Fimbul là tựa game đi cảnh chặt chém với nội dung thần thoại Bắc Âu hấp dẫn nhưng…
Trong thần thoại Bắc Âu, Ragnarök được xem là ngày tận thế. Đó là tên gọi của một chuỗi các sự kiện điềm báo sẽ diễn ra trong tương lai, dẫn đến cái chết của rất những vị thần trong truyền thuyết như Odin, Thor hay Loki v.v… Kèm theo đó là nhiều thảm họa thiên nhiên xuất hiện, nhấn chìm cả mọi thứ trong nước và bắt đầu tái sinh thế giới. Cũng trong thần thoại này, Fimbul là một mùa đông khắc nghiệt trước thời điểm Ragnarök, khiến bao sinh linh trên Trái đất bị diệt vong và sau đó là vô số cuộc chiến diễn ra.
Đây cũng chính là bối cảnh mà game Fimbul đặt người chơi vào vai trò của Kveldulver, một chiến binh Đan Mạch được hồi sinh để trả thù người anh trai độc ác của mình và ngăn chặn Ragnarök xảy ra. Trò chơi mang đến một câu chuyện thú vị, được xây dựng dựa trên thần thoại Bắc Âu quen thuộc và đồ họa ấn tượng với những khu vực băng giá đẹp đến choáng ngợp. Trong cái không khí lạnh lẽo đó, người chơi sẽ đụng độ với những gã Viking cuồng sát, những gã Troll và Jotun lúc nào cũng chỉ chực chờ cướp lấy sinh mạng của bạn.
Ở góc độ người chơi, Fimbul đã mang đến một màn dạo đầu khá ấn tượng, với đồ họa cel-shade đẹp mắt và một câu chuyện kể hết sức hấp dẫn. Mặc dù tình tiết không mới, nhưng cách kể chuyện độc đáo của trò chơi mang đến một cảm giác khá thú vị, khó có thể tìm thấy ở những tựa game khác khai thác cùng đề tài này. Nhà phát triển đã sử dụng hai gam màu xanh và đỏ để làm nổi bật các nhân vật giữa những khung cảnh chỉ có một màu trắng xóa khá ấn tượng. Tất cả được phủ đầy bằng một câu chuyện được kể lại qua những trang truyện tranh độc đáo.
Lối chơi của Fimbul khá cơ bản của thể loại game chặt chém. Người chơi cũng sử dụng các đòn tấn công nhanh, mạnh, đỡ đòn, né tránh và kỹ năng riêng để tấn công kẻ thù. Bên cạnh việc có thể chuyển đổi qua lại giữa kiếm và rìu, nhân vật còn có thể ném thương để phá khiên của kẻ thù hoặc gây sát thương cho chúng. Nhìn chung, hệ thống chiến đấu của trò chơi khá đơn giản và không có điểm gì đặc sắc. Ngoài yếu tố chặt chém quen thuộc, nhân vật của người chơi cũng có thể sử dụng tuyệt kỹ hoặc knockdown dựa trên một loạt đòn tấn công liên hoàn (combo) đơn giản.
Vấn đề ở chỗ, trải nghiệm chiến đấu trong Fimbul tạo cảm giác lặp lại rất nhanh. Nhân vật của người chơi không linh hoạt trong chiến đấu mà thường phải tái sử dụng lại những chiến thuật đơn giản. Chẳng hạn như có thương thì ném kẻ thù làm vỡ khiên của chúng rồi lao vào “chặt chém”, hay chơi chiêu đánh du kích để nhử từng kẻ thù đối đầu trực diện và ra tay kết liễu chúng. Có một chiến thuật “trăm trận trăm thắng” mà tôi thường hay dùng là “dắt mũi” kẻ thù chạy vòng quanh rồi cứ từ từ “tỉa” từng tên một bằng “combo”: tấn công nhẹ, lăn người né và tung chiêu kết liễu bằng đòn tấn công mạnh. Thậm chí ngay cả đánh boss cũng không nằm ngoài quy luật đó.
Tuy nhiên, vấn đề lớn nhất của Fimbul không phải ở hệ thống chiến đấu đơn giản của trò chơi mà hầu hết đều là các vấn đề kỹ thuật. Đầu tiên là cảm giác chiến đấu trong game rất khó diễn tả, không mang đến cảm giác “chặt chém” ra trò như mong đợi. Mặc dù người chơi vẫn có thể tấn công kẻ thù như bổ củi và những hoạt cảnh sau đó cũng khá ấn tượng, nhưng cảm giác điều khiển thì lại không được như thế. Nhân vật luôn tạo cảm giác không theo sát với điều khiển của người chơi, phản hồi kém và không tạo được cảm giác chặt chém của một tựa game thuộc thể loại này.
Vấn đề khác thuộc về góc camera luôn cố định góc quay ở những vị trí rất khó chịu, đồng thời lại thường xuyên đảo góc camera lộn xộn khiến người chơi rất dễ bị rối. Đã vậy, thiết kế màn chơi có nhiều vị trí thiếu rõ ràng rất khó chịu, không thể vượt qua nhưng lại không thể hiện điều này. Nếu bạn không tiêu diệt hết kẻ thù trong khu vực vì bất kỳ một lý do gì đó, người chơi luôn bị chặn lại bởi một bức tường vô hình, nhưng cũng không có bất kỳ cảnh báo nào để bạn biết về điều đó, gây khó khăn không ít trong một số trường hợp “bỏ sót” trong trải nghiệm.
Câu chuyện kể được thể hiện qua những trang truyện tranh cũng có một vấn đề nhỏ. Đó là sau khi hiện tranh lên thì toàn bộ lời thoại cũng lập tức xuất hiện trên các khung truyện tranh, gây đôi chút khó khăn và dễ nhầm lẫn khi xác định phải đọc từ đâu trước. Thế nhưng, khó chịu nhất là tốc độ khung hình không ổn định, có nhiều đoạn tụt khung hình như xem phim chiếu chậm rất khó chịu. Dù game được tôi trải nghiệm trên một cấu hình PC mạnh hơn nhiều so với khuyến nghị của nhà phát triển, nhưng vấn đề này vẫn xảy ra cho thấy trò chơi chưa được tối ưu tốt.
Dù có nhiều vấn đề về kỹ thuật, nhưng Fimbul vẫn có một tính năng khá thú vị là Life Chain. Tính năng này cho phép người chơi có thể quay lại những thời điểm trong phần trải nghiệm và thay đổi quyết định bạn, chẳng hạn như tha mạng cho một nhân vật nào đó hoặc xuống tay kết liễu họ. Thế nhưng, cũng vì những vấn đề trên mà tính năng này đã mất đi phần nào sự thú vị của nó khá đáng tiếc. Nó gây ảnh hưởng đến trải nghiệm đến mức tôi nghĩ nhà phát triển cần tập trung tối ưu hóa cho trò chơi và khắc phục những vấn đề tồn đọng nói trên. Chỉ như vậy mới có thể biến Fimbul thành một trải nghiệm hấp dẫn như mong đợi.
Sau cuối, Fimbul mang đến một trải nghiệm chặt chém lấy bối cảnh nội dung về thần thoại Bắc Âu khá thú vị, cùng hệ thống Life Chain dẫn đến nhiều kết cục khác nhau hấp dẫn. Đáng tiếc là trò chơi lại vướng phải nhiều vấn đề kỹ thuật, khiến trải nghiệm không được hấp dẫn như mong đợi. Dù sao, phần lớn những vấn đề này vẫn có thể giải quyết bằng một bản vá, nên đây vẫn là một tựa game đáng chú ý nếu bạn yêu thích thần thoại Bắc Âu. Nếu không thể bỏ qua các vấn đề của trò chơi, có lẽ bạn nên chờ nhà phát triển khắc phục những vấn đề tồn đọng trước khi quyết định bước chân vào cuộc phiêu lưu đến Jötunheim để ngăn chặn Ragnarök, cứu lấy Midgard.
Fimbul được phát hành cho Windows, PlayStation 4, Xbox One và Nintendo Switch.
Bài viết sử dụng game do nhà phát hành hỗ trợ.