Flashback là tuyệt tác game cinematic platform kinh điển của 28 năm về trước và từng được “đập đi xây lại” nhưng phiên bản này không được đánh giá cao. Trong khi đó, bản gốc vô cùng kinh điển vẫn luôn sống mãi cùng thời gian khi được ra mắt trên nhiều nền tảng tự cổ chí kim.
Flashback là cuộc phiêu lưu của Conrad B. Hart trên đường chạy trốn sự truy đuổi không rõ nguyên nhân của một đám người ngoài hành tinh. Không may là phi thuyền của nhân vật chính bị trúng đạn và rơi xuống một hành tinh lạ. Từ đây, bạn phải giúp Conrad điều tra thân thế của bản thân và tìm đường về lại trái đất. Thế nhưng, vận xui vẫn không buông tha khi nhân vật chính liên tục bị nhiều đối tượng truy đuổi. Kỳ thực, trò chơi tuy có cốt truyện khá kinh điển nhưng sở hữu gameplay không phải dạng vừa đâu.
Khác biệt rõ nét nhất của phiên bản Switch so với Flashback Mobile là không hỗ trợ điều khiển bằng cảm ứng và không có vật phẩm thu thập Street Art. Người chơi chỉ có thể trải nghiệm bằng tay cầm, nhưng đây không phải là vấn đề khi xét ở khía cạnh điều khiển cảm ứng vốn không phù hợp với lối chơi đặc trưng của Flashback. Trò chơi mang nhiều cảm giác giống Prince of Persia kinh điển ngày xưa và “người anh em thiện lành” Another World hay còn có tên khác là Out of This World.
Cơ chế điều khiển khá giống với bản Mega Drive (Genesis) mà ngày xưa tôi từng chơi, nhưng các nút còn thiếu do khác biệt thiết kế tay cầm được chuyển sang ZL và ZR. Người chơi dùng cần analog trái hoặc d-pad để điều khiển nhân vật, trong khi nút A để nhảy và các nút còn lại đều được gán cho các hành động tương ứng với sử dụng vật phẩm hoặc vũ khí. Tuy nhiên, nút bắn được gán cho ZR nên những màn chơi về sau đôi lúc dễ bầm nhầm khá ức chế. Điểm trừ nhỏ là bạn không thể gán lại nút bấm khác phù hợp với thói quen.
Ở góc độ người chơi, vấn đề này có thể là điểm trừ lớn nếu bạn không quen với độ khó mặc định trong thiết kế của những cái tên kinh điển vào thập niên 90 như Flashback. Đáng nói hơn, nhân vật chính có vũ khí “bao la đạn”, nhưng màn chắn giúp bảo vệ Conrad trước những kẻ thù hung hăng thì không như thế. Ngay cả khi bạn chơi rất cẩn thận, khả năng cao vẫn là để nhân vật chính thiệt mạng không ít lần trước khi tự tin vượt qua một phân đoạn đi cảnh xen lẫn chiến đấu nào đó.
Để giúp người chơi “đối phó” với mức độ thử thách cao, Flashback phiên bản Switch có thêm tính năng Rewind, cho phép bạn “quay ngược thời gian” trước mỗi lần để nhân vật mất mạng vì bất cứ lý do gì. Tính năng này chỉ có thể sử dụng giới hạn thời gian nhất định ở độ khó Normal, nhưng Easy cho phép bạn “tua lùi” thoải mái. Ngay cả tôi dù đã trải nghiệm tựa game này nhiều lần trước đây, nhưng mỗi lần chơi lại vẫn mắc những sai sót khó tránh khỏi vì độ khó không phải dạng vừa đâu của nó.
Nhờ có Rewind, các save point vốn là “đặc sản” của thiết kế game ngày xưa trở nên không quan trọng nhiều nữa. Flashback không có tính năng autosave quen thuộc của thiết kế game “hiện đại” ngày nay, nhưng trò chơi tự động save game ngay mỗi đầu màn. Bạn cũng có thể dùng các save point đặt rải rác khắp các màn chơi với số lượng dồi dào cho cùng mục đích, nhưng đôi lúc nó có thể gây ức chế khi người chơi sai sót trong một số tình huống nhất định, chẳng hạn màn chơi “tháp tử thần” như cái tên của nó đã gợi ý.
Khía cạnh nghe nhìn của Flashback phiên bản Switch có lẽ không có gì nhiều để nói. Về cơ bản, nhà phát triển đã cố gắng giữ nguyên phong cách đồ họa kinh điển xuất sắc và rất chi tiết ở thời điểm phát hành lần đầu. Phải thừa nhận là nhìn khá đẹp ở chế độ handheld máy Switch. Trò chơi chỉ cung cấp một số tùy chọn bộ lọc để giảm bớt cảm giác pixel về mặt hình ảnh hoặc giả lập những được sọc ngang của ti vi CRT ngày xưa. Tương tự, nhạc nền cũng cho bạn lựa chọn giữa soundtrack nguyên gốc hoặc remix mới có chất lượng cao hơn.
Nói đến Flashback cũng không thể không nhắc đến kỹ thuật dựng chuyển động rotoscope vô cùng ấn tượng của trò chơi. Không chỉ riêng Conrad, chuyển động của các NPC đều rất mượt mà và tự nhiên giống với thực tế. Nếu tôi nhớ không lầm thì thời điểm tựa game này phát hành lần đầu cũng là lúc giao thời giữa công nghệ dựng hình 3D và spire 2D. Thế nhưng, ở thời điểm hiện tại thì hình ảnh vẫn rất xuất sắc, từ cách vận dụng màu sắc tương phản cho tới sự tinh tế trong xây dựng từng chi tiết của môi trường màn chơi.
Hiệu năng của Flashback phiên bản Switch cũng rất ấn tượng. Nó không phải được xây dựng trên bản chuyển nền khác bằng giả lập SNES từng để lại nhiều tiếng xấu. Phiên bản mới rất mượt mà, tốc độ khung hình cực kỳ ổn định, không có tình trạng thỉnh thoảng bị chậm như phim chiếu chậm. Một điểm cộng khác nữa là thử và sai, “đặc sản” của thể loại cinematic platform cũng rất được tiết chế trong thiết kế màn chơi. Dù vậy, trải nghiệm game vẫn không tránh khỏi vài tình huống bất công, nhưng không nhiều đến mức gây ức chế cực độ.
Sau cuối, Flashback phiên bản Switch mang đến một trải nghiệm cinematic platform hoài cổ khá tuyệt vời nếu không nói là rất xuất sắc. Mặc dù có vướng phải một số thiết kế hơi bất công, nhưng những điểm trừ này chẳng thấm vào đâu so với những gì mà tựa game này mang đến. Nếu yêu thích cái tên kinh điển này ngày xưa, đây chắc chắn là phiên bản rất đáng chú ý mà bạn có thể trải nghiệm mọi lúc mọi nơi với chiếc máy chơi game của Nintendo.
Flashback được phát hành cho PC (Windows, macOS), PlayStation 4, Xbox One, Nintendo Switch, Android và iOS.
Tham gia cùng chúng tôi trên Steam Xem thêm bài đánh giá các game khác