Dù còn đến hơn hai ngày nữa mới phát hành chính thức, nhưng Final Fantasy XV: Windows Edition đã bị một nhóm cracker của Trung Quốc “hạ gục”.
Lần này, nạn nhân mới nhất trong sự cạnh tranh của các nhóm cracker không may lại là Final Fantasy XV: Windows Edition. Với chính sách minh bạch của Steam, khi truy cập vào trang Store của tựa game này bạn sẽ thấy dòng thông báo Incorporates 3rd-party DRM: Denuvo Anti-tamper cho biết trò chơi có sử dụng công nghệ Denuvo để bảo vệ.
Hôm 2/3/2018, khi Square Enix vừa bắt đầu cho phép người dùng Steam tải về trước trò chơi (preload) do yêu cầu dung lượng trống đến 100GB, thì nhóm cracker 3DM của Trung Quốc đã tung bản game đã bị crack lên mạng, trong khi phải đến 6/3/2018 trò chơi mới được chính thức phát hành trên Steam. Vấn đề hài hước ở chỗ Final Fantasy XV bị nhóm 3DM crack bằng cách dựa vào bản demo của trò chơi không được bảo vệ bằng công nghệ Denuvo. Theo một số thông tin trên mạng thì đã có người hoàn thành trò chơi với bản game crack này.
Còn nhớ hồi cuối tháng chín năm ngoái, nhóm cracker STEAMPUNKS bất ngờ tuyên bố đã crack thành công tựa game bóng đá FIFA 18 chỉ ba giờ sau khi nó được phát hành, dù “cục vàng” game thể thao này được EA bảo vệ bằng “thành trì” Denuvo. Liên tiếp sau đó, nhiều tựa game khác sử dụng công nghệ Denovo cũng lần lượt bị cracker hạ gục như Assassin’s Creed: Origins của Ubisoft và Final Fantasy XII: The Zodiac Age. Đáng nói, Origins khi đó dùng “thành trì” Denuvo mới nhất lúc đó là phiên bản 4.8 nhưng vẫn “thất thủ” trước nhóm cracker CPY.
Không lâu sau đó, đến lượt nhóm cracker CODEX lên tiếng tuyên bố có thể “đánh gục” bất kỳ tựa game Universal Windows Platform nào trên Microsoft Store, vốn được bảo vệ bởi cơ chế khá phức tạp gồm nhiều lớp bảo mật và họ đã chứng minh điều này bằng cách tung ra bản crack của game Zoo Tycoon: Ultimate Animal Collection.
Nói thêm về Denuvo hay Arxan trong các game UWP thì cả hai đều là công nghệ được giới cracker mô tả là sử dụng công nghệ ảo hóa trên các CPU thế hệ mới, để liên tục mã hóa và giải mã chính nó khiến việc bẻ khóa trở nên bất khả thi. Mặc dù các công ty phát triển ra những công nghệ này chưa từng tiết lộ cách thức hệ thống này làm việc, nhưng giới cracker tin rằng chính chúng là nguyên nhân khiến nhiều tựa game kém mượt mà, hoặc yêu cầu cấu hình cao hơn nhiều so với hiệu năng thật sự mà trò chơi có thể đạt được khi không sử dụng chúng. Điều này thậm chí còn được nhiều người chơi minh chứng bằng việc cùng một tựa game nhưng nếu cài từ Steam thì cho hiệu năng kém hơn nhiều so với khi chơi bản crack đã gỡ bỏ Denuvo.
Đây có lẽ chính là lý do khiến nhiều tựa game ngày nay yêu cầu cấu hình rất cao, nhưng vẫn có hiệu năng kém gây nhiều phàn nàn từ phía người chơi game bản quyền, khiến họ cũng không thích và có ác cảm với các công nghệ như thế này. Thậm chí, Denuvo còn bị chỉ trích nhiều vì thỏa thuận cài đặt luôn kèm thông báo cho rằng có một số file sử dụng cho công nghệ này có thể vẫn còn lưu lại trên máy tính của người dùng, kể cả khi tựa game sử dụng nó đã bị gỡ bỏ khỏi máy tính của họ.
Hiện tại, phiên bản Denuvo mới nhất là 5.0 sau khi công ty này thâu tóm công ty bảo mật Irdeto. Một trong những tựa game mới nhất hiện nay sử dụng Denuvo 5.0 để bảo vệ chính là Dragon Ball FighterZ, được phát hành hồi cuối tháng một vừa qua và vẫn chưa đầu hàng trước các cracker.