Yomawari: Night Alone là tựa game kinh dị sinh tồn mang đến cảm giác trải nghiệm khá mới mẻ với lối đồ họa và nội dung có phong cách rất riêng.
Với đồ họa hết sức dễ thương, bạn có thể sẽ “bé cái lầm” khi biết đây hóa ra lại là một tựa game kinh dị sinh tồn. Chưa kể, khi nhìn đến tên nhà phát triển vốn thường chỉ ra mắt những game nhập vai 2D với đồ họa dễ thương, khả năng không nhỏ là bạn sẽ vô tình bỏ lỡ một tựa game thú vị như Yomawari: Night Alone. Đây cũng chính là vấn đề của tôi khi ban đầu không để tâm đến nó vì nhầm tưởng đây chỉ là một game nhập vai 2D thông thường, nhất là khi chỉ xem qua một số hình chụp của trò chơi.
Yomawari được xem là nhân vật biểu tượng của series game cùng tên. Nó có hình dạng giống như một con sên màu đen với một mắt nhắm cùng nhiều xúc tu trên cơ thể, cũng có thể do tạo hình đặc trưng khiến bạn nghĩ nó đang nhắm mắt. Thế nhưng sinh vật kỳ lạ này có thể cảm nhận rất rõ mọi thứ xung quanh nó và hết sức nguy hiểm. Người ta nói rằng thường thấy sinh vật bí ẩn này lang thang trong thị trấn vào ban đêm, tìm bắt những đứa trẻ không ngoan nào thức khuya vào một chiếc túi. Đó là những gì mà bạn có thể biết về Yomawari trong tựa game đầu tiên Yomawari: Night Alone.
Dòng game kinh dị có một lượng người yêu thích không hề nhỏ, tuy nhiên không nhiều tựa game có thể mang lại nội dung đáng chú ý như Yomawari: Night Alone. Thậm chí, ngay từ cảnh mở đầu của trò chơi đã khiến bạn cảm thấy cuốn hút vì cách xây dựng tình tiết quá sốc của nó, tác động mạnh mẽ đến cảm xúc của người chơi ngay chỉ từ vài phút đầu tiên. Trò chơi đưa bạn đến với một bé gái bị lạc mất con chó của mình và trở về nhà tìm kiếm sự giúp đỡ của người chị. Thế nhưng sau một thời gian tìm kiếm, người chị của bé cũng không thấy trở lại và vậy là bạn sẽ lên đường tìm hiểu điều gì đã xảy ra với con chó và người chị của mình.
Yomawari: Night Alone không phải là dạng game kinh dị ghê rợn như thường thấy, ngược lại là khác. Menu của trò chơi được thiết kế khá dễ thương như một quyển sổ với những nét vẽ nghệch ngạc của một đứa trẻ con. Vậy mà trò chơi tạo cảm giác rùng mình cho người chơi khi vận dụng lối đồ họa 2D nhiều chi tiết, cùng nhân vật chính hết sức dễ thương mang phong cách hoạt hình trong một bối cảnh khá tăm tối và đơn độc. Có lẽ đây là chủ ý của nhà phát triển vì cái không khí trong trò chơi tạo cảm giác hơi rờn rợn, một phần cũng vì bạn hoàn toàn không biết phải đi đâu, hay chưa thể hình dung đây là trò chơi thuộc thể loại gì, cho đến khi những màn jump-scare đầu tiên xuất hiện.
Môi trường màn chơi trong Yomawari: Night Alone khá rộng và có phần mở nhưng lại rất ít có những chỉ dẫn để bạn biết phải làm gì. Phần điều khiển khá đơn giản khi nhân vật chỉ có khả năng chạy hoặc đi rón rén, hoàn toàn không có khả năng chiến đấu. Tôi không nghĩ đây là điều đáng phàn nàn vì xét theo đồ họa và câu chuyện, cô bé của bạn chắc chỉ cỡ học sinh cấp một hoặc đầu cấp hai là cùng, rõ ràng không có khả năng phòng vệ hay tấn công bất kỳ ai. Trò chơi mang đến khá nhiều yếu tố tương tác, nhưng để ngỏ phần tìm kiếm công cụ phù hợp và làm sao để tránh các bạn ma ngộ nghĩnh mà không đáng yêu, cho người chơi tự khám phá.
Tất nhiên trong các game kinh dị, không thể thiếu những cảm giác “đau tim” và Yomawari: Night Alone thật sự làm khá tốt điểm này. Cái khoảnh khắc mà tôi nghĩ là căng thẳng nhất chính là những lúc bạn tìm được cách “cắt đuôi” một hồn ma bằng cách trốn vào trong một bụi cây hay bảng hiệu nào đó. Với góc nhìn bao quát từ trên cao xuống, người chơi có thể dễ dàng quan sát mọi thứ xuất hiện trên màn hình, thế nên khi bất ngờ bị che hết toàn bộ tầm nhìn, chỉ nghe nhịp tim đập bình bịch cùng những đường sóng gợn và chớp sáng đỏ màu, thể hiện khoảng cách của các linh hồn với nhân vật của người chơi, quả là một cảm giác khó tả.
Thậm chí, để tạo trải nghiệm thật hơn, trò chơi còn có cơ chế đèn pin và thanh thể lực hạn chế của nhân vật khá thú vị. Một số linh hồn trong Yomawari: Night Alone có khả năng tàng hình trong bóng tối, khiến bạn phải thường xuyên dùng đèn pin để dò đường. Thế nhưng vẫn khó tránh khỏi những “cái chết bất ngờ” mà trò chơi cố tình gài bẫy người chơi. Không chỉ vậy, một số con ma trong trò chơi lại có khả năng cảm ứng đặc biệt với tiếng động mà nhân vật của bạn gây ra khi di chuyển. Chính điều này đôi lúc khiến cảm giác trải nghiệm ở một số phân đoạn có vẻ mang nặng tính thử và sai khá khó chịu.
Trong khi đó, thanh thể lực cũng là một yếu tố gây khó cho người chơi. Thật sự tôi cũng không hiểu lắm ý đồ của nhà phát triển, cũng giống như việc không có lời giải thích vì sao trải nghiệm của người chơi chỉ luôn diễn ra vào buổi tối. Về cơ bản, nhân vật của bạn có vẻ là một bé gái còn nhỏ tuổi, nên thể lực không phải như “tuổi 17 bẻ gãy sừng trâu”, chỉ cần chạy một chút là đã thở không ra hơi, điều này khá phù hợp. Thế nhưng cũng vì còn nhỏ mà cô bé con rất dễ sợ hãi khi bị các linh hồn truy đuổi, dẫn đến rất mau cạn sức hơn bình thường. Ban đầu tôi cũng nghĩ yếu tố này có vẻ hơi ngược với thực tế, vì khi sợ hãi thì cơ thể sẽ có bản năng sinh tồn trỗi dậy, khiến bạn có sức bền hơn để vận động tìm cách sống sót trước mối nguy hại nào đó. Tuy nhiên ở độ tuổi của cô bé trong trò chơi thì chưa đủ khả năng nhận thức về vấn đề sinh tồn như người lớn, nên dễ bị cảm giác sợ hãi lấn áp làm bủn rủn tay chân như chúng ta vẫn thường nghe, do vậy cách thiết kế của trò chơi cơ bản cũng không sai về tính thực tế.
Vấn đề ở chỗ, nếu đề cập đến khía cạnh trải nghiệm, có thể nói Yomawari: Night Alone không hề dễ. Thậm chí một số phân đoạn đặc biệt là gần cuối trò chơi, độ khó tăng vọt một cách bất ngờ khi buộc người chơi phải vận dụng yếu tố thử và sai như đã nói ở trên. Tuy nhiên, nếu thích văn hóa Nhật Bản, bạn sẽ thích những câu chuyện dựa trên truyền thuyết dân gian của đất nước mặt trời mọc được lồng ghép khéo léo trong các nhiệm vụ phụ ẩn giấu trong trò chơi, chẳng hạn như chuyện về cô nữ sinh Nhật Bản Hanako vào thời Thế Chiến thứ hai. Những linh hồn trong trò chơi cũng vậy, nhìn khá quen thuộc, có nhiều nét tương đồng với thiết kế nhân vật trong anime Spirited Away của Studio Ghibli. Phần lớn trong đó đều có những hình dạng khá kỳ quặc, nhưng lại không thật sự xấu xa nếu bạn biết được câu chuyện liên quan đến họ.
Thật ra ở khía cạnh này, ban đầu tôi lại không hiểu lắm ý đồ của nhà phát triển game. Đội ngũ thiết kế dường như cố gắng vẽ những linh hồn trong Yomawari: Night Alone mang hình hài của động vật đi kèm với những nhu cầu cơ bản hoặc hình dáng gần giống người, như muốn mang đến một thông điệp gì đó liên quan tới thiên nhiên hoang dã và con người. Quả đúng thế thật, và đó là điều mà bạn sẽ tìm hiểu khi trải nghiệm trò chơi. Người chơi không cần phải tiêu diệt những con ma này, mà phải tìm cách để có thể chấp nhận “sống chung với lũ” như một thực tế cuộc sống, dẫu chúng có tàn nhẫn như thế nào. Họ hoàn toàn trái ngược với vẻ ngoài ngây thơ và dễ bị tổn hại của nhân vật người chơi, đặc biệt khi tuyến truyện bắt đầu mở rộng và bạn dần hiểu được chuyện gì đang xảy ra ở đây.
Đáng tiếc là bên cạnh độ khó khá cao đôi lúc đến mức phi lý, trò chơi lại còn khá ngắn trong trải nghiệm. Nhưng điều đó vẫn chưa khó chịu bằng phần di chuyển của nhân vật gây bực bội không thể tả, nhất là trong những thời khắc tồi tệ khi bạn bị truy đuổi. Điều này có lẽ nằm ở thiết kế môi trường và phần điều khiển của trò chơi, một số góc cạnh nhìn hình dễ gây nhầm lẫn là có thể băng qua dù thực tế nó đang bị vật thể nào đó chặn lại. Tôi không tưởng tượng được ở màn hình lớn đã gây khó chịu đến vậy thì người chơi Vita trên màn hình bé xíu sẽ nổi điên như thế nào.
Vấn đề của phần di chuyển nhân vật còn nằm ở cách điều khiển trên gamepad bằng cần analog. Dường như trò chơi chỉ cho phép nhân vật di chuyển ở những góc độ nhất định chứ không hoàn toàn tự do như phần lớn các game khác. Điều này gây không ít khó khăn khi trải nghiệm, đặc biệt khi bạn chỉ có thể cầm đèn pin soi lối đi giống như đời thực, tức là phải quay mặt về một hướng thì mới có thể soi ánh đèn pin về phía đó.
Chưa kể, có một yếu tố gameplay khiến tôi cảm thấy hơi thừa chính là “cái chết nhẹ tựa lông hồng”, vì nó khá vô nghĩa khi không có bất kỳ yếu tố trừng phạt người chơi nào. Bạn hoàn toàn vẫn giữ lại tất cả mọi thứ thu thập được khi nhân vật mất mạng, không như những game khác thường chỉ mang đến một cơ hội khác để bạn trải nghiệm lại một phân đoạn nào đó hơn. Hệ thống Jizo Statue cũng vậy, chỉ đóng vai trò giúp bạn tiết kiệm thời gian di chuyển là chính chứ không thật sự cần thiết vì mỗi chapter khá ngắn và đều cho phép save game sau khi hoàn thành.
Sau cuối, Yomawari: Night Alone là một trải nghiệm rùng rợn khá thú vị với những ai yêu thích chút cảm giác kinh dị. Trò chơi có thể dễ dàng khiến bạn giật nảy người nếu trải nghiệm với tai nghe, nhưng chắc chắn đây không phải là tựa game đáng sợ mà bạn muốn tìm kiếm. Dù mắc phải một số vấn đề trong thiết kế nhưng đây vẫn là một tựa game kinh dị sinh tồn đáng chơi, trừ khi bạn sợ khó và quá yếu tim để “sống sót” trước những màn jump-scare càng chơi càng cảm thấy nhẹ nhàng của trò chơi. Những ai sở hữu chiếc máy cầm tay PlayStation Vita thì càng nên chơi vì đây là một trong số game hay hiếm hoi được phát triển cho nền tảng này.
Yomawari: Night Alone hiện có cho PC (Windows) và PlayStation Vita.
Tham gia cùng chúng tôi trên SteamTham gia kênh Steam của Trải Nghiệm SốXem thêm bài đánh giá các game khácTrải Nghiệm Số viết rất nhiều bài đánh giá game, bạn đừng bỏ lỡ nhé!