DreadOut là tựa game kinh dị sinh tồn khá đáng sợ khi kết hợp chất liệu đậm màu sắc truyền thuyết dân gian và đô thị của đất nước Indonesia với lối chơi lấy cảm hứng từ series game kinh dị Fatal Frame kinh điển.
Người chơi kỳ cựu yêu thích cảm giác “sợ mất hồn” có lẽ không thể không biết đến Fatal Frame, series game kinh dị sinh tồn khá nổi tiếng với yếu tố gameplay xoay quanh chiếc máy ảnh cổ, vừa là “con mắt” mà cũng vừa là “vũ khí” của nhân vật chính. DreadOut “bắt nhịp” với lối chơi đặc trưng này, được Digital Happiness xây dựng trải nghiệm kinh dị sinh tồn từ những chất liệu văn hóa dân gian đất nước Indonesia của chính đội ngũ phát triển. Đáng chú ý, tựa game này từng được chuyển thể thành phim điện ảnh, nhưng không ra rạp trong nước ta.
Trong DreadOut, người chơi nhập vai cô nữ sinh trung học Linda. Trò chơi mở đầu với phân đoạn nhân vật chính tỉnh dậy giữa một khu nhà hoang phế, khắp nơi không một bóng người. Bạn sẽ cùng nhân vật tìm hiểu chuyện gì đã xảy ra ở đây để tiếp nối vào sự kiện chính của trải nghiệm. Nội dung game khá hấp dẫn với chất liệu hình ảnh mang đậm bản sắc văn hóa dân gian Indonesia như Ghost Parade, nhưng đáng sợ hơn rất nhiều. Những “tên tuổi lừng lẫy” trong truyền thuyết của xứ sở vạn đảo như Kuntilanak, Pocong hay Palasik đều tạo cho tôi cảm giác khá mới mẻ trong trải nghiệm. Tuy nhiên, điều đáng tiếc là đồ họa lại không phải là mặt mạnh của trò chơi, mang cảm giác khá cũ kỹ như các tựa game Fatal Frame ngày xưa từ thời PlayStation 2.
Thế nhưng, đừng để chất lượng đồ họa khiến bạn bỏ lỡ game. Ngay cả khi bạn chỉ điều khiển nhân vật “lượn qua lượn lại” để khám phá hay đụng độ những bóng ma vô hình, trải nghiệm luôn mang đến cảm giác căng thẳng thường trực. Đây cũng là thiết kế gameplay cốt lõi của DreadOut. Nhân vật Linda sở hữu khả năng tâm linh rất mạnh, có thể cảm nhận được sự xuất hiện của các hồn ma bóng quế hoặc manh mối giải đố dù không thể tận mắt thấy được chúng. Thay vào đó, người chơi sẽ sử dụng chiếc điện thoại Irisphone được quảng cáo là “pin trâu”, vừa giúp thấy rõ kẻ thù vừa dùng chụp hình phản công lại chúng và đặc biệt là không cần thay pin như Outlast. Ở góc độ người chơi, có thể nói đây là phiên bản “tiết kiệm chi phí” của Fatal Frame, nhưng trải nghiệm không hề “tiết kiệm”.
Với lối chơi kinh dị sinh tồn, trải nghiệm DreadOut chủ yếu thiên về yếu tố khám phá để tìm hiểu các tư liệu, thông tin về thế giới và nội dung chính. Người chơi sẽ dùng điện thoại của Linda để đối mặt và chống trả kẻ thù hay thậm chí giải những câu đố trong suốt cuộc sinh tồn. Thế giới game có nhiều thứ mà mắt trần của nhân vật không thể nhìn thấy, nhưng tất cả đều không thể qua được “con mắt điện tử” của Irisphone. Đơn cử như ở đầu trải nghiệm, nếu không sử dụng điện thoại “dò đường”, bạn sẽ không thể nhìn thấy lối đi ẩn đằng sau bức tường gạch cũ kỹ. Người chơi cũng có thể sử dụng tính năng chụp hình của điện thoại làm tấm hình “kỷ niệm ma” hay cập nhật “bách khoa toàn thư” Ghostpedia tìm kiếm manh mối diệt ma boss. Đơn cử như gần cuối game có trận đánh boss qua lăng kính phản chiếu, dễ khiến không ít người chơi “đứng tim” nếu không biết điểm yếu của boss.
Mặc dù cơ chế chiến đấu sử dụng yếu tố chụp hình vẫn duy trì trong suốt trải nghiệm, nhưng sự thay đổi giữa điện thoại di động và máy ảnh SLR đòi hỏi người chơi phải biết tùy cơ ứng biến và chú ý đến điểm yếu của kẻ thù, ít nhiều đều có chút cải tiến so với cơ chế gameplay trong Fatal Frame. Mỗi kẻ thù cũng có điểm yếu riêng, đòi hỏi bạn phải xem xét tình hình và liên tục thay đổi chiến thuật “xin crush một tấm hình” cho mục đích sinh tồn. Ngay cả yếu tố giải đố cũng vậy, được thiết kế để tạo lý do cho người chơi khám phá một cách tự nhiên mà không gây cảm giác khiên cưỡng. Tuy nhiên ở góc độ người chơi, việc cung cấp rất ít manh mối giải đố có lẽ là điểm trừ không nhỏ đối với một số người chơi. Cá nhân tôi thì không gặp vấn đề gì với thiết kế này.
Đáng chú ý, DreadOut không sử dụng những chiêu trò jump-scare hù dọa như thường thấy, mà tích cực dùng chất liệu hình ảnh đáng sợ để gieo vào tâm trí người chơi cảm giác “lạnh sống lưng”. Đi kèm với đó là những bản nhạc nền mang âm hưởng nếu không phải như “lên đồng cầu hồn” thì cũng là trống chiêng dồn dập hoặc những nhạc cụ dân gian với tiết tấu nhanh, góp phần tạo nên cảm giác vô cùng căng thẳng. Đã thế, số lượng ma mà người chơi đối mặt cũng rất đa dạng về tạo hình “hết hồn chưa”. Thậm chí, ngay cả khi biết trước có sự kiện đang chờ bạn ở “ngã ba đường” nào đó, nhưng cũng không tránh khỏi cảm giác “sợ tụt váy” khi bất ngờ “đụng mặt” với ma ở cự ly quá gần. Nếu xét ở khía cạnh “hù chút chơi” thì nhà phát triển Digital Happiness đã làm quá xuất sắc.
Từ tạo hình các con ma dễ khiến bạn lạnh người khi đụng độ cho đến nhiều phân đoạn “hú hồn hú vía” rất đời thường, nhưng luôn gây căng thẳng “đúng người, đúng thời điểm” trong tình huống và ngữ cảnh của game, thế mới tài. Mà đó là trên chất lượng đồ họa không mấy ấn tượng của DreadOut, điều vốn chưa bao giờ là thế mạnh của các nhà phát triển độc lập và tựa game của nhà phát triển Digital Happiness cũng không phải ngoại lệ. Ở góc độ người chơi, điều này mang đến cho tôi chút cảm giác thấy tiếc vì trải nghiệm game xây dựng quá tốt, nhất là cái không khí u ám và “căng như dây đàn” mà rất hiếm tựa game cùng thể loại nào trên thị trường có thể mang đến. Với một “hardcore fan” của series Fatal Frame như tôi, đó là sự phấn khích và hào hứng khi trải nghiệm game mang đến cảm giác thỏa mãn.
Tuy nhiên, đồ họa không phải là điểm trừ lớn nhất trong trải nghiệm DreadOut. Kỳ thực, một trong những vấn đề đáng nói nhất nằm ở một số thiết kế game kiểu “old-school” ngày xưa rất dễ gây ức chế cho những ai quen với lối chơi “cầm tay chỉ việc” trong thiết kế game ngày nay. Thế nhưng, khó chịu nhất là các lỗi linh tinh hoặc thiết kế bất công trong trải nghiệm. Đơn cử như tôi thường gặp tình trạng hình ảnh bị chớp tắt, cứ biến mất rồi xuất hiện lại rất bực mình, dễ gây nhầm lẫn trong những phân đoạn “đại chiến chụp hình” với kẻ thù ma. Đáng nói, đây có vẻ là vấn đề hạn chế từ chính game engine như thừa nhận của nhà phát triển và họ không có cách giải quyết dù đã hơn 5 năm kể từ ngày phát hành.
Bực mình không kém là mỗi khi bị “ma bắt”, người chơi phải chờ “công chúa ngủ trong rừng” thức tỉnh và chạy một quãng đường dài ở “miền cực lạc” mới có thể tiếp tục trải nghiệm, rất mất thời gian. Trong khi đó, một trong những nguyên nhân khiến Linda thường xuyên “lên đường” là do góc nhìn camera không phải “lúc nào cũng đúng” và độ sáng quá thấp do thiết kế đặc trưng, nhiều khi không thể quan sát được gì. Đã vậy, nếu người chơi để nhân vật chính bị dồn góc và mất mạng nhưng hệ thống autosave lại được kích hoạt “quá nhanh quá nguy hiểm” khoảnh khắc này, cách duy nhất để tiếp tục trải nghiệm là lấy đó làm “kinh nghiệm xương máu” rồi xóa file save và chơi lại từ đầu. Không điên mới lạ!
Kỳ thực, đây là tình huống mà tôi gặp phải trong trải nghiệm khi lần đầu đụng độ con boss cầm lưỡi hái ở đầu game. Sau khi bị cả hai con ma “quỷ sứ hà” này dồn góc thì không cách nào thoát được, cứ bị vòng lặp chết rồi lại hồi sinh và cứ thế. Mỗi lần bị kẻ thù tấn công “té sấp mặt”, nhân vật tốn vài giây để đứng dậy nhưng nếu bị dồn góc trong một số tình huống nhất định và kẻ thù liên tục tấn công, người chơi không bao giờ kịp lấy điện thoại ra để chụp hình phản công hay làm gì khác. Ngay cả khả năng “chạy đi chờ chi” cũng không thể thực hiện được vì bị vướng vào kẻ thù và địa hình. Đáng nói hơn, vấn đề khó chịu này cũng khiến tôi tức phát điên trong trải nghiệm DreadOut 2, nhưng may mắn là autosave khi đó không phải ngay vị trí “độc” như DreadOut.
Sau cuối, DreadOut mang đến một trải nghiệm kinh dị sinh tồn căng thẳng và vô cùng “quyến rũ” với những ai yêu thích thể loại game dễ bị “nhồi máu cơ tim” này, đặc biệt là các bạn từng một thời yêu thích những cái tên kinh điển của ngày xưa như series Silent Hill hay Fatal Frame. Nếu muốn tìm lại cảm giác “đau tim” trong những tựa game kinh dị sinh tồn ngày xưa nhưng với thời lượng chơi ngắn, đây chắc chắn là cái tên rất đáng cân nhắc.
DreadOut hiện có trên PC (Windows, Linux).
Tham gia cùng chúng tôi trên Steam Xem thêm bài đánh giá các game khác