Spec Ops: The Line là tựa game bắn súng góc nhìn thứ ba với câu chuyện kể đặc sắc sẽ khiến bạn thay đổi quan điểm game chỉ để giải trí.
Trong vô vàn những tựa game bắn súng trên thị trường, Spec Ops: The Line là “hạt cát” so với những cái tên như Call of Duty, BioShock hay Tom Clancy. Thế nhưng nếu đã từng trải nghiệm tựa game này, bạn sẽ phải thừa nhận đây là game bắn súng gây ảnh hưởng đến người chơi nhiều nhất. Trò chơi kể lại cho người chơi một câu chuyện ấn tượng và đầy bất ngờ đến tột cùng cảm xúc, điều mà những tựa game khác nói trên không thể làm được.
Cốt truyện là điểm đặc sắc nhất của Spec Ops: The Line, thế nhưng đáng tiếc tôi không thể tiết lộ quá nhiều. Trò chơi đưa bạn đến với nhân vật chính Martin Walker, một người chỉ huy thuộc lực lượng Delta Force trong nhiệm vụ giải cứu ở Dubai. Ngay từ cảnh mở đầu, trò chơi đã đưa người chơi đến với cảnh hành động nghẹt thở trên không. Thế rồi, mọi chuyện không được suôn sẻ khi một cơn bão cát kéo đến, khiến cuộc giải cứu sớm trở thành một chiến trường thảm khốc.
Khi toàn bộ câu chuyện bắt đầu được kể lại, nhưng dường như nó không hề như bạn nghĩ. Câu chuyện trong Spec Ops: The Line không chỉ bất ngờ đến mức gây xung đột cảm xúc của người chơi, nó còn chua chát và đắng nghét khi bạn nhìn lại mọi thứ để nhận ra mọi chuyện có gì đó không đúng ở đây. Một cảm giác nặng nề rất khó tả mà chỉ những ai trải nghiệm qua mới có thể hiểu được. Thậm chí, có người còn cho rằng hãy cho một người chơi thử trò chơi, những biểu cảm của họ vào phút cuối của game có thể bộc lộ toàn bộ tính cách của con người đó…
Với một tựa game gần sáu năm tuổi và sử dụng Unreal Engine 3, không có gì để chê trách đồ họa của Spec Ops: The Line. Tuy nhiên, với những ai mong đợi khám phá vẻ đẹp tiềm ẩn của Dubai có thể sẽ thất vọng khi những gì chào đón bạn chỉ có những tòa nhà chọc trời với bê tông cốt thép đổ nát và những viên gạch vỡ vụn. Thế nhưng, nhà phát triển đã xây dựng những chi tiết khá tinh tế, mà thậm chí có khi bạn cũng không kịp để ý do mải xông pha vào cuộc chiến ở nơi đây.
Chẳng hạn những bảng thông báo đầy những tấm áp phích của những người cha, người con một gia đình nào đó mất tích bên một cạnh một tiệm bán trang sức, nó cứ luôn tạo cảm giác gì đó sai sai hay chỉ là bạn cảm thấy thế? Kỳ thực, trò chơi có rất nhiều thông điệp rất hay được đưa vào những đoạn chuyển cảnh hay những câu thoại, thoạt nghe tưởng như chỉ là một câu nói rất bình thường, nhưng về sau những hậu quả của nó khiến bạn cảm thấy nặng nề khi nhận ra thì đã quá muộn màng.
Lối chơi của Spec Ops: The Line thật ra không mới, mang nhiều cảm giác giống với series game Gears of War, thậm chí có cả yếu tố execute. Cũng nấp và bắn, nhưng có thêm các yếu tố phá hoại mội trường để tạo lợi thế, ít nhất cũng mang đến một trải nghiệm khá ổn. Tất cả được lồng ghép rất khéo léo các số yếu tố kinh dị có thể in sâu vào tâm khảm của người chơi, trong cuộc chiến mang nặng yếu tố tâm lý người lính. Trò chơi ban đầu luôn tạo cho bạn cảm giác thật hỗn loạn, nhưng những gì trải nghiệm không hẳn diễn ra như thế, ít nhất là trong những chapter đầu.
Mọi thứ đều tăng dần một cách hợp lý, kể cả độ khó chứ không tạo cảm giác thay đổi đột ngột. Các loại súng ống và lựu đạn cũng khá đa dạng với mức độ chính xác cao, đủ tạo cảm giác khiến người chơi “say máu” trên chiến trường. Trong khi đó, kẻ thù của bạn cũng không hề kém cạnh, chúng cũng có đủ loại vũ khí giống bạn, đông đảo hơn bạn và còn xem cái chết nhẹ tựa lông hồng. Tệ nhất vẫn là những tay chơi dao mà không sợ có ngày đứt tay, lại luôn xem thường thần chết. Nhưng những điều đó không tới mức khiến người chơi phải phàn nàn vì nếu cần hỗ trợ, bạn cũng có thể ra lệnh cho đồng đội bằng một số yêu cầu đơn giản, và họ luôn thực hiện cực kỳ hữu hiệu trong hầu hết các trường hợp.
Dù vậy, Spec Ops: The Line vẫn có những vấn đề đáng bàn và một trong số đó chính là phần điều khiển. Thay vì sử dụng lại thiết lập điều khiển đã quá tốt của Gears of War, trò chơi lại điều chỉnh lại các nút bấm khiến mọi thứ trở nên phiền hà không cần thiết. Chẳng hạn để nấp vào thì bạn cần phải nhấn một nút, và muốn nhảy qua khỏi chướng ngại vật đang nấp thì bạn sẽ cần tới một nút nhấn khác nữa. Trong hầu hết trường hợp thì mọi chuyện vẫn ổn, nhưng có những lúc cần hành động nhanh thì nhân vật không hiểu sao lại không “nghe lời” theo nút nhấn của người chơi, dẫn đến việc trở thành bia đạn của kẻ thù không mong muốn và bỏ mạng, khiến bạn phải chơi lại từ checkpoint gần nhất.
Một điều khá đáng tiếc là những trận bão cát thay vì xuất hiện ngẫu nhiên sẽ hay hơn, lại được lập trình theo kịch bản nên khá tuyến tính và làm giảm bớt yếu tố hấp dẫn trong gameplay. Một vấn đề cũng không thể không nhắc tới chính là bạn cần trình độ tiếng Anh ở mức khá, ở mức có thể hiểu hoàn toàn nội dung qua những lời thoại của các nhân vật thì mới cảm nhận được cái hay của trò chơi. Còn không thì bạn chỉ phí thời gian trải nghiệm mà thôi, do gameplay không hề mới và có thể trở thành điểm trừ lớn của trò chơi trong trường hợp này.
Sau cuối, Spec Ops: The Line lồng ghép khá khéo léo một câu chuyện kể đầy những hỉ nộ ái ố mà bạn rất hiếm tìm được ở bất kỳ tựa game nào khác. Trò chơi khiến bạn phải suy nghĩ về những gì đã làm và không làm trong suốt trải nghiệm. Mặc dù vẫn có một số vấn đề chưa hoàn mỹ, nhưng những điểm yếu này gần như bị xóa nhòa bởi lối kể chuyện độc đáo của trò chơi. Chưa kể, phần lồng tiếng nhân vật chính rất đáng khen ngợi, cộng với phần nhạc cực ổn đã góp phần che đi những khuyết điểm còn lại của Spec Ops: The Line. Nếu bạn có trình độ đọc hiểu tiếng Anh tốt và yêu thích những trò chơi có cốt truyện hay, thì đây là một tựa game rất đáng chơi. Tuy nhiên nếu tiếng Anh của bạn không tốt thì có lẽ bạn đừng nên phí thời gian với game này, vì sẽ khó cảm nhận được cái hay của nó.
Spec Ops: The Line được phát hành trên PC, Xbox 360 và PlayStation 3, đồng thời hỗ trợ tương thích ngược có thể trải nghiệm trên Xbox One.
Tham gia cùng chúng tôi trên Steam Xem thêm bài đánh giá các game khác