Freedom Wars Remastered là bản remaster của game hành động nhập vai kinh điển từ thời máy chơi game cầm tay PlayStation Vita. Điều thú vị là ở thời điểm ra mắt ban đầu, đây là game first party của Sony nhưng bản remaster này được phát hành đa nền tảng trừ hệ máy của Microsoft. Dấu ấn này còn thể hiện ở watermark rất lớn và thật sự rất xấu được gắn vào tất cả screenshot và clip mỗi khi người chơi sử dụng tính năng capture tương ứng.
Ngược dòng thời gian khi nguyên bản Freedom Wars ra mắt trên PlayStation Vita vào năm 2014. Thời điểm đó, hệ máy chơi game cầm tay của Sony thiếu vắng những bản Monster Hunter luôn hút hồn giới mộ điệu trên nền tảng tiền thân PlayStation Portable cực kỳ thành công. Đó là nếu không tính Monster Hunter Frontier G. Một phần vì đây là tựa game không được chuyển ngữ và phát hành quốc tế. Yếu tố còn lại thì vì đó là game MMO.
Chính vì vậy mà những bản clone của Monster Hunter xuất hiện khá nhiều trên PlayStation Vita. Có thể kể đến một số tựa game với chất lượng từ thấp đến cao theo quan điểm của tôi như Toukiden, Soul Sacrifice và tất nhiên không thể không nhắc đến series game God Eater rất thành công trên hệ máy chơi game cầm tay của Sony ngày đó. Nguyên bản Freedom Wars cũng là một trong số này, thậm chí gọi đây là game bom tấn cho PlayStation Vita cũng không sai.
Với thiết kế dành riêng cho hệ máy chơi game cầm tay với thời lượng pin ít ỏi, màn hình nhỏ cùng một số hạn chế về phần cứng và cảm giác điều khiển, tất nhiên không thể so sánh game gốc hay Freedom Wars Remastered với những game “thợ săn quái vật” đình đám có quy mô lớn của Capcom. Chẳng hạn như bản Monster Hunter World hay thậm chí ít quy mô hơn cái tên vừa đề cập một chút là Monster Hunter Stories 2: Wings of Ruin.
Nếu chưa từng chơi nguyên bản Freedom Wars trước đây, những thông tin nói trên hy vọng sẽ giúp bạn hình dung lối chơi của tựa game kinh điển này hơn, dù nó được đơn giản hóa rất nhiều. Ngoài việc đại tu lại chất lượng đồ họa với texture có độ phân giải cao đến 4K trên những hệ máy có phần cứng đủ mạnh, bản remaster còn tinh chỉnh lại cơ chế điều khiển trực quan và thuận tiện hơn cho trải nghiệm bằng tay cầm trên các hệ máy chơi game hiện tại.
Một bổ sung nhỏ mà tôi phát hiện ra là Freedom Wars Remastered có thêm phần lồng tiếng Nhật, nhưng tính năng này được giấu rất kỹ trong hệ thống menu sử dụng những thuật ngữ phức tạp và khó hiểu dưới cái tên Request Auditory Refit. Thế nhưng ngay cả khi chọn lồng tiếng Nhật, chỉ một số nhân vật chính liên quan đến cốt truyện là nói tiếng Nhật. Còn các NPC khác bao gồm cả nhân vật hỗ trợ của người chơi vẫn thoại bằng tiếng Anh.
Theo thông tin từ nhà phát hành, Freedom Wars Remastered còn bổ sung một thiết lập độ khó mới cũng như đại tu lại hệ thống chế tác vũ khí. Ngoài những thay đổi được đề cập nãy giờ, bản remaster vẫn là “thợ săn quái vật” với các cơ chế gameplay được đơn giản hóa, phù hợp với những lượt chơi có thời lượng ngắn hơn là kéo dài như game nhập vai truyền thống. Trò chơi cũng sử dụng những thuật ngữ mới và thêm vài yếu tố khác để tạo sự mới mẻ cho trải nghiệm game.
Freedom Wars Remastered lấy bối cảnh tương lai xa xôi tận 10000 năm sau nếu tính từ thời điểm trò chơi ra mắt lần đầu năm 2014. Khi đó, tài nguyên của trái đất đã cạn kiệt và mặt đất không còn có thể sống được nữa. Nhân loại sống trong những thành phố ngầm được giám sát chặt chẽ gọi là Panopticon. Gọi là giám sát chặt chẽ nhưng thật ra là chế độ kiểm soát độc tài tước đi quyền cơ bản của con người, đến mức những người được sinh ra đều bị xem là tội đồ.
Họ được gọi là sinner và phải chịu án tù 1 triệu năm ngay từ lúc mới sinh, bị buộc phải tham gia dưới danh nghĩa “tự nguyện” các cuộc chiến bảo vệ Panopticon trước các Panopticon khác trong công cuộc thâu tóm tài nguyên, để được xóa án và giành lại quyền con người. Tài nguyên trong Freedom Wars Remastered không chỉ đơn thuần theo nghĩa đen mà còn liên quan đến những công dân có trình độ cao, được xem là tầng lớp thượng đẳng hơn trong xã hội của trò chơi.
Với bối cảnh được xây dựng hấp dẫn như thế, nhưng Freedom Wars Remastered lại rất hụt chân với kịch bản khá nhàm chán và những tình tiết kéo lê thê một cách không cần thiết. Một vấn đề khác của trò chơi là giao diện game được xây dựng cho trải nghiệm trên PlayStation Vita, vô tình lại gây không ít khó chịu vì không được tối ưu tốt không gian khi chơi trên các hệ máy chơi game kết nối ra tivi có màn hình lớn.
Chữ hiển thị ở các menu thì quá to và không hiếm trường hợp không hiển thị đầy đủ mô tả mà chạy qua chạy lại trong khung nhìn khá chán. Thiết kế menu cũng vậy khi thường chiếm khoảng phân nửa màn hình trông rất khổng lồ, ngay cả khi tôi chỉ chơi trên máy Switch kết nối ra màn hình 27 inch. Khi trải nghiệm trên các thiết bị chơi game cầm tay như Steam Deck hay Switch ở chế độ handheld, những điểm trừ nói trên cũng không trở thành ưu điểm như tôi nghĩ ban đầu.
Trong Freedom Wars Remastered, người chơi sẽ phải đối mặt với không ít những quái vật khổng lồ gọi là Abductor. Phần lớn các nhiệm vụ xoay quanh cuộc chiến với những sinh vật này, các sinner của những Panopticon thù địch và giải cứu các công dân có trình độ cao gọi là Citizen. Những người này có thể bị Abductor giam giữ trong bộ phận cơ thể chúng gọi là pod. Nhiệm vụ của bạn là phải phá hủy pod, giải cứu họ và đưa về phi thuyền sơ tán RRU.
Dù yêu cầu nhiệm vụ là gì, phần lớn trải nghiệm xoay quanh cuộc chiến với những Abductor khổng lồ là chính. Bạn cũng dùng dây lôi chúng nằm xuống đất hoặc tùy vào chiến thuật, gây sát thương phá vỡ các bộ phận trên cơ thể chúng. Lối chơi của Freedom Wars Remastered tương đối đơn giản và nặng cảm giác lặp lại về sau, đặc biệt khi kẻ thù ngày càng được nâng cấp mạnh hơn nhân vật điều khiển khá nhiều với hệ thống tương khắc nguyên tố quen thuộc.
Cảm giác chiến đấu trong Freedom Wars Remastered có nhịp độ nhanh có thể sánh với Monster Hunter Rise, cộng với một số yếu tố gameplay khác biệt so với những trải nghiệm game cùng thời ngày xưa. Nhân vật chính có thể trang bị hai loại vũ khí cận chiến và tầm xa với các nâng cấp quen thuộc. Ngoài ra, người chơi còn có thể sử dụng tính năng Thorn trợ chiến tùy theo chiến thuật và lối chơi cá nhân. Từ công kích, hồi máu đến phòng thủ.
Gọi là công kích cũng không hẳn chính xác nhưng đó là cảm nhận của tôi với Binding Thorn. Kỹ năng này cho phép người chơi vô hiệu hóa Abductor trong thời gian nhất định. Nếu không dùng Binding Thorn, bạn cũng có thể giằng co với kẻ thù thông qua bấm nút tương tác liên tục khi sử dụng kỹ năng quăng dây kiêm đu bám mọi nơi. Tất nhiên kẻ thù cũng không đứng yên khi bạn làm thế, chúng sẽ có những phản công bất ngờ hất văng bạn khỏi trò kéo co.
Hỗ trợ người chơi là các nhân vật đồng hành cùng nhân vật giám sát gọi là Accessory. Tất cả đều do AI điều khiển. Người chơi có thể ra lệnh một cách giới hạn cho nhân vật trong party khi chiến đấu. Những câu lệnh này có thể hữu dụng trong một số trường hợp nhưng đừng kỳ vọng quá nhiều khi phần lớn trải nghiệm về sau, Freedom Wars Remastered gần như bắt người chơi cân solo mọi thể loại nhiệm vụ với AI ngày càng trở nên vô dụng.
Hầu hết sự hạn chế tương tác trong Freedom Wars Remastered sẽ dần được mở khóa thông qua quá trình trải nghiệm game, cụ thể là thăng cấp CODE khi hoàn thành các nhiệm vụ. Đây một hệ thống thăng cấp độc đáo trong game, đi kèm với các quyền lợi cho phép nhân vật chính tự do hành xử hơn mà không bị kết án tù bổ sung vào con số 1 triệu năm được nhân vật lãnh án khi sinh ra. Chẳng hạn được phép chạy liên tục quá 20 giây.
Bên cạnh phần chơi đơn, Freedom Wars Remastered cũng hỗ trợ trải nghiệm co-op lên đến 4 người và multiplayer đối đầu với những người chơi từ các Panopticon khác. Cụ thể hơn, trò chơi yêu cầu chọn Panopticon ngay từ đầu trải nghiệm tùy theo khu vực do bạn thiết lập. Những người chơi ở các Panopticon không chỉ chiến đấu lẫn nhau trong chế độ Vs. Operations, mà còn cạnh tranh đóng góp cho thành phố của mình để giành top trong bảng xếp hạng.
Còn ở góc độ đại tu, công tác remaster được nhà phát triển xử lý khá tốt khi xét đây là một tựa game với chất lượng đồ họa ban đầu vốn không vượt quá độ phân giải 960×544 của PlayStation Vita. Phiên bản Switch mà tôi trải nghiệm cho chất lượng hình ảnh sắc nét với độ phân giải 1080p30 khi gắn dock. Tốc độ khung hình 30fps ít nhiều làm giảm cảm giác trải nghiệm so với 60fps trên các phần cứng mạnh hơn, nhưng đó là giới hạn phần cứng của máy Switch.
Trò chơi cũng có hiệu năng khá tốt trên hệ máy của Nintendo. Tôi rất hiếm khi gặp tình trạng sụt giảm tốc độ khung hình bất thường. Đáng tiếc là do tay cầm Joy-Con bị hư nên tôi không trải nghiệm Freedom Wars Remastered nhiều ở chế độ handheld để có cái nhìn toàn diện hơn về hiệu năng. Tuy nhiên, tôi có gặp tình trạng văng game lẫn bị treo ở màn hình chờ tải dữ liệu một số lần không rõ nguyên nhân với phiên bản 1.2.0.
Sau cuối, Freedom Wars Remastered mang đến một trải nghiệm hành động nhập vai có tính hoài niệm nhiều hơn là sự mới mẻ ở góc độ thiết kế gameplay. Bản remaster cũng bao gồm tất cả ưu và khuyết điểm của nguyên bản. Trò chơi có nhịp độ câu chuyện kể lề mề gây không ít ức chế, trong khi lối chơi không có nhiều nổi bật so với sự phát triển rất xa của thể loại này trong suốt 10 năm qua, tính đến thời điểm bài viết. Một lựa chọn khó nhưng khá đáng chú ý với những ai chưa từng chơi game gốc.
Freedom Wars Remastered hiện có cho PC (Windows), PlayStation 5, PlayStation 4, Switch.
Bài viết sử dụng game do nhà phát hành hỗ trợ và được chơi trên Switch.
Tham gia cùng chúng tôi trên SteamTham gia kênh Steam của Trải Nghiệm SốXem thêm bài đánh giá các game khácTrải Nghiệm Số viết rất nhiều bài đánh giá game, bạn đừng bỏ lỡ nhé!