G.I. Joe: Operation Blackout là game bắn súng góc nhìn thứ ba thiên về lối chơi co-op 2 người với các nhân vật điều khiển từ cả hai đội G.I. Joe và Cobra Command. Trò chơi còn có cả multiplayer PvP 4 người với ba chế độ chơi khá hào hứng: Capture the Flag, Assault, King of the Hill và Deathmatch Arena. Với cốt truyện được cải biên từ loạt phim hoạt hình G.I. Joe, liệu những gì mà tựa game này mang đến có đủ sức thuyết phục? Câu trả lời đang chờ bạn ở cuối bài.
Bên cạnh Teenage Mutant Ninja Turtles, G.I. Joe là một trong những cái tên yêu thích của tôi từ thời đại NES 8 bit ngày xưa, đặc biệt là bản A Real American Hero vô cùng xuất sắc. Chính vì thế mà khi G.I. Joe: Operation Blackout được công bố với lối chơi bắn súng góc nhìn thứ ba và hỗ trợ co-op đầy quyến rũ, tôi đã lập tức đưa tựa game này vào tầm ngắm. Tuy nhiên, trò chơi có vài vấn đề về thiết kế game khiến tôi phải liên tục đặt câu hỏi về đối tượng mà nhà phát triển muốn hướng đến.
G.I. Joe: Operation Blackout lấy nội dung từ các tập Pyramid of Darkness của bộ phim hoạt hình G.I. Joe phát hành vào năm 1983. Phần nội dung được kể lại thông qua những khung hình kiểu truyện tranh với chút chuyển động đơn giản gợi nhiều cảm giác hoài cổ. Trải nghiệm game mở đầu khi bên Cobra tấn công phủ đầu vào trung tâm đầu não USS Flagg của nhóm G.I. Joe, khơi mào chiến dịch Blackout. Sau cuộc tấn công bất ngờ, đôi bên bắt đầu phản công qua lại và đó là những gì mà bạn trải nghiệm.
Kỳ thực, mặc dù cốt truyện không có nhiều chiều sâu ở khía cạnh câu chuyện kể, nhưng nó cũng có nút thắt này nọ kia đúng như nguyên tác. Đáng chú ý, các nhiệm vụ đối đầu trong G.I. Joe: Operation Blackout được sắp xếp xen kẽ giữa các nhân vật của hai phe Cobra và G.I. Joe. Người chơi sẽ lần lượt điều khiển tổng cộng 12 nhân vật trong suốt trải nghiệm game. Mỗi nhân vật đều có chỉ số riêng cũng như tuyệt kỹ và vũ khí đặc trưng tạo nên sự khác biệt trong mỗi màn chơi.
Đồ họa cel-shade có vẻ khá hợp với trải nghiệm game. Tạo hình đồng đội G.I. Joe và Cobra của người chơi có phần giống với hoạt hình nên rất dễ nhận ra. Hiệu năng cũng tốt bất ngờ nhất là khi trải nghiệm trên Nintendo Switch. Tôi gần như không phát hiện trường hợp sụt giảm tốc độ khung hình hay giật hình nào trong suốt trải nghiệm game. Điều này đặc biệt ấn tượng khi bạn biết rằng phần lớn các trận chiến đều đòi hỏi người chơi chiến đấu với số lượng kẻ thù đông đảo cùng một lúc.
Không những vậy, yếu tố fan service cũng rất được coi trọng. G.I. Joe: Operation Blackout có hàng đống thứ để mở khóa thông qua trải nghiệm game, từ skin nhân vật cho tới vũ khí. Người chơi cũng được lái xe bọc thép chiến đấu trong một số nhiệm vụ. Thế nhưng, những phân đoạn này kém hào hứng hơn chiến đấu bằng các nhân vật G.I. Joe hoặc Cobra. Lý do là vì xe tự chạy về phía trước, người chơi chỉ được điều khiển hướng rẽ và nhắm bắn với thao tác điều khiển tương tự như với nhân vật.
Màn chơi trong G.I. Joe: Operation Blackout khá đa dạng về thiết kế, nhưng có vẻ không phù hợp lắm để trải nghiệm trên Nintendo Switch ở chế độ handheld. Trò chơi sử dụng cỡ chữ phụ đề rất nhỏ trong hầu hết các trường hợp. Đã vậy lại còn không có tùy chọn tăng giảm kích cỡ phụ đề, khiến tôi gặp nhiều khó khăn khi cố gắng đọc phụ đề ở chế độ handheld. Cũng may mà giọng lồng tiếng của các nhân vật dễ nghe nên tôi không gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp thu câu chuyện kể.
Đáng chú ý, G.I. Joe: Operation Blackout hỗ trợ cả solo lẫn co-op 2 người cho phần chơi Campaign. Tuy nhiên, trải nghiệm solo thường khiến tôi ức chế vì AI khá vô dụng, gần như chỉ đi tò tò theo làm bia đỡ đạn phụ bạn hơn là hỗ trợ chiến đấu. Phần lớn cuộc chiến đều do người chơi tự thân vận động, trong khi AI thường hay gây cản trở bạn di chuyển hoặc chiến đấu trong phần lớn các trường hợp. Ngược lại, trải nghiệm co-op chỉ hỗ trợ chế độ local chứ không hỗ trợ chơi online.
Không những vậy, G.I. Joe: Operation Blackout còn có thêm chế độ chơi Team Battle. Đây kỳ thực là phần chơi multiplayer với ba chế độ: Team Arena, Assault và Capture the Flag. Team Arena và Assault nghe có thể hơi lạ nhưng chỉ là khác tên gọi. Kỳ thực, nó chính là chế độ chơi Deathmatch và King of the Hill quen thuộc trong những tựa game bắn súng. Thế nhưng cũng giống như Campaign, khá đáng tiếc là các chế độ chơi multiplayer PvP chỉ hỗ trợ local tối đa bốn người, không cho phép chơi online.
Vấn đề lớn nhất của G.I. Joe: Operation Blackout là hệ thống nhiệm vụ nặng tính lặp lại trong thiết kế. Ngoài yêu cầu tương tác hiếm khi khiến bạn cảm nhận rõ nét điều này, trò chơi có xu hướng đẩy người chơi vào tình huống “1 mình chống mafia” sau mỗi lần tương tác nhất định. Thiết kế này còn đi kèm với cơ chế trợ nhắm rất ư là gì đâu. Cực chẳng đã, trải nghiệm còn bị ảnh hưởng không nhỏ bởi vấn đề “biết rồi khổ lắm nói mãi” của cần analog tay cầm Joy-Con thiếu sự chính xác.
Sau cuối, G.I. Joe: Operation Blackout mang đến một trải nghiệm hành động bắn súng chuyển thể từ phim hoạt hình G.I. Joe dễ để lại cảm giác khá lẫn lộn. Điểm trừ lớn nhất của game là hệ thống nhiệm vụ kém hào hứng, trong khi những khía cạnh khác của trò chơi hầu hết đều là điểm cộng, nhất là thiết kế màn chơi đa dạng. Chất lượng đồ họa tuy có chút thua kém các nền tảng khác nhưng ở mức chấp nhận được, trong khi hiệu năng quá tốt không có gì để chê. Nếu yêu thích G.I. Joe, đây vẫn là cái tên khá đáng cân nhắc.
G.I. Joe: Operation Blackout hiện có cho PlayStation, Xbox One và Nintendo Switch. Bản PC được xác nhận đang phát triển và hiện chưa có ngày phát hành chính thức.
Bài viết sử dụng game do nhà phát hành hỗ trợ và được chơi trên Nintendo Switch.
Tham gia cùng chúng tôi trên SteamTham gia kênh Steam của Trải Nghiệm SốXem thêm bài đánh giá các game khácTrải Nghiệm Số viết rất nhiều bài đánh giá game, bạn đừng bỏ lỡ nhé!