẻ thù xuất hiện và bắn.
AI của kẻ thù trong Gears of War khá tốt, ngoại trừ một số lỗi nho nhỏ như việc đối phương không có phản ứng gì khi đang nấp mà lại bị dính đạn. Ví dụ, bạn nhìn thấy tấm lưng” to như tấm phản” của một chú nhóc dại dột nào đấy đứng nấp sau cái cột đá bé tẹo… Lúc này, bạn có thể thoải mái nổ súng, đem lại sự thanh bình cho linh hồn tên địch mà không lo bị hắn quay ra đáp trả…
Trò chơi là tập hợp vô số trận đánh ác liệt giữa nhóm quân của bạn và kẻ thù. Như đã nói ở trên, điều quan trọng nhất trên chiến trận cần được game thủ lưu tâm là “phải có chỗ nấp”. Cơ cấu ẩn mình vận hành khá đơn giản. Bạn chỉ cần dựng sát lưng vào tường, quay qua bắn kẻ thù, rồi là trở mình lại an toàn… Ngoài ra, di chuyển giữa chướng ngại vật cũng không phải là việc quá khó khăn để thực hiện bởi nhà sản xuất gần như không tạo ra trận địa nào… trống rỗng cả.
Nhưng khi ló mặt ra khỏi chỗ nấp để bắn, game thủ vẫn phải dè chừng, bởi nếu còn tỏ ra bỡ ngỡ ở lần thứ nhất, thì sang đến lần thứ hai, kẻ thù sẽ không hề lúng túng trong việc khai hỏa về phía nhân vật. Nhờ chất lượng đồ họa cao, bạn sẽ nhìn thấy được từng viên đạn bay về hướng mình. Việc tránh né đường đạn trong gang tấc như thế này chắc chắn đã làm tăng thêm tính hấp dẫn của lối chơi. Ơn trời, không phải cứ dính đạn là bạn sẽ … đi tong. Biểu kế “máu” trong game được thể hiện dưới dạng một … cái đầu lâu.
Trong lúc chiến đấu, bạn thường có ba chiến hữu kè kè bên cạnh. Tuy nhiên, những gì họ có thể giúp được bạn … không nhiều. Họ có thể đảm nhận bớt số kẻ thù, nhưng họ cũng bị bắn hạ khá nhiều lần. Tất nhiên, sau đó bạn có thể “hồi sinh” họ bằng cách tiến đến gần và bấm một phím chức năng trên tay cầm… Nhưng với nhiều người, thà chiến đấu một mình còn hơn.
Gears of War có tất cả ba cấp độ khó khác nhau, mỗi cấp độ chứa đựng năm màn hành động, khiến cho thời lượng để hoàn tất trò chơi lên đến khoảng 30 giờ đồng hồ.
Một yếu tố không nhỏ khác khiến cho trò chơi gây được ấn tượng mạnh nằm ở thiết kế vũ khí. Sự đặc biệt của những món đồ chơi này làm cho Gears of War khác biệt hẳn so với các game bắn súng trước đó. Vũ khí được ưa chuộng nhất có lẽ là khẩu Lancer với tốc độ bắn kinh hoàng trong xạ chiến và khả năng giáp lá cà đầy uy lực nhờ chuỗi cưa máy như của Resident Evil.
Ngoài ra, còn phải kể đến Lưỡi hái Bình minh, vệ tinh laser có khả năng xẻ thân xác kẻ thù ra làm nhiều mảnh khi chúng còn đang mải… bay trên trời. Game thủ có thể mang theo bên mình bốn loại vũ khí khác nhau. Tuy nhiên, hai suất chắc chắn đã được để dành cho một “nhóc” súng lục và bốn trái lựu đạn, nên bạn chỉ còn lại hai lựa chọn để cân nhắc.
Việc nạp đạn cho súng cũng lại là một chiêu thức câu khách “tinh quái” của các nhà phát triển. Không phải chỉ bấm một phím thường là bạn đã xong việc. Trên màn hình khi ấy sẽ hiện lên một biểu tượng thanh quét nhiều màu chuyển động liên tục, chỉ cần thêm một lần bấm nữa, điểm chạy trên thanh sẽ dừng lại. Nếu nó ở phần màu xám, tốc độ nạp sẽ tăng nhanh, dừng ở phần trắng (bé xíu), đạn sẽ có hỏa lực mạnh hơn gấp nhiều lần bình thường. Còn nếu bất hạnh, điểm chạy chỉ dừng lại ở ô đen, khẩu súng như bị tắc và việc nhét đạn vào ổ trở nên rất khó khăn… hãy tưởng tượng tình thế lúc đó khi trước mặt bạn là cả một binh đoàn Locust cầm shotgun.
Trong khi các chiến dịch trên rất tương xứng với tầm vóc của Gears of War, thì mode chơi đông người còn hấp dẫn hơn thế. Bạn có thể chơi trực tuyến, hoặc chiến đấu bên nhau trên cùng một máy game với màn hình chia đôi. Phần hành động online 4 chọi 4 có thể được tổ chức trên 10 map chiến trường khác nhau.
Mặc dù được phát hành bởi Microsoft nhưng GOW IP hoàn toàn do Epic kiểm soát. Trong một cuộc phỏng vấn với CEO của Epic Games là Mike Capps cho biết ông có nguyện vọng được phát triển Gears of War trên các hệ máy khác như PlayStation 3. Nhưng ông cũng nói rằng “Time and time again, when it came down to figure out what we do next with Gears, we sat down with Microsoft and they’ve given us really good, compelling reasons to work with them again” (Nhưng mỗi khi đến thời điểm để chúng tôi quyết định để làm gì tiếp với các phiên bản Gears of War tiếp theo thì tập đoàn Microsoft lại đưa ra những lý do hay và vô cùng hấp dẫn để chúng tôi tiếp tục cộng tác với họ.
(Sưu tầm)