Dead Space là game kinh dị sinh tồn kinh điển ra mắt lần đầu vào năm 2008 với lối chơi bắn súng góc nhìn thứ nhất, sở hữu nhiều ý tưởng chịu ảnh hưởng lớn từ nguyên bản Resident Evil 4 kinh điển năm 2005 và series game Silent Hill. Thậm chí, trò chơi còn được mô tả là Resident Evil phiên bản ngoài không gian với điều chỉnh đáng chú ý nhất là cơ chế “dừng để bắn” gây nhiều ức chế trong game gốc Resident Evil 4. Điều thú vị là cả hai tựa game kinh dị kinh điển này đều được làm lại và cùng phát hành năm 2023 với chất lượng xuất sắc.
Cải thiện dễ thấy nhất trong Dead Space bản làm lại là chất lượng đồ họa vô cùng ấn tượng. Đội ngũ phát triển Motive tận dụng sức mạnh phần cứng thế hệ console mới không chỉ trong xây dựng môi trường từ hiệu ứng ánh sáng cho đến đổ bóng và tạo hình các nhân vật. Những kẻ thù đáng sợ ngày xưa nay càng đáng sợ hơn trên nền đồ họa của bản làm lại. Tuy trò chơi vẫn giữ nguyên cốt truyện cũ, nhưng bổ sung nhiều tình tiết câu chuyện kể thông qua các tuyến nhiệm vụ phụ nhằm làm mới trải nghiệm game so với nguyên bản.
Dành cho bạn nào chưa chơi game gốc, Dead Space ban đầu được phát triển như hậu bản của game nhập vai bắn súng thiên về khám phá System Shock 2. Thế nhưng, kế hoạch nhanh chóng bị hủy bỏ sau khi Resident Evil 4 kinh điển ra mắt, dẫn tới sự thay đổi định hướng thiết kế của nhà phát triển EA Redwood Shores. Sự ảnh hưởng đó không chỉ thấy rõ trong nguyên bản mà cả bản làm lại. Tàu vũ trụ USG Ishimura trong trải nghiệm game tuy nhỏ nhưng nó có rất nhiều đường tắt và xe điện giúp bạn di chuyển dễ dàng giữa các màn chơi.
Nếu bạn thấy mô tả trên có phần quen quen thì đó cũng là thiết kế màn chơi trong Prey ra mắt năm 2017, tựa game được xem là hậu bản tinh thần của game phiêu lưu hành động System Shock vô cùng kinh điển từ thời dòng lệnh DOS. Cả hai đều khá tương đồng về lối chơi khi yêu cầu nhân vật chính khắc phục các vấn đề trên tàu vũ trụ. Thông qua di chuyển giữa các hành lang và khu vực chung, đối đầu với kẻ thù có thể bất ngờ xuất hiện từ những lỗ thông hơi trong bầu không khí căng thẳng vốn không dành cho những người chơi yếu tim.
Cũng như game gốc, bản làm lại của Dead Space lấy bối cảnh năm 2508 khi nhân loại sống rải rác khắp vũ trụ. Trước nguy cơ diệt vong vì thiếu hụt tài nguyên, loài người trên trái đất chế tạo những tàu vũ trụ gọi là Planetcrackers chuyên thu thập tài nguyên từ các hành tinh khác. Con tàu đầu tiên đó là USG Ishimura đang đào mỏ trái phép trên hành tinh Aegis VII. Trải nghiệm game đưa người chơi nhập vai kỹ sư Isaac Clark cùng phi hành đoàn trên phi thuyền Kellion tiếp cận USG Ishimura để sửa chữa hệ thống liên lạc bị hỏng.
Thế nhưng, nhiệm vụ sửa chữa ban đầu bất ngờ chuyển thành cuộc chiến sinh tồn trước những kẻ thù bí ẩn Necromorph xuất hiện khắp nơi trên USG Ishimura. Người chơi phải tìm cách sửa chữa những trang thiết bị hư hỏng trên USG Ishimura để lần ra tận cùng của sự thật. Khởi đầu bạn chỉ có khẩu Plasma Cutter “thần thánh” của các phần chơi Dead Space kinh điển nhưng càng trải nghiệm, bạn sẽ thu thập nhiều vũ khí mạnh hơn cùng hệ thống nâng cấp, khuyến khích người chơi khám phá để thu thập Power Node như game gốc.
Đáng nói, bản làm lại của Dead Space cho phép người chơi “tẩy trắng” để nâng cấp lại từ đầu, thay vì gò bó không cho bạn “làm lại cuộc đời” như nguyên bản. Hệ thống nâng cấp cũng có sự điều chỉnh thú vị khi bổ sung các vật phẩm mở khóa node thông qua những yêu cầu cụ thể, chẳng hạn phải tiêu diệt kẻ thù bằng khẩu Plasma Cutter thay vì chỉ sử dụng Power Node để mở khóa node nâng cấp như game gốc. Cơ chế mới này đơn giản hơn nhiều so với thiết kế module phức tạp không cần thiết trong nguyên bản Dead Space 3 ra mắt năm 2013.
Hệ thống vũ khí cũng có sự đại tu nhiều bất ngờ so với game gốc Dead Space. Đơn cử khẩu Pulse Rifle trước đây có chế độ bắn 360 độ rất hiệu quả trong những trường hợp bạn rất dư đạn và đang bị kẻ thù vây hãm. Vấn đề ở chỗ, chế độ này chỉ hữu dụng ở thiết lập độ khó mặc định hoặc thấp hơn và hoàn toàn vô dụng ở các độ khó cao. Bản làm lại thay đổi lựa chọn bắn 360 độ nói trên thành tùy chọn phóng mìn dính vào mặt phẳng trên môi trường hoặc kẻ thù, gây sát thương rất lớn và không bị ‘nerf’ bởi thiết lập độ khó như nguyên bản.
Bên cạnh lựa chọn vũ khí đa dạng, Dead Space còn có Stasis và Kinesis. Đây là hai kỹ năng đặc biệt vô cùng hữu dụng trong khám phá và chiến đấu, được thiết kế quá chuẩn nên không có sự điều chỉnh trong bản làm lại. Cụ thể, Stasis đóng băng bất cứ thứ gì bạn bắn vào trong vài giây, giúp người chơi vượt qua những chướng ngại vật hoặc kẻ thù có những điểm yếu khó canh trong trải nghiệm game. Tuy nhiên, Stasis xài rất hao năng lượng vốn chỉ có thể nạp lại từ các trạm sạc khắp USG Ishimura hoặc vật phẩm dùng một lần.
Ngược lại, Kinesis như cái tên của nó là khả năng điều khiển vật thể từ xa không cần chạm tay của Isaac nhờ vào găng tay đặc biệt. Bạn có thể dùng nó gây sát thương cho kẻ thù bằng cách hất chúng vào những vật sắc nhọn trong môi trường màn chơi hoặc điều khiển vật thể lớn làm lá chắn cho nhân vật. Đặc biệt, kỹ năng vô cùng hữu dụng này có thể dùng vô hạn và không tốn năng lượng, đặc biệt khi bạn trải nghiệm Dead Space ở độ khó cao và cần tiết kiệm đạn cho những trường hợp cần kíp liên quan đến khả năng sinh tồn của Isaac.
Thế nhưng, thay đổi lớn nhất gây tác động không nhỏ đến cảm xúc của người viết là kể chuyện. Khía cạnh này được mở rộng và tập trung vào động cơ của các nhân vật nhiều hơn, đặc biệt là các tuyến nhiệm vụ mới toanh. Dù vậy, điểm trừ lớn nhất của bản làm lại là cốt truyện về cuối mang cảm giác được xây dựng vội vã, không còn cảm giác cuốn hút với những tình tiết mới không có trong game gốc như phần thời lượng còn lại của trải nghiệm. Dẫu thế, biên kịch vẫn khéo léo giải đáp một nút thắt không được nguyên bản đề cập.
Đáng chú ý, nhân vật chính Isaac không được lồng tiếng trong game nguyên bản, nên cốt truyện chủ yếu được thuật lại thông qua các cuộc hội thoại hoặc trò chuyện qua bộ đàm. Với bản Dead Space làm lại, nhân vật chính được lồng tiếng nên phần lớn câu thoại được chấp bút mới cho phù hợp với thay đổi nói trên. Sự điều chỉnh này góp phần giúp các nhân vật “người” và thực tế hơn, nếu không nói là mở rộng tính cách quen thuộc của các nhân vật hơn, không còn cảm giác sáo rỗng hoặc nhân vật cố lên gân như game nguyên bản.
Tuy Isaac cũng thuộc dạng kiệm lời, nhưng người viết có cảm giác phần lồng tiếng của diễn viên Gunner Wright chưa thật sự thổi hồn cho nhân vật này. Biểu cảm mắt và khuôn mặt của các nhân vật trong bản làm lại của Dead Space tuy có cảm xúc hơn game gốc vài chút, nhưng nhiều trường hợp vẫn thể hiện còn cứng và thiếu tự nhiên. Một số nhân vật còn bị đổi tạo hình trông đứng tuổi hơn, chẳng hạn Nicole. Tôi không chắc sự điều chỉnh này phù hợp với tính cách của nhân vật hơn game gốc và nó để lại cảm xúc rất khó diễn tả.
Một vài thay đổi khác mà người viết không thể không đề cập. Đó là bản làm lại Dead Space vay mượn cơ chế điều khiển đa hướng trong trạng thái vô trọng lực từ Dead Space 2, giúp những phân đoạn này dễ kiểm soát vùng di chuyển của nhân vật chính hơn. Điều này đặc biệt quan trọng trong một phân đoạn ở giữa trải nghiệm, khi nhân vật phải thoát khỏi khu vực không trọng lực trong thời gian giới hạn. Khía cạnh giải đố cũng có vài điều chỉnh, chẳng hạn như các đoạn “điều phối nguồn điện” trao cho người chơi quyền tự quyết hơn.
Thiết kế màn chơi cũng có những điều chỉnh thú vị khi kết nối liên thông nhau nhiều hơn so với game gốc, mang đến cho người chơi cảm giác tự do khám phá hơn. Cụ thể là hệ thống an ninh mới toanh đòi hỏi bạn phải tìm cách nâng cấp độ an ninh của thẻ từ mở cửa để tiếp cận các khu vực nhất định, từ đó khuyến khích người chơi quay lại khám phá những khu vực cũ trước đây bị khóa và thu thập các vật phẩm thiết yếu như đạn dược, Power Node hay các túi cứu thương. Đi kèm là hệ thống nhiệm vụ phụ tưởng phụ mà chính khó lường.
Giá trị chơi lại cũng là điểm cộng thú vị của Dead Space bản làm lại. Sau khi hoàn thành trải nghiệm lần đầu, trò chơi mở khóa NG+ tuy vẫn là cốt truyện cũ nhưng bạn được sử dụng tiếp một số thứ từ trải nghiệm trước đó. Cụ thể là các vũ khí và nâng cấp cũng như những bộ suit và rig đã mở khóa, cùng toàn bộ tiền trong game mà bạn chưa sử dụng hết. Tuy hai kỹ năng Stasis và Kinesis phải mở khóa lại từ đầu theo cốt truyện, nhưng NG+ chào đón bạn với những kẻ thù Necromorph nguy hiểm hơn, thậm chí không có trong game gốc.
Đó là chưa kể hàng loạt nâng cấp và vật phẩm thu thập hoàn toàn mới chỉ có trong NG+. Vì lý do quá hiển nhiên, người viết không thể tiết lộ mà để dành cho bạn tự khám phá trong trải nghiệm game. Tôi chỉ có thể úp mở những vật phẩm thu thập mới này mở ra đoạn phim chuyển cảnh mới cuối game, làm cầu nối cốt truyện trong Dead Space 2 nguyên bản ra mắt năm 2011 và có khả năng là bản làm lại của “không gian chết 2” nói trên trong tương lai nữa. Tất nhiên khi và chỉ khi nhà phát hành Electronic Arts đồng ý bật đèn xanh.
Hiệu năng của Dead Space bản làm lại không có gì đáng đề cập trên hai hệ console mà tôi trải nghiệm. Bản PlayStation 5 hỗ trợ rất tốt các tính năng của tay cầm DualSense và mang đến cảm giác trải nghiệm nhiều cảm xúc hơn. Tuy trò chơi vẫn có thể trải nghiệm trên Steam Deck nhưng chỉ dừng ở thiết lập 720p FSR2 Performance với 30fps thông qua cài đặt trên SteamOS. Nếu muốn cải thiện chất lượng hình ảnh, bạn chọn FSR2 Quality với hiệu ứng ánh sáng, đổ bóng, SSAO ở mức medium đồng thời giảm thiết lập các hiệu ứng khác ở mức thấp nhất.
Sau cuối, Dead Space mang đến một trải nghiệm kinh dị sinh tồn đặc sắc dù hướng đến yếu tố hành động nhiều hơn. Đội ngũ phát triển Motive không chỉ rất thành công khi tái sinh một huyền thoại kinh dị kinh điển, họ còn hiện đại hóa trải nghiệm thông qua bổ sung và mở rộng những gì mà game gốc đã làm rất tốt. Bạn còn chờ gì mà không tậu ngay trò chơi về cho bộ sưu tầm game “phải chơi”?
Dead Space hiện có cho PC (Windows), PlayStation 5 và Xbox Series X|S.
Bài viết sử dụng game do nhà phát hành hỗ trợ.
Tham gia cùng chúng tôi trên SteamTham gia kênh Steam của Trải Nghiệm SốXem thêm bài đánh giá các game khácTrải Nghiệm Số viết rất nhiều bài đánh giá game, bạn đừng bỏ lỡ nhé!