Hiện nay, việc mua sắm trên mạng đang diễn ra rất nhộn nhịp. Đặc biệt, việc phát triển không ngừng của điện thoại thông minh và máy tính bảng khiến việc mua sắm càng trở nên dễ dàng hơn, mọi lúc mọi nơi. Bài viết này hy vọng đem đến cho bạn cái nhìn tổng quan và chia sẻ những kinh nghiệm, những ứng dụng giúp bạn mua sắm trên thiết bị di động dễ dàng hơn.
Đề phòng “tai nạn” khi mua sắm
Dù hình thức thanh toán vẫn chưa tiện lợi, nhưng với cách thức kinh doanh đơn giản, đỡ tốn tiền mặt bằng, các “cửa hàng” quần áo, giày dép, mỹ phẩm… trên mạng mọc ra đầy rẫy vô tình thử thách rằng ai mới là người mua sắm thông minh.
Đủ các kiểu “chợ”
Với một chiếc điện thoại di động hay máy tính bảng trên tay, bạn sẽ dễ dàng đi “dạo chợ” với đủ mọi hình thức. Từ những diễn đàn mua bán như 5giay, nhattao đến các trang rao vặt trực tuyến, các fanpage Facebook là những shop kinh doanh, hay các gian hàng trực tuyến từ các trang B2C (Business to Customer)… Hầu hết các trang hiện nay đều đã hỗ trợ giao diện giành cho di động và bạn sẽ có thể dễ dàng “lướt” ngón tay trên thiết bị để xem các sản phẩm.
Một trong những “chợ” phổ biến nhất hiện nay chính là Facebook. Chỉ với một thao tác đơn giản, người bán có thể tự tạo cho mình một fanpage hay đơn giản chỉ là một tài khoản shop dùng để bán hàng. Sau đó nhờ bạn bè của mình “like” để bắt đầu “phủ sóng” gian hàng mình khắp mọi nơi. Các gian hàng trên Facebook rất đa dạng về mặt hàng, thậm chí chỉ cần có món bánh tráng trộn hay chai nước nha đam đường phèn cũng đã đủ để lập một gian hàng.
Hàng “dzỏm” ngập tràn
Ngoài các mặt hàng ẩm thực, phổ biến nhất trên mạng hiện nay chính là các shop thời trang bán hàng online. Hầu hết các sản phẩm thời trang trên mạng đều có xuất xứ từ Trung Quốc, Thái,… tuy nhiên cùng một mặt hàng bạn sẽ tìm được rất nhiều ở các shop khác nhau với các giá cả cũng khác nhau. Thủ thuật của các shop là lấy lại từ các thương hiệu uy tín, hoặc hàng bán trên website của nước ngoài. Sau này, khi khách hàng đã nhận biết thông minh hơn với những bức ảnh khá lung linh, các shop đã bắt đầu tự chụp ảnh hàng hoá, khẳng định là ảnh thực tế nhưng thực tế thì cũng đã đều đã dùng công nghệ chỉnh sửa ảnh. Khách hàng nếu cứ tin tưởng vào lời giới thiệu và hình ảnh của chủ shop thì khi nhận được hàng đặt sẽ phải ngạc nhiên khi sản phẩm thực tế và hình ảnh trên mạng trông rất khác nhau. Một khi đã mua phải hàng “dzỏm”, khách hàng chỉ có thể tự chịu và rước bực mình vào người. Một bẫy khác đánh vào tâm lý người dùng Việt Nam thấy chất lượng sản phẩm là không thể đảm bảo nên hay lựa chọn theo giá cả, chỗ nào rẻ nhất sẽ bỏ tiền mua. Nhưng “tiền nào của đó”, hàng “dzỏm” cũng có rất nhiều loại vì nhiều người “nhái” dẫn đến nhiều người nhận sản phẩm phải méo mặt vì chất lượng không thể tệ hơn.
Tệ hơn, có trường hợp sau khi đã chọn mua hàng và chuyển tiền, người mua chờ hoài chờ mãi vẫn không nhận được hàng. Thường có hai lý do cho việc này, một là bên mua không có hàng để bán và chờ nhập hàng, và thế là người mua chờ mòn mỏi. Tệ hơn, người mua đã dính phải “chiêu” lừa đảo trên mạng vào xem như tiền đã mất mà hàng thì không nhận được.
Người mua cần tỉnh táo
Mua hàng trên mạng thường kèm theo rủi ro dù là người sành sỏi cũng đôi lần bị lừa. Bạn nên so sánh giá ở các trang web khác nhau, giá hiện nay trên thị trường. Tránh giao dịch quá vội vàng. Các chiêu lừa đảo ngày càng tinh vi, vì thế khách hàng cần biết tự bảo vệ mình.