Watch_Dogs là game phiêu lưu hành động thế giới mở lấy đề tài hấp dẫn về hacker, nhưng lại không tạo được dấu ấn riêng về gameplay.
Trò chơi có bối cảnh khá thú vị khi lấy cảm hứng từ nhóm hacker nổi tiếng Anonymous và một câu chuyện có thật về vụ mất điện diện rộng ở khu vực Đông Bắc nước Mỹ vào năm 2003, gián tiếp dẫn đến một số tai nạn chết người. Và trong Watch_Dogs, từ sự việc nghiêm trọng này mà tập đoàn Blume đã phát triển nên ctOS (Central Operating System hay tạm gọi là Hệ Thống Điều Hành Trung Tâm), thực chất là một siêu máy tính kết nối con người và mọi thứ khác trong cuộc sống bao gồm cả thông tin cá nhân, camera an ninh và đèn giao thông.
Watch_Dogs đưa người chơi đến với Aiden Pearce là một tay hacker mũ xám, trong bối cảnh thành phố Chicago, bang Illinois nước Mỹ. Sau khi được thiết lập hệ thống ctOS, nơi này nhanh chóng trở thành một thành phố ứng dụng công nghệ tiên tiến nhất thế giới. Sau một phi vụ xâm nhập hệ thống sai lầm, nhân vật chính bị sát thủ truy lùng nhưng lại giết nhầm đứa cháu gái của anh. Để bảo vệ người thân trong gia đình, người chơi sẽ giúp Aiden truy tìm kẻ nào đứng đằng sau âm mưu tội ác này và trả thù cho cháu gái của nhân vật.
Nếu trong phim ảnh thường khá “siêu nhân hóa” các đối tượng tin tặc với khả năng gần như vô biên thì Watch_Dogs cũng không hề có ý định làm giảm nhẹ hay đưa nó về với thực tế một chút. Trò chơi khiến tôi thậm chí cảm thấy buồn cười khi cố gắng tưởng tượng ra thế giới sẽ hỗn loạn như thế nào khi có những hacker như nhân vật chính Aiden. Bằng khả năng xâm thập và thao túng hệ thống ctOS, nhân vật này dễ dàng có thể cướp tiền từ tài khoản ngân hàng của bạn, truy cập tùy tiện vào các camera giám sát an ninh, hay thậm chí biết được mọi thứ về một ai đó chẳng hạn như bạn làm gì, hay đi du lịch ở đâu hoặc có đang “cắm sừng” một nửa của mình hay không.
Đó cũng là những gì mà người chơi sẽ trải nghiệm trong Watch_Dogs. Cơ bản là bạn sẽ sử dụng trình độ tin tặc thượng thừa của Aiden để đi xâm nhập và mưu lợi cho bản thân cũng như hoàn thành các nhiệm vụ bằng cách nào dễ dàng nhất. Trong thời đại công nghệ, thông tin là nguồn dữ liệu quý giá nhất ngoài đời thật, nhưng nó đồng thời còn là thứ công cụ mạnh nhất trong Watch_Dogs. Thế giới trong trò chơi khá mở, nhưng sức hấp dẫn của nó lại đến từ sự hỗn loạn mang tính phá hoại từ những thông tin bị rò rỉ và thao túng đó. Cảm giác trải nghiệm có phần nào khá giống series Assassin’s Creed khiến tôi nghi ngờ nhà phát triển chỉ “xào lại” những ý tưởng cũ từ series này và xây dựng nên một bối cảnh mới trong Watch_Dogs.
Phỏng đoán này không phải không có căn cứ, vì phần chiến đấu trong trò chơi được xây dựng theo kiểu chọn nhiệm vụ và bạn bắt đầu bằng công việc do thám khu vực đó, chọn cách giải quyết là dùng súng ống đạn dược theo kiểu Rambo hay ẩn nấp và dương đông kích tây kẻ thù như kiểu hành động lén lút để đạt được mục đích. Khó có thể phủ nhận rằng nó khá giống với lối chơi quen thuộc trong series Assassin’s Creed. Tất nhiên, trò chơi cũng được bổ sung một số ý tưởng, chẳng hạn như lái xe trên đường phố, hay xâm nhập vào các thiết bị điện tử để hỗ trợ cho việc do thám và lên kế hoạch hành động. Yếu tố này rõ ràng cũng không hề khác với lối chơi trong series Assassin’s Creed, có khác chỉ là thay vì đứng từ trên những mái nhà hay tường thành cao để có tầm nhìn bao quát tốt hơn thì trong Watch_Dogs, người chơi sẽ sử dụng đến các camera giám sát an ninh thay cho lợi thế đó.
Vì mang nhiều ý tưởng từ Assassin’s Creed sang nên các nhiệm vụ trong Watch_Dogs cũng đặt nặng yếu tố hành động lén lút hơn. Nhưng điều khiến tôi cảm thấy vô lý nhất đó là yếu tố làm chậm thời gian giúp người chơi dễ dàng triệt hạ kẻ thù khi làm nhiệm vụ. Nếu nhìn một cách tích cực thì bạn có thể nói nó mang đến sự đa dạng cho trải nghiệm game, nhưng rõ ràng không thể phủ nhận yếu tố làm chậm thời gian này không hề mới và đang có rất nhiều tựa game lạm dụng nó một cách mù quáng và thiếu hợp lý như Watch_Dogs đang làm. Chưa kể, các nhiệm vụ trong trò chơi không tạo cảm giác thỏa mãn sau một thử thách khó vì nó chỉ xoay quanh một số thiết kế quen thuộc chứ không có dấu ấn riêng, cũng không mang đậm chất liệu hacker như chủ đề của trò chơi.
Thế nhưng, điều đáng tiếc nhất có lẽ nằm ở phần cốt truyện của trò chơi. Ban đầu mọi thứ chỉ có vẻ như một câu chuyện “có thù phải trả” quen thuộc, nhưng càng lúc càng có thêm tình tiết phức tạp hơn cho đến khi mọi thứ được hé lộ. Chắc chắn nó sẽ khiến không ít người chơi cảm thấy bức xúc và thất vọng vì quá nhạt và không gây được sự hấp dẫn tương xứng với trải nghiệm của trò chơi. Những tưởng ít ra thì bạn cũng có thể tự an ủi bằng các nhiệm vụ phụ và minigame, nhưng thật không may là các hoạt động này cũng mang ặng tính lặp lại, quanh quẩn chỉ một số nhiệm vụ được xào đi nấu lại, “ăn” vài lần đã thấy ngán, đằng này phải “ăn” suốt từ đầu đến cuối trò chơi thì đã có một sự bức xúc không hề nhỏ trong đó.
Một cơ chế gameplay cũng vừa hấp dẫn nhưng lại vừa gây thất vọng là phần lái xe. Về cơ bản, các yếu tố vật lý và “cạm bẫy” trên đường khiến việc tìm kiếm các lối đi tắt để thoát ra khá hài hước và hấp dẫn. Tuy nhiên phần “đuổi bắt” ngoài đường phố như thế này chỉ thú vị thời điểm ban đầu và càng về sau càng gây thất vọng do không tạo được dấu ấn hành động, chẳng hạn những cảnh vừa chạy xe vừa bắn nhau giống như bạn vẫn thường thấy đầy trên các phim hành động. Mặt khác, xe của kẻ thù cứ như hình với bóng xe ta vậy, người chơi chẳng bao giờ có thể cắt đuôi được chúng ngay cả khi ngồi sau vô lăng những chiếc xe xịn nhất. Thay vào đó trò chơi buộc bạn phải đi giở kỹ năng tin tặc ra hack đồ để kết thúc cuộc truy đuổi, và điều đó nhanh chóng khiến các trận truy đuổi trên xe nhanh chóng trở nên nhạt nhẽo và nhàm chán.
Có một câu chuyện khá thú vị về Watch_Dogs là không ít người chơi đã rất háo hức chờ đến ngày trải nghiệm sau khi bị “hớp hồn” bởi những gì được giới thiệu tại sự kiện E3. Đáng tiếc là nhiều người sau đó đã mang cảm giác như bị lừa, khi những gì đẹp đẽ mà họ từng thấy được nhà phát triển giới thiệu đã không hề có trong phiên bản cuối cùng của trò chơi. Về sau, các “hacker” mới khám phá ra rằng chất lượng đồ họa đẹp long lanh đó được “ẩn” đi trong phiên bản phát hành trên PC, nhưng có lẽ vì vấn đề hiệu năng bị ảnh hưởng mà nhà phát triển đã vô hiệu hóa nó khi phát hành. Nếu quan tâm, bạn có thể tìm kiếm trên mạng với từ khóa The Worse mod để mở khóa chúng.
Sau cuối, Watch_Dogs là tựa game phiêu lưu hành động lén lút mang nhiều yếu tố tương tự Assassin’s Creed về gameplay, chỉ khác ở bối cảnh và không gian. Trò chơi có thể khá hấp dẫn ở thời gian đầu trải nghiệm nhưng càng về sau bạn sẽ cảm thấy nó không có hề dấu ấn riêng như mong đợi. Điều đáng nói là trò chơi xây dựng một nền tảng khá hấp dẫn, nhưng đáng tiếc không có những ý tưởng độc đáo để bồi đắp và tạo nên một trải nghiệm thế giới mở đáng nhớ trong đó. Nếu có gì gọi là làm tốt nhất, thì có lẽ là chính là ở đồ họa “đẹp mã” của trò chơi, đặc biệt sau khi đã sử dụng bản mod nói trên. Thế nhưng thật không may là ngay cả yếu tố này cũng vướng phải vài vấn đề gây khó chịu, như chuyển động nhân vật khá cứng và biểu cảm thiếu thuyết phục, thậm chí kém xa Assassin’s Creed IV: Black Flag phát hành trước đó, dù trang phục và gương mặt đều được dựng hình khá chi tiết.
Watch_Dogs được phát hành trên Windows, PlayStation 4, Xbox One, Xbox 360, PlayStation 3 và Wii U. Xem thêm kinh nghiệm chơi game Watch_Dogs.
Tham gia cùng chúng tôi trên SteamTham gia kênh Steam của Trải Nghiệm SốXem thêm bài đánh giá các game khácTrải Nghiệm Số viết rất nhiều bài đánh giá game, bạn đừng bỏ lỡ nhé!