Gal Guardians: Servants of the Dark không chỉ là hậu bản của Gal Guardians: Demon Purge ra mắt năm 2023 mà còn là sự nâng cấp lối chơi của game tiền nhiệm, dù không phải thiết kế nào cũng được đón nhận tích cực. Đặc biệt là xây dựng màn chơi và hệ thống dịch chuyển nhanh. Tệ hơn, hai khía cạnh này mang đến cho tôi cảm giác trò chơi được kiến thiết nhằm chủ ý kéo dài thời lượng chơi hơn là mang nhiều ý nghĩa ở khía cạnh gameplay.
Điều này thật sự là cảm xúc trái ngược so với Gal Guardians: Demon Purge trước đây. Còn ở góc nhìn tích cực, trải nghiệm game vẫn tập trung vào khả năng chơi solo hoặc co-op 2 người như tựa game vừa đề cập. Lần này là hai nhân vật chính hoàn toàn mới Masha và Kirika, hai chị em hầu gái đang trở về lâu đài của chúa quỷ Maxim sau kỳ nghỉ dài thì bi kịch xảy ra. Để cứu lấy Maxim, hai cô gái phải hợp lực truy tìm xương của chủ nhân rải rác khắp quỷ giới.
Tuy nhiên, khám phá và tìm mọi ngóc ngách của màn chơi không phải là cách duy nhất để thu thập xương của chúa quỷ Maxim. Bên cạnh cơ chế truyền thống này, người chơi còn phải dùng tiền kiếm được bằng cách “cày tiền” để mua xương, một cách “đi vào lòng đất” nhằm kéo dài thời lượng chơi không cần thiết từ nhà phát triển Inti Creates, để lại cho tôi ấn tượng ban đầu không mấy đẹp về Gal Guardians: Servants of the Dark so với game tiền nhiệm.
Hệ thống dịch chuyển nhanh dường như cũng được thiết kế với ý đồ tương tự. Địa điểm dịch chuyển nhanh rất hạn chế trong cả thế giới game. Phần nhiều thường đặt ở những vị trí đòi hỏi người chơi phải di chuyển một đoạn đường dài để đến được những nơi cần đến trong trải nghiệm. Đã vậy, trò chơi cũng không có bất kỳ chỉ báo nào như Ender Magnolia: Bloom in the Mist để gợi ý bạn vị trí cần quay lại hoặc định hướng đường đi trong thiết kế.
Màn chơi trong Gal Guardians: Servants of the Dark thường khiến tôi bị rối và mất định hướng nếu không mở bản đồ lên xem. Thậm chí, nhà phát triển dường như cũng biết rõ điều này khi thiết kế hình ảnh nhân vật điều khiển vừa cầm và xem bản đồ vừa di chuyển khi bạn mở bản đồ lên, nhìn rất hài hước mà cũng rất bực mình. Phần lớn thời gian trải nghiệm của tôi là chạy lòng vòng tìm hướng ra đến điểm làm nhiệm vụ được thể hiện bằng lá cờ đỏ một cách mơ hồ.
Ngay cả vị trí save game cũng vậy, thường được đặt ở những nơi trời ơi đất hỡi, cách nhau rất xa trong khi Gal Guardians: Servants of the Dark không có tính năng auto save như phần lớn thiết kế metroidvania trên thị trường hiện nay. Đây là một trong những tựa game hiếm hoi đặt nặng yếu tố làm khó và trừng phạt người chơi hơn là mang đến cảm giác trải nghiệm hào hứng và thỏa mãn, nhất là “tính năng bật ngược” mỗi khi va vào kẻ thù hoặc chướng ngại vật.
Điều này còn thể hiện có cách thiết lập các cạm bẫy và kẻ thù có xu hướng gài bẫy người chơi một cách có chủ ý, khiến tôi khó tránh khỏi cảm giác ức chế trong suốt thời lượng chơi hơn nửa ngày trời. Ở khía cạnh chiến đấu, cả hai nhân vật Masha và Kirika đều có sự khác biệt trong khả năng xung trận. Trong khi Kirika thiên về vũ khí tầm xa thì Masha dùng roi tấn công cận chiến kẻ thù. Nếu chơi solo, bạn có thể chuyển đổi qua lại giữa hai nhân vật bằng một nút bấm.
Vấn đề ở chỗ, khả năng tấn công tầm xa của Kirika có rất nhiều hạn chế khó chịu. Đầu tiên là sát thương của Kirika rất thấp trong khi lượng đạn lại khá hạn chế. Mỗi khi hết đạn là phải mất một khoảng thời gian chờ nhân vật nạp đạn mới có thể tiếp tục chiến đấu. Tôi cũng không nhớ trò chơi có nút bấm nào cho phép nhân vật nạp đạn thủ công khi cần thiết hoặc để chuẩn bị trước cho một cuộc chiến trong trải nghiệm game.
Masha với lợi thế tấn công cận chiến có thể gây ra sát thương lớn, nhưng khả năng va vào kẻ thù rất cao trong quá trình chiến đấu. Khi vung vũ khí, nhân vật này đôi lúc có tình trạng tịnh tiến về phía trước và nếu không cẩn thận, bạn có thể khiến nhân vật va vào kẻ thù ngoài mong muốn. Thiết kế có tính trừng phạt như thế đặc biệt khó chịu khi boss trong Gal Guardians: Servants of the Dark đều có “máu trâu”, mất nhiều thời gian đối đầu và hạ chúng.
Cơ chế nâng cấp kỹ năng của nhân vật xoay quanh việc bạn thu hồi xương của chúa quỷ Maxim nhanh như thế nào. Bằng không, khoảng thời gian ban đầu có thể khiến trải nghiệm trở nên khá khó chịu, khi nhân vật hầu như không có kỹ năng đi cảnh quan trọng nào, dù là nhảy đúp hay dash trên không. Gal Guardians: Servants of the Dark chắc chắn không phải tựa game dành cho những người lần đầu đến với thể loại metroidvania vì lý do quá hiển nhiên.
Bên cạnh khả năng chiến đấu riêng biệt của mỗi nhân vật, Gal Guardians: Servants of the Dark còn có hệ thống vũ khí phụ nhưng chúng ít hữu dụng như tôi kỳ vọng. Ngược lại, cơ chế quản lý hành trang của hệ thống vũ khí phụ này thật sự là cơn ác mộng vì nhìn rất rối. Đã vậy, người chơi cũng không thể biết được cách sử dụng của chúng nếu không thử trang bị và kích hoạt ít nhất một lần hoặc thông qua hướng dẫn của trò chơi. Đơn cử dùng lantern để soi đường.
Bạn còn nhớ chúa quỷ Maxim, chủ nhân của hai nhân vật điều khiển chứ? Nhân vật này cũng không hề vô dụng mà đóng vai trò hỗ trợ khá tốt nhờ vào hệ thống trang bị Sigil tương tự Momodora: Moonlit Farewell, giúp tăng chỉ số theo cách thông thường hoặc phi thông thường. Maxim cũng là nguồn hồi HP miễn phí cho Masha và Kirika trong suốt cuộc hành trình của họ, cộng với một số khả năng hỗ trợ khác một khi bạn thu thập đủ số lượng xương cho Maxim.
Một điều chỉnh đáng chào đón là không như game tiền nhiệm khi một nhân vật thiệt mạng lúc chơi solo, nhân vật còn lại sẽ bị đưa về đầu khu vực và phải chạy lại nơi chị em đã nằm xuống để hồi sinh. Gal Guardians: Servants of the Dark đã bỏ ý tưởng thiết kế câu giờ đó và tự động chuyển sang nhân vật còn lại, cho phép người chơi có thể hồi sinh nhân vật ngay và luôn. Nếu chơi co-op thì điều này từ phần trước đến nay vẫn vậy, không có gì thay đổi.
Tuy vậy, hồi sinh đồng đội chị em không phải là điều duy nhất mà bạn làm trong trải nghiệm game. Trong Gal Guardians: Servants of the Dark, có những hồn ma lai vãng nơi quỷ giới. Người chơi có thể thu thập linh hồn của các NPC đó về đưa lâu đài và hồi sinh họ, mở rộng yếu tố hỗ trợ từ NPC. Thế nhưng, thiết kế này cũng ít nhiều để lại cảm giác kéo dài thời lượng chơi vì không phải NPC nào cũng thật sự hữu dụng cho trải nghiệm game, nhất là khi họ còn là linh hồn.
Khía cạnh nghe nhìn của Gal Guardians: Servants of the Dark nhìn chung tương đối tốt. Trò chơi xây dựng phong cách đồ họa pixel tuy vẫn chi tiết, nhưng tôi nhận thấy ít có tính nghệ thuật cao như Momodora: Moonlit Farewell của Bombservice. Ngược lại, trò chơi có những hình artwork rất đẹp thể hiện nhiều bối cảnh sự kiện và biểu cảm đáng yêu lẫn đáng ghét của dàn nhân vật chính. Tạo hình boss nhiều khi khá hài hước mà cũng nặng yếu tố fan service.
Nhạc nền và phần lồng tiếng Nhật cực ổn, tôi hầu như không có gì phải phàn nàn. Tuy vậy, chất lượng chuyển ngữ tiếng Anh chỉ ở mức trung bình. Không ít phân đoạn các nhân vật trò chuyện cùng nhau với tông điệu có vẻ hài hước như kiểu “ngây thơ vô số tội”, nhưng phần chuyển ngữ không mang đến cảm giác đó. Nhiều đoạn thoại được chấp bút có phần vui vẻ như để chọc cười người chơi nhưng đọc lên lại rất khô khan, không làm bật được cảm xúc đó.
Sau cuối, Gal Guardians: Servants of the Dark mang đến một trải nghiệm phiêu lưu hành động phong cách metroidvania để lại cảm nhận khá trái chiều. Phần chơi hậu bản này có một số cải tiến so với game tiền nhiệm, nhưng cũng có nhiều ý tưởng mang cảm giác cải lùi so với trước, nhất là những thiết kế đặt nặng yếu tố trừng phạt người chơi và có tính kéo dài thời lượng chơi thấy rõ.
Gal Guardians: Servants of the Dark hiện có cho PC (Windows), PlayStation 5, PlayStation 4, Switch.
Bài viết sử dụng game do nhà phát hành hỗ trợ và được chơi trên PC.
Tham gia cùng chúng tôi trên SteamTham gia kênh Steam của Trải Nghiệm SốXem thêm bài đánh giá các game khácTrải Nghiệm Số viết rất nhiều bài đánh giá game, bạn đừng bỏ lỡ nhé!