Doom 64 là game bắn súng góc nhìn thứ nhất vô cùng kinh điển thời Nintendo 64 ngày xưa. Đây là phiên bản Doom rất độc đáo so với hai “người anh em thiện lành” Doom và Doom II vào giữa thập niên 90. Từ đồ họa có mức độ chi tiết cao và được dựng hình 3D cho đến có đầy đủ hiệu ứng ánh sáng được thiết kế khá tốt, tận dụng sức mạnh phần cứng của hệ máy vốn luôn có một vị trí đặc biệt trong lòng người viết. Đó vẫn là trải nghiệm Doom đầy hoài cổ và hào hứng, dù lối chơi không có nhiều thay đổi cộng với các hạn chế trong khả năng hành động của nhân vật chính.
Những hạn chế này góp phần không nhỏ khiến trải nghiệm Doom 64 thử thách hơn nhiều so với các game FPS cùng thời như GoldenEye 007 và Turok: Dinosaur Hunter. Đây cũng là một trong những game hiếm hoi xuất hiện trên hệ máy chơi game “thân thiện với gia đình” Nintendo 64, dù có rất nhiều cảnh máu me theo thiết kế đặc trưng của series game này. Điều này cũng không có gì lạ vì trò chơi được phát triển bởi “cha đẻ” của series game nổi tiếng Mortal Kombat, tựa game song đấu đối kháng đầu tiên mở ra khái niệm “đấu sĩ ẩn” được mở khóa khi người chơi thỏa điều kiện nhất định.
Chính vì vậy, bạn đừng ngạc nhiên khi Doom 64 có rất nhiều bí mật giấu rất kỹ trong màn chơi, tương tự những tựa game cùng series vốn được xem là bức tượng đài của thể loại bắn súng này. Trải nghiệm game cũng diễn ra ở những hành lang được thiết kế như mê cung. Mục tiêu của người chơi là tiêu diệt mọi thứ di chuyển trên màn hình, thu thập ‘keycard’ màu xanh, vàng, đỏ rải rác khắp màn chơi và mở khóa những cánh cửa tưởng chừng chỉ là bức tường bình thường như cân đường hộp sữa. Thiết kế này không hiếm lần khiến người chơi phải chạy xuôi chạy ngược khắp nơi.
Tuy mô tả trải nghiệm có vẻ gây nhiều ức chế, nhưng kỳ thực thiết kế của Doom 64 ít hành người chơi bằng Hexen 64 khi đặt ổ khóa một nơi còn cửa thì ở nơi xa lắm. Thay vào đó, trải nghiệm game được thiết kế tuyến tính nhiều hơn dù vẫn khó tránh khỏi chút ức chế do thiết kế đặc trưng. Nó buộc người chơi phải tìm được con đường tối ưu nhất để đi đến cuối màn. Trong khi đó, con đường ngắn nhất là con đường thử thách nhất với vô số kẻ thù chắn lối. Cảm giác trải nghiệm khác hoàn toàn Doom 2016 và Doom Eternal sở hữu thiết kế màn chơi rộng và mang cảm giác mở.
Chưa kể, màn chơi thỉnh thoảng còn đặt những cạm bẫy “ngạc nhiên chưa”, từ ụ bắn tên cho đến kẻ thù bất ngờ xuất hiện ngay sau lưng bạn. Thậm chí có cả tên lửa tìm diệt dùng nhân vật điều khiển làm bia tập bắn nữa. Đáng chú ý, trong lần tái phát hành đưa Doom 64 lên các nền tảng hiện đại ngày nay, trò chơi được bổ sung thêm màn chơi được thiết kế hoàn toàn mới. Cơ chế điều khiển khá tốt dù thiết lập nút bấm mặc định không để lại cho người viết cảm giác hài lòng. May mắn là nhà phát triển Nightdive cho phép gán lại nút bấm theo thói quen của mỗi người chơi.
Đồ họa của Doom 64 nhìn khá bóng bẩy khi so với các game FPS kinh điển cùng thời, thậm chí là bản Doom trên PC ngày xưa không dùng mod các thể loại để cải thiện chất lượng hình ảnh. Môi trường màn chơi nhìn khá chi tiết trên nền đồ họa 3D, giúp người chơi dễ dàng phân biệt từng vật thể trong môi trường hơn. Hiệu ứng ánh sáng được xử lý tốt khi xét tuổi đời của game nguyên bản đã 25 năm tính đến thời điểm bài viết. Đáng chú ý, nhiều vật thể và đặc biệt là kẻ thù vẫn sử dụng sprite truyền thống, giúp người chơi dễ dàng phát hiện chúng ngay khi đối mặt.
Nhạc nền cũng có sự thay đổi thú vị so với các bản Doom kinh điển. Trò chơi sử dụng những âm trầm kết hợp cùng hiệu ứng âm thanh môi trường và nhạc cụ tạo nên bầu không khí chết chóc và khá đáng sợ trong trải nghiệm Doom 64. Sự thay đổi này khá phù hợp với cốt truyện và thiết kế màn chơi đều khá tăm tối. Khoảng 2/3 thời lượng chơi diễn ra ở những hành lang tối om với ánh sáng le lói, chỉ vừa đủ để bạn thấy đường di chuyển. Kẻ thù cũng thường lẩn trốn ở những góc khuất và “úp sọt” người chơi nếu di chuyển quá nhanh và bạn không kịp phản ứng khi đụng độ chúng.
Vấn đề lớn nhất của Doom 64 là những thiết kế gây khó người chơi khá quen thuộc ở các tựa game phát hành vào thập niên 90. Thế nhưng, chúng dễ để lại cảm nhận trái chiều với những ai không trải qua tuổi thơ game dữ dội thời kỳ đó. Cụ thể, nhân vật chính bị hạn chế rất nhiều hành động như không thể nhìn lên và nhìn xuống, cũng không có khả năng nhảy hay ngồi như các game FPS hiện đại ngày nay. Một vấn đề khác tuy nhỏ nhưng không thể không đề cập là cốt truyện. Ngày xưa, các game console thường chỉ đưa cốt truyện và hướng dẫn nút bấm vào sách đi kèm game gốc.
Tuy nhiên, bản Doom 64 được tái phát hành lại không có quyển sách hướng dẫn này dù là bản số hóa. Vì vậy, người viết chỉ kể ngắn gọn cốt truyện của game nối tiếp sự kiện ở cuối bản Doom II kinh điển. Thế nhưng, trận chiến này không ngăn được cuộc tấn công của lũ quỷ đến từ địa ngục. Nhờ mức độ bức xa cực cao, Mother Demon đã trốn thoát và hồi sinh xác chết của đàn con thành bầy quỷ mới. Một lần nữa, chàng Doomguy như cách gọi trìu mến của người hâm mộ phải lên đường thực hiện sứ mệnh của mình. Mọi sự giờ đây trông cậy vào khả năng bắn súng của người chơi.
Sau cuối, Doom 64 mang đến một trải nghiệm FPS đặc sắc, vừa gợi cảm giác hoài cổ của những bản Doom kinh điển vừa độc đáo trong thiết kế. Điểm trừ lớn nhất của game là không hỗ trợ chế độ chơi multiplayer, nhưng vấn đề này dễ dàng bị những điểm cộng khác xóa nhòa. Từ thiết kế màn chơi đầy thỏa mãn và có tính tưởng thưởng cao, cho tới không khí rùng rợn bất ngờ so với những bản Doom kinh điển khác, đây chắc chắn là cái tên không thể thiếu trong thư viện game của bạn.
Doom 64 hiện có cho PC (Windows), PlayStation 4, Xbox One và Nintendo Switch.
Tham gia cùng chúng tôi trên SteamTham gia kênh Steam của Trải Nghiệm SốXem thêm bài đánh giá các game khácTrải Nghiệm Số viết rất nhiều bài đánh giá game, bạn đừng bỏ lỡ nhé!