Chỉ mới gần hai tuần phát hành mà Dragon Quest XI: Echoes of an Elusive Age đã hoàn toàn thất thủ trước cracker, dù được bảo vệ bởi công nghệ chống crack Denuvo phiên bản mới nhất.
Không phải tự nhiên mà nhiều người chơi lại có hai luồng dư luận mà trong đó phe phản đối Denuvo cho rằng công nghệ này khiến các tựa game mới yêu cầu cấu hình quá cao, nhưng lại mang đến hiệu năng kém vì “tác dụng phụ” từ cơ chế hoạt động của công nghệ này. Tuy nhiên, vấn đề này vẫn còn gây nhiều tranh cãi vì trên thực tế có những tựa game sau khi cập nhật gỡ bỏ Denuvo thì tốc độ khung hình cải thiện rất nhiều như trường hợp của Mass Effect: Andromeda. Trong khi những tựa game dùng phiên bản Denuvo cũ hơn như Mad Max hay Doom thì lại không mấy cải thiện về hiệu năng.
Mới đây, Dragon Quest XI: Echoes of an Elusive Age đã chính thức trở thành “nạn nhân” mới nhất của nhóm cracker CODEX. Trò chơi đã bị “bẻ khóa” và gỡ bỏ Denuvo chỉ chưa đầy hai tuần sau khi phát hành trên nền tảng Windows. Đây là tựa game nhập vai hành động mới nhất và cũng là phần chơi chính đầu tiên trong series JRPG nổi tiếng Dragon Quest được ra mắt trên Windows. Thế nên việc nó được nhà phát hành sử dụng công nghệ này để bảo vệ trò chơi cũng không có gì là lạ. Khi truy cập vào trang Store của tựa game này trên Steam, bạn sẽ thấy dòng thông báo Incorporates 3rd-party DRM: Denuvo 5 machine activation limit theo chính sách minh bạch của Steam, cho thấy trò chơi có sử dụng công nghệ Denuvo. Theo nhiều thông tin trên mạng thì tựa game này sử dụng phiên bản Denuvo mới nhất, không may là công nghệ này đã không giúp ích gì cho trò chơi trước sự tấn công của các cracker.
Nếu bạn không biết thì Denuvo hay Arxan (dùng trên các ứng UWP của Windows 10) kỹ thuật chống crack được cho là sử dụng công nghệ ảo hóa trên các CPU thế hệ mới, để liên tục mã hóa và giải mã chính nó khiến việc bẻ khóa trở nên bất khả thi. Dù vậy, các công ty phát triển ra những công nghệ nói trên đã bác bỏ điều này. Đến nay vẫn chưa có thông tin xác thực về cách thức vận hành của các công nghệ này, nhưng giới cracker tin rằng cơ chế hoạt động của chúng chính là nguyên nhân khiến nhiều tựa game kém mượt mà, hoặc yêu cầu cấu hình cao hơn nhiều so với hiệu năng thật sự mà trò chơi có thể đạt được nếu không sử dụng chúng. Nhiều người chơi đã minh chứng giả thiết này khi thử nghiệm cùng một tựa game, nếu cài từ Steam thì cho hiệu năng kém hơn nhiều so với khi chơi bản crack đã gỡ bỏ Denuvo, điển hình như trường hợp Mass Effect: Andromeda nói trên.
Trong khi công nghệ anti-tamper của Denuvo hoặc Arxan giúp bảo vệ game khỏi tệ nạn vi phạm bản quyền thì nó giờ đây lại trở thành một “cuộc đua vũ trang” giữa các nhóm cracker xem ai có thể “bẻ khóa” nhanh nhất. Hồi cuối tháng chín năm ngoái, nhóm cracker STEAMPUNKS đã tung “phát súng đầu tiên” khi crack thành công tựa game bóng đá FIFA 18 được bảo vệ bằng “thành trì” Denuvo chỉ ba giờ sau khi phát hành. Sau đó, liên tiếp nhiều tựa game khác được bảo vệ bằng công nghệ Denuvo mới nhất lần lượt bị cracker “hạ gục”, trong đó có cả nhiều tựa game được bảo vệ bởi Denuvo phiên bản mới nhất là 4.9 như Total War Saga: Thrones of Britannia, Shinning Resonance Refrain hay Naruto to Boruto: Shinobi Striker.
Thậm chí cách đây không lâu, nhóm cracker CODEX còn bất ngờ tuyên bố có thể “hạ gục” bất kỳ tựa game Universal Windows Platform nào trên Microsoft Store, vốn được bảo vệ bởi cơ chế khá phức tạp gồm nhiều lớp bảo mật. CODEX đã chứng minh điều này bằng cách lần lượt tung ra bản crack của game Gears of War 4, State of Decay 2 và mới nhất là Forza Horizon 3.