Draugen là tựa game phiêu lưu khám phá hấp dẫn với lối chơi walking sim quen thuộc ở góc nhìn thứ nhất.
Draugen là tựa game thứ hai của Red Thread Games, nhà phát triển của game phiêu lưu khám phá giải đố Dreamfall Chapters. Với lối xây dựng trải nghiệm game theo kiểu một bộ phim, không có gì lạ khi cả hai “đứa con tinh thần” của họ đều được hậu thuẫn tài chính bởi Viện phim Na Uy và đều gặt hái được thành công đáng kể.
Lấy bối cảnh vào năm 1923, Draugen khởi đầu với chuyến bơi xuồng của nhân vật Edward và Alice đến thị trấn mỏ Graavik nằm ở ven biển Na Uy. Thế nhưng khi đến nơi, mọi chuyện lại giống như “tôi là ai, đây là đâu” với những tình tiết khó hiểu liên tục xuất hiện. Người chơi sẽ bắt đầu trải nghiệm ở thời điểm này. Điều đáng nói là game có tiết tấu khá chậm rãi, với cốt truyện dần mở ra cũng khá từ tốn dù thời lượng tương đối ngắn. Thậm chí, ban đầu tôi cũng chưa bị cuốn hút bởi câu chuyện mà quan tâm nhiều đến đồ họa và yếu tố khám phá, tương tác hơn.
Ở góc độ người chơi, đây là một trong những yếu tố gây cho tôi sự ấn tượng nhất, đến mức tôi đã thử tra thông tin xem “thị trấn thiên đường” này có phải là một địa danh có thật để các nhà phát triển lấy làm cảm hứng xây dựng hay không. Đáng tiếc là thông tin thu được khá mập mờ, không rõ ràng nên cũng không giải tỏa được thắc mắc của tôi. Đó cũng là cảm giác của tôi khi trải nghiệm Draugen. Trò chơi đưa bạn đi vào nội dung một cách mù mờ, với những thông tin đứt đoạn và những tình tiết bất ngờ đầy khó hiểu cần phải khám phá, tìm hiểu để giải tỏa thắc mắc.
Ban đầu, tôi cũng khá hào hứng đoán mò đoán non như bất kỳ người chơi nào khác khi trải nghiệm một tựa game thiên về câu chuyện kể như Draugen. Thế nhưng sau một hồi bị nội dung game “dắt mũi”, tôi quyết định thả lỏng tâm trí, tập trung vào trải nghiệm hơn. Đó cũng là thời điểm khoảng 1/3 thời lượng chơi đã trôi qua, lúc này game bắt đầu mở ra nhiều hướng khác nhau và “gây rối” những giả thiết ban đầu của tôi về nội dung. Thế nhưng, các tình tiết đều được đội ngũ biên kịch kết hợp với nhau khá tốt, lồng ghép trong đó có chi tiết thiếu thực tế mà đời thật cũng có, tạo nên cảm giác thật giả lẫn lộn khá cuốn hút.
Tuy nhiên, đó cũng là điểm trừ của trò chơi vì không tạo được ấn tượng ban đầu tốt, điều mà tôi nghĩ khá quan trọng với thể loại game như Draugen. Sự tò mò được khơi gợi trong câu chuyện ở thời điểm ban đầu cũng không đủ cuốn hút nếu bạn không có chút kiên nhẫn với trò chơi. Chưa kể, cảm giác “tôi là ai, đây là đâu” luôn diễn ra khá thường trực ở thời điểm này, khiến người chơi luôn trong tâm trạng mù mờ về nhân vật chính và các mối quan hệ của nhân vật này, để lại nhiều câu hỏi lẫn lộn. Dù vậy, game lại gây cho tôi nhiều ấn tượng với hệ thống lời thoại được xây dựng khá thú vị trong cách tương tác.
Khác với những tựa game khác thường cung cấp lời thoại một cách thụ động đến người chơi, Draugen lại cung cấp khá nhiều thông tin chủ động về mỗi câu trả lời trong đó. Yếu tố này khiến tôi nhớ đến game What Remains of Edith Finch cũng đã làm rất tốt điểm này. Tuy nhiên, có một điểm trong lời thoại mà tôi nghĩ biên kịch đã khá lạm dụng đó là các từ lặp lại khá thường xuyên như old bean, old sport hay old boy khi Alice đề cập đến Edward. Ban đầu nó còn khiến tôi có cảm giác thú vị, giống như một cách gọi nickname dành riêng cho Edward của Alice nhưng càng về sau, nó lại mang cảm giác phản cảm, xấc láo.
Không những vậy, yếu tố này còn kết hợp kém duyên với biểu cảm khuôn mặt thiếu thần thái của nhân vật, đặc biệt là đôi mắt. Không ít lần, Alice khiến tôi tụt hứng khi nhìn vào ánh mắt cô bé khi trò chuyện. Dù vậy, biên kịch khá tài ba khi xây dựng sự tương phản về tính cách giữa hai nhân vật chính. Yếu tố này được lồng ghép rất khéo trong các đoạn thoại của cả hai và là một trong những điểm thú vị nhất trải nghiệm. Đáng nói, Draugen không phải là một tựa game kinh dị nhưng thỉnh thoảng nhà phát triển vẫn đưa vào một số tình tiết khiến bạn giật thót, tạo cảm giác khá rợn người như bạn đang bị ai đó theo dõi.
Trải nghiệm Draugen chủ yếu xoay quanh việc bạn đi lang thang, điều tra bí ẩn với sự hỗ trợ của nhân vật đồng hành. Xen giữa những cuộc trò chuyện của cả hai mà người chơi đôi lúc phải chọn lựa giữa những cụm từ nhất định, tương tác với môi trường màn chơi để mở rộng thông tin, từ đó thúc đẩy nội dung tiếp diễn. Lối chơi walking sim phát huy khá tốt trong trường hợp này khi kết hợp với mọi yếu tố khác trong trải nghiệm game. Điều thú vị là các lời thoại thường cung cấp cho người chơi quan điểm góc nhìn của Edward thông qua các từ khóa nhất định thay vì “nói toạt móng heo” như thường thấy.
Đây là một điểm khá thú vị trong thiết kế, giúp người chơi nhập tâm và hiểu được sâu sắc những gì đang diễn ra trong tâm trí nhân vật chính. Mặc dù lựa chọn “từ khóa” của người chơi trong các trường hợp đều không tạo sự khác biệt về kết cục, nhưng nó lại vẽ ra một hình ảnh hoàn chỉnh về nhân vật của người chơi, cho phép bạn lựa chọn tính cách của nhân vật này là biết quan tâm hay chỉ sống ích kỷ. Bên cạnh đó, những thông tin tìm được hay sự tương tác với môi trường cũng mang đến cho người chơi những lời kể theo kiểu mảnh ghép, giúp bạn hình dung ra một bức tranh tổng thể đang dần rõ nét phía trước.
Đồ họa trong game rất đẹp khiến tôi không ít lần phải cố chụp màn hình một khoảnh khắc nào đó để lưu giữ lại. Yếu tố ngày và đêm mang cảm giác khá khác biệt, nhất là khi bạn nhìn những tia nắng chiếu xuyên qua những đám mây rọi thẳng xuống mặt đất, những tán cây hay vào một góc nào đó của những ngôi nhà trong làng. Nhà phát triển cũng dành không ít những khu vực để bạn có thể cho nhân vật ngồi lại thực hiện một số “hành động ngoại khóa”, trong khi người chơi có thể nhân cơ hội đó để ngắm nhìn cảnh đẹp khó cưỡng ở thị trấn yên tĩnh theo đúng nghĩa đen này và tôi khuyến cáo bạn nên làm thế.
Draugen cũng khiến tôi cảm thấy khá ấn tượng với giao diện game tối giản. Đây là một thiết kế rất tinh tế để trò chơi tha hồ phô diễn chất lượng đồ họa khá tuyệt vời của nó, tránh gây cản trở ánh nhìn đến những khung cảnh được nhà phát triển dày công xây dựng. Ngay cả âm nhạc cũng vậy, kết hợp khá hài hòa với trải nghiệm game bằng những đoạn nhạc piano hoặc hợp xướng, nhưng đôi khi cũng gây cho tôi một cảm giác khá khó chịu khi tạo nên một bầu không khí có phần kỳ bí, ám ảnh và không kém phần tò mò. Điểm trừ là trải nghiệm game khá ngắn, nhưng tôi nghĩ đó là sự tiết chế hợp lý và khôn ngoan của nhà phát triển.
Sau cuối, Draugen mang đến một trải nghiệm phiêu lưu tương tác thiên về câu chuyện kể rất thú vị và hấp dẫn, được xây dựng hết sức chỉnh chu và tinh tế trong từng yếu tố. Dù vậy, điểm trừ lớn nhất của trò chơi là phần mở đầu thiếu sự hấp dẫn cần thiết và kết thúc không thật sự thỏa mãn, nhưng đó có thể chỉ là quan điểm của cá nhân tôi mà thôi. Nếu yêu thích thể loại này, đây là một tựa game rất đáng chú ý mà bạn không nên bỏ qua.
Draugen được phát hành cho PC (Windows).
Bài viết sử dụng game do nhà phát hành hỗ trợ.