Tekken lại một lần nữa được ra mắt trên nền tảng di động sau phiên bản Java đầy thú vị năm 2010.
Tekken mở màn với đại hội võ thuật The King of the Iron Fist Tournament đang diễn ra với hai đấu thủ Nina và Kazuya. Trong khi người dẫn chương trình đang công bố thông tin thì nhân vật “hắc ám” Revenant bất ngờ xuất hiện cùng quả cầu đen và những câu nói khó hiểu. Sau khi y biến mất, Nina và Kazuya nhận ra sức mạnh của họ cũng không cánh mà bay. Bộ đôi cùng nhau lên đường tìm kiếm manh mối để triệt hạ kẻ thù lạ mặt này.
![Đánh giá Tekken - Thiết Quyền cho nền tảng mobile Tekken smartphone screenshot](https://trainghiemso.vn/wp-content/uploads/2017/08/tekken-smartphone-screenshot-1-600x338.jpg)
Nếu nói đến cốt truyện thì hầu như tất cả các game fighting đều chưa bao giờ có cốt truyện hấp dẫn. Hầu hết chúng chỉ đủ để xây dựng một nền tảng nội dung cho cuộc đối đầu của các nhân vật. Tekken cũng không đi ngoài vòng xoay đó. Tuy nhiên, người chơi hầu như chẳng ai quan tâm cốt truyện trong những game song đấu làm gì. Thế nhưng ngoài cốt truyện chẳng có gì hấp dẫn hay liên quan đến series chính dành cho console và PC, mọi thứ khác của trò chơi cũng có nhiều vấn đề đáng nói.
Tekken không phải tựa game song đấu đầu tiên mà Namco Bandai mang lên nền tảng di động. Trước đó họ đã đưa Soulcalibur từng phát hành trên Dreamcast năm 1998 lên cả Android và iOS. Động thái này cũng như bản thân trò chơi đều được người chơi đón nhận khá tốt. Tekken lại là một câu chuyện khác, vì trò chơi đi theo con đường freemium, thay vì premium như Soulcalibur. Và cũng như hầu hết các game freemium đều có rất nhiều “chiêu, trò” để buộc người chơi móc ví, Tekken cũng không ngoại lệ. Thậm chí nó còn được thiết kế khá tinh vi và không kém phần gian xảo để thực hiện ý đồ đó.
![Đánh giá Tekken - Thiết Quyền cho nền tảng mobile Tekken smartphone screenshot](https://trainghiemso.vn/wp-content/uploads/2017/08/tekken-smartphone-screenshot-2-600x450.jpg)
Điểm khiến tôi ấn tượng nhất là chất lượng đồ họa của Tekken trên nền tảng di động. Các nhân vật đều được dựng hình hết sức sắc nét và mang nhiều nét giống thế hệ Tekken ngày nay trên console. Đặc biệt là những nhân vật nam đều cuồn cuộn vai u bắp thịt nổi rõ trông rất ngầu. Các hiệu ứng nền gạch vỡ hay bụi bay tung tóe khá thú vị và quen thuộc. Phần gameplay thiết kế khá tốt với màn chơi 2D thay vì 3D như phiên bản console và PC. Nhân vật vẫn là 3D và phản ứng nhanh sau mỗi thao tác của người chơi. Khách quan mà nói thì Tekken có mức độ phản hồi cực tốt mà bạn có thể mong đợi ở một tựa game song đấu. Thật sự, tôi phải có lời khen khi nhà phát triển đã tìm được cách triển khai khá tốt cơ chế game song đấu lên nền tảng di động, dù nó buộc người chơi phải dùng cả hai tay để điều khiển trò chơi.
Thao tác của người chơi khá trực quan và rất dễ làm quen do phần tutorial ban đầu hướng dẫn tương đối chi tiết. Nửa bên phải màn hình sẽ là những nút tấn công cơ bản, khá giống với phương thức mà Tales of the Rays sử dụng cho hệ thống chiến đấu. Nếu nhấn liên tục, nhân vật tự triển khai thành một số đòn đánh liên hoàn (combo) quen thuộc. Còn nếu giữ luôn, nhân vật sẽ tung ra một đòn tấn công khá mạnh, gây sát thương lớn, khiến đối thủ mất nhiều máu, nhưng thời gian triển khai sẽ lâu hơn. Nửa bên trái màn hình thì dùng cho các thao tác di chuyển của nhân vật và đỡ đòn. Yếu tố đỡ đòn tấn công khá quan trọng, trong nhiều trường hợp nó giúp bạn đảo ngược tình thế của trận đấu. Nhưng Tekken còn gì là hấp dẫn nếu thiếu các tuyệt chiêu đầy màu sắc trong phiên bản console và PC.
![Đánh giá Tekken - Thiết Quyền cho nền tảng mobile Tekken smartphone screenshot](https://trainghiemso.vn/wp-content/uploads/2017/08/tekken-smartphone-screenshot-3-600x450.jpg)
Để giải quyết bài toán sử dụng tuyệt chiêu thường khó nhấn khi sử dụng joystick ảo trên màn hình cảm ứng, Namco Bandai đưa vào một hệ thống gọi là Waza Card. Hệ thống này sẽ xuất hiện các tuyệt kỹ của nhân vật ở góc phải dưới cùng màn hình theo bốn dạng thẻ khác nhau. Một trong số đó là tuyệt chiêu phá thế đỡ đòn của nhân vật, và các thẻ còn lại là đòn thế gây sát thương lớn. Người chơi ngoài việc nhấn vào màn hình để thực hiện các thế đánh và đỡ đòn cơ bản, còn phải chú ý các thẻ Waza để nhân vật triển khai tuyệt kỹ. Nếu biết kết hợp tốt và nhuần nhuyễn, nhân vật có thể gây những đòn combo không những đẹp mắt mà gây sát thương rất cao, giành lợi thế chiến thắng cho người chơi.
Tekken chia làm ba kiểu chơi khác nhau là Story Mode, Live Events và Dojo Challenge. Phần chơi Story Mode chia làm nhiều Act, mỗi Act lại chia thành những Chapter khác nhau. Mỗi Chapter thường buộc người chơi chiến đấu với nhiều đối thủ. Các Chapter về sau số lượng đối thủ càng nhiều nhưng thật sự lại không nhiều về nhân vật. Bên cạnh các nhân vật quen thuộc trong series Tekken, bạn sẽ thường gặp những nhân vật có cái tên rất “kêu” như Martial Artist hay Tekken Force, khiến việc trải nghiệm được một lúc rồi cũng cảm thấy nhàm chán. Nhưng điều đó vẫn không thấm vào đâu so với chiêu trò buộc bạn phải móc ví của Tekken.
![Đánh giá Tekken - Thiết Quyền cho nền tảng mobile Tekken smartphone screenshot](https://trainghiemso.vn/wp-content/uploads/2017/08/tekken-smartphone-screenshot-4-600x450.jpg)
Để giao đấu trong Story Mode, người chơi phải chọn ba đấu thủ. Ban đầu bạn có ba nhân vật là Kazuya, Nina cùng với một nhân vật được cho ngẫu nhiên khác. Mỗi trận đánh kết thúc đều không hồi máu đầy cho nhân vật mà giữ nguyên sau khi kết thúc trận đấu. Muốn hồi máu cho nhân vật bạn phải dùng đến vật phẩm mà chỉ có thể “quay số trúng thưởng” hoặc mua bằng một loại tiền tệ tạm gọi là ngọc tím. Ngay cả khi nhân vật bị hạ gục KO cũng vậy, phải dùng bình hồi sinh hoặc mua bằng ngọc tím. Và như bạn có thể đoán được, loại ngọc này muốn có phải nạp “tiền tươi” hoặc kiếm được nhờ vào thực hiện các thành tích mà trò chơi yêu cầu hay nhiệm vụ trong phần chơi Live Events. Riêng Dojo Challenge chỉ là phần chơi thi đấu giữa người chơi này với người chơi khác.
Dù vậy, Tekken cũng mở một “con đường sống” cho những ai không muốn bỏ tiền. Bạn hoàn toàn có thể chờ nhân vật hồi máu hoặc hồi sinh khi không chơi, tất nhiên là sau một thời gian nhất định. Thế nhưng thời gian chờ này khá dài và có thể khiến bạn nản lòng, muốn bỏ tiền ra để giải quyết vấn đề ngay lập tức. Nhưng như vậy chưa đáng chê trách bằng việc nhà phát triển khá “gian xảo” khi cố ý hạn chế số lượng bình máu mà nhân vật có thể trữ được, theo cách khó chịu nhất.
![Đánh giá Tekken - Thiết Quyền cho nền tảng mobile Tekken smartphone screenshot](https://trainghiemso.vn/wp-content/uploads/2017/08/tekken-smartphone-screenshot-5-600x450.jpg)
Sau khi hoàn thành mỗi Chapter, người chơi sẽ được thưởng một rương đồ ngẫu nhiên, có thể là ngọc “tứ hành xung” để nâng cấp nhân vật hay fragment của một nhân vật mới nào đó, hoặc cũng có thể là những bình máu. Nếu số lượng bình máu bạn đang có vượt quá con số giới hạn là ba, thì bất kỳ bình máu nào từ rương đồ cũng buộc phải quy đổi thành một khoản tiền vàng nhất định. Và thứ tiền tệ này thì rất nhiều nhưng hầu như không dùng để làm gì khác ngoài việc mua các pack trên store của trò chơi, để mở rương kiếm đồ tương tự như bình thương, nhưng lại có giá không hề rẻ.
Khía cạnh nhân vật cũng không khá hơn. Cái câu “số lượng lên đến hơn 100 nhân vật” mà Namco Bandai quảng cáo nghe có vẻ hấp dẫn nhưng thực tế lại là một sự mập mờ đánh lận con đen. Để có nhân vật mới, người chơi phải mở rương kiếm đủ 10 fragment của nhân vật đó, hoặc nếu may mắn thì bạn có thể “trúng thưởng” nguyên nhân vật mới sau khi hoàn thành nhiệm vụ nào đó trong phần chơi Live Events. Thế nhưng, số lượng nhân vật thực tế không nhiều như vậy. Thay vào đó là cùng một nhân vật nhưng thay đổi trang phục, đồng thời được điều chỉnh lại điểm chỉ số, và được xem là một nhân vật mới. Chưa kể, hệ thống thuộc tính tương khắc của các nhân vật cũng không tạo được cảm giác khác biệt đủ nhiều để nhận thấy.
Sau cuối, Tekken mang lại một trải nghiệm khá thú vị của thể loại song đấu lên nền tảng di động. Nhưng đây có lẽ không phải là tựa game mà bạn muốn gắn bỏ lâu dài. Vì nếu tính luôn cả thời gian để kiếm đủ các loại tiền và đồ nâng cấp và tăng điểm kỹ năng cho nhân vật thì Tekken không khác gì một tựa game “siêu cày” mà bạn sẽ cảm thấy ngao ngán sau khoảng nửa tiếng đến một tiếng trải nghiệm. Tôi nghĩ trò chơi chỉ phù hợp với những bạn nào mỗi ngày lấy ra đấu vài trận trong khoảng thời gian ngắn hoặc thích thi đấu giao lưu cùng bạn bè hơn.
Tekken được phát hành trên iOS và Android. iOS yêu cầu phiên bản 8.1 và thiết bị iPhone 5S, iPad Mini 2 hoặc iPad Air trở lên. Phiên bản Andoird yêu cầu 4.4 trở lên. Trò chơi chưa được phát hành rộng rãi, hiện chỉ mới phát hành soft-launch ở một số thị trường.
Tham gia cùng chúng tôi trên Steam Xem thêm bài đánh giá các game khác