Dog Duty là game chiến thuật thời gian thật mang nhiều cảm giác ‘old school’ trong thiết kế, lấy cảm hứng từ những cái tên kinh điển ngày xưa như series Cannon Fodder hay Commandos.
Dog Duty là sự pha trộn khá thú vị giữa hai series nói trên về cơ chế gameplay, cộng thêm vài điểm nhấn riêng có phần hiện đại như thiết kế thế giới mở. Bạn có thể điều khiển các nhân vật di chuyển giữa các địa điểm bằng các phương tiện giao thông đường bộ lẫn đường thủy và “làm gỏi” kẻ thù ở những khu vực nói trên. Tuy nhiên, điểm trừ nhỏ đầu tiên là trò chơi không có phần hướng dẫn cơ chế gameplay cơ bản tử tế theo kiểu cầm tay chỉ. Người chơi phải tự tìm hiểu trong khi kẻ thù cũng chẳng hề nhẹ tay với các “tân binh”.
Tuy có cốt truyện riêng, nhưng Dog Duty không tập trung vào khía cạnh này. Nội dung game chỉ là câu chuyện kinh điển về một nhóm lính đặc nhiệm giải cứu thế giới khỏi “vòi bạch tuộc” của Octopus Commander. Mỗi người lính đều có khả năng chiến đấu và kỹ năng riêng để hỗ trợ đồng đội. Không may là trực thăng của nhóm bị quân địch bắn hạ và bắt sống khi tiếp cận. Người chơi phải vượt ngục, giải cứu đồng đội và hoàn thành nhiệm vụ trước sự hỗ trợ của “tay trong” cùng hàng loạt những công cụ sát thương và yếu tố môi trường.
Thiết kế thế giới mở có lẽ là điểm cộng lớn nhất trong trải nghiệm Dog Duty. Bạn chỉ biết điều này sau khi giải cứu đồng đội khỏi doanh trại của kẻ thù trong nhiệm vụ mở đầu. Thế nhưng, đó chỉ mới là khởi điểm vì còn những nhân vật khác đang chờ bạn với kỹ năng và khả năng chiến đấu khác nhau. Chưa kể, người chơi còn có thể mua thêm nhiều vũ khí khác để “độ” phương tiện di chuyển, nâng cao khả năng chiến đấu của phe ta. Ngược lại, điểm trừ thiết kế là màn chơi không có tính chiến thuật cao.
Điều này có phần dễ hiểu khi quy mô các cứ điểm chiến đấu trong Dog Duty nhỏ hơn so với series game Commandos. Tôi nghĩ nó chỉ tương đương hoặc thậm chí nhỏ hơn màn chơi trong series Cannon Fodder nữa kìa. Trải nghiệm game cũng có phần đơn giản với lối chơi chiến thuật thời gian thật kiểu point-and-click. Người chơi chọn vị trí rồi điều phối một hoặc cả đội ba thành viên trong nhóm di chuyển đến đó. Tận dụng địa hình là một lợi thế, chẳng hạn các vị trí cao hay những bao cát xếp chồng lên nhau làm nơi ẩn nấp.
Ngược lại, kẻ thù thường trốn chui trốn nhủi trong căn cứ. Nơi này hay đặt rải rác các thùng phuy dễ nổ, ngăn cách bởi các bức tường và ụ súng mà người chơi hoặc kẻ thù đều có thể tận dụng. AI tuy không quá thông minh nhưng nếu đôi bên ra đấu súng như rambo, chưa chắc lính của bạn có thể sống sót qua cứ điểm khác. Dù vậy, tôi không thể không đề cập đến hành động của kẻ thù khá dễ đoán, từ hướng tiếp cận cho tới chiến thuật. Điều này làm giảm đi phần nào cảm giác hào hứng mà Dog Duty chưa thể tận dụng tốt.
Chiến thuật tôi thường dùng gần như chẳng thay đổi. Cứ dùng anh lính máu trâu ra dụ kẻ thù tới gần cho đồng đội đánh úp hoặc nơi quân ta cắm chốt có hỏa lực rất mạnh như gần ụ súng. Trong khi đó, chiến thuật quen thuộc của kẻ thù luôn là lấy thịt đè người. Chúng thường xuất hiện nhiều và liên tục theo nhịp độ nhất định một khi bạn tiếp cận cứ điểm. Không chỉ đấu súng trong căn cứ, bạn và chúng còn bất ngờ “chiến” nhau trên đường hay sông khi di chuyển giữa các địa điểm. Cảm giác hào hứng là điều không thể phủ nhận.
Nhờ thiết kế không gian mở mà người chơi toàn quyền quyết định vị trí đánh chiếm, nhưng kết quả không phải lúc nào cũng như mong đợi. Dog Duty không phải là trải nghiệm dễ chơi. Nó thường đòi hỏi bạn học từ thất bại thông qua con đường thử và sai quen thuộc. Thế nhưng, người chơi phải tập làm quen với cảm giác “sai” nhiều hơn trước khi hưởng thụ thành quả. Đây là điểm tương đồng của game so với những cái tên chiến thuật thời gian thật có quy mô lớn hơn như Shadow Tactics: Blades of the Shogun hay Desperados III.
Một điểm trừ khác cũng không thể không đề cập là cơ chế điều khiển trên các hệ console. Trong bản Nintendo Switch mà tôi trải nghiệm, trò chơi không hỗ trợ điều khiển cảm ứng mà chỉ hỗ trợ tay cầm giống như các nền tảng khác. Đây là quyết định của nhà phát triển khiến tôi ít nhiều cảm thấy thất vọng. Sử dụng tay cầm Joy-Con, từ lái các phương tiện cho đến tương tác nhân vật đều mang đến cảm giác vụng về so với thao tác dùng chuột và bàn phím của bản PC mà tôi trải nghiệm khi game phát hành Early Access.
Vấn đề này ảnh hưởng nhiều nhất là các trận đánh boss khi đòi hỏi người chơi phải luôn điều phối vị trí của mỗi nhân vật. Đó không phải là thao tác đơn giản với điều khiển bằng tay cầm. Thiết kế các cứ điểm không đa dạng về tính chiến thuật cũng là điểm trừ không thể không kể đến. Mặc dù trải nghiệm vẫn rất vui và hào hứng, nhưng màn chơi thiếu sự đa dạng khiến trải nghiệm dễ tạo cảm giác lặp lại. Bạn sẽ cảm nhận điều này rõ ràng hơn khi trải nghiệm liên tục thay vì chia nhỏ thời lượng ra thành nhiều lượt chơi.
Sau cuối, Dog Duty mang đến một trải nghiệm chiến thuật thời gian thật khá hào hứng với điểm nhấn là không gian thế giới mở và quy mô màn chơi nhỏ. Khi xét mức độ thử thách và thiết kế gameplay, trò chơi có vẻ phù hợp với những ai yêu thích cảm giác hoài cổ từ những cái tên kinh điển ngày xưa hơn là hướng đến trải nghiệm đơn giản và dễ chơi. Đây là cái tên khá đáng cân nhắc nếu bạn không có định kiến với định hướng thiết kế old school của game.
Dog Duty được phát hành cho PC (Windows, macOS), PlayStation 4, Xbox One và Nintendo Switch.
Bài viết sử dụng game do nhà phát hành hỗ trợ và được chơi trên Nintendo Switch.
Tham gia cùng chúng tôi trên Steam Xem thêm bài đánh giá các game khác