Dreams Universe ở châu Á hay được biết tới với cái tựa Dreams ngắn gọn ở các nước Tây Âu là một trong những tựa game được tôi mong chờ nhất năm nay. Thế nhưng, do một số trục trặc mà đến tận gần đây tôi mới được trải nghiệm “giấc mơ nghệ thuật” này.
Kỳ thực, gọi Dreams là game cũng không hẳn đúng. Nó giống như một công cụ dùng để sáng tạo nội dung hơn, nhưng ở đẳng cấp rất khác so với RPG Maker xưa cũ rất quen thuộc những người chơi 8x hay Super Mario Maker với thế hệ 9x và những người chơi Nintendo Switch. Tuy nhiên, vì tâm điểm trải nghiệm chỉ là một sáng tạo của nhà phát triển Media Molecule trên nền tảng này giữa vô vàn nội dung khác, nên tôi vẫn tạm gọi đây là game cho tiện. Cái tên Media Molecule có thể nghe khá xa lạ với nhiều người, nhưng “dân chơi” PlayStation không thể không biết đến hai phần chơi LittleBigPlanet đầy sáng tạo của họ mà tôi là “fan cứng”.
Ở góc độ người chơi và khi nhìn lại LittleBigPlanet, tôi có cảm giác tựa game mới nhất là bước tiến xa hơn cho những gì mà Media Molecule muốn tạo ra trước đây, nhưng chưa thể biến nó thành hiện thực ở thời điểm đó vì nhiều lý do. Dreams có thời kỳ phát triển khá dài sau khi được hé lộ lần đầu tiên vào năm 2013. Cách đây gần một năm, nó được phát hành Early Access và nay đã “đủ lông đủ cánh” để ra mắt chính thức. “Hộ tống” cho lần phát hành này là khối lượng nội dung đồ sộ do cộng đồng người chơi tạo nên trong suốt thời gian “truy cập sớm” nói trên. Ý tưởng có thể là bất cứ điều gì nhưng nó cũng có khi là mọi thứ như lời tuyên bố khi bạn vừa bước vào trải nghiệm những “giấc mơ”.
Tâm điểm trải nghiệm ban đầu của Dreams chính là Art’s Dream, một “lẩu thập cẩm” ngon tuyệt với thời lượng khá ngắn của nhà phát triển, lấy nội dung về những trăn trở và e ngại trong việc đi theo con đường sáng tạo nghệ thuật. Có cảm giác nhà phát triển mượn câu chuyện kể về cuộc đời của Art và mối quan hệ giữa các thành viên trong ban nhạc của nhân vật này để đưa ra thông điệp, khơi gợi sự sáng tạo của người chơi và khuyến khích bạn xây dựng những nội dung mang đậm dấu ấn cá nhân. Đó là sự kết hợp hài hòa giữa nhiều thể loại game khác nhau, gần như gì cũng có. Từ các bài nhạc jazz cực chất cho đến những phân đoạn đi cảnh hay giải đố trên nền đồ họa vô cùng ấn tượng và càng không thể thiếu câu chuyện kể mang tính cổ vũ tinh thần.
Nếu Art’s Dream chưa đủ để bạn thỏa sức tạo “giấc mơ”, hàng loạt những nội dung do người chơi khác tạo nên trong chế độ DreamSurfing sẽ tiếp tục là cầu nối cho con đường sáng tạo của bạn, ít nhất là trong trải nghiệm Dreams. Nếu cảm thấy nội dung tạo ra chưa tốt so với “mặt bằng chung” hay sánh với tuyệt tác nói trên của nhà phát triển, bạn hoàn toàn có thể tải lên những tác phẩm của mình và che đi danh tánh (PlayStation ID) cho đỡ ngại ngùng. Mọi thứ đều xoay quanh hệ thống đánh giá từ cộng đồng người chơi, nhưng nhà phát triển cũng rất tinh tế khi hỏi trước người chơi thiết lập này ngay khi bạn lần đầu bước vào game. Vạn sự khởi đầu nan nhưng mọi thứ đều phải có lần đầu tiên, đôi khi khá đau đớn.
Ở thời điểm bài viết, tôi thấy có vài câu chuyện vui vẻ về cuộc sống đời thường bắt “trend” khá tốt, chẳng hạn như “giấc mơ” mang tựa đề tạm dịch là ‘cuộn giấy vệ sinh cuối cùng’ khá hài hước, tái hiện lại câu chuyện thật như bịa đang xảy ra ở một số nước phương tây vì dịch COVID-19. Tuy nhiên, chất lượng của các nội dung do người chơi sáng tạo đều khó có thể sánh nội dung về mức độ sâu sắc và trau chuốt ở nhiều khía cạnh như Art’s Dream. Thậm chí, nhiều nội dung dường như “tư tưởng lớn gặp nhau” hơn là mang dấu ấn cá nhân của người tạo ra nó. Kỳ thực, trong số những “giấc mơ” của những người chơi khác tạo ra, tôi chưa tìm thấy nội dung sáng tạo nào đủ sức làm lu mờ Art’s Dream của nhà phát triển Media Molecule.
Đây là điều khá đáng tiếc khi Dreams cung cấp một nền tảng sáng tạo nội dung quá tốt với phần điều khiển vô cùng trực quan bằng tay cầm DualShock 4 hoặc hai PlayStation Move. Một số lượng không nhỏ trong đó mang cảm giác như “trình bày ý tưởng” hơn là có sự đầu tư nghiêm túc. Nói đơn giản, vẫn còn tình trạng thượng vàng hạ cám lẫn lộn. Đây là vấn đề thường gặp với những sản phẩm nào liên quan đến sáng tạo nội dung từ cộng đồng và Dreams cũng không phải ngoại lệ. Tất nhiên, nó không phải lỗi của nhà phát triển nhưng vẫn là điểm trừ nhỏ, tạo nên hai quan điểm trái chiều về sáng tạo nội dung khó tránh khỏi. Về mặt tích cực, nó khuyến khích bạn thoải mái với nội dung sáng tạo thể hiện dấu ấn riêng mà không phải lo nghĩ về các vấn đề.
Ở khía cạnh ngược lại, vấn đề “vàng thau lẫn lộn” nói trên cũng có thể vô tình làm thui chột đi đam mê sáng tạo của không ít người ngay từ điểm xuất phát. Mặc dù nhà phát triển xây dựng chế độ DreamSurfing luôn tôn vinh những “giấc mơ đẹp” thông qua đánh giá của người chơi, nhưng nếu bạn thích đào sâu tìm tòi như tôi, “kết quả tìm kiếm” về sau càng xấu đi không tránh khỏi. Art’s Dream quá xuất sắc đến mức làm lu mờ tất cả những sáng tạo khác, khiến tôi ít nhiều mang cảm giác thất vọng không nhỏ sau khi bước vào “giấc mơ” của những người chơi khác. Ở góc độ người chơi, tin rằng người viết không phải là cá nhân duy nhất cảm thấy điều tưởng chừng rất nhỏ nhặt, nhưng gây tác động không nhỏ đến cảm hứng trải nghiệm này.
Đó là chưa nói đến không ít những “tác phẩm giẻ rách” mà tôi không biết phải dùng từ ngữ gì cho “sạch sẽ”. Chúng là những thứ được nhiều người chơi tạo ra có lẽ vì mục đích kiếm trophy mà tôi không muốn liệt kê ở đây. Có lẽ, nhà phát triển cũng không lường trước tình huống “bất chấp chỉ vì trophy” này. Dreams có lẽ đã là một trải nghiệm hoàn hảo nếu Media Molecule có đội chuyên “dọn rác” các nội dung mà người chơi đăng tải, tạo môi trường sáng tạo sạch sẽ mà không làm “bẩn mắt” và mất thời gian của mọi người. Chưa kể, nhà phát hành SIE cũng nên có những cuộc thi hay sự kiện trong lẫn ngoài game để xây dựng môi trường trong sạch, tương xứng với những gì mà tựa game này đáng có trước khi nó bị vấy bẩn bởi những người chơi ích kỷ.
Dù vậy, một khi bạn bắt đầu hào hứng với Art’s Dream, yếu tố sáng tạo nội dung mới từ phía người chơi trong DreamShaping mới là tâm điểm mà Dreams hướng đến. Chế độ này cung cấp đầy đủ mọi công cụ để bạn “khởi nghiệp” với câu chuyện cá nhân mà bạn muốn kể, quan trọng là bạn có dành đủ thời gian và công sức để đầu tư vào đó hay không. Điều khiển cử chỉ trên tay cầm DualShock 4 tốt hơn rất nhiều so với những gì mà tôi lo lắng ban đầu, nhất là sau những lần trải nghiệm đầy cay đắng với tay cầm Joy-Con của Nintendo Switch. Tuy nhiên, việc đưa con trỏ về giữa màn hình bằng nút bấm Options vẫn tạo cảm giác thiếu trực quan, chắc chắn sẽ khiến bạn mất chút thời gian để làm quen với điều khiển. Tôi nghĩ thay bằng touchpad sẽ phù hợp hơn.
Sau cuối, Dreams mang đến một trải nghiệm tuyệt vời trong Art’s Dream cùng với khả năng sáng tạo đầy ấn tượng của DreamShaping. Mặc dù Art’s Dream có thời lượng tương đối ngắn nhưng đó là mô tả chính xác những gì mà bạn có thể sáng tạo trong chế độ DreamShaping và thậm chí còn hơn thế nữa. Nếu yêu thích sáng tạo, đây chắc chắn là cái tên không thể thiếu trong thư viện game PlayStation của bạn. Chưa kể, bên cạnh khả năng sáng tạo không giới hạn đến bất ngờ của chế độ DreamShaping, một lượng vật phẩm thu thập cũng ít nhiều mang đến giá trị chơi lại trong Art’s Dream, nhất là với những ai còn e ngại khả năng sáng tạo của bản thân. Thử một lần rồi xem, bạn sẽ thích ngay mà!
Dreams chỉ có trên PlayStation 4.
Bài viết sử dụng game do nhà phát hành hỗ trợ.
Tham gia cùng chúng tôi trên Steam Xem thêm bài đánh giá các game khác