Dragon Age: The Veilguard là tựa game thứ tư và cũng là phần chơi mới nhất của series game nhập vai Dragon Age từ năm 2009, nếu không tính bản mở rộng Dragon Age: Origins – Awakening lẫn các phần chơi trên nền tảng web và di động. Tuy lấy bối cảnh 10 năm sau kết thúc của Dragon Age: Inquisition và đóng vai trò như hậu bản của game vừa đề cập, nhưng trò chơi mang nhiều cảm giác như bản tái khởi động nhẹ của dòng game này hơn.
Trải nghiệm Dragon Age: The Veilguard xoay quanh nhân vật tân binh tên Rook cùng đồng đội tìm cách ngăn chặn Solas phá hủy Veil giam cầm các cổ thần xấu xa. Thế nhưng trong quá trình thực hiện điều đó, “biệt đội báo quá” này lại vô tình phóng thích hai ác thần, gây nên thảm họa trên toàn cõi Thedas. Vậy là cực chẳng đã, người chơi phải đồng hành cùng Rook giải quyết hậu quả với nhiều nút thắt đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác.
Bất ngờ đầu tiên của tôi là đồ họa của Dragon Age: The Veilguard rất đẹp, mang đậm tính nghệ thuật trong xây dựng các khung cảnh trải nghiệm nhưng lại sử dụng những gam màu tươi sáng, hoàn toàn không phù hợp với câu chuyện kể nhuốm màu sắc tận thế đến nơi của trò chơi. Có lẽ cũng lâu rồi tôi mới được chơi một game nhập vai có đồ họa ấn tượng, đến mức cứ bắt nhân vật điều khiển đứng tạo dáng để chụp hình liên tục như vậy.
Mỗi khung cảnh trong game đều nhìn rất lộng lẫy với tông màu nhất định, tạo sự khác biệt dễ nhận thấy giữa những địa danh dù đôi lúc cảm giác hơi sến. Đơn cử khu rừng ở Arlanthan nổi bật với những mảng màu vàng và xanh lá, kết hợp điểm xuyết bằng bảy sắc cầu vồng đâu đó. Hay như đập vào mắt tôi khi đến Dock Town là những tảng đá màu xám với thời tiết khá xấu, thường xuất hiện những vũng nước đọng giữa những hòn đá.
Ấn tượng nhất vẫn là hiệu ứng ánh sáng trong game, tạo nên những khung cảnh đẹp rạng ngời lắm lúc khiến tôi phải tranh thủ kê tay lên nút chụp hình của tay cầm, thay vì tập trung vào lời thoại để theo dõi diễn biến câu chuyện kể. Mọi khung cảnh đều có sự chăm chút rất tỉ mỉ từng chi tiết, làm bật lên cá tính của mỗi nhân vật và địa danh. Sự tỉ mỉ này áp dụng ngay cả những điểm đến mà người chơi ít khi lui tới như phòng riêng của các nhân vật đồng hành.
Thậm chí, tôi còn không chắc trò chơi sử dụng phim CG cho các đoạn chuyển cảnh hay dựng bằng game engine vì dung lượng cài đặt khá “khủng” so với game tiền nhiệm. Một trong những khoảnh khắc khiến tôi ấn tượng là những lúc các nhân vật cùng ngồi lại bên nhau như những người bạn thân… ai nấy lo, thảo luận và phản biện những sự việc đã xảy ra để đi đến thỏa thuận một mục tiêu mới hay chính xác hơn là nhiệm vụ chính dành cho người chơi.
Bất ngờ tiếp theo là mặc dù lấy bối cảnh thế giới đứng trước nguy cơ tận thế, nhưng hệ thống nhiệm vụ chính và phụ của trò chơi lại được xây dựng rất thong thả, cứ như mọi thứ vẫn đang tươi đẹp vậy. Nếu không phải đi làm những chuyện như điều tra này điều tra người này người nọ giúp các NPC hoặc thành viên trong party, người chơi cũng phải điều nhân vật đi lòng vòng khá nhiều. Không bất ngờ mấy là hệ thống chiến đấu mang chút cảm giác soulslike.
Gọi là soulslike vì một số yếu tố đặc trưng và mang đậm cảm giác hành động nhịp độ nhanh, nhưng bạn hoàn toàn có thể tùy biến độ khó của trải nghiệm game cho phù hợp với quỹ thời gian cũng như khả năng của bản thân. Dragon Age: The Veilguard mở đầu với phần kể lại những sự kiện đã diễn ra trong Dragon Age: The Inquisition dẫn đến trải nghiệm game. Tuy nhiên, nhịp độ thay đổi do chuyển sang thể loại hành động nhập vai có thể khiến không ít người chơi lâu năm phật lòng.
Riêng tôi vẫn thích trải nghiệm game mang nhiều yếu tố hành động như Ys X: Norics hơn Warhammer 40000: Rogue Trader – Void Shadows với cảm giác tự do hành động và chiến đấu, nên đây là sự thay đổi đáng chào đón. Dù vậy, trải nghiệm Dragon Age: The Veilguard ít nhiều khiến tôi có cảm giác nhà phát triển BioWare vẫn chưa vượt qua thành công của series Mass Effect. Nhiều thiết kế chịu nhiều ảnh hưởng từ dòng game nói trên, nhất là cách kể chuyện và tiếp cận của hệ thống nhiệm vụ chính.
Bỏ qua vài vấn đề kể trên, Dragon Age: The Veilguard xây dựng phát triển nhân vật khá tốt. Các nhân vật đồng hành đều được khai thác nội tâm và nỗi sợ hãi rất thầm kín có thật của mỗi con người, chỉ có thể hóa giải thông qua tuyến nhiệm vụ riêng của nhân vật đó. Bạn cũng có thể phát triển mối quan hệ tình cảm với nhân vật trong party để dẫn tới những khoảnh khắc tình thương mến thương ngọt ngào, nhưng yếu tố này lại ít mang nhiều ý nghĩ giữa thời khắc tận thế bủa vây.
Hệ thống nhiệm vụ phụ cũng vậy, đều có giá trị nhất định và mối liên hệ lẫn nhau trong tạo dựng góc nhìn đa chiều về thế giới trong game từ mỗi NPC và các phe phái trong đó. Gần như không có nhiệm vụ nào thật sự dư thừa hay không liên quan. Cách xây dựng nhiệm vụ phụ cũng rất thú vị. Ban đầu tôi tính không làm nhiệm vụ phụ mà chỉ tập trung vào nhiệm vụ chính cho đến gần cuối trải nghiệm, nhưng cuối cùng lại bị cuốn vào lúc nào chẳng biết.
Những NPC giao nhiệm vụ phụ thường ở ngay trên đường đi làm nhiệm vụ chính, tạo nên một sự thuận tiện khó cưỡng. Thế nhưng khi bạn hoàn thành nhiệm vụ phụ đầu tiên, những nhiệm vụ phụ tiếp theo lại tiếp tục xuất hiện ngay trên đường. Kịch bản trong các nhiệm vụ phụ thường được chấp bút gợi sự tò mò về những mâu thuẫn cũng như những âm mưu khó lường trong nội bộ các phe phái, góp phần mở rộng lore trong thế giới game theo cách quyến rũ rất khó tả.
Những phe phái này cũng đóng vai trò quan trọng trong trải nghiệm game. Hoàn thành các nhiệm vụ đó, người chơi tăng thanh danh đối với các phe phái này và mở ra cơ hội thông thương với họ hoặc những đặc quyền liên quan. Việc xây dựng các mối quan hệ như thế giúp trải nghiệm game trở nên dễ dàng hơn, nhất là trong chiến đấu. Khía cạnh giải đố tuy tái sử dụng cơ chế cũ nhưng đôi lúc cũng mang đến những khoảnh khắc hack não bất ngờ.
Mặt khác, hoàn thành nhiệm vụ phụ cũng giúp tăng gắn kết với nhân vật đồng hành đi cùng bạn mỗi khi làm nhiệm vụ, rất có lợi cho chiến đấu trong trải nghiệm game. Đó là chưa kể nhiều nhiệm vụ hoặc câu đố môi trường tuy không gắn kết với nhiệm vụ nào, cũng dành cho bạn những phần thưởng khá hậu hĩnh nếu chịu khó khám phá và giải đố. Đó là cảm giác tự do khá thú vị mang tính khuyến khích khám phá khi trải nghiệm Dragon Age: The Veilguard.
Những điều này còn được hậu thuẫn bởi khía cạnh xây dựng thế giới quá tốt. Không hiếm trường hợp tôi gặp cầu thang hoặc gờ ở cuối một câu đố môi trường nào đó, giúp bạn quay về nơi bắt đầu ngay sau khi hoàn thành. Các nhiệm vụ cũng thường được nhóm lại theo khu vực để người chơi dễ theo dõi và thực hiện một loạt mỗi khi đến địa điểm đó, thay vì chạy đi chạy lại như mắc cửi giữa các khu vực khác nhau, thường thấy trong thiết kế game nhập vai.
Ngạc nhiên không kém là các chủ đề được xây dựng trong mỗi nhiệm vụ chính lẫn phụ. Chúng thường là những phản ánh trực quan về cuộc sống thật của mỗi con người chúng trong thế giới nên khá gần gũi. Điều thú vị là những đề tài này được xử lý nhẹ nhàng và tương đối tinh tế, cho thấy biên kịch cũng rất cẩn thận khi chấp bút. Tuy nhiên, tôi không cảm thấy những quyết định của mình thật sự tác động đến câu chuyện kể, đặc biệt là hệ thống approve và disapprove.
Vấn đề không phải người chơi không thấy được hậu quả. Chẳng hạn một trong số lựa chọn khó đó là việc bạn quyết định giúp nhân vật nào chiến đấu. Khi đó vì “mê trai” nên tôi không chọn giúp nhân vật nữ, kết quả là cả thành phố tan hoang. Thế nhưng sau tất cả, nhân vật đồng hành liên quan chỉ biến mất một thời gian và câu chuyện đau lòng đó hầu như rất hiếm được đề cập sau này hay được viết bằng giọng điệu khiến tôi cảm thấy day dứt. Chắc vấn đề là ở tôi.
Sau cuối, Dragon Age: The Veilguard mang đến một trải nghiệm hành động nhập vai khá đặc sắc với đồ họa ấn tượng, kết hợp cùng lối chơi rất có chiều sâu lẫn bề rộng đáng kể trong xây dựng thế giới game. Tuy nhiên với quá nhiều thay đổi trong cơ chế gameplay, đây có thể không phải trải nghiệm mà những người hâm mộ series Dragon Abe mong muốn. Dù vậy, không thể phủ nhận trò chơi vẫn là một trong những tựa game hành động nhập vai hấp dẫn của năm 2024 này.
Dragon Age: The Veilguard hiện có cho PC (Windows), Xbox Series X|S, PlayStation 5.
Bài viết sử dụng game do nhà phát hành hỗ trợ và được chơi trên Xbox Series X.
Tham gia cùng chúng tôi trên SteamTham gia kênh Steam của Trải Nghiệm SốXem thêm bài đánh giá các game khácTrải Nghiệm Số viết rất nhiều bài đánh giá game, bạn đừng bỏ lỡ nhé!