Tales of the Rays là tựa game mới nhất trong dòng JRPG Tales, và đặc biệt hơn hết nó chỉ dành riêng cho nền tảng di động.
Nếu như Square Enix khá nổi tiếng với dòng JRPG Final Fantasy, thì Namco (nay là Bandai Namco) cũng nổi tiếng không kém với sê-ri JRPG Tales. Đây là dòng game khá dài hơi nhưng ít tiếng tăm ở các nước do không có bản tiếng Anh. Tựa game Tales đầu tiên của họ là Tales of Phantasia, phát hành năm 1995 trên nền tảng Super NES (Super Famicom). Nhưng phải đến tựa game thứ năm là Tales of Symphonia, Namco chuyển hướng sang sử dụng công nghệ 3D và có bản chuyển ngữ trên hệ máy GameCube, dòng Tales mới nhận được đón nhận nhiệt tình từ người chơi. Hồi đầu năm ngoái, Bandai Namco đã cho phát hành Tales of Symphonia lên Steam và dần chuyển sang hỗ trợ cả PC như Square Enix vẫn đang làm. Tính đến nay, dòng Tales có 16 tựa game chính và rất nhiều phần game ăn theo khác.
Tales of the Rays thu hút sự chú ý của tôi khi được Bandai Namco tiết lộ nó “mang chất lượng game Tales từ console lên điện thoại”. Lời quảng cáo này thật sự không hoàn toàn sai, tuy vậy có vẻ họ đã hơi… quá lời. Trò chơi giải quyết được bài toán đưa hệ thống chiến đấu Linear Motion trứ danh của dòng Tales lên mobile khá trơn tru. Thậm chí chuyển động nhân vật và phần lồng tiếng dù không nhiều nhưng cũng rất đáng khen ngợi. Thế nhưng phần khám phá lại được tiết giảm tối đa cho trải nghiệm mobile. Hơn thế nữa, nhiều khu vực cũng được “xây sửa” cố ý để hỗ trợ mô hình bán vật phẩm ảo tối đa.
Câu chuyện của Tales of the Rays lấy bối cảnh một thế giới sắp bị diệt vong, và chỉ duy nhất hai nhân vật chính Ix và Mileena mới có thể cứu lấy nó. Một mô típ nội dung khá điển hình trong thể loại JRPG. Thực chất nếu bạn có ý định tìm kiếm một câu chuyện thú vị trong tựa game mobile này thì chỉ chuốc lấy thất vọng. Vì cốt truyện trong trò chơi gần như chỉ là bệ đẩy, đưa người chơi dấn thân vào cuộc phiêu lưu quay lại với lịch sử của dòng game Tales. Chúng ta sẽ quay lại những địa danh và gặp các nhân vật cũ từ các thế giới Tales khác. Mục đích là để tìm kiếm đồng minh và nguồn năng lượng để chống lại sự diệt vong của thế giới trong Tales of the Rays. Tôi thấy có vài gương mặt quen như Yuri và Repede từ Tales of Vesperia, hay Luke trong Tales of the Abyss và Sophie trong Tales of Graces F cùng nhiều nhân vật quen thuộc với fan của dòng Tales.
Lối chơi của Tales of the Rays thật sự không mới nhưng khá thú vị nhờ hệ thống chiến đấu đặc trưng. Cơ bản nó cũng chỉ là phần rút gọn lại từ các tựa game Tales khác. Trò chơi chia nội dung thành nhiều quest. Trong mỗi quest, người chơi chỉ có khám phá trong những khu vực nhỏ, tìm rương đồ, đánh nhau với vài con quái và kết thúc bằng trận đại chiến với boss. Các quest khá ngắn, thường chỉ mất vài phút để hoàn thành, kể cả thời gian diệt boss. Nhưng trong mỗi quest lại có ba mission nhỏ, nếu hoàn thành bạn được thưởng thêm Mirrogem, một loại tiền tệ dùng để săn vật phẩm ảo trong trò chơi. Các mission này chủ yếu chỉ xoay quanh vài yêu cầu lặp đi lặp lại và rất dễ để hoàn thành.
Hệ thống chiến đấu Linear Motion được thiết kế hoạt động rất tốt với điều khiển cảm ứng. Người chơi nhấn vào vị trí bất kỳ nửa bên phải của màn hình để tấn công. Các tuyệt kỹ của nhân vật mà trong game gọi là Mirrage Arte thì dùng thao tác quẹt theo bốn cạnh chéo của nửa màn hình bên phải. Nếu không chạm vào màn hình, nhân vật sẽ tự động “block”. Nhân vật cũng có thể di chuyển tự do bằng joystick ảo ở nửa trái của màn hình. Các trận chiến trong Tales of the Rays thật sự thú vị, cảm giác không khác nhiều so với trên console. Tuy nhiên thời gian đầu trải nghiệm, tôi thường lẫn lộn thao tác điều khiển những khi quái và nhân vật của người chơi hoán đổi vị trí cho nhau. Về sau tôi mới quen dần thao tác và không nhầm lẫn nữa.
Đồ họa trong Tales of the Rays thuộc loại khá. Tuy vậy bạn cũng không có nhiều cơ hội để trải nghiệm nó. Phần lớn ba hay bốn màn chơi liên tiếp đều mang phong cảnh na ná nhau rồi thay đổi cảnh mới và cứ xoay vòng thế. Điều này thật sự khó chấp nhận khi dung lượng của trò chơi rất lớn, đến khoảng 2,8 GB. Các hình đại diện nhân vật tiếp tục mang nét vẽ quen thuộc từ truyền thống của dòng Tales, mang hơi hướng các nhân vật trong manga. Phần phim chuyển cảnh thì được dựng thành anime như thường thấy từ các JRPG. Nhìn chung, đồ họa vẫn mang nhiều cảm giác quen thuộc của dòng Tales từ trước đến nay.
Thế nhưng vấn đề lớn nhất của trò chơi là ở mô hình freemium mua bán vật phẩm ảo. Hầu hết các game đi theo mô hình này đều mang tính “cày cuốc” cao, và Tales of the Rays cũng không phải ngoại lệ. Mirrogem kiếm được rất ít nhưng giá trị sử dụng lại đòi hỏi rất cao. Chưa kể, trò chơi còn thiết kế hệ thống AP, vận hành như hệ thống “năng lượng” thường thấy trong các game freemium để hạn chế lượt chơi. Ban đầu, các trận đấu siêu dễ và hệ thống này chưa gây ảnh hưởng gì. Nhưng càng về sau, các trận đấu trở nên khó hơn rất nhiều, và bạn sẽ thường xuyên rơi vào cảnh thiếu hụt AP. Cảm giác như bị ép phải chi tiền ra để được chơi tiếp khiến trò chơi mất hẳn tiềm năng ban đầu của nó.
Sau cuối, Tales of the Rays vẫn là một tựa game đáng chơi trên mobile, nhất là fan của dòng game Tales. Thậm chí nếu không phải fan, hệ thống chiến đấu tuyệt vời của trò chơi cũng sẽ chiếm được cảm tình của rất nhiều người chơi khác. Tuy nhiên, mô hình freemium là một trở ngại rất lớn có thể khiến bạn khó chấp nhận khi trải nghiệm đến một thời lượng nào đó của trò chơi. Đây cũng là điểm yếu của Tales of the Rays mà lẽ ra Bandai Namco đã có thể tránh. Điều này mới thật sự đáng tiếc cho tiềm năng mà trò chơi mang đến.
Tales of the Rays hiện có cho Android và iOS.
Tham gia cùng chúng tôi trên SteamTham gia kênh Steam của Trải Nghiệm SốXem thêm bài đánh giá các game khácTrải Nghiệm Số viết rất nhiều bài đánh giá game, bạn đừng bỏ lỡ nhé!