Dear Esther là tựa game walking simulator thiên về câu chuyện kể khá độc đáo. Sau một thời gian phát hành “khắp nơi”, tựa game này vừa ra mắt trên nền tảng iOS.
Nếu từng chơi Amnesia: A Machine for Pigs, có lẽ bạn sẽ nhớ đến nhà phát triển The Chinese Room. Dear Esther cũng là một tựa game của họ nhưng với lối trải nghiệm “chơi như không chơi”, có thể tạo ý kiến trái chiều tùy vào quan điểm của mỗi người. Trò chơi đưa bạn đến với câu chuyện được kể lại từ những lời kể của một nhân vật không rõ tên khi khám phá hòn đảo bí ẩn. Mỗi địa danh mà bạn tiếp cận đều có một câu chuyện kể về nó, dần dần vẽ nên một bức tranh hoàn chỉnh vào cuối trải nghiệm.
Dear Esther không phải là một tựa game khiến bạn mất nhiều công sức hay động não để suy nghĩ. Thậm chí với trải nghiệm đặc trưng, nhiều người chơi có thể không đồng tình khi xem đây là game. Những gì mà bạn làm trong trải nghiệm chỉ đơn thuần là điều khiển một nhân vật từ góc nhìn thứ nhất, đi qua những địa điểm nhất định và nghe nhân vật kể những câu chuyện có liên quan đến địa danh đó. Trò chơi không có bất kỳ câu đố hay tương tác nào ngoài việc di chuyển trong không gian màn chơi rộng lớn, đúng như những gì mà bạn hình dung từ thể loại walking simulator.
Ban đầu, những gì nhân vật chính kể lại mang cảm giác khá lộn xộn không theo một trật tự nào. Mọi thứ chỉ mở dần về sau khi người chơi sắp xếp toàn bộ những câu chuyện kể này thành một câu chuyện hoàn chỉnh lớn hơn, để lại nhiều cảm xúc. Nói một cách đơn giản, yếu tố kể chuyện được xây dựng trên những lời độc thoại của nhân vật chính, ít nhiều đều có thể trở thành điểm trừ hoặc điểm cộng trong trải nghiệm game tùy vào cảm hứng nghe và đọc của người chơi. Ở góc độ người chơi, thiết kế này rất dễ trở thành thử thách không nhỏ trên màn hình của điện thoại di động. Phần lớn những đoạn độc thoại có rất nhiều chữ, mỗi lần hiển thị chiếm khoảng hơn phân nửa màn hình điện thoại.
Trò chơi rõ ràng được thiết kế để trải nghiệm trên màn hình lớn hơn và nhà phát triển cũng không hề có ý định tinh chỉnh lại giao diện cũ cho phù hợp với thiết bị di động. Chẳng hạn, họ có thể chia nhỏ lời độc thoại cho hiển thị nhiều lần thay vì hiển thị tất cả một lần. Nếu bạn có khả năng nghe tiếng Anh thì trải nghiệm sẽ tốt hơn vì loại trừ việc đọc chữ. Nhân vật chính là một người vô danh, luôn kể về những địa điểm trên hòn đảo, thói quen cá nhân và đặc biệt là luôn nhắc tới nhân vật Esther bí ẩn. Trò chơi bắt đầu câu chuyện kể với hai từ Dear Esther và cũng là tựa game, cho thấy nhân vật này có sự liên quan mật thiết đến toàn bộ cốt truyện, gợi một sự tò mò không hề nhỏ.
Càng đào sâu vào trải nghiệm, Dear Esther càng giải thích rõ thêm về bối cảnh và các nhân vật. Thậm chí nếu chú ý, người chơi cũng có thể hiểu được lý do vì sao nhân vật lại xuất hiện trên hòn đảo này. Không may là tôi đã vô tình bỏ lỡ khi trải nghiệm trên iPhone do đọc quá nhiều chữ trên màn hình điện thoại, trong khi vẫn phải tiếp tục di chuyển nhân vật vì nghĩ sẽ có tương tác hay điều gì tương tự đang chờ đón trong trải nghiệm phía trước. Do màn hình điện thoại khá nhỏ, nên ngón tay điều khiển nhân vật cũng vô tình che đi mất chữ. Đây là lý do khiến tôi nghĩ trải nghiệm game không hoàn toàn phù hợp với thiết bị di động có màn hình nhỏ, trừ khi nhà phát triển điều chỉnh lại giao diện cho hợp lý hơn hoặc bạn có khả năng nghe tốt.
Nếu bỏ qua vấn đề nói trên, Dear Esther mang đến cảm giác khá nặng nề trong câu chuyện kể. Trò chơi thiết kế môi trường khá đẹp, tạo một cảm giác ám ảnh khi bạn nghe được giọng kể rất từ tốn của nhân vật chính. Tôi nghĩ, phần lớn cảm giác trải nghiệm của người chơi đến từ hai yếu tố này, đặc biệt là phần lồng tiếng của nhân vật chính khá ấn tượng cứ liên tục vang lên giữa một hòn đảo vắng lặng đến rợn người, không có chút bóng dáng của bất kỳ ai ngoài nhân vật chính. Nhịp độ chơi cũng khá chậm rãi, góp phần không nhỏ trong việc làm nổi bật không không khí đặc trưng mà đội ngũ phát triển chủ ý mang đến.
Đồ họa cũng là một điểm nhấn của tựa game nhiều năm tuổi này. Tuy nhiên, trải nghiệm trên màn hình nhỏ của điện thoại ít nhiều đều làm mất đi cái đẹp vốn được xây dựng cho ti vi hoặc màn hình máy tính lớn hơn. Dù vậy, bạn vẫn có thể thấy những nét đẹp không thể che giấu của hòn đảo từ các địa điểm như hang động, bờ biển hay những bậc thang nhân tạo lên đỉnh núi v.v… Nhiều chi tiết nhỏ như các hình thù bí ẩn được lồng ghép vào đồ họa của trò chơi khá thú vị nhưng không có lời giải thích rõ ràng, càng gợi nhiều tò mò khiến bạn cứ muốn tiếp tục trải nghiệm để tìm hiểu rõ hơn.
Thậm chí, lối kể chuyện độc đáo của Dear Esther có lẽ cũng là cảm hứng cho những cái tên hiện đại hơn mà sau này tôi được trải nghiệm như What Remains of Edith Finch. Cả hai đều có khá nhiều điểm tương đồng trong cách kể chuyện. Tuy nhiên, dù Dear Esther không có vấn đề gì về hiệu năng trên nền tảng di động, nhưng không ít phân đoạn “walking simulator” gây khó khăn trong việc di chuyển, chủ yếu vì những hạn chế khi nhân vật di chuyển nhưng không được nhà phát triển “rào chắn” cẩn thận. Đơn cử như nếu bạn vô tình đi xuống biển thì sẽ gặp chút khó khăn để leo lên được bờ, nhiều khi khá ức chế.
Không những vậy, số lượng checkpoint trong game vô cùng hiếm và khoảng cách xa nhau cũng là một vấn đề không nhỏ khi game chưa hạn chế đúng thiết bị hỗ trợ thời điểm trước đó. Ban đầu, tôi sử dụng iPhone 5S cho trải nghiệm nhưng cứ chơi khoảng 5 phút là văng ra Home Screen mà không rõ nguyên nhân. Chỉ đến bản cập nhật đầu tiên thì nhà phát triển mới bổ sung thêm thông tin về thiết bị hỗ trợ trong phần mô tả không có iPhone 5S. Thế nhưng, bạn vẫn có thể cài game trên các thiết bị không hỗ trợ này nhưng tất nhiên là không thể chơi game trọn vẹn được.
Sau cuối, Dear Esther bản mobile mang đến một trải nghiệm walking simulator khá thú vị nếu bạn không có định kiến với lối chơi đặc trưng của thể loại này. Trò chơi có gần như mọi thứ để cuốn hút người chơi, từ đồ họa đẹp và khá ấn tượng cho tới lối kể chuyện gợi nhiều tò mò và càng không thể không nhắc tới phần nhạc nền đong đầy cảm xúc, kết hợp hài hòa với các yếu tố khác của game một cách tuyệt vời. Nếu yêu thích trải nghiệm thiên về câu chuyện kể, đây chắc chắn là cái tên hiếm hoi đáng chú ý trên nền tảng di động.
Dear Esther được phát hành cho PC (Windows, macOS), PlayStation 4, Xbox One và iOS. Yêu cầu iOS 9.0 trở lên cũng như thiết bị iPhone 7, iPad mini 4 hoặc mới hơn.
Bài viết sử dụng game do nhà phát hành hỗ trợ.
Tham gia cùng chúng tôi trên SteamTham gia kênh Steam của Trải Nghiệm SốXem thêm bài đánh giá các game khácTrải Nghiệm Số viết rất nhiều bài đánh giá game, bạn đừng bỏ lỡ nhé!