Death Stranding là tựa game phiêu lưu mà bạn có thể rất thích hoặc rất ghét, khó có cảm giác nửa nạc nửa mỡ. Những đặc điểm thiết kế gameplay của trò chơi vừa có thể là điểm cộng cũng vừa có thể là điểm trừ tùy cảm nhận của từng người chơi.
Sau hơn ba năm chờ đợi và đoán mò đoán non, cuối cùng thì Death Stranding cũng được chính thức phát hành. Tuy đây là tựa game đầu tay của nhà phát triển Kojima Productions mới được thành lập, nhưng rõ ràng cái tên Hideo Kojima đã quá quen thuộc với fan ruột của series Metal Gear Solid. Thế nhưng, dù ai nói ngả nói nghiêng, tôi vẫn sẽ khẳng định lại một lần nữa đây không phải là tựa game dành cho tất cả mọi người. Trải nghiệm game đòi hỏi người chơi một số đức tính cực kỳ cần thiết như kiên nhẫn và có sức khỏe thật tốt để vượt qua muôn vàn thử thách đi đến cuối trò chơi.
Kỳ thực, nếu từng có cảm giác hơi mệt mệt khi trải nghiệm một trong những kiệt tác cũ thời PlayStation 3 là Metal Gear Solid 4: Guns of the Patriots, cuộc “mô phỏng đi bộ” trong tác phẩm mới nhất của ông Hideo sẽ đòi bạn điều đó nhiều hơn thế 96 lần và đó mới là điều vắt kiệt người chơi, đến mức khiến bạn mệt mỏi muốn bỏ cuộc. Thậm chí, nếu bạn từng xem ai đó chơi game và buông ra miệng những lời chê bai “cục súc” thì hãy bớt bớt lại để tránh khẩu nghiệp. Trải nghiệm Death Stranding mang đến cảm nhận hoàn toàn khác biệt khi xem một ai đó chơi và tận tay giơ cao tay cầm DualShock 4 để “chiến”. Thật 100%, thề luôn!
Vì Death Stranding là một trải nghiệm thiên về câu chuyện kể nên tôi sẽ hạn chế “kể lể” về nội dung. Thay vào đó, bạn chỉ cần biết sương sương là trò chơi lấy bối cảnh thế giới hậu tận thế khi ma xuất hiện và giết người, khiến những người chết đó bị nổ tung như trái pháo khổng lồ và “văng miểng” trúng những người khác, tiếp tục biến họ chịu chung số phận “tung tóe”. Đó chính là khởi đầu của sự kiện Death Stranding được lấy làm tựa game, quét sạch một lượng lớn dân số nước Mỹ. Những người sống sót phải tụ tập lại thành những cộng đồng nhỏ và bị cô lập nhau, dẫn đến nhu cầu người vận chuyển ra đời. Bạn là người nhận làm dịch vụ đó.
Ấn tượng đầu tiên của tôi với Death Stranding là thời gian tải bản digital cực nhanh, chỉ mất không đến một tiếng rưỡi để tải gần 50GB dữ liệu game cho PS4 Pro bằng gói internet cáp quang rẻ nhất mà tôi đang sử dụng “tại gia” vào buổi chiều vừa tắt nắng. Quá sức ấn tượng, cho thấy nhà phát hành SIE đã có công tác chuẩn bị cực tốt cho sản phẩm “bom tấn” cuối năm của họ. Thế nhưng, khi vào game lần đầu tiên thì cảm giác ấn tượng lại tăng vọt với những gì mà tôi được tận mắt thấy trong trải nghiệm. Kỳ thực, trong số những tựa game mà tôi từng chơi trên PS4 Pro thì đây là tựa game có chất lượng đồ họa đẹp và ấn tượng nhất, hơn cả Days Gone từng khiến tôi trầm trồ cách đây nửa năm.
Đặc biệt, đồ họa vượt qua cả Horizon Zero Dawn từng được xem là một trong những tựa game có đồ họa đẹp nhất trên PS4 Pro ở thời điểm phát hành năm 2017. Thậm chí bạn sẽ càng ấn tượng hơn khi biết Horizon Zero Dawn và Death Stranding đều cùng sử dụng game engine Decima và Death Stranding đích thực là tựa game “hậu sinh khả úy”. Với trải nghiệm thiên về trèo đèo, leo núi và lội suối, từ cỏ cây cho đến đồi núi hay thậm chí những dãy đá nhô ra ở rìa núi và ngọn đồi đều đẹp đến ngỡ ngàng với phong cách tả thực, nhìn qua không khác gì đang xem phim. Không những thế, tôi hầu như không thể phân biệt được các phân đoạn gameplay được dựng bằng game engine và các đoạn chuyển cảnh, cũng có khả năng nhà phát triển dựng hoàn toàn mọi thứ bằng game engine.
Mức độ chi tiết thì khỏi bàn vì không có gì để chê được cả, nhưng quan trọng hơn là bạn không cần phải sở hữu PS4 Pro để tận hưởng chất lượng đồ họa tuyệt mỹ của Death Stranding. Ngoài việc cả hai phần cứng PS4 cùng mang đến chất lượng đồ họa khá tương đồng, người chơi PS4 Pro chủ yếu chỉ được hưởng lợi ở hình ảnh độ nét cao do độ phân giải cao hơn, nên không bị mờ hình khi trải nghiệm trên những ti vi lớn từ 65 inch trở lên. Tuy nhiên, nếu ti vi của bạn đời cũ và không hỗ trợ HDR, đó có thể là một tổn thất không nhỏ ở khía cạnh nhìn vì khi bật HDR lên, chất lượng hình ảnh lập tức tăng vọt thấy rõ và có chiều sâu hơn rất nhiều so với không có HDR.
Ngay cả khía cạnh nghe của Death Stranding cũng mang đến ấn tượng cho tôi với những bài nhạc chỉ có thể gọi là “chất như nước cất”. Trong suốt thời gian trải nghiệm, không phải lúc nào cũng có nhạc nền nhưng những khoảnh khắc mà bài nhạc cất lên, cảm giác như nó được sáng tác để dành riêng cho trải nghiệm vậy. Đúng cái khoảnh khắc đó, đúng cái cảm xúc đó, luôn là bài nhạc cất lên đúng thời điểm không bao giờ sai, nhiều khi khiến tôi cảm thấy hơi gai sống lưng cứ như bị trò chơi đọc được cảm xúc khi trải nghiệm vậy. Cảm giác khi đang lang thang trong cái thế giới vô cùng rộng lớn nhưng vắng lặng như tờ, bỗng dưng có tiếng nhạc vang lên như hòa quyện vào cảm xúc và cái thế giới đó, biến mọi thứ trở nên sống động một cách kỳ lạ.
Ban đầu tôi chỉ nghĩ đó là sự trùng hợp nhưng càng trải nghiệm mới thấy đó là sự tính toán có chủ đích của đội ngũ phát triển, không có yếu tố ngẫu nhiên trùng hợp nào ở đây cả. Không những vậy, khâu lồng tiếng cũng được xử lý rất tốt, các diễn viên thật sự thổi được hồn cho từng nhân vật. Chỉ có mỗi nhân vật chính Sam Bridges do Norman Reedus thủ vai có cảm giác hơi đuối so với các nhân vật khác. Giọng lồng tiếng của nhân vật này đôi lúc khiến tôi không hình dung được cảm xúc thật sự của Sam là như thế nào, hay anh chỉ đơn thuần là không quan tâm đến những điều mà mọi người nói, chỉ muốn yên thân.
Kỳ thực, càng trải nghiệm Death Stranding, tôi càng mở ra thêm nhiều thắc mắc mới một cách tò mò, muốn biết ngọn ngành của câu chuyện. Thế nhưng, thời điểm ban đầu mới chính là thời gian dễ khiến người chơi bỏ cuộc nhất trong trải nghiệm game. Death Stranding sử dụng những trường đoạn phim chuyển cảnh với mật độ khá dày trong suốt trải nghiệm. Những đoạn chuyển cảnh này chủ yếu để giới thiệu về các nhân vật chính, cốt truyện ban đầu cũng như đưa vào những tình tiết bí ẩn để gợi sự tò mò cho người chơi tiếp tục trải nghiệm. Ở góc độ người chơi, nếu không quen với lối chơi mang tính bị động này thì bạn sẽ rất dễ bỏ cuộc.
Không ít lần, chỉ điều khiển nhân vật di chuyển một đoạn ngắn là đã có đoạn phim chuyển cảnh mới với thời lượng xem còn dài hơn cả thời gian bạn vừa điều khiển nhân vật xen giữa đoạn chuyển cảnh trước đó nữa. Tuy nhiên, nếu không có những đoạn chuyển cảnh vừa dài vừa dai mà không dở này, người chơi sẽ khó biết được sơ bộ về nội dung game, lúc đó cảm giác trải nghiệm còn khó chịu hơn. Bởi lẽ, phần lớn nhiệm vụ của người chơi khi đó chỉ là đi bộ thồ hàng từ điểm A đến điểm B mà chẳng có lý do rõ ràng vì sao bạn phải làm thế. Người chơi chỉ được biết đó là việc phải làm và cặm cụi làm như osin, cấm có than vãn.
Trong khi đó, trải nghiệm giao hàng đặc trưng và độc nhất vô nhị mà trò chơi mang đến cũng chẳng hề đơn giản, đòi hỏi bạn phải tính kỹ để giải quyết rất nhiều vấn đề nan giải ngay từ đầu trải nghiệm. Đơn cử như Sam chỉ có thể khuân vác một trọng lượng đồ nhất định, bao gồm cả trang bị lẫn các bưu kiện theo đơn đặt hàng. Mang nhiều đồ sẽ ảnh hưởng đến tốc độ di chuyển, suy giảm thể lực khiến nó phục hồi chậm nhưng nguy hiểm nhất là mất thăng bằng, dễ té “sấp mặt” khiến bưu kiện bị hư hỏng, gây ảnh hưởng đến đánh giá KPI trong công việc. Vấn đề ở chỗ, bạn không chỉ mang vác những bưu kiện giao nhận theo yêu cầu mà thế giới mở trong Death Stranding còn có hàng đống kiện hàng thất lạc của những người chơi khác rơi vãi khắp nơi.
“Bỏ thì thương, vương thì tội” là điều mà bạn luôn cân nhắc trong suốt trải nghiệm Death Stranding. Về cơ bản, trò chơi khuyến khích bạn thu thập những kiện hàng thất lạc và giao chúng đến đúng người nhận. Điều này giúp tăng thanh danh của bạn lên và chỉ có lợi chứ không có hại. Thế nhưng, do giới hạn trọng lượng có thể mang vác mà bạn không thể khiêng hết tất cả theo để rồi “tham thì thâm” khiến việc di chuyển khó khăn, té ngã liên tục vừa mất máu vừa đánh động đến “baby” của bạn. Nội việc dỗ bé cũng khá mất thời gian đưa đẩy tay cầm DualShock 4 và tôi bảo đảm là bạn chẳng bao giờ muốn nghe một đứa trẻ khóc ré lên từ đầu đến cuối trải nghiệm kéo dài vài chục tiếng đâu. Đó mới là vấn đề nhưng nó cũng không phải là vấn đề duy nhất!
Lối chơi trong Death Stranding chủ yếu đòi hỏi người chơi cuốc bộ từ điểm A sang điểm B và lặp lại với mức thử thách ngày càng tăng. Thế nhưng, việc di chuyển cũng chẳng hề đơn giản với hệ thống vật lý chỉ muốn “đập vỡ đầu” nhân vật chính vì nó quá thật. Chưa bao giờ tôi cảm thấy ghét trọng lực đến thế, nhất là khi áp dụng nó vào địa hình “thương em mấy núi cũng trèo, mấy sông cũng lội, mấy đèo cũng qua” trong game, vừa hiểm trở vừa đa dạng cứ như tát vào mặt người chơi. Giữ thăng bằng nghe tưởng chừng đơn giản nhưng nhiều khi lại là điều hết sức xa xỉ trong trải nghiệm game. Bạn nào hay “thẩm du” game bằng cách xem YouTube hay người khác chơi, bảo đảm “tổ trác” với tựa game này.
Trải nghiệm Death Stranding hoàn toàn thấy vậy mà không phải vậy. Nó vừa cực thân, vừa vất vả, vừa khiến bạn và nhân vật đổ nhiều máu và nước mắt, không nhẹ nhàng như những gì bạn thấy người khác chơi. Có đôi lần tôi uất ức đến mức suýt ném luôn tay cầm DualShock 4 vào cái ti vi, dù chúng chẳng có tội tình gì sau một pha “té sấp mặt” của Sam vì sơ suất của người viết. Đã vậy, trò chơi còn muốn bạn đứng tim trong các pha đối mặt ngoài mong muốn với những kẻ thù được gọi đơn giản là BT. Chúng thường xuất hiện khi “trái gió trở trời” trong hình hài mờ mờ ảo ảo, tưởng không đáng sợ nhưng lại đáng sợ không tưởng. BT không thể thấy bạn, nhưng chúng nghe được hơi thở nên nín thở là cách duy nhất để vượt qua chúng.
Vấn đề ở chỗ, chẳng ai có thể nín thở quá lâu và Sam cũng không phải ngoại lệ. Không những vậy, nín thở lâu còn gây ra hệ lụy với thể lực, thứ mà bạn rất cần cho trải nghiệm giao hàng khổ sai của mình. Thế nhưng, không nín thở thì diễn biến sau đó cũng chẳng tốt đẹp gì, vì đó là khi lũ BT rần rần kéo tới với những tiếng kêu rất đáng sợ kèm theo tay cầm DualShock 4 rung bần bật trên tay người chơi, chắc cú bạn nào yếu tim sẽ “quăng” luôn tay cầm và xóa game nếu “lỡ” mở loa quá lớn. Kẻ thù trong Death Stranding tuy không nhiều chủng loại nhưng chẳng hề kém cạnh nhau về mức độ nguy hiểm. Tuy nhiên, “mất dại” nhất vẫn là bọn BT “luôn luôn phá hoại luôn luôn ăn hại”, gây ức chế cực kỳ.
Nếu có gì để tiếp tục khiến tôi ấn tượng, có lẽ phải kể đến ý tưởng “Connecting People” gợi nhớ đến cựu vương Nokia. Thế giới xung quanh trong Death Stranding không chỉ ở trạng thái tĩnh mà nó luôn thay đổi với những thứ do những người chơi khác xây dựng nên. Các “công trình” này sẽ xuất hiện ngẫu nhiên trong trải nghiệm của những người chơi khác, giúp tiết kiệm thời gian di chuyển giao hàng và ngược lại. Bạn cũng có thể tạo những công trình tương tự để giúp đỡ những người chơi khác, cảm giác giống như tất cả mọi người cùng khai phá thế giới trong game từ hoang sơ trở nên văn minh hơn. Nhiều khu vực sẽ có sự thay đổi mạnh mẽ như thế khi bạn kết nối vào mạng lưới chiral như cách gọi trong game.
Đây cũng là thiết kế giúp trải nghiệm Death Stranding có giá trị chơi lại khá cao. Mặc dù không có NG+ nhưng mỗi lần chơi lại, thế giới trong game có thể đã đổi khác nhờ vào những thứ mà tất cả mọi người chơi cùng xây dựng và kết nối. Điều thú vị là bạn cũng chẳng cần đến dịch vụ PlayStation Plus để tận hưởng công sức mọi người chơi trên thế giới cùng xây đắp văn minh trong thế giới game. Mặt khác, yếu tố cộng đồng rất được đề cao trong trải nghiệm dù đây là một tựa game chơi đơn. Bạn sẽ chẳng bao giờ biết được chút công sức đã bỏ ra đóng góp cho thế giới game sẽ giúp ích cho cả cộng đồng và chính bạn sau này như thế nào. Trải nghiệm game càng không dành cho những người chơi ích kỷ chỉ biết hưởng thụ mà không biết cho đi.
Sau cuối, Death Stranding mang đến một trải nghiệm phiêu lưu đậm chất walking simulator vô cùng đặc sắc về gameplay, cốt truyện và rất nhiều khía cạnh khác. Không phải trò chơi không có điểm trừ nhưng phần lớn đều thiên về cảm nhận cá nhân và người viết không muốn liệt kê khi bài đã quá dài. Như đã nói ở trên, đây là tựa game không phải dành cho tất cả mọi người, nên nếu những con chữ trong bài chưa đủ thuyết phục bạn đến với trò chơi thì Death Stranding có lẽ không phù hợp với bạn. Ngược lại, trải nghiệm thực tế của mỗi người chắc chắn hấp dẫn hơn vì giới hạn con chữ của bài viết không đủ để thể hiện toàn bộ thông tin gameplay.
Death Stranding hiện có cho PC (Windows) và PlayStation 4. Xem thêm các bài kinh nghiệm chơi game Death Stranding.
Bài viết sử dụng game do nhà phát hành hỗ trợ.
Tham gia cùng chúng tôi trên SteamTham gia kênh Steam của Trải Nghiệm SốXem thêm bài đánh giá các game khácTrải Nghiệm Số viết rất nhiều bài đánh giá game, bạn đừng bỏ lỡ nhé!