Death Stranding Director’s Cut là bản nâng cấp của tựa game phiêu lưu cùng tên. Ngoài một khu vực mới, phiên bản này còn bổ sung một số công cụ mới giúp trải nghiệm trở nên dễ dàng hơn, cộng với một số nội dung mới để lại cảm nhận khá trái chiều tùy vào mỗi người chơi. Tuy nhiên cũng giống như game gốc, bản Director’s Cut không phải trải nghiệm dành cho số đông, đặc biệt là những ai thiếu tính kiên nhẫn. Không phải một chút kiên nhẫn mà là rất nhiều kiên nhẫn, ít nhất ở vài chapter đầu của trải nghiệm game.
Dành cho bạn nào chưa từng chơi nguyên bản, Death Stranding Director’s Cut là trải nghiệm phiêu lưu đưa người chơi nhập vai một anh shipper tên Sam Bridges do nam diễn viên Norman Reedus cho mượn hình ảnh làm nhân vật điều khiển. Các nhân vật khác trong game có lẽ cũng được dựng hình từ các diễn viên người thật việc thật, dù điều này chưa được người viết kiểm tra và xác thực. Trải nghiệm game cho người chơi làm công việc của một shipper, giao hàng hóa từ địa điểm này đến địa điểm khác trong bối cảnh hậu tận thế.
Sự kiện đó được gọi là Death Stranding như cái tựa của trò chơi, khi lũ BT xuất hiện và cướp đi sinh mạng của nhiều người. Những người xấu số đó sau một thời gian nhất định sẽ nổ tung, tạo ra những mảnh vật chất gây hại trúng vào người khác khiến họ chịu chung số phận. Sự kiện nói trên đã quét sạch phần lớn dân số nước Mỹ. Những người may mắn sống sót đã tụ tập lại thành những cộng đồng nhỏ cô lập với nhau, dẫn tới nhu cầu vận chuyển hàng hóa giữa các cộng đồng này xuất hiện. Bạn chính là người làm công việc đó.
Death Stranding Director’s Cut mà tôi trải nghiệm được mua từ App Store vào cuối năm 2023, chơi chủ yếu trên Mac Book Air dùng chip M1, mẫu máy yếu nhất trong các dòng sản phẩm dùng Apple Silicon. Tuy vậy, trò chơi vẫn mang đến trải nghiệm khá tốt với hiệu năng ổn đến bất ngờ, tất nhiên là với sự hậu thuẫn của MetalFX trên nền tảng Apple. Đồ họa tuy không chi tiết như trải nghiệm nguyên bản Death Stranding trên PS4 Pro trước đây, nhưng chất lượng khá ổn. Những cảnh đồi núi trùng điệp đều được tái hiện khá tốt với tốc độ khung hình ổn định. Khác biệt lớn nhất so với PS4 là các phân đoạn gameplay và chuyển cảnh đã có thể phân biệt được.
Cụ thể, chất lượng hình ảnh trong các phân đoạn gameplay có độ phân giải thấp hơn, ít sắc nét hơn dù MetalFX thiết lập Quality ở độ phân giải 1080p hay 720p. Ở những khung cảnh có quá nhiều vật thể, hình ảnh nhân vật điều khiển cũng lập tức suy giảm chất lượng rất nhiều. Dễ thấy nhất là tóc của Sam lúc đó nhìn giả trân. Trong các khung hình có ít vật thể hơn hoặc quay cận cảnh, hình dựng nhân vật chi tiết hơn và nhìn có phần chân thật hơn. Nhìn chung, chất lượng đồ họa trong gameplay chỉ bằng khoảng 70% phim chuyển cảnh.
Cũng như Resident Evil Village phiên bản Mac, trải nghiệm Death Stranding Director’s Cut trên nền tảng của Apple mang đến chất lượng hình ảnh có chiều sâu hơn rất nhiều khi bật HDR. Đổi lại là hao pin hơn một chút so với không bật HDR. Theo ước tính của người viết, trải nghiệm trên Mac Book Air dùng chip M1 khoảng 30 phút thì tốn gần 20% pin. Tính ra cũng xấp xỉ 2 tiếng liền nếu sạc đầy pin. Khi còn khoảng 10% pin, máy giảm xung nhịp đến mức không thể chơi được và gần như treo game. Đáng chú ý là phần nhôm phía trên dãy phím F trở nên khá nóng.
Tuy không đến mức nóng bỏng tay có thể do tôi ngồi trong phòng máy lạnh với thiết lập khoảng 27 độ C, nhưng vị trí đó đặc biệt nóng trong khi các vị trí khác chỉ hơi ấm một chút. Đây là điều mà tôi không để ý trong những lần chơi Resident Evil Village phiên bản Mac trước đây, cứ nghĩ máy chỉ hơi ấm lên. Chưa rõ về lâu dài có gây hại gì đến độ bền của máy không, nhưng tôi khuyến cáo bạn không nên trải nghiệm game trên các mẫu Mac Book không có hệ thống tản nhiệt chủ động bằng quạt để tránh hư hỏng ngoài ý muốn.
Ấn tượng nhất trong trải nghiệm Death Stranding Director’s Cut là những bản nhạc nền cực đỉnh. Tuy không phải lúc nào trò chơi cũng mở nhạc, nhưng những khoảnh khắc bài hát cất lên dường như là dụng ý riêng của đạo diễn, mang đến rất nhiều cảm xúc cho người viết. Những bản nhạc nền của trò chơi có sự chọn lọc rất đặc biệt. Không như bất kỳ trải nghiệm game nào trước đây, nó vừa da diết vừa đọng lại một cảm xúc vô cùng đơn độc, đúng như cái cảm giác mà trải nghiệm game mang đến trong suốt cuộc hành trình giao vận của nhân vật chính.
Không rõ có phải Death Stranding Director’s Cut phiên bản Mac hỗ trợ công nghệ spatial audio được Apple giới thiệu tại WWDC 2020 không, nhưng âm thanh tiếng động trong game rất sống động dù chỉ nghe qua loa ngoài con Mac Book Air đã vài năm tuổi của tôi. Những khoảnh khắc mưa ào xuống trong game đôi lúc khiến người nhà của tôi ngỡ ngoài trời đổ mưa. Hơi tiếc là khâu lồng tiếng không để lại ấn tượng tương tự. Phần lồng tiếng của các nhân vật chưa đủ truyền cảm, đôi lúc để lại cảm xúc hời hợt không rõ tâm tư tình cảm của nhân vật lúc đó là gì.
Lối chơi của Death Stranding Director’s Cut mang nhiều cảm giác mô phỏng đi bộ. Trong vai anh shipper tên Sam Bridges, người chơi điều khiển nhân vật thồ hàng từ điểm X đến điểm Y với các thử thách ngày càng tăng. Ngoài yếu tố cân bằng hàng thồ tránh để nhân vật té sấp mặt làm hỏng hàng hóa, người chơi còn phải đối mặt với những mối nguy hiểm cận kề như BT và những kẻ thù lúc nào cũng muốn cướp hàng hóa của bạn. Vũ khí sát thương gần như không có, bạn phải vận dụng mọi thứ có sẵn từ chân chạy đến nín thở để tránh kẻ thù.
Cái hay của Death Stranding Director’s Cut nằm ở hệ thống Social Strand, trong đó người người giúp nhau để công việc giao hàng thông suốt hơn. Người người ở đây là những người chơi khác trên thế giới. Thế giới trong game có rất ít đường có sẵn. Phần lớn là những đường mòn tạo nên khi có rất nhiều người cùng bước đi trên những địa hình không bằng phẳng đó mà thành đường. Cùng nhau, người người góp công sức và vật liệu xây dựng trong lượt chơi của mình, xây nên những cây cầu và con đường để giúp nhau vượt sông sâu nước xiết.
Về sau, người chơi bắt đầu chế tạo được những phương tiện hỗ trợ tốt hơn cho công việc giao hàng, kết hợp tận dụng những công trình xây dựng của người người góp sức tạo nên, giúp trải nghiệm Death Stranding Director’s Cut trở nên dễ dàng hơn. Vấn đề ở chỗ bạn có đủ kiên nhẫn đến khoảnh khắc đó không, hay lại thấy gian nan bắt đầu nản và nghỉ game một đi không trở lại? Nếu trải nghiệm lần đầu ở thời điểm bài viết, khả năng cao bạn sẽ không gặp nhiều khó khăn vì thế giới trong game đã được mọi người xây đắp rất nhiều rồi.
Chỉ cần kiên nhẫn vượt qua vài chapter đầu để hiểu bối cảnh, cốt truyện và học thuộc lòng các tutorial là tỏa sáng trong công việc dưới vai trò của nhân vật chính Sam Bridges. Nói đâu xa, ở thời điểm tôi bắt đầu trải nghiệm Death Stranding Director’s Cut phiên bản Mac, đã có rất nhiều thứ khác biệt so với thế giới game lúc mới chơi bên PS4. Một người chơi có tên Benjamin đã tạo ra rất nhiều bảng chỉ dẫn và những công trình cần thiết hỗ trợ người chơi mới. Nhờ thế mà việc giao vận của người viết cũng khỏe hơn rất nhiều.
Bên cạnh đó, người viết còn phát hiện Death Stranding Director’s Cut phiên bản Mac có hỗ trợ tay cầm DualSense ở thiết lập không dây. Tôi khá bất ngờ khi trải nghiệm game không cắm cáp, nhưng tính năng adaptive trigger và haptic fdeedback vẫn hoạt động tốt. Không như chơi Ghostwire Tokyo trên PC với tay cầm DualSense phải cắm cáp thì hai tính năng đặc trưng nói trên mới hoạt động. Đặc biệt, trên macOS có báo phần trăm pin của tay cầm DualSense chứ chẳng như Windows không hỗ trợ tính năng tiện ích này.
Sau cuối, Death Stranding Director’s Cut mang đến một trải nghiệm phiêu lưu vô cùng đặc sắc, nhưng chắc chắn không dành cho số đông. Điểm trừ lớn nhất của game là trải nghiệm thực tế của mỗi người có thể rất hấp dẫn hoặc vô cùng nhàm chán, tùy vào quan điểm cá nhân của bạn quan trọng câu chuyện kể hay lối chơi. Một vấn đề cũng không thể không đề cập đến là những đoạn phim chuyển cảnh dài lê thê với mật độ dày đặc, nhiều khi tạo cảm giác xem nhiều hơn chơi.
Death Stranding Director’s Cut hiện có cho PC (Windows, macOS), PlayStation 4 và iOS. Xem thêm các bài kinh nghiệm chơi game Death Stranding.
[text-blocks id=”game-box”]