Dead End Job là tựa game thuộc thể loại bắn súng twin-stick với lối chơi nhịp độ nhanh, khá tương phản với phong cách hoạt hình hài hước và thiết kế màn chơi chia thành những không gian nhỏ của trò chơi.
Dead End Job có thể ví như phiên bản “lầy lội hóa” của Ghostbusters. Nhân vật của người chơi là nhân vật có tên Hector Plasm, làm việc cho công ty Ghoul-B-Gone, chuyên gia số một về kiểm soát “sinh vật huyền bí” theo yêu cầu. Với thiết kế màn chơi được chia thành những không gian nhỏ khác nhau và được phát sinh ngẫu nhiên bằng thuật toán, người chơi sẽ dùng thiết bị giống như súng bắn tia để tấn công cho các bạn ma “quay cu đơ” rồi dùng máy hút bụi hút lấy hút để. Nếu không nhanh tay, kẻ thù sẽ hồi tỉnh và quay lại tiếp tục “ám ảnh” người chơi.
Đồ họa có lẽ là điểm ấn tượng nhất của Dead End Job với sự đa dạng trong tạo hình các nhân vật. Từ nhân vật chính, bà sếp và cấp trên của sếp đến các nhân vật ma đủ mọi hình thù đều khá hài hước, đúng như trải nghiệm mà trò chơi hướng đến. Nhà phát triển Ant Workshop sử dụng phong cách vẽ hoạt hình của thập niên 90, với nhiều chi tiết khiến bạn phải bật cười về hình thể các nhân vật mà nếu miêu tả ra, có lẽ tôi sẽ bị gán cho cái tội “body shaming” mất. Trải nghiệm cũng vì thế giống như đang xem một bộ phim hoạt hình với khả năng tương tác cao vậy.
Mặc dù lối chơi hướng đến cảm giác giải trí vui vẻ, nhưng Dead End Job cũng có cả một câu chuyện kể đơn giản và không kém phần hài hước. Tuy nhiên, phần câu chuyện kể này diễn ra quá nhanh ở đầu game nên tôi đoán là phần lớn người chơi cũng sẽ như tôi, dễ dàng bỏ sót nội dung trong lần đầu trải nghiệm. Kỳ thực, với thiết kế mang nhiều màu sắc và mức độ hài hước cao, bạn cũng không cần quá quan tâm đến nội dung mà chỉ cần tập trung vào trải nghiệm game là đủ. Mục đích cao cả của nhân vật chính là cứu rỗi linh hồn nhưng tiền để bỏ ống heo tiết kiệm cũng rất cần thiết. Tiền nhiều để làm gì thì bạn cứ từ từ chơi rồi biết nhé.
Trải nghiệm trong Dead End Job được chia thành hai dạng là phần chơi chính diễn ra ở năm khu vực khác nhau chia thành nhiều địa điểm. Phần còn lại là Help Wanted. Dù vậy, lối chơi của cả hai không có nhiều khác biệt mà chỉ để cho người chơi có thêm cơ hội kiếm tiền. Nhiệm vụ của bạn là chọn khu vực cần bắt ma và tham gia vào các màn chơi được phát sinh ngẫu nhiên cho mục đích này, đồng thời giải cứu người dân bị mắc kẹt trong những không gian nói trên. Song song với đó, người chơi có thể phá “tanh bành” nhiều thiết bị máy móc xuất hiện trong trải nghiệm, “lượm” tiền về bỏ heo. Mọi thứ cứ lặp lại đến khi bạn hoàn thành màn chơi đó.
Tuy nhiên, trải nghiệm không chỉ đơn giản quá mức cần thiết như thế. “Vũ khí” trên tay nhân vật chính rất dễ bị tình trạng quá tải nhiệt khi sử dụng với cường độ cao. Đồng thời, tuy không quá đa dạng về số lượng và tạo hình, nhưng mỗi loại ma đều có những chiêu trò quấy phá “độc chiêu” để gây khó cho người chơi. Chưa kể, Hector có máu rất hạn chế, nếu bạn để nhân vật “vô tình quẹt phải” ma hoặc trúng những thứ mà chúng “vô tình vung tay” thì nhân vật đổ máu, mất mạng như chơi. Bắt nhiều ma sẽ giúp nhân vật có cơ hội thăng cấp giấy phép hành nghề, nhận về những perk hữu dụng cho nhiệm vụ. Tuy nhiên, nếu để nhân vật “ngủm củ tỏi” khi chưa hoàn thành nhiệm vụ thì Hector sẽ bị giáng cấp, mất luôn cả perk có được khi thăng cấp nói trên.
Bên cạnh đó, không gian màn chơi thường có những vật phẩm rải rác, tăng máu, thậm chí gây hại cho nhân vật chính hoặc kẻ thù cùng nhiều công dụng khác. Tuy nhiên, công năng của chúng luôn là điều bí ẩn cần khám phá, đòi hỏi bạn phải tự nhớ sau những lần thử và sai trước đó. Thiết kế này gây nhiều khó khăn cho người chơi khi nhân vật chính chỉ có thể mang cùng lúc hai vật phẩm. Vấn đề ở chỗ, một khi đã thu thập dù là vô tình hay cố ý trong trải nghiệm, bạn cũng không thể loại bỏ vật phẩm đó ra khỏi hành trang ngoài cách kích hoạt sử dụng và chấp nhận mọi rủi ro có thể xảy ra. Điều này khiến tôi có cảm giác nhà phát triển hơi quá đà trong việc “hành hạ” người chơi. Vui thôi lại thành ra vui quá, đâm ra mất vui.
Sau cuối, Dead End Job mang đến một trải nghiệm bắn súng twin-stick khá hài hước và thú vị, mang tính giải trí cao ở gần như mọi khía cạnh. Nếu muốn tìm một tựa game với tiêu chí như thế, đây là cái tên rất đáng cân nhắc, đặc biệt khi có một người bạn “cạnh bên” để chơi co-op cùng.
Dead End Job hiện được phát hành cho PC (Windows, Linux), PlayStation 4, Xbox One, Nintendo Switch và Apple Arcade.
Bài viết sử dụng game do nhà phát hành hỗ trợ.
Tham gia cùng chúng tôi trên Steam Xem thêm bài đánh giá các game khác