Evergate là game đi cảnh giải đố độc đáo và không kém phần thử thách với câu chuyện kể mang chút màu sắc tâm linh.
Trò chơi mở đầu với linh hồn được gọi là Ki đang từ kiếp sau (Afterlife) đi đến địa danh có tên là Evergate. Không may là sự cố xảy ra, lũ Nightmare bất ngờ xuất hiện và phá hoại khắp Afterlife khiến kế hoạch bị đảo lộn. Để tiếp tục cuộc hành trình dang dở, Ki nhận được quyền năng đặc biệt và phải tự tìm đường đến Evergate. Thế nhưng, vận đen lại tiếp tục theo đuổi. Nhân vật chính bất ngờ nhận được Book of Memories và bị cuốn vào dòng ký ức. Với vũ khí gọi là Soulflame, nhân vật phải vượt qua các chướng ngại vật dưới dạng câu đố đi cảnh.
Ngay từ những hình ảnh đầu tiên, Evergate đã gợi cho tôi chút gì đó đến Ori and the Blind Forest ở phong cách đồ họa và tạo hình nhân vật chính. Tuy nhiên, đây là khía cạnh duy nhất mà tựa game này tạo cảm giác hao hao, chứ lối chơi hoàn toàn khác xa và có thể khiến bạn ức chế hoặc hào hứng vì mức độ thử thách của nó, nhất là ở thời điểm ban đầu. Trò chơi khá kiệm lời trong hướng dẫn kiểu cầm tay chỉ việc. Thay vào đó, người chơi chỉ được hướng dẫn cơ chế cơ bản, còn sau đó phải tự thân vận động tìm hiểu lối chơi lẫn động não giải đố.
Điều thú vị là trải nghiệm game không gây ức chế hoặc mù mờ vì thiếu thông tin như tôi mường tượng ban đầu mà thậm chí ngược lại. Đội ngũ phát triển Stone Lantern khá thành công trong việc xây dựng màn chơi không cần hướng dẫn kiểu cầm tay chỉ việc. Bạn chỉ cần động não một chút là có thể nghĩ ra cách điều khiển nhân vật. Đó không phải là di chuyển đi cảnh kiểu nhảy nhót leo trèo bình thường, mà phải kết hợp nhịp nhàng môi trường màn chơi và kỹ năng của nhân vật. Nếu có sai sót, bạn có thể làm lại từ đầu màn nhanh như chớp chỉ bằng một nút bấm.
Được biết, cả bốn thành viên của nhà phát triển Stone Lantern đều khá đáng nể khi cùng tốt nghiệp từ Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) danh tiếng của Mỹ. Họ khá khéo léo trong thiết kế màn chơi và cơ chế gameplay, vừa không quá hữu hình đến mức nhìn vào là biết lời giải ngay nhưng cũng không quá khó khiến bạn loay hoay mãi vẫn không biết phải làm gì. Kỳ thực, mặc dù cơ chế gameplay không thuộc dạng phức tạp, nhưng rất khó để hình dung thông qua mô tả nếu bạn chưa từng “thực chiến” ít nhất một lần trong game.
Về cơ bản, Ki có thể bắn ra một tia năng lượng. Nếu tia năng lượng này đi xuyên qua một số vật thể nhất định và trúng vào các bề mặt phản chiếu, vật thể đó sẽ bị phá hủy đồng thời kích hoạt một hiệu ứng nhất định cho nhân vật. Hiệu ứng này khác biệt tùy thuộc vào các vật thể khác nhau mà tia năng lượng này tiếp xúc. Ở đầu trải nghiệm, hiệu ứng này tạo phản lực giúp Ki bay xa và dễ dàng tiếp cận những khu vực cao quá tầm nhảy của Ki. Trong những màn chơi về sau, hiệu ứng này sẽ thay đổi phức tạp hơn, tạo nên trải nghiệm rất cuốn hút.
Vì yếu tố giải đố liên quan đến sự thay đổi hiệu ứng nên tôi sẽ không mô tả tất cả một cách chi tiết, để dành cho bạn trải nghiệm sẽ hấp dẫn và nhiều bất ngờ hơn. Dù vậy, nhiệm vụ của người chơi vẫn chỉ đơn giản là tìm cách tiếp cận lối thoát qua màn thông qua các cơ chế gameplay liên quan đến tia năng lượng nói trên. Tuy nhiên, mục tiêu của bạn không chỉ đơn thuần qua màn nhanh nhất hay tiết kiệm vật thể tiếp xúc nhất, mà là phá hủy toàn bộ vật thể tương tác trong màn chơi và lấy được vật phẩm thu thập.
Mỗi màn chơi sẽ có vật phẩm thu thập chỉ xuất hiện trong thời gian nhất định. Nếu bạn không tiếp cận kịp thời trước khi kết thúc thời gian đếm ngược, vật phẩm thu thập sẽ biến mất. Những vật phẩm này không phải là bắt buộc, nhưng nó là một phần giá trị chơi lại của trò chơi. Chưa kể, hoàn thành màn chơi hoàn hảo sẽ giúp kiếm được số essence nhất định, mở khóa những artefact làm thay đổi trải nghiệm game. Thậm chí, với thiết kế màn chơi vô cùng xuất sắc, sử dụng kỹ năng mới cũng có thể xem như một giải pháp khác để qua màn.
Mặc dù đọc qua mô tả dễ khiến bạn thấy lùng bùng, nhưng kỳ thực trải nghiệm dễ tiếp cận hơn rất nhiều. Đội ngũ phát triển Stone Lantern đã xây dựng những màn giải đố xuất sắc, với phần điều khiển “chuẩn không cần chỉnh” ngay cả trên tay cầm Joy-Con. Đáng chú ý, tuy thoạt nhìn màn chơi đều khá nhỏ và không có gì đặc biệt trong thiết kế, nhưng độ khó tăng dần với các cơ chế gameplay rất đa dạng. Nó tỷ lệ thuận với cảm giác hào hứng và thỏa mãn của tôi trong suốt trải nghiệm game, nhất là khi kết hợp với các artefact mà bạn mở khóa được.
Tuy nhiên, thiết kế màn chơi trong Evergate cũng có thể trở thành điểm trừ tùy theo quan điểm của người chơi. Một trong những vấn đề lớn nhất của trò chơi là khía cạnh thử và sai diễn ra khá thường xuyên trong trải nghiệm game do đặc trưng thiết kế. Người chơi chủ yếu học từ những sai lầm cũ trong mỗi màn chơi trước khi có thể hoàn thành. Điều này thậm chí đúng ngay cả khi bạn đã hiểu được các cơ chế gameplay trong đó. Ở góc độ người chơi, tôi không xem đây là điểm trừ vì nó thiên về khuyết điểm cố hữu của thể loại giải đố hơn.
Khía cạnh âm hình cũng là những điểm cộng khác của Evergate, nhất là chuyển động của nhân vật rất mượt mà trong các thao tác điều khiển. Trò chơi sử dụng những gam màu rực rỡ trong cảnh nền, không những làm nổi bật nhân vật chính mà cả những vật thể mà bạn có thể tương tác. Tuy phong cách đồ họa hao hao Ori and the Blind Forest, nhưng vẫn đậm tính nghệ thuật. Chỉ có điểm trừ nhỏ là thiếu cảm giác khác biệt dù điều này có thể hơi thiên về cảm nhận cá nhân. Nhạc nền cũng vậy, chỉ “tròn vai” chứ không đọng lại nhiều cảm xúc sau khi trải nghiệm.
Sau cuối, Evergate mang đến một trải nghiệm đi cảnh giải đố xuất sắc ở gần như mọi khía cạnh với lối chơi độc đáo và thỏa mãn. Đây chắc chắn là cái tên phải có trong thư viện game, trừ khi bạn không thể bỏ qua vài điểm trừ “nhỏ như con thỏ” của trò chơi.
Evergate hiện có cho Nintendo Switch. Phiên bản PC dự kiến sẽ sớm ra mắt trong thời gian tới.
Bài viết sử dụng game do nhà phát hành hỗ trợ.
Tham gia cùng chúng tôi trên Steam Xem thêm bài đánh giá các game khác