Wonder Boy: The Dragon’s Trap là phiên bản “đại tu bổ” của tựa game phiêu lưu hành động đi cảnh kinh điển Wonder Boy 3.
Wonder Boy là một series game lâu đời năm 1989 từ thời hệ máy Sega Master System. Ở nước ta, đây là thời đại Nintendo Entertainment System lên ngôi nên không nhiều người biết đến Master System lẫn Wonder Boy. Điều này cũng tương tự ở các nước phương Tây, trong khi người Mỹ thì không hào hứng lắm với nhân vật Wonder Boy thì người chơi ở các nước châu Âu lại khá yêu thích nhân vật này do sự thông dụng của hệ máy tại thị trường này. Thế nên khi trò chơi được làm lại cho các hệ máy hiện đại, chắc chắn nhiều người chơi thế hệ cũ cũng không hề biết đến phiên bản mới này.
Trong những năm gần đây, ngày càng nhiều tựa game kinh điển được đại tu cho thế hệ người chơi mới và càng lúc nó càng trở thành yếu tố thương mại mới cho những tựa game cổ xưa. Phần lớn những trường hợp như thế này, nhà phát triển thường sử dụng “chiêu cũ” là nâng cấp toàn bộ phần âm thanh và hình ảnh của trò chơi. Đáng tiếc là rất nhiều tựa game được tái phát hành theo công thức này đã không giữ được “cái hồn” ban đầu của trò chơi, điển hình như trường hợp của Full Throttle Remastered. Rất may là Wonder Boy: The Dragon’s Trap đã tránh khỏi “cái bẫy chết người” nói trên, hồn cũ nhưng diện mạo tươi mới và trẻ trung hơn cho tựa game đi cảnh kinh điển một thời này.
Nếu so với chất lượng đồ họa pixel từ tựa game gốc ban đầu, phong cách cartoon vẽ tay của phiên bản mới có phần vui nhộn hơn. Tôi chỉ không thích các nhân vật được thiết kế mang cảm giác có phần “lưu manh hóa” so với những nhân vật dễ thương ban đầu. Ngay cả nhạc cũng được hòa âm lại với những giai điệu sôi động hơn, đặc biệt khi vào những trận đánh boss. Tuy nhiên phần nhạc cũng là một điểm mới vì tạo được cảm giác hành động nhanh và không kém phần nguy hiểm của Wonder Boy: The Dragon’s Trap. Thú vị nhất là phiên bản mới của trò chơi bổ sung thêm lựa chọn nhân vật nữ Wonder Girl thay vì chỉ có Wonder Boy như phiên bản gốc năm 1989.
Ở khía cạnh trải nghiệm, Dragon’s Trap mang nặng lối chơi đi cảnh theo kiểu Metroidvania, đặt nặng yếu tố mở rộng bản đồ, khám phá màn chơi, thu thập vật phẩm và kỹ năng mới. Các kỹ năng này đến từ các hình dạng người thú mà người chơi hóa thân sau khi đánh thắng các boss rồng. Đây cũng là nội dung chính của trò chơi và nó là cốt truyện khá lý tưởng hầu hết các tựa game đi cảnh ở thập niên 80 như Wonder Boy 3. Sau khi tiêu diệt con rồng máy Meka Dragon trong vùng đất quái vật, nhân vật chính bị dính lời nguyền và hóa thành người thằn lằn. Để có thể trở lại hình dạng người ban đầu, nhân vật Wonder phải tìm diệt tất cả những “chúa rồng” khác. Và mỗi lần tiêu diệt một boss rồng, người chơi sẽ hóa thành nhân vật mới với kỹ năng đặc trưng để khám phá màn chơi khác.
Wonder Boy: The Dragon’s Trap gây cho tôi ấn tượng không nhỏ khi hình dung đây là một tựa game từ gần ba thập kỷ trước. Trò chơi kiến thiết màn chơi rất thú vị, tận dụng được lợi thế kỹ năng của từng nhân vật cực tốt. Mỗi nhân thú đều có những yếu đố đặc trưng và tạo cảm giác trải nghiệm khá cân bằng. Chẳng hạn người thằn lằn không biết cầm khiên nhưng có thể tấn công từ khoảng cách xa trong khi các nhân vật còn lại đều có khiên nhưng chỉ có thể tấn công tầm gần. Hay như người chuột tuy có khả năng leo tường nhưng thân hình nhỏ nhắn, dẫn đến khả năng tấn công bị thu hẹp hơn nữa do vũ khí cũng bị thu nhỏ và ngắn tương ứng với thân thể. Được ưu thế mặt này sẽ khuyết đi khía cạnh khác, các nhân vật khác đều có những lợi và hại riêng tương tự như thế. Mỗi hình dáng đều có một lối chơi không những độc đáo mà rất dễ làm quen. Điều này giúp người chơi không gặp khó khăn gì trong cách điều khiển mỗi lần hóa thân nhân vật mới.
Không những hấp dẫn về yếu tố chuyển đổi nhân vật làm thay đổi cảm giác trải nghiệm, Wonder Boy: The Dragon’s Trap còn cho phép người chơi dùng vũ khí phụ giống như series Castlevania. Nhiều loại vật phẩm này đều có nhiều nét tương đồng với vũ khí của các người máy trong Mega Man, chẳng hạn như tên lửa, lốc xoáy hay boomerang khá thú vị. Ngay cả thiết kế màn chơi cũng rất hấp dẫn, chứa đựng rất nhiều bí mật từ cũ lẫn mới được nhà phát triển ẩn giấu trong đó. Từ những cách cửa “dắt mũi” người chơi đi lòng vòng nếu bạn không vào đúng cửa, cho đến những bức tường nhìn vậy mà không phải vậy, có thể dễ dàng đi xuyên qua. Tất cả đều rất thú vị khi bạn phát hiện đó là một bí mật mới. Chưa kể, nhiều bí mật cũng chỉ có thể dùng hình dạng nhân vật nhất định mới có thể vào được, nếu không ở nhân thú đó nhiều khi bạn không thể biết được.
Một trong những tính năng mà tôi khá thích ở trò chơi là thanh máu của nhân vật. Trái với nhiều tựa game khác thường thay đổi lượng máu bị mất dựa trên kẻ thù đó là ai, thì Wonder Boy: The Dragon’s Trap lại không “phân biệt đối xử” hay có ngoại lệ nào kể cả trúng đòn của boss. Mọi đòn tấn công từ quái vật thông thường dọc màn chơi, cho tới “chúa rồng” hay thậm chí là môi trường màn chơi cũng đều mất lượng máu như nhau. Mặt khác, trò chơi còn cho phép bạn lựa chọn giữa đồ họa cũ và mới chỉ bằng một nút nhấn. Thậm chí, người chơi cũng có thể lựa chọn giữa nhạc nền cũ và mới nữa tùy theo cảm xúc. Nếu thích một chút hoài cổ thì đồ họa và nhạc nền cũ mang đến cảm giác trải nghiệm khá thú vị. Ưng phong cách hiện đại hơn thì đồ họa cartoon mới được vẽ tay dễ thương, kết hợp khá hoàn hảo với phần nhạc nền mới của trò chơi. Thậm chí nhà phát triển còn cho phép bạn lựa chọn nửa này nửa kia, chẳng hạn đồ họa cũ với nhạc nền mới hoặc ngược lại, tạo nên cảm giác trải nghiệm khá lạ lẫm.
Tuy nhiên, Wonder Boy: The Dragon’s Trap cũng không thật sự hoàn hảo. Dù được đại tu lại đồ họa, âm thanh và gần như giữ nguyên thiết kế màn chơi cũ, nhưng trò chơi vẫn mang nhiều hơi hướng hoài cổ của tựa game gốc. Chẳng hạn, người chơi không thể tung đòn tấn công kẻ thù liên tục như các game ngày nay, thay vào đó là khoảnh khắc “vô địch” sau mỗi lần bị đánh trúng. Dù khoảng thời gian này khá ngắn, nhưng chắc chắn gây không ít phiền lòng với những ai không quen với lối thiết kế game vào những năm 80 này. Điều an ủi là trò chơi không trừng phạt người chơi quá nặng nề, nếu như bạn để nhân vật chết thì cũng chỉ hồi sinh về làng và mất toàn bộ vũ khí phụ thu thập được, còn tiền và trang bị vẫn giữ nguyên. Thậm chí bạn còn có thể lợi dụng tính năng tự động save game mỗi khi thoát về màn hình chính cho mục đích “cày tiền nhẹ nhàng”, mau chóng mua được trang bị tốt.
Sau cuối, Wonder Boy: The Dragon’s Trap là sự kết hợp hài hòa giữa cảm giác trải nghiệm hoài cũ cổ xưa và hiện đại. Đây là một tựa game đi cảnh khá dễ thương nhưng không dành cho những ai hơi thiếu chút kiên nhẫn vì độ khó không hề thấp. Tuy nhiên, những bí mật ẩn giấu trong game như một món quà hấp dẫn khó cưỡng, mang lại giá trị chơi lại không nhỏ cho những người chơi kiên nhẫn và thích khám phá.
Wonder Boy: The Dragon’s Trap hiện có cho PC (Windows, macOS, Linux), PlayStation 4, Xbox One và Nintendo Switch. Xem thêm kinh nghiệm chơi game Wonder Boy: The Dragon’s Trap.
Tham gia cùng chúng tôi trên SteamTham gia kênh Steam của Trải Nghiệm SốXem thêm bài đánh giá các game khácTrải Nghiệm Số viết rất nhiều bài đánh giá game, bạn đừng bỏ lỡ nhé!