Cách xây dựng tình tiết hài hước của nó khá dí dỏm và đậm chất “Ăng-lê”, đôi khi thấp thoáng sự chế giễu bên trong.
Nội dung game thì rất đỗi bình thường, nhưng cách xây dựng tình tiết hài hước của nó khá dí dỏm và đậm chất “Ăng-lê”, đôi khi thấp thoáng sự chế giễu bên trong…
Khi thế giới đang lâm nguy, chúng ta sẽ làm gì nhỉ? “Người hùng” ư? Tuyệt đấy! Nhưng với Bard, gã nghệ sĩ vô danh lang thang đó đây, một con người rất thực tế thì… anh ta có thể bỏ mặc cả thế giới này, chỉ để rảo bước vào một quán rượu nào đó và bắt đầu công việc quen thuộc hàng ngày của mình: cất lên một bài nhạc huyền ảo và rồi xuất hiện… một con chuột thần kỳ, “alê hấp” quán rượu náo loạn, để rồi anh chàng giải nguy kịp lúc. Và phần thưởng? Tất nhiên là một vại bia thơm lựng, một chỗ ngả lưng êm ái và nụ cười mê mẩn của cô nàng chủ quán… Hà, cuộc sống xem ra quá dễ với chàng Bard. Nhưng (mọi chuyện lại bắt đầu từ chữ nhưng), một ngày kia, chàng nghệ sĩ lang thang mò tới làng Houton, giở lại các mánh khóe cũ và những điều bất ngờ đã xảy ra. Anh chàng bị lôi kéo vào một cuộc phiêu lưu kỳ thú với nhiều phần thưởng hấp dẫn: một nàng công chúa xinh đẹp bị giam cầm, những tòa tháp bí ẩn với lũ quái vật và phù thủy canh giữ các rương báu vật đầy ắp. Một cuộc phiêu lưu như trong truyện cổ tích sẽ diễn ra? Tất nhiên. Và thế là câu truyện về chàng nghệ sĩ lang thang của chúng ta, bắt đầu như thế, từ quán rượu ở Houton…
Có những trò chơi được tạo ra không chỉ để “action” cho đã tay, mà còn để… ôm bụng cười ra nước mắt! The Bards Tale là một game như thế. Phải nhìn nhận một điều, nội dung game rất đỗi bình thường, nhưng cách xây dựng những tình tiết hài hước của nó khá dí dỏm và đậm chất “Ăng-lê”, đôi khi thấp thoáng sự chế giễu bên trong. Những trận cười mà game mang đến cho bạn, tựu trung, đều nằm ở các câu thoại (đôi khi là các bài hát bất chợt). Mỗi câu mỗi lời của chàng Bard đều làm cho người chơi, dù khó tính đến mấy cũng phải… phì cười. Chẳng hạn, lúc đánh nhau ở các tòa tháp, câu cửa miệng của chàng mỗi khi gặp trùm, luôn là “Tại sao chúng ta không quyết đấu ngay tại đây, mà bắt ta leo lên mấy tầng tháp?” hay có lần đụng độ một nhóm lính gác cửa, anh chàng lại chế nhạo “muốn người ta không vào được, sao không giấu công tắc mở cửa mà lại để nó ngay trước cửa?”. Sự hài hước không chỉ xuất hiện lúc ban đầu, trong quá trình chơi, mà theo bạn cho đến tận cùng. Với xu hướng kết thúc lựa chọn (chỉ ở giai đoạn cuối này, bạn mới quyết định được nội dung game, còn lại đều theo tuyến tính), mỗi phần kết sẽ đem lại những đoạn phim khác nhau, cho ta những trận cười thỏa thuê, bất ngờ…
Điểm mà người viết thích thú nhất là chàng Bard hay càu nhàu với cả… người dẫn truyện – nhân vật luôn là kẻ “vô hình” đối với các sự kiện trong game, nhưng với The Bards Tale thì đây là một điểm rất độc đáo: đôi khi anh ta ở “ngoài” cuộc, nhưng có lúc lại là người bên “trong”. Mỗi khi lời bình của người dẫn truyện không đúng, chàng Bard nhà ta liền lên tiếng phàn nàn không ngớt, và thế là nội dung lời bình phải… sửa gấp theo yêu cầu của gã nghệ sĩ lắm lời, khó tính! Góp công lớn thể hiện thành công ý tưởng này, phải kể đến hai diễn viên lồng tiếng: Tony Jay (diễn viên kỳ cựu, lồng tiếng cho rất nhiều game – vai người dẫn truyện) và Cary Elwes (nam diễn viên người Anh – vai Bard). Một già, một trẻ, cả hai đã cùng “quậy tưng” cả trò chơi lên, làm cho những câu thoại vốn dĩ rất khó xơi, hóa ra lại rất vui nhộn!
Nếu bạn đã từng chơi qua hai game bên hệ console: Baldurs Gate: Dark Alliance và Champions of Norrath, bạn dễ dàng nhận ra The Bards Tale có phong cách na ná. Cũng phải thôi, vì The Bards Tale được xây dựng dựa trên engine của hãng Snowblind Studios (nơi phát triển hai game console trên). The Bards Tale theo đuổi trường phái nhập vai hành động (Action RPG) tương tự hai trò trên, nhưng phần kết cấu của nó đơn giản hơn rất nhiều. Game chẳng hề có những câu thoại phức tạp, lựa chọn trả lời vô cùng ngắn gọn; bạn khỏi lo nó sẽ ảnh hưởng đến bố cục chung. Một điểm hay trong khi chơi (nhưng có nhiều người cho là dở) là tất cả các món đồ như vũ khí, ngọc, v.v… đều tự qui thành tiền khi bạn lượm được. Chính điều này làm cho nhịp game cứ thẳng tiến về trước, hướng người chơi vào “action” hơn bận tâm đến các món đồ!
Cái hay khác của The Bards Tale là hệ thống menu thông minh. Thay cho các bảng chứa đồ, trang thiết bị cá nhân nhiều chỗ chứa (kiểu truyền thống) đôi khi quản lý khá phiền, mỗi menu ở đây tượng trưng cho một thứ như menu vũ khí, menu NPC, v.v… chỉ cần “hê! một, hai, ba”, nhấn vài phím tắt là sử dụng. Với cách này, bạn không mất thời gian để dò dẫm tìm đồ mà lại tiện cho việc điều khiển. Kinh nghiệm cho thấy, dùng gamepad dễ xoay xở hơn so với bàn phím, dù có một bất tiện là số lượng kỹ năng khá nhiều nên 10 nút của gamepad thông thường không đủ dùng, phải kết hợp thêm bàn phím (chủ yếu để xem bản đồ).
Nhắc tới NPC thì The Bards Tale có một điểm đặc biệt hơn hai trò kia, khi cho phép người chơi mang theo một nhóm cận vệ lớn bé đủ kiểu (tối đa là 4 NPC cùng lúc). Nhờ các NPC “thiện chiến” này mà các trận chiến đỡ vất vả hơn, nhất là về sau. Việc sử dụng chúng cũng rất thoải mái, không sợ bị giới hạn về mặt “thời gian” như thường thấy ở các game cùng loại. Chỉ có một số ít chỗ, bạn buộc phải dùng một nhân vật cụ thể nhưng trường hợp này rất hiếm. Khá đáng tiếc là The Bards Tale lại không có phần chơi mạng (nhất là mục Co-op) như hai game kia…
The Bards Tale vẫn còn điểm đáng phàn nàn dù chúng không ảnh hưởng lớn đến bố cục của game. Chẳng hạn, các NPC đôi lúc ngớ ngẩn cứ xăm xăm lao đầu vào các bẫy. Chất lượng những đoạn phim 3D (cinema) lại quá mờ và xấu, tương phản hoàn toàn với hình ảnh sắc nét trong game. Việc sử dụng menu có một điểm bất tiện ở phần phép “bơm” máu: lúc nguy cấp thì phải “lật” hai, ba lớp menu, với người dùng không thuần thục thì đây thật sự là một tai họa!
Tuy nhiên, vấn đề lớn đáng chú ý trong The Bards Tale là bất cứ ai khi tiếp xúc với game đều than vãn là góc đặt camera nhìn từ trên xuống khá khó chịu. Với góc nhìn này, người chơi chỉ quan sát được khu vực gần mình, không thể phóng tầm mắt ra xung quanh (dù game cho “nâng” camera nhưng chẳng đáng kể); gây cảm giác “tù túng”. Cũng may là khả năng bị “lọt hố” không có và bạn có thể dựa vào bản đồ nhỏ để xác định đường đi của mình.
Không rườm rà, không kiểu cách, chọn cho mình ý tưởng hài hước và giản đơn trong lối chơi nên dù có vài trục trặc nho nhỏ xảy ra trong quá trình chơi, The Bards Tale vẫn cứ tiến thẳng một cách vững vàng như mạch game của mình. Có thể coi trò chơi là một “hiện tượng lạ” (hay đúng ra là rất hiếm) của dòng game nhập vai hành động trên PC.
Theo PC World Việt Nam