Dark Deity là trải nghiệm nhập vai chiến thuật mang nhiều cảm hứng từ series game Fire Emblem, nhất là phần diễn hoạt khi quân ta và địch tham chiến. Tuy cốt truyện không đặc sắc mà chỉ dùng làm nền cho trải nghiệm game, nhưng đứa con tinh thần của nhà phát triển Sword & Axe vẫn sở hữu nhiều dấu ấn riêng. Điểm cộng xuất sắc nhất của trò chơi là công thức gameplay quen thuộc từ dòng game kể trên với những trận chiến theo lượt đầy hào hứng, đòi hỏi bạn phải khai thác ưu và khuyết điểm của hơn 50 lớp nhân vật khác nhau.
Dark Deity mở đầu với bối cảnh đầy kịch tính, nhưng không được biên kịch tìm cách khai thác cốt truyện hấp dẫn hơn. Tính đến năm 1105 theo niên lịch Imperial, hòa bình đã ngự trị Delia hơn 25 mùa xuân. Mặc dù vương quốc ngày càng phát triển mạnh nhờ sở hữu vùng đất nông nghiệp trù phú và thông thương liên lục địa, nhưng vua Varic Val’Distar đương nhiệm vẫn nung nấu mối hận thù với hoàng gia Aramoran vì những nghi ngờ thiếu căn cứ. Điều đó biến tranh chấp nhỏ ở biên giới thành cái cớ cho cái gọi là chiến dịch quân sự đặc biệt.
Người chơi nhập vai Irving Sildairan với sự đồng hành của những người bạn ở học viện quân sự. Dù chưa tốt nghiệp, nhưng sự sa lầy trong cuộc chiến của vua Varic buộc mọi học viên trong đó có Irving và nhóm bạn phải nhập ngũ, tham gia xâm lược khắp nơi. Tuy cốt truyện Dark Deity khá dễ đoán và không đủ sức cuốn hút người viết, nhưng các trận chiến rất hấp dẫn với nhiều điểm nhấn thú vị so với Fire Emblem kinh điển. Chẳng hạn, mỗi nhân vật được trang bị bốn loại vũ khí và đều có thể nâng cấp.
Mỗi loại vũ khí lại đóng vai trò riêng trong cuộc chiến. Đơn cử kiếm “hàng dài” có khả năng gây sát thương lớn hơn nhiều so với kiếm ngắn và có thể nâng cấp lên thành claymore, phù hợp cho những lần ra quân cần đánh nhanh rút gọn và xiên que kẻ thù. Ngược lại, kiếm ngắn thường phù hợp trong những trận đối đầu với kẻ thù khác nhau, đòi hỏi chiến thuật đa dạng hơn. Vũ khí được thiết kế như hệ thống tương khắc lẫn nhau, buộc người chơi phải cân nhắc tính thiệt hơn trong chiến lược mỗi khi đưa quân đối mặt kẻ thù.
Tuy nhiên, tôi vẫn không thể hình dung làm thế nào quân cầm rìu lại có lợi thế hơn quân cầm thương, theo như hệ thống chiến lược trong Fire Emblem được Dark Deity kế thừa. Rõ ràng, quân cầm thương không những tấn công từ xa tốt hơn hơn mà còn có khả năng đâm xuyên giáp, hai thứ mà quân cầm rìu không thể có. Dù vậy, không thể phủ nhận hệ thống tương khắc kể trên mang đến lớp chiến thuật khá hào hứng cho trải nghiệm game. Mỗi loại quân đều có tính hữu dụng riêng trên chiến trường, không có quân nào là vô dụng trong chiến lược cả.
Nói cách khác, trải nghiệm game đòi hỏi người chơi phải biết sử dụng đúng người đúng việc khi đối đầu với những loại kẻ thù khác nhau. Từ cung thủ cho đến quân hồi máu đều góp vai trò quan trọng trong chiến lược của người chơi. Thậm chí, trải nghiệm Dark Deity càng thêm thăng hoa với mức độ đa dạng nhiệm vụ trong gần 30 chapter, trải dài từ các nhiệm vụ giải cứu cho đến những trận đánh boss đầy hào hứng. Mỗi nhiệm vụ đều đòi hỏi người chơi phải tận dụng tốt kỹ năng đặc trưng của các loại quân theo từng tình hình chiến sự.
Ngay cả bản đồ cũng được thiết kế khá rộng lớn, giúp mang đến trải nghiệm khá thỏa mãn cho những chiến lược gia người chơi. Mặc dù vậy, các nhiệm vụ càng về cuối trải nghiệm càng nặng tính câu giờ. Những nhiệm vụ này đẩy người chơi vào cuộc chiến với các loại kẻ thù mạnh hơn rất nhiều so với quân ta. Thiết kế đầy bất lợi cho người chơi như thế làm tăng mức độ thử thách lên cao bất ngờ. Đó là chưa kể yếu tố ngẫu nhiên tăng chỉ số mỗi lần nhân vật thăng cấp có tính may rủi cao cũng dễ để lại cảm giác trái chiều.
Nó có liên quan đến hệ thống mà tôi tạm gọi là thăng quan tiến chức cho các nhân vật. Khi thăng đến cấp 10, nhân vật được tự động chuyển sang lớp nhân vật mới và áp dụng cho mọi nhân vật nhập ngũ trước và sau thời điểm thăng tiến kể trên. Khi đó, người chơi có thể tùy biến cho nhân vật tùy thuộc vào chiến lược trong trận chiến. Đây là thời điểm khá quan trọng vì lần thăng tiến tiếp theo chỉ diễn ra khi nhân vật đạt cấp độ 30. Quyết định lúc này tác động rất lớn đến khả năng chinh chiến của nhân vật về sau.
Đáng nói hơn, Dark Deity còn trừng phạt người chơi khi để nhân vật bị kẻ thù đánh bại. Tuy không áp dụng permadeath khi bạn để tình huống này xảy ra, nhưng nhân vật không những bị vô hiệu hóa trong suốt nhiệm vụ đó mà còn bị giảm vĩnh viễn 1 chỉ số ngẫu nhiên. Nếu không muốn rơi vào trường hợp này, bạn có thể chơi lại nhiệm vụ khi có sai sót trong chiến lược. Dù vậy, khó có thể phủ nhận thiết kế ngẫu nhiên tăng giảm chỉ số như thế gây ức chế thế nào trong trải nghiệm game, nhất là khi thăng cấp mà cũng “bị” phạt.
Bù đắp cho thiết kế đi vào lòng đất nói trên là vấn đề trang bị được thiết kế đi vào lòng người. Về cơ bản, Dark Deity không có khái niệm mua bán vũ khí. Người chơi cũng không cần quan tâm đến độ bền vũ khí như trải nghiệm series Fire Emblem. Thay vào đó, bạn chỉ cần tập trung vào nâng cấp vũ khí nhằm tăng khả năng sát thương tốt hơn khi giao chiến, kết hợp cùng việc tận dụng các loại vũ khí khác nhau cũng như ưu và khuyết điểm của mỗi quân. Vật phẩm nâng cấp nói trên có được thông qua chinh chiến và thu thập trong màn chơi.
Khác với series Fire Emblem, hệ thống Bonds trong Dark Deity để lại cảm giác khá trái chiều trong cách xây dựng. Về cơ bản, “tình đồng chí” giữa hai nhân vật mang đến khả năng trợ chiến tốt hơn trên tiền tuyến. Vấn đề ở chỗ, tuy trải nghiệm game có số lượng nhân vật khá nhiều nhưng phần lớn đều không có đất diễn. Nhiều nhân vật đến rồi đi khiến người viết chẳng có chút ấn tượng gì. Lẽ ra nhà phát triển nên khai thác mối gắn kết của họ để làm đòn bẫy trong trận chiến, chẳng hạn tạm thời tăng chỉ số khi nhân vật cùng chiến đấu.
Sau cuối, Dark Deity mang đến một trải nghiệm nhập vai chiến thuật khá thỏa mãn nếu không nói là đầy hào hứng. Tuy vài hệ thống được thiết kế chưa tới có thể để lại cảm nhận trái chiều, nhưng khó có thể phủ nhận đây là cái tên đáng chú ý không chỉ người chơi lâu năm, mà cả người chơi mới của dòng game dễ tiếp cận nhưng không kém phần thử thách này.
Dark Deity hiện có cho PC (Windows) và Nintendo Switch.
Bài viết sử dụng game do nhà phát hành hỗ trợ.
Tham gia cùng chúng tôi trên SteamTham gia kênh Steam của Trải Nghiệm SốXem thêm bài đánh giá các game khácTrải Nghiệm Số viết rất nhiều bài đánh giá game, bạn đừng bỏ lỡ nhé!