Epic Chef là game phiêu lưu hành động hài hước kết hợp cùng yếu tố mô phỏng. Tuy nhiên, đừng để cái tựa đánh lừa bạn. Đây không phải trải nghiệm mô phỏng làm bếp như series Overcooked. Trò chơi sở hữu lối chơi mô phỏng làm nông và cuộc sống đời thường cực kỳ hấp dẫn, mang đến trải nghiệm khá độc đáo so với nhiều cái tên hiện có trên thị trường. Thậm chí ngay từ cốt truyện, tạo hình nhân vật và những câu thoại ở đầu trải nghiệm cũng khiến tôi không nhịn được cười vì mức độ lầy lội của các nhân vật trong game.
Epic Chef mở đầu bằng câu chuyện kể về nhân vật chính Zest bị ném xuống bến cảng thị trấn Ambrosia. Lý do chẳng có gì ghê gớm, chỉ là anh chàng vô tình bị phát hiện đi nhờ tàu. Nhờ thắng cá độ mà nhân vật chính tậu được ngôi nhà ma ám, thậm chí gặp được chủ nhân đã khuất của ngôi nhà. Trải nghiệm game xoay quanh những công việc mà Zest phải làm để hoàn thành ước nguyện cuối cùng của linh hồn chủ căn nhà nói trên. Vấn đề ở chỗ, Ambrosia không phải thị trấn bình thường mà là nơi rất tôn sùng các đầu bếp và cái kết…
Tôi nghĩ mô tả đến đây chắc bạn cũng đoán được trải nghiệm diễn ra như thế nào nhưng chưa đủ đâu. Về cơ bản, lối chơi của Epic Chef là sự kết hợp giữa trải nghiệm My Time at Portia và dòng game xây nông trại như Stardew Valley. Nhiệm vụ của người chơi là sáng tạo những món ngon tuyệt đỉnh. Để thực hiện điều đó đòi hỏi bạn phải làm nông, chế biến nguyên liệu và hoàn thành những yêu cầu của người dân thị trấn Ambrosia. Không những vậy, người chơi còn có thể xây sửa ngôi nhà bị ma ám nói trên để tạo dựng mái ấm cho Zest.
Tâm điểm của trải nghiệm làm nông là khu vườn quanh ngôi nhà của Zest được linh hồn người đã khuất phù hộ. Chính vì vậy mà cây trồng ở đây có thời gian phát triển và thu hoạch rất nhanh. Kỳ thực, đây cũng là nơi để bạn sản xuất nguyên liệu làm món ăn, từ rau củ tươi tận vườn cho đến kết hợp nhiều loại với nhau để thực hiện những món ăn phức tạp. Tuy vậy, làm nông vẫn chiếm thời lượng chơi không hề nhỏ trong trải nghiệm Epic Chef, do số lượt thu hoạch cây trồng khá hạn chế trong khi Zest cũng phải lo “an cư lập nghiệp”.
Chế biến món ăn cũng hào hứng và phức tạp không kém. Về cơ bản, mỗi món ăn đều được đánh giá dựa trên ba tiêu chí: Vigor, Spirit và Sophistication. Mỗi tiêu chí lại được biểu thị bằng con số. Các nguyên liệu làm món ăn trong Epic Chef cũng sử dụng tiêu chí đánh giá tương tự và được cộng dồn để chấm điểm chất lượng của món ăn và không chỉ dừng ở đó. Mỗi nguyên liệu lại có hương vị khác nhau làm tăng chất lượng của món ăn theo nhiều cách cho bạn tha hồ thử nghiệm, hiếm khi mang đến cảm giác lặp lại trong chế biến món ăn.
Chẳng hạn bạn có thể làm nước sốt từ nhiều nguyên liệu khác nhau. Thế nhưng, nước sốt cũng có thể dùng để tăng hương vị cho món ăn theo cách thông thường nhất như ẩm thực ngoài đời vậy. Những yếu tố tưởng chừng nhỏ nhặt này lại góp phần tăng điểm cho một trong ba tiêu chí đánh giá nói trên theo cách mà bạn không ngờ tới. Trong khi món ăn ngon đòi hỏi bạn phải khéo nêm nếm sao cho đạt được nhiều điểm nhất trong ba tiêu chí nói trên, so tài cùng những đầu bếp khác lại buộc người chơi tập trung vào một tiêu chí nhất định.
Đơn cử trường hợp dùng nước sốt nói trên có thể làm thay đổi mùi vị món ăn và gây ảnh hưởng đến khẩu vị của giám khảo. Trong nhiều trường hợp, bạn có thể vô tình nâng điểm cho đối thủ với cái kết không cần nói ra. Kỳ thực, ý tưởng chế biến món ăn biến đổi khó lường và luôn mang đến những kết quả bất ngờ trong trải nghiệm Epic Chef, đòi hỏi bạn phải sáng tạo món ăn như ‘MasterChef’ thực thụ. Ở góc độ người chơi, tôi khuyến cáo bạn thử nghiệm nhiều nguyên liệu khác nhau để tạo ra mỹ vị hoàn hảo trong trải nghiệm game.
Mặc dù trải nghiệm có phần phức tạp và đòi hỏi sự tập trung, nhưng nhịp độ chơi trong Epic Chef khá thoải mái. Bạn có thể trải nghiệm từ tốn, dành nhiều thời gian chuẩn bị trước khi tham gia vào trận “đấu bếp” mới. Chưa kể, tuy khu vườn màu nhiệm giúp cây trồng nhanh phát triển để thu hoạch, nhưng vẫn không tránh khỏi thời gian chờ trong game lên đến vài ngày. Điều này đặc biệt đúng khi bạn chuẩn bị nguyên liệu cho một món ăn phức tạp. Đã vậy, trò chơi còn không cho “tua nhanh” mà buộc bạn phải trải nghiệm theo thời gian trong game.
Hậu thuẫn cho trải nghiệm hào hứng nói trên là phong cách đồ họa độc đáo và không kém phần hài hước. Điều này còn được thể hiện ở lời thoại được chấp bút dí dỏm, thường khiến tôi không nhịn được cười vì nhiều lý do. Epic Chef chỉ có điểm trừ nhỏ là thiếu tính định hướng, dễ khiến người chơi lúng túng không biết phải làm gì trong trải nghiệm. Vấn đề này một phần do số lượng cơ chế gameplay vừa nhiều vừa tác động qua lại lẫn nhau. Bù lại, chúng góp phần không nhỏ giúp trải nghiệm game hấp dẫn và rất có chiều sâu.
Sau cuối, Epic Chef mang đến một trải nghiệm mô phỏng cuộc sống và làm nông vô cùng hấp dẫn. Điểm cộng lớn nhất của trò chơi là vòng lặp gameplay cuốn hút, biến nó thành cái tên vô cùng đáng cân nhắc với những ai yêu thích dòng game thường được xem là casual và phù hợp với nhiều nhóm người chơi này.
Epic Chef hiện có cho PC (Windows), PlayStation 4, Xbox One và Nintendo Switch.
Bài viết sử dụng game do nhà phát hành hỗ trợ.
Tham gia cùng chúng tôi trên SteamTham gia kênh Steam của Trải Nghiệm SốXem thêm bài đánh giá các game khácTrải Nghiệm Số viết rất nhiều bài đánh giá game, bạn đừng bỏ lỡ nhé!