Trong phần cuối của se-ri bài viết về shopping di động, TNS sẽ thông tin đến các bạn các hình thức thanh toán phổ biến tại Việt Nam, cũng như các địa điểm để săn lùng deal giá rẻ.
>> Xem lại phần 3
Các hình thức thanh toán phổ biến tại Việt Nam
Thanh toán trả sau: Thanh toán sau khi nhận được hàng. Đây là hình thức khá thông dụng và an toàn nhất tại Việt Nam. Khách hàng sau khi đặt hàng, bên bán sẽ điện thoại xác nhận đơn hàng và giao cho người mua, lúc đó bên mua mới thanh toán tiền.
Thanh toán bằng chuyển khoản: Bên bán đưa thông tin số tài khoản và người mua sẽ chuyển tiền vào tài khoản này. Sau khi nhận được tiền bên bán sẽ tiến hành giao hàng. Khi sử dụng hình thức này, người mua cũng nên tìm hiểu uy tín của bên bán để tránh tiền đã chuyển mà hàng không có.
Thanh toán qua các cổng thanh toán Việt Nam: Tại Việt Nam có khá nhiều cổng thanh toán trực tuyến như Onepay, Nganluong, Sohapay,… Khách hàng cần có tài khoản ngân hàng và đăng ký thanh toán trực tuyến (Internet banking). Hiện tại các cổng thanh toán này khá mạnh khi hỗ trợ hầu hết các loại thẻ của các ngân hàng Việt Nam như Vietcombank, Techcombank, ACB,… tuy nhiên thường thanh toán qua cổng nội địa này người mua phải tốn phí giao dịch.
Thanh toán bằng thẻ tín dụng: Hiện ở Việt Nam có hai loại thẻ là Master Card và Visa Card. Mỗi loại thẻ bao gồm thẻ ghi nợ và thẻ debit. Các loại thẻ này bạn có thể thanh toán được ở hầu hết các trang, tuy nhiên bạn cũng cần cẩn thận khi giao dịch vì việc khiếu kiện rất phiền phức.
Thanh toán qua các cổng thanh toán quốc tế: Thường hình thức này chủ yếu dành cho khách hàng mua sắm trên các trang mua sắm nước ngoài như Amazon, eBay,… Các cổng thông tin phổ biến nhất hiện nay bao gồm Paypal, Skrill,…
3 ứng dụng “săn hàng” giá rẻ trên mạng
RetailMeNot
Đây là một trong những ứng dụng chia sẻ các mã giảm giá lớn nhất hiện nay. Nếu bạn thường xuyên mua hàng trên các trang web nước ngoài từ các trang nổi tiếng như Amazon, eBay, GameStop cho đến các trang chuyên kinh doanh các sản phẩm riêng như JCPenny, The Home Depot, GoDaddy… thì không thể bỏ qua ứng dụng này. Nguyên tắc sử dụng đơn giản nhất là khi bạn đang dạo trên các chợ và thấy một sản phẩm muốn mua, bạn hãy gõ tên trang web có sản phẩm đó vào RetailMeNot để tra cứu, biết đâu bạn sẽ kiếm được một mã giảm giá 20%, 30% nào đó, rất hiệu quả.
SlickDeals
Một ứng dụng tương tự như RetailMeNot nhưng có cách trình bày khác hơn, và đặc biệt là nếu bạn muốn theo dõi các sản phẩm giảm giá hàng ngày và được nhiều người quan tâm thì SlickDeals sẽ dễ dàng tra cứu hơn.
SnipSnap
Đây được xem là một mạng xã hội chia sẻ mã giảm giá, trong đó có các thành viên lần lượt chia sẻ các mã giảm giá khi có thông tin. Bạn cần đăng ký một tài khoản, sau đó tìm kiếm các thành viên có nhiều chia sẻ và “theo dõi” (follow) họ, mỗi lần các thành viên này chia sẻ bạn sẽ nhận được thông tin ngay.