Làn sóng bất đồng nội bộ trong đội ngũ EA cuối cùng khiến 23 thành viên “chủ chốt” trong Medal of Honor tách ra thành lập nên studio của riêng mình với tên gọi Infinity Ward. Không bỏ lỡ cơ hội, một trong những đối thủ “đáng gờm” của EA là Activision đã nhanh chóng ký kết hợp đồng với studio non trẻ này và sau đó ra tay “cưu mang” studio bằng cách mua lại 70% cổ phần và Call of Duty là sản phẩm đầu tiên của họ trên thị trường.
Cũng với bối cảnh Thế chiến lần 2, Call of Duty tiếp tục “cuộc chiến” mà Medal of Honor để lại. Trò chơi bao gồm 24 nhiệm vụ chia làm ba chiến dịch lớn với cốt truyện tập trung về ba nước đồng minh là: Anh, Mỹ và Liên Xô (cũ). Do cốt truyện trong ba chiến dịch xảy ra song song cho nên nhà phát triển game quyết định không chia nhỏ game ra từng mảng riêng biệt vì cho rằng làm như vậy sẽ “cắt nát” cốt truyện. Thay vào đó, họ để cốt truyện “chạy” liên tục nên người chơi càng chơi càng bị cuốn hút mà không biết rằng mình đang đi từ chiến dịch này sang chiến dịch khác. Một kết nối thật hoàn hảo.
Nếu tinh ý, bạn có thể thấy cốt truyện này chịu ảnh hưởng của một số phim về chiến tranh như Band of Brothers, Enemy At The Gate và The Bridge Too Far. Cho nên trong game, bạn sẽ bắt gặp những trường đoạn rất giống trong phim. Chính những trường đoạn này đã tạo nên một Call of Duty (CoD) đầy kịch tính từ đầu tới cuối. Nếu như Medal of Honor chỉ “ăn điểm” ở một màn hấp dẫn duy nhất: trận đổ bộ trên bãi biển Omaha thì người kế thừa CoD có gấp ba lần như thế, mỗi màn trong CoD có tính hành động rất cao, người chơi phải chiến đấu liên tục, song đặc biệt gây cảm xúc cho người chơi nhiều nhất là những màn mô phỏng theo phim (như đã nêu): với các chiến dịch diễn ra ở Châu Âu thì màn “ấn tượng” nhất là cuộc chiến giữ cây cầu Pegasus, còn ở Liên Xô là những cảnh chiến đấu giành lại thành phố Stalingrad trong đó nổi bật nhất là màn Pavlov, một màn được xem là “khủng khiếp” nhất trong game vì bạn phải chiến đấu với cả sư đoàn bộ binh phát xít Đức được sự yểm trợ của tăng và thiết giáp (trong khi quân bạn chỉ là một nhóm nhỏ). Đây là lần đầu tiên trong game bắn súng, đề tài về Xô Viết được lấy làm chủ đề chính (thường thì trong dạng Thế Chiến Thứ 2, Anh và Mỹ là mục tiêu chính của nhà làm game), do đó có thể thấy các màn trong chiến dịch Liên Xô được đầu tư rất kỹ càng và trau chuốt.
So với Medal of Honor mà Infinity Ward từng thực hiện thì phiên bản này có nhiều cải tiến đáng chú ý. Trước hết là cách chơi của game có thể nói là được đơn giản đến mức tối đa, bạn chỉ việc cầm súng chiến đấu (chỉ cần ít phút là bạn có thể nắm được các phím điều khiển dễ dàng, tuy nhiên điều này cũng đồng thời làm giảm sự hấp dẫn của game). Ngoài ra, game còn có một số tính năng mới rất hữu ích như nhân vật có thể nằm (Medal of Honor không có); súng có chế độ bắn khác nhau; trong khi lên đạn vẫn sử dụng được kỹ năng đánh cận chiến bằng báng súng (dành cho tất cả các loại súng – trong khi Medal of Honor chỉ sử dụng kỹ năng này ở một số súng và không dùng được khi đang lên đạn); và đặc biệt là chế độ nhắm bắn (để đạt độ chính xác) mà hầu như các game bắn súng thường bỏ quên. Tuy vậy, cách chơi cũng có điểm yếu, chẳng hạn như nhân vật của bạn không thể chạy nhanh; độ dài của game khá ngắn (tương tự như trường hợp của Max Payne 2). Hơn nữa, nếu chú ý, bạn sẽ thấy các nhân vật hỗ trợ gần như là… “bất tử” vì những tay này “tiêu” thì game sẽ không tiến triển tiếp. Đây là điểm mà nhà phát triển muốn đơn giản hóa để người chơi không cần phải bận tâm về các nhân vật này, nhưng như vậy vô tình sẽ làm giảm đi độ khó của game (game có độ khó không cao dù chơi ở chế độ khó nhất).
Sự thay đổi kế tiếp và cũng là phần được đánh giá rất cao chính là đồ họa. Nhờ sử dụng cơ cấu (engine) có hiệu chỉnh của Quake III mà game mang lại cho người chơi những cảnh vật “mê hồn” (tuy nhiên có một cảnh nền quá… “xí” đó là màn đập nước). Engine này có khả năng thể hiện những môi trường rộng lớn cùng với hàng trăm nhân vật bên trong và nhiều hành động xảy ra cùng lúc, chính vì vậy mà nhà làm game đã không bỏ qua cơ hội để tận dụng tối đa sức mạnh của nó. Kết quả là người chơi được dịp thưởng thức những khung cảnh hoành tráng như các màn Stalingrad, Pegasus… Trò chơi cũng thể hiện khá tốt các hiệu ứng như khói, lửa (chỉ trừ hiệu ứng lửa lúc nổ thì trông không thật lắm), độ tương phản của ánh sáng… nhưng đặc biệt nhất là hiệu ứng mô phỏng chấn động của bom đạn (shellshock). Mỗi khi bị “dính” hiệu ứng này, hình ảnh xung quanh bạn sẽ mờ đi và hơi rung trong khi âm thanh thì nhỏ hẳn.
Âm thanh là một phần không thể bỏ qua trong mô típ game chiến tranh vì nó góp phần mang lại cảm giác chiến trường “gần” với người chơi hơn. Tuy nhiên trong CoD, tiếng súng đạn nghe khá “rít” nên đôi khi trong những trận chiến lớn, chúng sẽ gây “phiền hà” cho đôi tai của bạn. Ngoài ra trong một số đoạn phim giới thiệu chiến dịch trước khi chơi, bạn sẽ được nghe giọng nói của 2 diễn viên nổi tiếng từng tham gia vào một số phim là: Giovanni Ribisi (Lost in Translation, Saving Private Ryan), Jason Statham (The Transporter, Snatch).
Có thể nói AI trong CoD rất khá. Người chơi bắt gặp những hành động rất ngộ nghĩnh và khôn ngoan của các nhân vật, chẳng hạn như khi đồng đội bị thương thì chúng biết kéo vào chỗ an toàn, khi bắn nhau biết lăn qua lăn lại, núp thật kỹ (với những tư thế lính “rất chuẩn”), bỏ chạy khi thấy bất lợi (nhất là khi bạn dùng súng bắn tỉa “rình” chúng). Ngoạn mục nhất là những cảnh đánh cận chiến: các tay lính lăn xả vào nhau dùng báng súng “uýnh nhau” trông rất vui mắt. Tuy nhiên, AI của game cũng có khuyết điểm, một trong những trường hợp dễ thấy nhất là khi quân hai bên đứng gần nhau, chúng chẳng làm gì cả mà chỉ… đứng nhìn nhau!
Với các fan yêu thích thể loại bắn súng thì Call of Duty là một game không thể bỏ qua tuy rằng game có “chút xíu” lỗi nhỏ.
Theo PC World Việt Nam