Dungeon Siege 2 của Gas Powered Games ra đời trong bối cảnh hàng loạt game online như Guild Wars, World of Warcraft, City of Heroes nhưng vẫn có được thị trường nhất định.
Thuở xa xưa, vùng đất Aranna bị thống trị bởi bạo chúa Zaramoth với sức mạnh vô song. Ach thống trị bạo ngược của hắn đã gây bao cảnh lầm than nhưng không một ai đủ can đảm đứng lên chống lại, mãi đến khi tráng sĩ Azunai xuất hiện. Cùng với bộ tộc của mình, Azunai quyết tâm lật đổ Zaramoth, một cuộc đại chiến đã nổ ra. Trong trận quyết chiến kinh thiên động địa, Zaramoth và Azunai đã giáp mặt, sẵn sàng cho cuộc tử chiến cuối cùng. Cả hai thủ lĩnh đều đang nắm giữ 2 thứ vũ khí ma thuật linh thiêng: thanh gươm của Zaramoth và chiếc khiên của Azunai. Thế nhưng, khi 2 món linh khí này chạm vào nhau, một hậu quả khủng khiếp xảy ra: linh hồn của các chiến binh bị hút ra khỏi thể xác của họ. Chẳng mấy chốc, toàn bộ bãi chiến trường không còn một sinh linh nào sống sót, cả đạo quân của Zaramoth lẫn Azunai đều bị tiêu diệt…
Một ngàn năm sau, các cư dân vùng đất huyền bí Aranna sống thành những bộ lạc cát cứ khắp nơi. Valdis là hoàng tử của một trong những bộ tộc ấy. Trong những giấc mơ của mình, Valdis luôn bị ám ảnh bởi hồn ma của Zaramoth, thúc giục anh ta đi đến một vùng núi bí ẩn. Theo lời chỉ dẫn này, Valdis đã khám phá và chiếm hữu được một trong hai báu vật huyền thoại năm xưa: thanh gươm quỷ của Zaramoth. Lập tức, Valdis thâu tóm được mọi quyền lực bóng tối về tay mình, tổ chức các cuộc chinh phạt khắp nơi và khẳng định ngôi bá chủ độc tôn. Liệu Valdis có phải là hiện thân của Zaramoth tàn ác năm xưa? Vùng đất Aranna cùng các cư dân hiền lành của mình có thoát khỏi hiểm họa độc tài từ tên bạo chúa mới này? Câu trả lời hoàn toàn nằm trong tay của chính bạn.
Như vậy, trong Dungeon Siege 2 người chơi sẽ được du hành qua các vùng đất khác nhau, rèn luyện sức mạnh, chiêu mộ anh tài, cùng nhau chống lại thế lực độc tài hùng mạnh của Valdis. Như bao trò cùng loại, người chơi luôn khởi đầu cuộc phiêu lưu của mình bằng một nhân vật vô danh tiểu tốt. Trong phiên bản này, game cung cấp cho bạn bốn chủng loại nhân vật tùy chọn: Human, Elf, Dryad và Half-Giant. Mỗi chủng loại sẽ có sở trường, sở đoản riêng – Human có sức mạnh khá cân bằng, Dryad là những cung thủ cừ khôi hay Elf là những chuyên gia về phép thuật. Một điểm thú vị khi mở đầu trò chơi: nhân vật của bạn lại là… thuộc hạ của tên độc tài Valdis! Trong một cuộc tấn công khá quy mô vào khu định cư của tộc người Dryad, bạn vấp phải sự chống trả khá quyết liệt của họ và cuối cùng bị bắt giam. Màn chơi mở đầu này được xây dựng như một phần hướng dẫn để bạn làm quen với các thao tác trong trò chơi và chỉ đến bối cảnh trong nhà giam của người Dryad, cuộc phiêu lưu của bạn mới thực sự bắt đầu.
Sau Diablo, dòng game Dungeon Siege là một “tượng đài” kinh điển thứ hai của thể loại nhập vai hành động, “đặc sệt” phong cách “hack and slash”. Và tất nhiên, lối chơi của nó không chú trọng nhiều vào các đoạn đối thoại, xây dựng mối quan hệ của nhân vật chính với các nhân vật phụ như những game nhập vai truyền thống (của Bioware chẳng hạn). Thay vào đó, game chỉ tập trung xoáy mạnh vào hành động của nhân vật. Do vậy, cách chơi của Dungeon Siege 2 vô cùng đơn giản và dễ hiểu. Bạn chỉ cần điều khiển nhân vật của mình di chuyển, chiến đấu, thu lượm đồ vật trên suốt đường đi. Dĩ nhiên, đối với một game nhập vai, việc hiện diện của các quest (nhiệm vụ) là điều tất yếu. Dungeon Siege 2 cũng không ngoại lệ. Như đã nói, phần giải quyết nhiệm vụ trong game không được đặt nặng, nên việc giao tiếp, nhận nhiệm vụ trong trò chơi được đơn giản hóa đến mức tối đa. Bạn chỉ cần nói chuyện với nhân vật cần thiết và ngay lập tức họ sẽ giao nhiệm vụ cho bạn mà không cần phải “cà kê dê ngỗng” như dạng nhập vai cổ điển. Tuy nhiên, để đỡ nhàm chán, nhà sản xuất đôi khi vẫn đưa vào một số lựa chọn các câu trả lời nhưng việc này hầu như chẳng ảnh hưởng gì đến tiến trình của trò chơi mà chỉ có vai trò “thêm mắm, thêm muối” cho các đoạn đối thoại trong game đỡ nhàm chán và đơn điệu.
Bàn về cách chơi, hai tính năng không thể thiếu ở bất kỳ game nhập vai nào là hệ thống kỹ năng (Skill) và khả năng tạo nhóm (Party). Ở cả hai khía cạnh này, Dungeon Siege 2 đã có những cải tiến khá hay và hữu ích:
Kỹ năng: Các kỹ năng nhân vật trong game được xây dựng khá phong phú, tương ứng với bốn loại hình “võ công” mà bạn phát triển cho nhân vật của mình: Cận chiến (Melee), xạ tiễn (Range), phép thuật tự nhiên (Nature Magic) và phép thuật chiến đấu (Combat Magic). Một đặc điểm rất hay mà dòng game Dungeon Siege đã thể hiện được ngay từ phiên bản đầu tiên: không bó buộc người chơi ở một loại hình nào cả, bạn có thể tùy nghi phát triển nhân vật của mình theo nhiều nhánh võ công khác nhau, bạn hoàn toàn có thể vừa là một chiến binh can trường xông pha trận mạc, vừa là một thầy phù thủy cao tay ấn… Đây có lẽ là “chuẩn” mà sau này các game MMORPG thường áp dụng: nhân vật đa dạng tùy theo ý người chơi.
Nhưng, điều gì cũng có cái giá của nó, một khi bạn phát triển nhân vật của mình phân tán như vậy, sức mạnh của anh ta cũng bị “chia năm, xẻ bảy”, để rồi cuối cùng trở thành một nhân vật “nửa nạc, nửa mỡ”. Mỗi lần lên một cấp (level), nhân vật của bạn sẽ được thưởng một số điểm nhất định để phân phối vào các kỹ năng (chiêu này học từ Diablo), từ đó gia tăng sức mạnh cũng như các chỉ số khác của nhân vật. Chưa dừng lại ở đó, khi bạn kích hoạt một số kỹ năng nhất định, trò chơi sẽ mở ra cho nhân vật các tuyệt chiêu tương ứng. Các tuyệt chiêu này (trong game gọi là Power) thực sự là một cải tiến rất có giá trị so với phần đầu tiên. Một khi được thi triển, bạn có thể “quét” sạch hoặc gây một lượng sát thương khá lớn đối với đối thủ xung quanh. Chính vì lợi hại như thế, nên các tuyệt chiêu này sau khi sử dụng cần một thời gian khá lâu để “nạp” lại, vì vậy bạn nên cân nhắc kỹ lưỡng trước khi sử dụng.
Lập nhóm: Trong Dungeon Siege 2, bạn có thể tạo thành nhóm cho mình từ 4 đến 6 nhân vật cùng lúc, tùy theo cấp độ khó mà bạn đang chơi: ở cấp độ dễ nhất (Mercenary) thì nhóm của bạn tối đa là 4 thành viên và ở cấp khó nhất (Elite) là 6. Thông thường, trước khi kết nạp thêm một nhân vật mới vào nhóm, bạn cần phải chi một số tiền nhất định để ”đăng ký chỗ” cho người ấy. Điểm đặc trưng hấp dẫn nhất của Dungeon Siege 2 là trong nhóm của bạn, ngoài các nhân vật NPC, bạn còn có thể dẫn theo các con thú hay quái vật (game gọi là Pet). Chẳng như phần đầu, pet chỉ đóng vai trò “rương đồ di động”. Pet (thú cưng) trong phần này, đa phần chẳng dễ thương như chú cún hay con miêu nhà bạn đâu nhé! Các loại thú cưng mà game cung cấp cho bạn cũng khá đa dạng, từ con la chuyên thồ đồ đạc (dĩ nhiên chẳng đánh đấm gì sất) cho đến các con nhện độc hay các sinh vật có nhân tố (lửa, băng…). Và lẽ tất yếu, đã gọi là “thú cưng” thì bạn cần phải cho ăn, nuôi nấng chúng. Sao phiền phức thế nhỉ? Đừng vội xem thường nhé, một khi được nuôi nấng cho ăn đàng hoàng tử tế, các con “thú cưng” này sẽ trưởng thành và mau chóng trở thành những tay sai đắc lực cho bạn đấy. Thế cho chúng ăn bằng cách nào? Rất đơn giản, bạn chỉ cần gắp… những món đồ mua được hay thu lượm được dọc đường (tất nhiên là dùng hàng “thứ cấp” cho đỡ tiếc và tốn kém). Tùy theo bạn thường cho chúng ăn thứ gì, “thú cưng” sẽ phát triển tương ứng. Ví dụ, nếu bạn cho chúng ăn nhiều vũ khí thì sức tấn công của chúng sẽ trở nên mạnh hơn…
Các nhân vật NPC (máy) đi theo người chơi tỏ ra rất linh hoạt và thông minh. Chúng luôn biết phải làm gì mà không cần chờ bạn ra mệnh lệnh cụ thể. Trong các trận chiến, NPC luôn là những đồng minh hết sức đắc lực, ngoài việc tự tấn công kẻ thù, chúng sẽ nhanh chóng bơm máu cho bạn kịp thời khi cần kíp. Người viết thích nhất là phản ứng của các NPC trong việc thu lượm các món đồ trên đường. Chúng không… trơ “mắt ếch” đứng nhìn bạn thu gom mà luôn phụ giúp nhưng chúng chỉ lấy những món phù hợp với cấp độ của mình, chừa lại những món “xịn”. Hiếm khi thấy máy tranh giành đồ với người chơi. Riêng phần điều khiển nhóm, thay cho các kiểu ra lệnh phân bố vị trí đứng như trước, nay chỉ gồm hai lệnh cơ bản là Mirror và Rampage. Ở chế độ Mirror, các NPC thực hiện đúng y hệt những gì bạn thực hiện, nghĩa là bạn đánh chúng cũng đánh, bạn rút lui chúng cũng lui, còn chế độ Rampage thì ngược lại, các NPC khi gặp kẻ thù sẽ tự động “lăn xả” vào chiến đấu một mất một còn.
Phần tìm đường trong Dungeon Siege 2, theo đánh giá của người viết là rất đơn giản. Game không có quá nhiều ngõ ngách và mê cung phức tạp khiến bạn phải vò đầu bứt tai hàng giờ. Dĩ nhiên, nếu chịu khó lùng sục bạn sẽ tìm ra được nhiều nơi bí mật, những món đồ quý giá đấy. Bản đồ nhỏ (minimap) dưới góc phải màn hình với mũi tên hướng dẫn bạn đến nơi cần đến, làm cho việc tìm đường trong game rất “dễ thở”.
Xét về độ dài, toàn bộ game được chia ra làm 3 phần chính (Act). Mỗi Act lại bao gồm nhiều chương nhỏ (Chapter). Mỗi chương như vậy tương đương một nhiệm vụ chính . Song song, các nhiệm vụ phụ sẽ rải rác xuyên suốt trò chơi. Việc thực hiện các nhiệm vụ phụ tùy thuộc vào bạn: làm cũng được, không làm cũng không sao. Việc thực hiện hết các nhiệm vụ phụ, không chỉ giúp gia tăng điểm kinh nghiệm, mà nhiều khi còn cung cấp cho bạn những món đồ quý hiếm, chẳng bao giờ có thể tìm được trong các cửa hàng đâu.
Có lẽ, đặc điểm cuối cùng chúng ta cần lưu tâm là phần đồ họa. Theo nhận xét chủ quan, hình ảnh của game khá tốt. Dungeon Siege 2 hoàn toàn được dựng trên nền 3D, nên khi chơi bạn có thể tùy nghi xoay chuyển camera theo bất cứ hướng nào, hay phóng to thu nhỏ tuỳ ý. Quang cảnh từ những khu hầm ngục, mê cung cho đến các khu rừng rậm xanh rì hay sa mạc mênh mông đều được dựng khá đẹp. Điểm gây ấn tượng nhất cho người viết, chính là những chiêu thức Power của các nhân vật. Các hiệu ứng đồ họa, màu sắc áp dụng cho từng tuyệt chiêu được làm khá công phu, hoành tráng, phản ánh rõ nét uy lực vô song của nó. Tuy nhiên, phần đồ họa không phải là không vấp phải những “hạt sạn”, điển hình việc thể hiện các hiệu ứng cháy nổ: mỗi lần tiêu diệt một tòa tháp của đối phương, tôi lại cảm thấy thất vọng khi phải chứng kiến lửa bốc lên thành từng đụn, từng “cục” trông chẳng khác gì… mấy cây nấm. Nhưng những khuyết điểm này không hề giảm giá trị của game, nhất là khi chúng ta biết trò chơi đòi hỏi một cấu hình máy tính khá nhẹ. Game chấp nhận cả những card màn hình thuộc vào hàng “cổ lổ sĩ”.
Nhìn chung, có thể thấy về lối chơi, Dungeon Siege 2 đã có nhiều cải tiến. Tuy không mang tính đột phá có thể gây kinh ngạc cho người chơi, nhưng hầu hết các thay đổi trong game đều đáng giá, góp phần rất lớn khẳng định được phong cách chơi rất riêng của dòng game Dungeon Siege. Hơn nữa, trong cái thời mà game nhập vai online đang nắm giữ vị trí độc tôn như hiện nay, thì việc tồn tại và phát triển của những đại diện “hiếm hoi” của dòng nhập vai offline như Dungeon Siege 2 là một điều rất đáng mừng và khích lệ.
Theo PC World Việt Nam 2005