Double Cross là tựa game đi cảnh 2D với gameplay khá hấp dẫn nhưng chưa phát huy hết thế mạnh của trò chơi. Trải nghiệm game đưa người chơi đến với câu chuyện về điệp viên Zahra và tổ chức RIFT, chịu trách nhiệm giữ yên bình cho cả thiên hà và các chiều không gian. Sau cuộc tấn công bất ngờ tại trung tâm điều hành của tổ chức này, nhân vật của người chơi được phái đi điều tra và thu thập thông tin từ nhiều thế giới khác nhau. Trò chơi mang nhiều cảm giác quen thuộc của dòng game đi cảnh 2D kinh điển mà ngày xưa người viết rất yêu thích.
Đồ họa có lẽ không phải điểm mạnh của Double Cross nhưng phong cách hoạt hình đơn giản khá hợp với những tựa game thuộc thể loại này và Double Cross cũng không phải là ngoại lệ. Trò chơi tuy làm khá tốt khâu thiết kế màn chơi nhưng đôi lúc vẫn mang cảm giác sao chép lại cảnh nền cũ để sử dụng cho các yếu tố đi cảnh mới trong cùng màn chơi. Điều tương tự cũng áp dụng cho phần lớn kẻ thù của người chơi. Chúng không đa dạng về hình dáng, quanh quẩn chỉ có vài ba kẻ thù có cùng thiết kế với thay đổi về màu sắc.
Chưa kể, chuyển động các nhân vật trong Double Cross cũng không được chăm chút nhiều, không chỉ đơn giản mà còn được thiết kế sao chép lặp lại, không tạo cảm giác mượt mà uyển chuyển. Thiết kế màn chơi tuy vận dụng rất tốt các yếu tố gameplay nhưng lại không gây được cảm giác tốt về mặt đồ họa. Nhìn có vẻ hơi đơn giản và đôi lúc khá đơn điệu. Đây có lẽ là khuyết điểm lớn nhất của game nhưng không phải là vấn đề lớn trong trải nghiệm, trừ khi bạn muốn tìm kiếm những tựa game xuất sắc về mặt đồ họa như Ori and the Blind Forest Definitive Edition.
Bù lại, số lượng NPC trong Double Cross tương đối đa dạng và nhiều. Tuy nhiên, ngoài việc cung cấp thông tin từ những bằng chứng mà người chơi thu thập về, phần lớn những nhân vật này chỉ mang đến yếu tố tương tác và trò chuyện là chủ yếu để mang đến câu chuyện nền cho toàn bộ trải nghiệm. Điều này có hơi đáng tiếc dù tôi có thể hiểu được quan điểm thiết kế của nhà phát triển. Họ không đặt nặng yếu tố chiến đấu trong game mà thay vào đó, trải nghiệm tập trung nhiều vào yếu tố đi cảnh. Điểm cộng lớn nhất của trò chơi nằm ở yếu tố này.
Mỗi màn chơi đều mang đến cảm giác tươi mới trong trải nghiệm, với những yếu tố gameplay mới mà người chơi phải giải quyết. Mỗi thế giới trong Double Cross chia thành những màn chơi nhỏ theo cùng một chủ đề, trong đó bạn phải vận dụng những gì đã học được từ những màn chơi trước để tìm cách vượt qua. Chính điều này tạo nên sự hấp dẫn trong trải nghiệm game, đặc biệt là những ai yêu thích thể loại game đi cảnh. Ngay cả những trận đánh boss cũng đòi hỏi nhiều ở người chơi kỹ năng đi cảnh, chứ không phải nhanh tay lẹ mắt như thường thấy.
Điểm đặc trưng trong lối chơi của Double Cross là kỹ năng sử dụng “móc câu” được game hóa thành một loại vũ khí đặc biệt, cho phép bạn di chuyển qua lại giữa những điểm móc cố định trong môi trường màn chơi. Nghe qua thì tưởng đơn giản nhưng trò chơi thiết kế những chướng ngại vật khá khéo léo, khiến việc vận dụng nó luôn mang đến sự mới mẻ trong từng màn chơi. Chưa kể, kỹ năng này của Zahra có thể sử dụng theo nhiều cách khác nhau, mang đến thử thách không nhỏ cho người chơi trong toàn bộ trải nghiệm.
Tuy nhiên, trò chơi lại khá hạn chế trong các kỹ năng cơ bản khác của nhân vật như một cách ràng buộc bạn phải sử dụng “móc câu”. Đáng nói nhất là cơ chế chiến đấu khá đơn giản và thường không mang lại cảm giác thỏa mãn khi chiến đấu với kẻ thù dọc màn chơi. Ngược lại, boss tuy không nhiều nhưng khá đặc trưng về “phương án tác chiến”, mang đến cuộc chiến khá hấp dẫn khi đòi hỏi kỹ năng đi cảnh của người chơi hơn là “tay nhanh hơn não”. Trong khi đó, số lượng nâng cấp tương đối đa dạng nhưng không gây tác động nhiều đến trải nghiệm, chủ yếu vẫn đòi hỏi người chơi ở khả năng thao tác “tự thân vận động” nhiều hơn.
Ở khía cạnh gameplay khác, các nâng cấp trong Double Cross chỉ mang tính hỗ trợ ở mức độ thấp, giúp những ai “tay chưa nhanh” dễ dàng trải nghiệm hơn mà thôi. Nói đơn giản thì nó giống như lựa chọn để trải nghiệm game ở độ khó thấp hơn vậy. Đây dường như là định hướng của nhà phát triển muốn hướng đến nhiều đối tượng người chơi khi không có trừng phạt đáng kể đối với những sai lầm của người chơi. Kể cả khi bạn chết ngay từ giữa màn thì thường cũng chỉ phải quay lại một đoạn ngắn đầy thử thách nào đó, chứ không phải chơi lại cả một đoạn dài hay từ đầu màn như nhiều tựa game khác.
Đây có thể xem là một điểm cộng cho trò chơi ngay cả với những ai thuộc loại lão làng của thể loại đi cảnh. Tất nhiên, nếu muốn trải nghiệm có tính thử thách hơn, người chơi có thể không sử dụng các kỹ năng nâng cấp của nhân vật. Yếu tố này cũng mang đến độ khó không hề nhỏ trong trải nghiệm. Dù vậy, trò chơi vẫn có một số phân đoạn dài hiếm hoi mà mỗi khi để nhân vật chết, bạn buộc phải chơi lại từ đầu những cảnh này khá là ức chế. Rất may là những lần như thế chỉ đếm trên đầu ngón tay nên chưa đến mức phá hỏng toàn bộ trải nghiệm thú vị mà Double Cross mang đến. Nó giống như một chút thử thách để “đổi gió” cho người chơi mà thôi.
Sau cuối, Double Cross mang đến một trải nghiệm phiêu lưu đi cảnh 2D khá hấp dẫn và phù hợp với nhiều đối tượng người chơi khác nhau, kể cả những người chơi mới tiếp cận thể loại này. Điểm cộng lớn nhất của trò chơi là mang đến cảm giác tươi mới trong từng màn chơi, không chỉ về chủ đề mà cả cơ chế gameplay mới được bổ sung hợp lý. Đáng tiếc là trò chơi chưa có sự đầu tư đáng chú ý cho một số yếu tố như hệ thống chiến đấu hay đồ họa, nên mang đến chút cảm giác chưa phát huy hết toàn bộ tiềm năng. Dù vậy, nếu muốn tìm kiếm một tựa game phiêu lưu đi cảnh để chơi trong những ngày đầu năm 2019 thì đây là một tựa game rất đáng chú ý mà bạn không nên bỏ qua.
Double Cross hiện có cho PC (Windows), Xbox One và Nintendo Switch.
Bài viết sử dụng game do nhà phát hành hỗ trợ.
Tham gia cùng chúng tôi trên SteamTham gia kênh Steam của Trải Nghiệm SốXem thêm bài đánh giá các game khácTrải Nghiệm Số viết rất nhiều bài đánh giá game, bạn đừng bỏ lỡ nhé!