G.I. Joe: Wrath of Cobra sở hữu lối chơi beat’em up kéo màn hình tưởng chừng khá hào hứng, nhưng lại đi vào vết xe đổ của G.I. Operation Blackout trong thiết kế lối chơi nhạt nhòa, thiếu dấu ấn riêng. Game chăm chút khá tốt ở các khía cạnh còn lại như đồ họa pixel nhiều chi tiết, nhạc nền khá hào hứng cũng như vô số thứ để mở khóa nhằm kéo dài thời lượng chơi. Thế nhưng đáng tiếc, những điều đó đều không giúp ích được mấy cho trò chơi trừ các bạn nhỏ hoặc những “bạn già” yêu thích thương hiệu này.
Nói thế không phải G.I. Joe: Wrath of Cobra tệ. Ở góc độ người chơi, tôi có cảm giác nhà phát triển Maple Powered và cũng là “cha đẻ” của game mô phỏng Monster Harvest, muốn hướng “đứa con tinh thần” của họ đến những fan cứng của thương hiệu G.I. Joe hơn. Điều này thể hiện rõ nét ngay từ số lượng achievement ít ỏi mà người chơi có thể mở khóa trong suốt hơn 10 màn chơi Story Mode của trải nghiệm game. Đáng nói, những achievement này chủ yếu tập trung vào Story Mode với hai yêu cầu chính.
Đó là hoàn thành một màn chơi nhất định mà không bị trúng đòn của kẻ thù hoặc không bị mất một mạng nào của nhân vật điều khiển. Tệ hơn, G.I. Joe: Wrath of Cobra thậm chí không có các achievement hoàn thành mỗi màn chơi, khiến game hầu như không có giá trị với những ai thích săn achievement. Việc thu hẹp đối tượng người chơi của nhà phát triển khiến tôi cảm thấy ngạc nhiên, đặc biệt khi game được xây dựng khá chỉn chu ở khía cạnh nghe nhìn nếu không nói là đồ họa pixel nhìn đa dạng và chi tiết.
Lối chơi của G.I. Joe: Wrath of Cobra chỉ dừng ở mức rất cơ bản của thể loại beat’em up, không khác nhiều những cái tên vô cùng kinh điển ngày xưa như Final Fight hay bản Streets of Rage 4 ăn theo series game kinh điển cùng tên. Người chơi có thể chọn giữa 6 nhân vật điều khiển nhưng hai trong số đó đòi hỏi phải mở khóa thông qua thu thập những chiếc đĩa mềm xanh dương và đỏ mà kẻ thù rơi ra trong quá trình chiến đấu. Các yếu tố mở khóa cũng vậy, nhưng tất cả đều nặng tính cày cuốc.
Cụ thể, credit trung bình để mở khóa một tính năng hay nhân vật là 2000 điểm. Để đạt được số điểm đó, bạn gần như phải chơi hết Story Mode. Vấn đề ở chỗ do thiết kế lối chơi đơn giản chỉ dừng ở mức cơ bản, trải nghiệm game hầu như chỉ vui ở vài màn chơi đầu tiên rồi chán dần khi càng chơi về sau. Đã vậy, kẻ thù trong G.I. Joe: Wrath of Cobra cũng không đa dạng. Quanh quẩn chỉ khoảng 4-5 loại nhưng chủ yếu là thay đổi màu sắc và vũ khí trên tay, cộng với khả năng lì đòn nên mất thời gian đánh hơn.
Thậm chí nếu mô tả ngắn gọn nhất, phần lớn trải nghiệm G.I. Joe: Wrath of Cobra của tôi chỉ xoay quanh việc tấn công để nhanh chóng làm đầy thanh tuyệt kỹ, sử dụng tuyệt kỹ để lùa hết đám lính của Cobra xuống địa ngục rồi kéo màn hình di chuyển tiếp. Cứ thế đến khi gặp boss, nhưng những trận đụng độ chúng để lại cảm giác tẻ nhạt không thể tưởng tượng được. Những kẻ thù mang tiếng là boss cuối màn này thường hay gọi đàn em ra đánh hội đồng bạn, còn chúng di chuyển nhiều hơn ra đòn.
Thế nên để tiêu diệt chúng, bạn thường phải chơi trò rượt đuổi trong không gian nhỏ đó. Vấn đề ở chỗ hầu hết boss đều không bị tác động nhiều bởi tuyệt kỹ của nhân vật điều khiển, khiến việc truy đuổi chúng để vả cho vài cái không trượt phát nào nhanh chóng nặng tính lặp lại trong lối chơi. Chưa hết, các nhân vật điều khiển tuy khác biệt về tuyệt kỹ và kỹ năng chiến đấu cơ bản, nhưng thường tạo cảm giác được xây dựng cho trải nghiệm hỗ trợ trong co-op hơn là dành cho những ai chỉ có thói quen solo.
Đơn cử tuyệt kỹ của Scarlett là làm tê liệt toàn bộ kẻ thù. Tức là chỉ có tính hỗ trợ đồng đội khi làm trì hoãn kẻ thù đông đảo trên màn hình. Trong khi đó, nhân vật này có khả năng chiến đấu cơ bản khá yếu và rất dễ thiệt mạng so với các đồng đội cứng cựa hơn, chẳng hạn anh Duke to giai bắp thịt cuồn cuộn. Lẽ ra trải nghiệm G.I. Joe: Wrath of Cobra đã có thể hấp dẫn hơn nếu nhà phát triển học hỏi hệ thống combo trong Fight’N Rage có cùng lối chơi của đồng nghiệp Sebastián García.
G.I. Joe: Wrath of Cobra cũng có một số loại vũ khí không mấy đa dạng được đặt rải rác trong màn chơi, nhưng chúng thường ít hiệu quả trong chiến đấu do số lượng vô cùng ít ỏi đã đành mà kẻ thù cũng rất “trâu” trước súng đạn. Ức chế nhất là diễn hoạt nhặt vũ khí thường không nhanh lẹ cùng vài bất tiện khác, dẫn đến những trường hợp chạy lại nhặt súng giữa vòng vây kẻ thù rất dễ khiến bạn lãnh đòn tấn công combo của kẻ thù cực kỳ ức chế. Tôi không nghĩ các đặc vụ G.I. Joe lề mề và kém cỏi đến thế.
Ở góc độ người chơi lâu năm của thể loại beat’em up, trải nghiệm G.I. Joe: Wrath of Cobra ít nhiều để lại cảm giác trái chiều vì thiếu chăm chút ở khía cạnh gameplay. Giá mà nhà phát triển đa dạng hóa khả năng chiến đấu của nhân vật điều khiển. Chẳng hạn cho anh Duke đô con thêm khả năng túm và ném kẻ thù như các chàng ninja rùa tuổi trẻ tài cao trong Teenage Ninja Turtles: Shredder’s Revenge. Điểm sáng duy nhất trong lối chơi của game là miniboss “máu trâu” gây nhiều ức chế hơn cả boss cuối màn.
Yếu tố mở khóa của trò chơi cũng để lại cho tôi cảm giác khá lẫn lộn. Phần lớn những mở khóa này đều đòi hỏi “cày cuốc” trên cơ chế gameplay kém hấp dẫn đã đành, mà chủ yếu chỉ xoay quanh việc tăng độ khó của trải nghiệm game hơn. Đơn cử có tính năng mở khóa khiến kẻ thù có thể “1 hit 1 kill” nhân vật điều khiển của người chơi. Tuy vậy, tôi không thể không nhận thấy những thiết kế này tương đồng với hệ thống achievement của trò chơi khi hướng đến những người chơi hardcore hơn.
Sau cuối, G.I. Joe: Wrath of Cobra mang đến một trải nghiệm beat’em up thiếu chiều sâu trong xây dựng lối chơi, nếu không nói là thiếu dấu ấn cá nhân dù được xây dựng trên nền tảng chuyển thể khá tốt. Trò chơi được đầu tư khía cạnh nghe nhìn khá bài bản và thiết kế màn chơi rất tốt, nhưng yếu tố gameplay cốt lõi lại không được chú trọng dẫn đến trải nghiệm game nhanh chóng trở nên nhàm chán càng về sau, khó tránh khỏi để lại cho người chơi cảm giác khá lẫn lộn trừ khi bạn là fan cứng của thương hiệu.
G.I. Joe: Wrath of Cobra hiện có cho PC (Windows).
Bài viết sử dụng game do nhà phát hành hỗ trợ.
Tham gia cùng chúng tôi trên SteamTham gia kênh Steam của Trải Nghiệm SốXem thêm bài đánh giá các game khácTrải Nghiệm Số viết rất nhiều bài đánh giá game, bạn đừng bỏ lỡ nhé!