Dù bạn mua sắm trên máy tính hay một chiếc điện thoại di động, máy tính bảng thì 9 nguyên tắc dưới đây vẫn rất hữu ích để bạn mua sắm an toàn hơn trên mạng.
Kiểm tra thật kỹ địa chỉ trang bán hàng:
Hiện nay có rất nhiều hình thức lừa đảo bằng cách lấy địa chỉ website sao cho gần giống với địa chỉ gốc của các trang bán hang uy tín, đặc biệt là các trang nổi tiếng như eBay, Amazon, Target,… Nếu không cẩn thận xem, bạn có thể dính “bẫy” vì giao diện của các trang web này không khác gì các trang gốc. Nhưng khi đăng nhập vào tài khoản, thay vì bạn đăng nhập vào trang mua sắm thì vô tình bạn đã gửi thông tin tài khoản cho hacker. Tuy nhiên, nếu một ngày vô tình bạn phạm phải sai lầm này mà phát hiện kịp sau khi thấy địa chỉ web đáng ngờ, bạn hãy nhanh chóng vào trang gốc và đổi lại mật khẩu.
Ngoài ra còn một cách để an toàn là bạn lưu các trang mua hàng vào sổ ghi nhớ (bookmarks), và bạn sẽ chỉ vào trực tiếp từ các bookmarks này.
Lựa chọn phương thức thanh toán an toàn
Trên mạng có rất nhiều cổng thanh toán khác nhau. Đặc biệt là khi bạn mua một số loại hàng đặc biệt như tài khoản trang download như UL.to chẳng hạn, bạn sẽ được chuyển đến một trang thanh toán lạ hoắc nếu bạn muốn thanh toán bằng thẻ tín dụng. Bạn nên sử dụng qua một cổng thanh toán trung gian thay vì dùng trực tiếp số thẻ tín dụng của mình. Có rất nhiều cổng trung gian phổ biến như Paypal, Neteller, Skrill,…
Bằng cách này, bạn đã ngăn chặn được khá nhiều nguy cơ để lộ thông tin thẻ tín dụng. Không những vậy, Paypal còn có rất nhiều chính sách bảo vệ người tiêu dùng. Nếu bị lừa, bạn chỉ cần gửi thư nhờ Paypal giúp đỡ. Nếu đúng, bạn sẽ có nhiều khả năng được nhận lại tiền.
Hãy tạo thói quen đổi mật khẩu và dùng nhiều mật khẩu:
Hãy tập thói quen thay đổi mật khẩu thường xuyên. Điều đó khiến những tay hacker sẽ gặp khó khăn rất nhiều trong việc đoán mật khẩu của bạn. Ngoài ra, không nên đặt mật khẩu quá dễ đoán như tên tuổi của bạn, năm sinh… Tốt nhất nên kết hợp cả chữ hoa, chữ thường và các con số cho mật khẩu của bạn.
Ngoài ra, với các tài khoản quan trọng như cổng thanh toán, tài khoản mua hàng,… bạn nên sử dụng một mật khẩu khác so với mật khẩu bạn hay sử dụng. Vì có thể một lý do vô tình nào bạn lộ mật khẩu từ một trang nào đó, hacker có thể truy ra rất nhiều trang mà bạn dùng chung mật khẩu, nhất là tài khoản mail của bạn.
Phụ thuộc và không phụ thuộc Google:
Phụ thuộc: Trước khi mua hàng, bạn nên kiểm tra một số thông tin về người bán. Đơn giản nhất là xem phản hồi, đánh giá của những khách hàng cũ. Sau đó, bạn có thể lên Google tìm kiếm thêm thông tin về người bán. Thông thường những người bán có uy tín đều có địa chỉ, số điện thoại liên lạc rõ ràng.
Không phụ thuộc: Google cơ bản cũng chỉ trả kết quả tìm kiếm có liên quan đến từ khóa của bạn, điều này vô tình có thể dẫn đến các trang web độc hại ăn cắp tiền từ thẻ tín dụng cũng như các dữ liệu cá nhân khác, hoặc làm máy tính bạn nhiễm virus. Do đó sau khi tra cứu sản phẩm từ kết quả tìm kiếm của Google, bạn nên kiểm tra lại địa chỉ web như nguyên tắc đầu tiên, và sau đó hãy vào trang mua hàng từ bookmarks của mình cho đáng tin cậy và mua hàng chứ đừng mua hàng trực tiếp từ kết quả tìm kiếm.
Xem kỹ các chi phí phát sinh:
Trước khi quyết định ấn nút mua, bạn cần kiểm tra xem những chi phí phát sinh liên quan tới món hàng, đặc biệt là phí vận chuyển. Như trường hợp của trang bán hàng Amazon hay eBay, cùng một món hàng có thể bạn sẽ thấy nhiều mức giá khác nhau. Tuy nhiên mức giá bán rẻ nhất chưa hẳn đã rẻ nhất khi phí vận chuyển sẽ khá cao. Đôi khi món hàng có giá trị rất nhỏ nhưng khi cộng cả phí vận chuyển vào, số tiền bạn bỏ ra có khi tăng gấp đôi, gấp ba lần giá trị gốc.
Tận dụng mã giảm giá nếu có:
Coupon (mã giảm giá) nhiều khi sẽ giúp bạn tiết kiệm được khá nhiều tiền khi mua sắm trên mạng. Thông thường, những mã giảm giá này có thể giúp bạn giảm từ 5-20% tổng giá trị thanh toán. Do đó, hãy tận dụng chúng một cách triệt để.
Không bấm vào những quảng cáo trên e-mail, mạng xã hội:
Các thư spam đưa ra nhiều chương trình giảm giá như thẻ quà tặng từ các nhà bán lẻ lớn hoặc phiếu giảm giá có thể tải về. Những chương trình này muốn lừa bạn cung cấp thông tin và mật khẩu tài chính cá nhân. Những kẻ lừa đảo đưa ra lời mời vô cùng hấp dẫn trên các trang mạng xã hội, e-mail và các trang web trực tuyến để bạn bấm vào các liên kết độc hại.
Cẩn thận sử dụng smartphone:
Hãy sử dụng các tính năng bảo mật như bảo mật mật khẩu, sử dụng một ứng dụng bảo mật di động và tự động tắt Wi-Fi. Nếu không, trong lúc đang mua sắm bằng điện thoại thông minh tại một quán cà phê Wi-Fi, người ở bàn bên cạnh có thể hack số thẻ tín dụng của bạn, cũng như mật khẩu và các thông tin khác.
Nguyên tắc dùng thẻ tín dụng:
Thẻ tín dụng có hai dạng là thẻ ghi nợ cho phép bạn mua sắm trước thanh toán sau và thẻ “có nhiêu xài nhiêu” hay còn gọi là thẻ Debit. Theo kinh nghiệm mua sắm thì bạn nên dùng một thẻ Debit sẽ an toàn hơn khi cần mua món hàng nào chỉ việc nạp tiền vào để mua. Còn nếu dùng thẻ ghi nợ, bạn hãy lưu ý xem sao kê thường xuyên xem có dấu hiệu đáng ngờ nào không chứ đừng chờ cho tới khi hóa đơn thẻ tín dụng đến hàng tháng.
Các hình thức thanh toán phổ biến tại Việt Nam
Thanh toán trả sau: Thanh toán sau khi nhận được hàng. Đây là hình thức khá thông dụng và an toàn nhất tại Việt Nam. Khách hàng sau khi đặt hàng, bên bán sẽ điện thoại xác nhận đơn hàng và giao cho người mua, lúc đó bên mua mới thanh toán tiền.
Thanh toán bằng chuyển khoản: Bên bán đưa thông tin số tài khoản và người mua sẽ chuyển tiền vào tài khoản này. Sau khi nhận được tiền bên bán sẽ tiến hành giao hàng. Khi sử dụng hình thức này, người mua cũng nên tìm hiểu uy tín của bên bán để tránh tiền đã chuyển mà hàng không có.
Thanh toán qua các cổng thanh toán Việt Nam: Tại Việt Nam có khá nhiều cổng thanh toán trực tuyến như Onepay, Nganluong, Sohapay,… Khách hàng cần có tài khoản ngân hàng và đăng ký thanh toán trực tuyến (Internet banking). Hiện tại các cổng thanh toán này khá mạnh khi hỗ trợ hầu hết các loại thẻ của các ngân hàng Việt Nam như Vietcombank, Techcombank, ACB,… tuy nhiên thường thanh toán qua cổng nội địa này người mua phải tốn phí giao dịch.
Thanh toán bằng thẻ tín dụng: Hiện ở Việt Nam có hai loại thẻ là Master Card và Visa Card. Mỗi loại thẻ bao gồm thẻ ghi nợ và thẻ debit. Các loại thẻ này bạn có thể thanh toán được ở hầu hết các trang, tuy nhiên bạn cũng cần cẩn thận khi giao dịch vì việc khiếu kiện rất phiền phức.
Thanh toán qua các cổng thanh toán quốc tế: Thường hình thức này chủ yếu dành cho khách hàng mua sắm trên các trang mua sắm nước ngoài như Amazon, eBay,… Các cổng thông tin phổ biến nhất hiện nay bao gồm Paypal, Skrill,…