Sáng 14/7, khi ông Nguyễn Đức Tài còn chưa gõ tiếng chiêng duy nhất đánh dấu phiên giao dịch đầu tiên của cổ phiếu Thế Giới Di Động (mã MWG) trên Sàn giao dịch chứng khoán TPHCM, thì người ta đã có thể dự đoán được rằng mã cổ phiếu này sẽ tăng trần.
Quả đúng như vậy. Từ mức giá 68.000 đồng/cổ phiếu sau khi đã được điều chỉnh so với mức dự kiến trước đó là 85.000 đồng/phiếu, MWG đã ngay lập tức leo lên mức 81.500 đồng (+20%) nhưng cả phiên cũng chỉ có hơn 10.000 cổ phiếu được mua-bán. Khan hàng cổ phiếu MWG vì nhiều người muốn mua vào và mua thêm-ngay cả ông Nguyễn Đức Tài-trong khi lượng bán ra nhỏ giọt, thậm chí không có nhu cầu. Con số vài ngàn hay hơn chục ngàn cổ phiếu MWG được bán ra trong vài phiên đầu cần được hiểu là nằm trong “kế hoạch” giao dịch để làm giá mà thôi.
Câu chuyện 10 năm hình thành và phát triển rồi lên sàn của Thế Giới Di Động như một giấc mơ đẹp đã thành hiện thực dù trên thực tế kinh doanh cũng đã gặp những khó khăn nhất định. Nhưng về đại thể, Thế Giới Di Động hầu như được đi trên con đường nhung lụa trên thương trường.
Năm 2013, doanh số của Thế Giới Di Động hơn 7.800 tỉ đồng, lợi nhuận khủng đến hơn 250 tỉ đồng lãi ròng, với hơn 220 siêu thị, và doanh thu từ bán online đạt 450 tỉ đồng chiếm khoảng 6%/tổng doanh thu. Những con số này là rất ấn tượng. Nhưng dù ấn tượng đến đâu thì khi MWG đã niêm yết, câu hỏi rất thực tế cần được đặt ra là giá của MWG đến mức nào là vừa và mới chịu dừng ? Có nhiều bàn tán khi Thế Giới Di Động điều chỉnh mức giá tham chiếu khi lên sàn về 68.000 đồng/cổ phiếu. Nhưng theo nguồn tin có thể tin cậy được, mức giá này đã có sự bàn bạc và thỏa thuận để hài hòa lợi ích chung riêng. Khi giá của MWG đằng nào cũng được đẩy tăng trần, thì về 68.000 đồng cũng chả mất gì, thậm chí với mức tăng 20% ở phiên đầu còn góp phần lớn làm xanh sàn ngày 14/7/2014. Và nếu bất cứ nhà đầu tư nào không tỉnh táo và không đánh giá hết động thái điều chỉnh giá tham chiếu đột ngột kia mà vội bán ào ạt ở mức giá trần ngày 14/7, có thể sẽ rơi vào cạm bẫy của những đối tượng muốn mua gom vào.
Trên thực tế, đến phiên giao dịch ngày 15/7/2014, mã cổ phiếu MWG đã tăng trần 5.500 đồng lên mức 87.000 đồng, vượt mức giá tham chiếu cho phiên giao dịch đầu tiên được dự kiến trước đó 2.000 đồng. Nhưng liệu nó đã chịu dừng lại? Có lẽ là chưa, song còn tăng đến mức nào mới chịu dừng thì đang còn là ẩn số. Bất cứ nhà đầu tư-đặc biệt là nhà đầu tư nhỏ lẻ-nếu không đánh giá được đúng tình hình này có thể rơi vào bẫy mua đuổi và mua đắt, sẽ thiệt.
Có dư luận và cũng là dự đoán cho rằng mã MWG có thể sẽ được đẩy lên mức trên dưới 100.000 đồng thì sẽ dừng, khi ấy mã này sẽ tăng giá tới 47% chỉ trong vòng một tuần. Chẳng có kiểu kinh doanh và đầu tư nào có thể lãi khủng như thế. Nhưng nêu nhớ rằng những khoản lãi này không lọt nhiều vào túi các nhà đầu tư nhỏ lẻ. Ngược lại, theo một số đánh giá, từ mức giá 100.000 đồng trở lên rủi ro sẽ bắt đầu xuất hiện đối với các nhà đầu tư khi gom mua vào.
Có thể năm 2014 Thế Giới Di Động sẽ đạt được kế hoạch doanh thu 10.500 tỉ đồng và lợi nhuận ròng 450 tỉ đồng, và từ nay đến cuối năm Thế Giới Di Động còn chia cổ phiếu thưởng làm tăng vốn điều lệ lên hơn 900 tỉ đồng. Nhưng việc gì cũng có thể có hai mặt, và mặt trái luôn ẩn chứa các rủi ro khó lường. Mức giá của một cổ phiếu hay của nhiều cổ phiếu trên sàn giao dịch chứng khoán là do thị trường quyết định. Nhưng cũng cần ghi nhớ rằng, ở Việt Nam, nhiều trường hợp điều này lại do những thế lực, những nhóm lợi ích và nhà đầu tư lớn quyết định.
H.T