Lần đầu tiên nhìn thấy thông tin giới thiệu Tokyo 42, tôi đã thích ngay lối đồ họa nhìn đơn giản nhưng lại gây ấn tượng về mặt thị giác của trò chơi. Càng thú vị hơn khi đây còn là tựa game đầu tay của hai anh em người Nam Phi Sean Wright và Maciek Strychalski.
Tokyo 42 giới thiệu nhân vật chính đến với người chơi khá “độc”. Bạn đang xem TV thì truyền hình trực tiếp cho biết cảnh sát đã nhận dạng được kẻ thủ ác trong vụ án nào đó. Và phóng viên đang truyền hình trực tiếp cuộc bố ráp của lực lượng an ninh đến tên sát nhân. Thế rồi người chơi nhận được tin nhắn từ một nhân vật, và bỏ chạy khỏi nhà với cảnh sát đuổi bắn sát sườn. Trên thực tế, nhân vật của người chơi bị gài bẫy vào vụ án mạng nói trên. Bạn phải trải qua những công việc “bẩn tay” trong giới xã hội đen để tìm cách trả lại thanh danh cho bản thân.
Điểm đầu tiên khiến tôi thích ở Tokyo 42 chính là đồ họa đầy những gam màu tươi sáng, thể hiện sống động cuộc sống xã hội trong thế giới của trò chơi. Với góc nhìn chéo từ trên xuống, những tòa nhà như mọc lên lơ lửng giữa không. Phương tiện di chuyển là những chiếc xe hơi bay hình chữ nhật. Bối cảnh này khiến tôi có cảm giác quen quen, rất giống trong phim The Fifth Element, cũng những tòa nhà cao chọc trời, xe bay và việc giao thương thông qua những chiếc thuyền biết bay. Thậm chí, bạn có thể thấy người dân bận rộn di chuyển rất nhiều giữa các cầu thang, tòa nhà hay rất nhiều địa điểm trong trò chơi. Và mỗi khi có biến động an ninh, họ lại bỏ chạy tán loạn, trông khá hài hước. Phản ứng của người dân cũng khá thật, tự động dạt sang hai bên tránh lối khi thấy nhân vật của người chơi cầm vũ khí đi phăng phăng giữa đường. Môi trường màn chơi khá rộng lớn, được xây dựng chi tiết và sắc nét với kiến trúc khá đẹp, khiến tôi thêm ấn tượng với tác phẩm đầu tay của SMAC Games. Nhìn chung, đồ họa tuy đơn giản, nhưng được lồng ghép trong bối cảnh cyberpunk khá thú vị và hấp dẫn.
Lối chơi của Tokyo 42 mang nhiều dấu ấn giống GTA: Chinatown, cả về góc nhìn lẫn nhiệm vụ. Người chơi chủ yếu nhận nhiệm vụ từ thiết bị gọi là terminal hoặc được “ông trùm” giao trực tiếp và thực hiện theo yêu cầu. Với tính chất là sát thủ, nhân vật của người chơi không chỉ tiêu diệt một số đối tượng xấu mà còn “tank” với cả đám xã hội đen những băng nhóm khác. Thậm chí, còn có những nhiệm vụ khá hài hước, chẳng hạn như yêu cầu bạn chơi trò “gắp lửa bỏ tay người” để làm “ngư ông đắc lợi”. Chỉ có điều không biết phe nào được lợi thôi.
Tuy nhiên, gameplay của trò chơi lại vướng đôi điểm không tốt, chủ yếu là thiết kế của hệ thống nhắm và bắn. Một phần có lẽ vì nếu hỗ trợ tự động nhắm bắn thì trò chơi sẽ không còn hấp dẫn nữa. Một phần khác có thể là vì tác phẩm đầu tay nên nhà phát triển chưa có nhiều kinh nghiệm thiết kế hệ thống quan trọng này trên thực tế. Thú thật tôi cũng hiểu vì sao hệ thống nhắm và bắn lại được SMAC Games thiết kế phiền phức như vậy. Việc nhắm bắn chính xác là gần như không thể và thật sự gây ức chế với lối chơi hành động của Tokyo 42. Cách hay nhất và cũng chính xác là chạy đến gần đối tượng mà nã, nhưng rủi ro là bạn sẽ bị đối phương bắn trả mất mạng.
Trong khi phần nhắm bắn gây ức chế không chữ nào kể xiết, thì lối chơi đi stealth lại thật sự là điểm sáng của Tokyo 42. Ở góc độ người chơi, tôi có cảm giác nhà phát triển khuyến khích bạn chọn giải pháp này cho các nhiệm vụ hơn. Lối chơi stealth của trò chơi gần như được đơn giản hóa hết mức có thể nên rất thú vị. Cùng với khả năng cải trang của nhân vật, trải nghiệm cầm Katana Blade lẻn vào giữa “lòng địch” và lần lượt ám sát kẻ thù hoặc lướt qua chúng để tiếp cận mục tiêu khá hấp dẫn và kịch tính. Nhưng mỗi khi sơ ý để lộ, bị kẻ thù phát hiện và lùng diệt, hệ thống nhắm bắn lại khiến bạn quay trở về thực tại phũ phàng của Tokyo 42.
Bên cạnh hệ thống chiến đấu gây khó trong trải nghiệm, phần điều khiển với nhiều nút bấm cũng dễ khiến người chơi bối rối với việc ghi nhớ công dụng của chúng. Thậm chí, nó còn gây khó khăn trong việc điều khiển. Thực tế không ít lần tôi quên béng không nhớ phải dùng nút nào để đổi vũ khí, hay làm cách nào để kích hoạt việc sử dụng vũ khí đó. Tuy nhiên, vấn đề này chỉ xảy ra ở thời điểm ban đầu chơi nên tôi nghĩ nó không nghiêm trọng lắm. Vấn đề đáng nói nhất là việc điều chỉnh góc nhìn làm bạn thường xuyên nhầm lẫn hai nút nhấn giữa chúng, khiến đôi lúc lại mất mạng oan. Mà với một game chỉ trúng một viên đạn là chết như Tokyo 42, những cái chết oan ức kiểu đó nó mới ức chế làm sao. Điều này đặc biệt đúng khi không hẳn đó là lỗi của bạn, mà chỉ vì mãi loay hoay không nhớ phải bấm nút nào cho thao tác nhất định.
Với tôi, Tokyo 42 là một trường hợp khá đáng tiếc. Trò chơi đã xây dựng nên một thế giới thật sự tươi đẹp. Tôi thích cảm giác khám phá cái thế giới rộng lớn và sống động đầy màu sắc đó. Trên hết, lối chơi đi stealth tuy đơn giản nhưng vẫn hấp dẫn vì tạo được thử thách nhất định cho người chơi. Đáng tiếc nhất là cơ chế nhắm bắn khá kém, gây nhiều khó khăn trong trải nghiệm. Xét ở khía cạnh khác, với tựa game đầu tay như vậy, SMAC Games cũng rất đáng khen khi tạo được gameplay hấp dẫn giữa một rừng những game na ná nhau khác. Ý tưởng của Tokyo 42 quả thật rất tốt và thú vị. Phần chơi multiplayer cũng khá vui. Trò chơi được phát hành cho PC, PlayStation 4 và Xbox One.