DreadOut 2 là phần tiếp theo của tựa game kinh dị sinh tồn cùng tên, với quy mô lớn hơn và nhiều cải thiện đáng chú ý so với phần chơi đầu tiên trong series DreadOut.
Trong DreadOut 2, nhà phát triển Digital Happiness đưa người chơi tiếp nối câu chuyện còn dang dở trong phần đầu. Tuy nhiên, nếu chưa từng chơi DreadOut, bạn cũng không cần phải lo lắng vì game có hẳn chuyên mục Story Before để tóm tắt lại toàn bộ nội dung đã diễn ra. Chuyện kể rằng có bầy chuột trong một chuyến đi chơi đã lạc đến khu rừng nọ, đụng độ với những quái vật đáng sợ và trở thành nạn nhân của chúng. Trong số đó, một con chuột đã thoát khỏi “cơ hội trở thành bữa ăn” đó và tiêu diệt được “kẻ tội đồ” đứng đằng sau những sự kiện kinh hoàng đó. Không may, thứ bị tiêu diệt lại là hộ vệ cho một thứ còn khủng khiếp hơn: xà tinh.
Nếu đã chơi DreadOut và Keepers of the Dark, có lẽ bạn cũng đoán ra “kẻ tội đồ” nói trên là ai. Tương tự, con chuột “tuổi trẻ tài cao” không ai khác hơn là Linda. Quay trở lại trường sau hàng loạt biến cố nói trên, cô nữ sinh đáng thương nhanh chóng trở thành nạn nhân của tệ nạn bắt nạt từ bạn bè cùng trường. Họ bày đủ trò, từ giấu giày dép kinh điển hay nhốt cô vào tủ cho đến tệ hơn nữa là “tế sống” Linda. Nghe rất quen đúng không? Đấy chính xác là bắt nạt học đường mà có thể bạn từng là “kẻ thủ ác” hoặc nạn nhân đó. Người chơi sẽ khởi đầu từ một ngày đi học đầy tăm tối như thế, nhưng dường như mọi thứ còn tệ hơn khi có những điều kỳ lạ bắt đầu ám ảnh cuộc sống thường nhật của Linda.
Ngay từ đầu trải nghiệm, DreadOut 2 đã khiến tôi khá bất ngờ với chất lượng hình ảnh tốt hơn trước rất nhiều. Phần chơi mới chuyển sang sử dụng game engine Unreal nên có sự cải thiện rõ nét về mặt hình ảnh. Tuy không đến mức gây ấn tượng nhưng dễ thấy nhất là thiết kế môi trường có độ chi tiết cao và đẹp hơn rất nhiều. Tạo hình Linda nhìn xinh và hiền hơn, không còn cảm giác “creepy” trong những khung cảnh tối như trải nghiệm DreadOut nữa. Các chi tiết trên trang phục của nhân vật chính cũng có sự thay đổi, đặc biệt là chân váy với đường may bó sát vòng ba trong DreadOut trước đây có thể dễ khiến không ít người chơi nam giới mất tập trung.
Bộ đồng phục kín đáo nhưng hơi “lắc lư” mỗi khi di chuyển trong phần chơi cũ, giờ đây được thay bằng áo sơ mi nữ sinh khoét sâu cổ, trông hơi gợi cảm. Chân váy tuy ngắn hơn một chút nhưng không còn cảm giác “lồ lộ” như trước đây nữa, nhìn nhân vật thanh thoát hơn mỗi khi di chuyển. Chuyển động bước đi của nhân vật chính cũng trông nữ tính hơn nhiều so với trong DreadOut, nhưng những hành động khác nhìn vẫn hơi cứng chứ không được tự nhiên. Mặt khác, thay vì cải thiện lung tung các tiểu tiết như DreadOut: Keepers of the Dark trước đây, nhà phát triển nay đã biết trau chuốt những gì đập vào mắt người chơi nhiều nhất và làm “sương sương” những chi tiết ít thấy hơn.
Tuy nhiên, đồ họa được khoác lớp áo mới vẫn có một số vấn đề đáng đề cập. Một trong số đó là chất lượng dựng hình của các NPC có phần hơi bất đồng nhất. Mặc dù ban đầu bạn có thể không kịp để ý điều này do còn tập trung vào trải nghiệm, nhưng nhìn thường xuyên trong suốt trải nghiệm sẽ khiến người chơi sớm nhận ra. Đơn cử như ở khu vực bệnh viện, trong khi một số NPC có tạo hình khá ổn thì xen lẫn ngay trong cùng khung cảnh đó cũng có NPC bị “dìm hàng” rất dễ nhận thấy. Tôi không chắc lắm nhưng cũng có thể là hình dựng trong hai game DreadOut cũ được “khiêng” qua và tái sử dụng trong phần chơi mới, nhưng cũng có thể vì NPC đó không quan trọng nên không được chăm chút cẩn thận.
Tương tự, lối chơi trong DreadOut 2 được cải thiện rất nhiều và bổ sung nhiều cơ chế mới so với phần chơi cũ. Tuy nhiên, những thay đổi này cũng có thể gây ý kiến trái chiều từ phía người chơi. Đầu tiên là thiết kế kiểu “old-school” vẫn tiếp tục giữ nguyên, cung cấp cực kỳ hạn chế gợi ý về những gì mà bạn cần làm để tạo diễn biến cho cốt truyện. Thế giới trong game giờ đây rộng hơn, trao cho người chơi cảm giác tự do hơn trong việc khám phá. Ngoài nhiệm vụ chính bắt buộc, giờ đây bạn còn có thể thực hiện các nhiệm vụ phụ nhưng cũng không nhiều do NPC tương tác ít. Thế nhưng, thiết kế màn chơi mang cảm giác mở lại không có bản đồ nhỏ để hỗ trợ trải nghiệm, ít nhiều đều gây khó khăn trong khám phá và giải đố.
Điện thoại Irisphone của Linda nay đã được nâng cấp với nhiều tính năng hơn. Bên cạnh việc theo dõi các thông tin Ghostpedia và Notes thay cho giao diện cũ kỹ trước đây, người chơi còn có thể dùng Bike Taxi để di chuyển nhanh giữa các địa điểm. Tính năng chụp hình cũng được nâng cấp để có thể “phản công” mạnh và nhẹ, nhưng kỳ thực tôi không cảm thấy nhiều khác biệt lắm ngoại trừ mất thời gian để chụp hình hơn. Đôi lúc, chiếc điện thoại này cũng bị lỗi phần mềm như ngoài đời vậy. Ban đầu cũng khá hài hước nhưng về sau chỉ khiến tôi tức phát điên, nhất là khi đang bận rộn “bắt” những khoảnh khắc thần thái nhất của boss thì điện thoại lại giở chứng. Thấy mà tức á.
Thế nhưng, thay đổi lớn nhất trong DreadOut 2 là cơ chế gameplay đa dạng hơn, từ các phân đoạn “đại chiến chụp hình” lấy cảm hứng từ Fatal Frame, cho tới những khoảnh khắc đòi hỏi nhân vật phải di chuyển “êm như mèo”, gợi nhớ đến Outlast hay những cái tên tương tự như The Evil Within và không chỉ dừng ở đó. Những thay đổi này đòi hỏi người chơi phải giữ nhịp độ chậm trong trải nghiệm nếu không muốn gặp “đại nạn” bất ngờ. Đáng chú ý nhất là Linda không còn chỉ biết chụp hình mà đã mạnh mẽ hơn. Cô nữ sinh nay đã có thể dùng vũ khí cận chiến cho mục đích sinh tồn. Kẻ thù cũng vậy. Chúng được “nâng cấp” với khả năng tấn công đa dạng hơn, cần sự chú ý và cẩn thận hơn nếu bạn không muốn bị “ma bắt”.
Đơn cử như kẻ thù thích “cho chụp với” có thể khiến bạn bị “stun” trong khi ngược lại, người chơi cũng có thể “stun” chúng bằng cách sử dụng đèn flash trên điện thoại di động. Nguy hiểm nhất là những kẻ thù tấn công cận chiến. Chúng không chỉ biết “tát vỡ mồm” bạn mà còn “xếp hình” với Linda hoặc dồn tường nhân vật rồi “đấm cho không trượt phát nào” đến khi cả hai “đôi ngã chia ly”. Nếu bạn không nhận ra thì đây kỳ thực là lỗi game vô cùng khó chịu, từng khiến tôi trở thành “bà cô điên loạn” không ít lần trong trải nghiệm DreadOut và Keepers of the Dark. Nó đã trở lại và bớt ăn hại hơn trong DreadOut 2 nhờ vào hệ thống autosave mới tinh tế hơn, chỉ tự động save game ở những phân cảnh nhất định nên chưa gây nhiều hậu quả lắm.
Dù vậy, tôi cũng chẳng thể nào “vui vẻ không quạu” khi lỗi game trong DreadOut 2 nhiều không kể xiết. Một số trong đó có thể khiến bạn phải “ragequit” hoặc rút kinh nghiệm và chơi lại từ đầu, không nổi điên mới lạ. Đơn cử như trường hợp “tát vỡ mồm” điển hình nói trên là cuộc đụng độ với bóng ma “cao to đen hôi” ở Act 4 gì đó. Tuy không phải là boss nhưng hành tung rất manh động, hễ thoáng thấy Linda là điên cuồng tấn công như “ngáo đá”. Trong khi đó, nhân vật chính tuy đã nhanh nhẹn hơn xưa nhưng vẫn còn cảm giác “lề mề” mỗi khi trúng đòn, khiến tôi “chết đi sống lại” vài lần mà vẫn không tài nào “tán” được anh “ma tốc độ”. Cuối cùng phải chọn giải pháp đánh du kích “mưa dầm thấm lâu” mới trị được “tên sàm sỡ” này, nhưng cảm giác ức chế vẫn “ám ảnh” đến giờ.
Tương tự, nhịp độ chơi lộn xộn do thay đổi cơ chế gameplay cũng dễ gây rối cho người chơi, nhất là “fan cứng” của series DreadOut. Chẳng hạn ở gần cuối Act 0, bạn phải chạy loạn để chụp hình cùng Henny và “crush”, nhưng sang đầu Act 1 thì nhịp độ trầm lắng hẳn với những khoảnh khắc “lắng đọng thời gian” khá sốt ruột. Cảm giác chờ đợi dù chỉ vài phút nhưng mãi không có gì xảy ra, đến khi bạn bắt đầu “nóng máu” thì đột nhiên trải nghiệm thay đổi “nhanh như chớp” sang chiến đấu cận chiến. Rồi khi bạn còn đang “mong ước kỷ niệm xưa” với đoạn trường “chờ đợi là hạnh phúc” mới, lập tức trải nghiệm game chuyển sang hành động lén lút “đi nhẹ nói khẽ” và cứ xoay vòng xen kẽ ngẫu hứng như thế. Giỏi lắm, Digital Happiness!
Một điều cũng đáng phàn nàn là trải nghiệm DreadOut 2 đôi lúc mang cảm giác giống như “tình đơn phương”. Trò chơi gần như không có phản hồi gì mỗi khi bạn thực hiện những hành động nào đó, nhiều khi không biết được là người chơi sai hay game sai. Chưa kể, đôi khi cũng có tình trạng người chơi chụp “ảnh hậu ma” bị “mất nét” và không được trò chơi ghi nhận, khá là ức chế. Đây có lẽ là lỗi game vì nó xảy ra nhiều lần trong suốt trải nghiệm chứ không phải chỉ đôi lần. Lỗi này tôi có thể bỏ qua, nhưng với người khác thì tôi không chắc! Trải nghiệm DreadOut và Keepers of the Dark dường như cũng có tình trạng như vậy, nhưng khi đó độ sáng màn chơi quá tối nên tôi cứ nghĩ là do bấm chụp hình quá sớm hoặc quá muộn, nhưng xem ra không phải vậy.
Sau cuối, DreadOut 2 mang đến một trải nghiệm phiêu lưu hành động kinh dị khá hấp dẫn với cơ chế gameplay đa dạng, mở rộng và nhiều cải tiến đáng chú ý so với người tiền nhiệm. Một số trong đó có thể là điểm cộng, nhưng sẽ cũng khiến không ít người chơi cũ của series cảm thấy kém hào hứng với sự thay đổi thiên về yếu tố hành động của phần chơi mới. Chưa kể, hitbox của một số kẻ thù “có gì đó sai sai” cũng là vấn đề không nhỏ cần giải quyết để mang đến trải nghiệm tốt hơn. Nếu có thể bỏ qua một số khiếm khuyết của trò chơi, đây vẫn là cái tên rất đáng cân nhắc nếu bạn yêu thích lối chơi hành động pha lẫn kinh dị.
DreadOut 2 hiện có trên PC (Windows).
Bài viết sử dụng game do nhà phát hành hỗ trợ.
Tham gia cùng chúng tôi trên Steam Xem thêm bài đánh giá các game khác