Deep Sky Derelicts: Definitive Edition là phiên bản đầy đủ nhất của tựa game chiến thuật cùng tên được phát hành trên các nền tảng console sau một thời gian dài ra mắt trên PC.
Trò chơi điện tử đôi lúc có những ý tưởng khiến tôi rất hoang mang về viễn cảnh tương lai tươi đẹp: loài người có thể di chuyển khắp nơi trong vũ trụ và “nhặt ve chai” để kiếm sống. Tuổi thơ game dữ dội của tôi trải qua với rất nhiều game lấy đề tài nội dung này. Kinh điển thì có Forsaken từ thời Nintendo 64 và PlayStation với lối chơi bắn súng 360 độ, sau này được remaster lại đồ họa. Vài năm gần đây có Deep Sky Derelicts với cốt truyện tương tự nhưng có lớp có lang hơn, sử dụng nó để làm lý do cho toàn bộ trải nghiệm game. Mới nhất trong số này là bản Definitive được phát hành cho các nền tảng PC lẫn console, bao gồm cả Nintendo Switch với khả năng chơi game cơ động tuyệt vời của hệ máy này.
Ngoài việc kèm theo hai bản mở rộng New Prospects và Station Life, phiên bản này vẫn giữ nguyên toàn bộ lối chơi quen thuộc cũ nếu bạn đã từng trải nghiệm game gốc. Chính vì thế, thay vì chỉ có sáu lớp nhân vật mặc định ban đầu, Deep Sky Derelicts: Definitive Edition bổ sung thêm hai lớp nhân vật mới từ hai DLC nói trên ngay từ đầu trải nghiệm. Về cơ bản, mỗi lớp nhân vật đều có vai trò khác nhau trong khía cạnh chiến thuật. Thế nhưng, trò chơi lại không mô tả rõ ràng, dễ khiến trải nghiệm game về sau trở thành thảm họa nếu bạn chọn sai lớp nhân vật cho mục đích chiến thuật cá nhân. Đây là điểm trừ cố hữu từ bản vanila của trò chơi, nhưng đáng tiếc vẫn chưa được nhà phát triển chú ý điều chỉnh.
Trong Deep Sky Derelicts: Definitive Edition, người chơi điều khiển một nhóm lính đánh thuê gồm ba nhân vật với các “chức nghiệp” khác nhau. Câu chuyện bắt đầu khi bạn được chính quyền giao cho nhiệm vụ tìm mothership bí ẩn để đối lấy danh vọng và hiện kim vì một cuộc sống tốt đẹp hơn. Từ đó, người chơi sẽ làm quen với địa điểm đầu tiên khá quan trọng trong trải nghiệm, cũng là nơi vận hành mọi hoạt động bên ngoài việc khám phá và chiến đấu: trạm vũ trụ. Nó khiến tôi gợi nhớ đến những “điểm dừng chân” trong cái tên kinh điển Wing Commander: Privateer ngày xưa. Đây cũng là nơi mà bạn có thể chữa thương cho đồng đội, nhận nhiệm vụ mới hoặc bán những chiến lợi phẩm thu thập được mà không dùng đến.
Điểm nhấn của trò chơi nằm ở hệ thống chiến đấu và bản đồ độc đáo, kết hợp khá hoàn hảo với phong cách đồ họa kiểu những khung truyện tranh khi tham gia vào các nhiệm vụ. Bản đồ trong Deep Sky Derelicts: Definitive Edition được chia thành nhiều ô, nhưng không phải để triển khai hệ thống chiến đấu theo lượt. Thay vào đó, người chơi sẽ tốn năng lượng (energy) khi dịch chuyển giữa các ô này, sử dụng kỹ năng để “dò la” thông tin về các ô khác và khám phá mở rộng bản đồ. Energy đóng một vai trò lớn trong trải nghiệm, nó giống như khí thở của mọi thành viên trong party vậy. Tôi chỉ ngạc nhiên thay vì dùng từ energy nghe cứ như mấy tựa game free-to-play trên mobile, sao nhà phát triển không gọi nó là oxygen cho hợp lý hơn?
Về cơ bản, energy chiếm vai trò khá quan trọng trong trải nghiệm khám phá và chiến đấu, chẳng khác nào một lớp chiến thuật bắt buộc mà người chơi phải luôn cân nhắc. Bạn có thể mua thêm những thùng energy từ trạm vũ trụ, nhưng mức giá cũng không hề rẻ nhất là ở thời điểm đầu trải nghiệm. Không những vậy, energy có liên quan đến việc mở rộng bản đồ, nhưng yếu tố này lại phụ thuộc nhiều vào sự may rủi của cơ chế roguelike, nhiều khi khá ức chế. Đơn cử như nếu bạn không tìm được nơi hạ và cất cánh để mở đường trở về trạm không gian trước khi cạn năng lượng, đó sẽ là cái kết buồn cho trải nghiệm. Ít energy cũng khiến người chơi không thể du hành xa ở các Derelict, dễ phát sinh nỗi lo “cơm áo gạo tiền” đầy đau khổ.
Vấn đề ở chỗ, chi phí cho mỗi đợt khám phá khá tốn kém. Trong khi đó, energy chính là sự hạn chế khả năng này của người chơi và nó được quy đổi bằng rất nhiều tiền. Mang theo ít energy sẽ khiến bạn không thể thu thập được nhiều “ve chai”, đồng nghĩa không kiếm được đủ chiến lợi thể để trang trải cho chi phí hoạt động khá đắt đỏ. Thế nhưng, muốn mang theo nhiều energy lại đau đầu với vấn đề đầu tiên là tiền đâu. Cân bằng giữa hai yếu tố này với cơ chế roguelike đầy ngẫu nhiên nhiều khi là một cực hình, khiến trải nghiệm game có thể không dành cho tất cả mọi người. Không những vậy, Deep Sky Derelicts: Definitive Edition còn được xây dựng hệ thống chiến đấu kiểu thẻ bài và theo lượt, nhưng lại tiếp tục kết hợp với yếu tố roguelike.
Đây cũng là điều khiến tôi khá ám ảnh trong trải nghiệm Deep Sky Derelicts: Definitive Edition. Yếu tố roguelike xuất hiện khá nhiều trong trải nghiệm game. Chẳng hạn, hệ thống chiến đấu thay thế mọi hành động của party bằng thẻ bài tương ứng, nhưng yếu tố này lại phụ thuộc vào kỹ năng và trang bị của nhân vật. Chưa kể, mỗi lớp nhân vật chỉ được sử dụng hạn chế một loại vũ khí nhất định. Thiết kế hệ thống như thế này đòi hỏi bạn phải xem xét cẩn thận trước khi mở khóa kỹ năng mới cho nhân vật, không thể tùy tiện nâng cấp và tùy biến mà không lãnh hậu quả cho sai lầm thuộc dạng “sơ đẳng” đó. Tuy nhiên, một khi chiêm nghiệm được hướng nâng cấp phù hợp, đó lại là điểm cộng tuyệt vời cho khả năng tùy biến party của trò chơi.
Một lời khen thật lòng có lẽ phải dành cho hệ thống AI, thường khiến trải nghiệm khá thử thách đến mức nhìn mà tức á. Kẻ thù có xu hướng “chăm sóc tận tình” các nhân vật yếu hay thậm chí gank bạn đến… tắt thở. Tuy nhiên, người chơi có thể lợi dụng “ý thức hệ” của chúng để dùng nhân vật làm “chim mồi”, tương kế tựu kế ngược lại với kẻ thù. Mặt khác, cả hai bản mở rộng New Prospects và Station Life đều bổ sung nhiều cơ chế và thiết kế môi trường mới, góp phần mang đến trải nghiệm hào hứng, kịch tính và hoàn thiện hơn nhiều trong Deep Sky Derelicts: Definitive Edition ở khía cạnh khám phá, chế tác và chiến đấu cũng như đại tu lại trạm không gian với khả năng tùy biến cao hơn, từ party cho tới địa điểm quan trọng nói trên.
Đáng chú ý nhất là lớp nhân vật Inventor thiên về chiến đấu cận chiến, tuy không có màn chắn bảo vệ như các lớp nhân vật khác nhưng sở hữu khả năng tự hồi máu. Một cơ chế cũng thú vị là khả năng đàm phán. Tuy nhiên, khả năng thành công thấp do đòi hỏi nếu bạn phải chú ý chỉ số tương ứng của nhân vật. Ngay cả cơ chế điều khiển cũng được chuyển đổi khá tốt và trực quan với điều khiển bằng tay cầm. Tuy phiên bản Nintendo Switch không hỗ trợ điều khiển bằng cảm ứng nhưng tôi không nghĩ đây là điểm trừ. Một phần của quyết định này có thể vì nó không phù hợp để tương tác trên màn hình khá nhỏ của nền tảng này, nhất là những ai sở hữu máy Switch Lite. Chữ ở chế độ dù handheld hơi nhỏ nhưng cũng khá dễ đọc do sử dụng font chữ đơn giản.
Sau cuối, Deep Sky Derelicts Definitive Edition mang đến một trải nghiệm nhập vai chiến thuật theo lượt hoàn thiện hơn phiên bản gốc với gameplay độc đáo, hấp dẫn, kết hợp cùng phong cách đồ họa kiểu truyện tranh mang đậm dấu ấn riêng. Điểm trừ lớn nhất của trò chơi là thiếu hệ thống hướng dẫn “cầm tay chỉ việc”, bất chấp lối chơi rất có chiều sâu và không dễ để tiếp cận với đối tượng người chơi mới. Thế nhưng, mặc dù yếu tố roguelike có thể khiến độ khó của trò chơi tăng vọt bất ngờ nhưng nếu yêu thích thể loại này, đây chắc chắn là cái tên không thể thiếu trong bộ sưu tầm game của bạn.
Deep Sky Derelicts Definitive Edition hiện có trên PC (Windows, macOS, Linux), PlayStation 4, Xbox One và Nintendo Switch.
Bài viết sử dụng game do nhà phát hành hỗ trợ.
Tham gia cùng chúng tôi trên SteamTham gia kênh Steam của Trải Nghiệm SốXem thêm bài đánh giá các game khácTrải Nghiệm Số viết rất nhiều bài đánh giá game, bạn đừng bỏ lỡ nhé!