Có lẽ đã từ lâu lắm rồi, tôi mới được trải nghiệm một tựa game đi stealth kinh điển như thế này. Thật sự, thể loại game đi stealth hay có khi còn được gọi là game hành động lén lút không phải là ít. Như series Hitman cũng vừa có phần chơi mới ra mắt trong năm ngoái, hay Dishonored 2 cũng mới được phát hành vào cuối năm 2016. Trong những game này, người chơi thường có sự lựa chọn muốn hạ kẻ thù như thế nào, còn yếu tố hành động lén lút chỉ xảy ra trong một số tình huống nhất định. Lối chơi này giao cho người chơi mọi quyền quyết định sẽ tiếp cận mục tiêu và hành động như thế nào.
Thế nhưng đó không phải là lối chơi của thể loại đi stealth kinh điển của những ngày xa xưa mà tôi vẫn nhớ. Trong những series kinh điển của thể loại này như Commandos hay Desperados, người chơi không có sự lựa chọn cách tiếp cận theo phong cách chơi cá nhân. Thay vào đó, bạn chỉ có duy nhất một lựa chọn là ẩn mình trong bóng tối. Đó cũng chính là lối chơi trong Shadow Tactics: Blades of the Shogun. Và đó cũng là đặc điểm chung của thể loại hành động lén lút của những năm cuối thập niên 90, với lối chơi chiến thuật thời gian thật và góc nhìn chéo từ trên cao.
Trong Shadow Tactics: Blades of the Shogun, người chơi điều khiển năm nhân vật khác nhau. Mỗi nhân vật đều có những khả năng riêng, và tất nhiên, bản thân họ cũng có khá nhiều hạn chế khi hành động một mình. Nhưng đoàn kết là sức mạnh, sự kết hợp sức mạnh của họ lại với nhau đích thực mang lại một trải nghiệm tuyệt vời. Tôi rất thích cách trò chơi xây dựng tính cách và lồng ghép câu chuyện riêng của mỗi nhân vật qua từng màn chơi. Nó tạo nên cái hồn cho mỗi nhân vật nhờ vào những chi tiết nhỏ nhặt mà ý nghĩa đó. Chính điều này khiến các nhân vật đi vào lòng người chơi, ngay cả sau khi bạn hoàn tất trò chơi. Đây là điều mà rất ít tựa game hiện nay trên thị trường làm được hay chú trọng.
Sự chú ý đến chi tiết của trò chơi không chỉ dừng lại ở xây dựng nhân vật. Shadow Tactics thậm chí còn đủ sức thu hút những người chơi vốn không quen thuộc với thể loại này nhờ vào đồ họa cũng chi tiết không kém của nó. Mặc dù góc nhìn từ trên xuống không thể hiện rõ thiết kế của các nhân vật, nhưng mức độ chi tiết của môi trường màn chơi thì bạn có thể thấy ngay khi bước chân vào trò chơi. Nó sống động và chi tiết. Hãy nhìn xem, bạn có thấy những cái cây héo úa hay những con sông, thác nước chảy không? Thậm chí, bạn còn có thể thấy những vết bào mòn của thời gian trên những bức tường hay tòa nhà. Rồi cả hoa cỏ đủ hình dạng và màu sắc bị dẫm nát bởi những bước chân người, hay những hạt tuyết rơi lả tả trên những con đường, mái nhà. Thật sự, tôi chưa bao giờ nghĩ Unity engine có thể mang đến chất lượng đồ họa đẹp như thế.
Lối chơi của Shadow Tactics cũng là điểm mạnh khi kết hợp độc đáo các yếu tố giải đố, hành động và cả thực nghiệm lại với nhau. Không như nhiều tựa game đi stealth hay chiến thuật ngày nay, trò chơi khá khắc nghiệt, thường khiến mọi sai lầm của bạn đều phải trả giá khá đắt. Mỗi khi bạn bị kẻ thù “bắt quả tang”, luôn có một lượng mới lính canh được tăng cường, tràn ra và lùng sục khắp mọi nơi. Và thường khi chúng bắt đầu nã đạn, thì cũng là lúc “cuộc vui” kết thúc. Dù người chơi có thể tự quyết định thời điểm “save” lại tiến trình chơi, nhưng độ khó ban đầu của trò chơi có thể khiến bạn thường xuyên lạm dụng hệ thống này.
Bù lại, cảm giác khi lập một kế hoạch và vận hành nó hoàn hảo thật sự rất phấn khích. Thú vị nhất là tính năng Shadow Mode, cho phép người chơi ra lệnh cho mỗi nhân vật thực thi một hành động khi có hiệu lệnh. Nếu kế hoạch có chút vấn đề về thời điểm hay vị trí của nhân vật thì không có gì để nói. Nhưng khi mọi thứ diễn ra suôn sẻ, đó là một cảm giác rất tuyệt vời. Đáng tiếc, đây cũng đồng thời là điểm yếu của Shadow Tactics. Vấn đề ở chỗ, mỗi nhân vật chỉ được giới hạn thực thi một hành động trong Shadow Mode. Có nghĩa là bạn có thể dùng nó để điều nhân vật chạy ra hạ một tên lính gác nào đó, nhưng không thể dùng Shadow Mode để điều nhân vật hạ tên lính rồi quay về chỗ trốn ban đầu được.
Không chỉ vậy, ngay cả cảm giác trải nghiệm cũng ít nhiều thay đổi về sau. Thật sự, lần đầu tiên mới phấn khích làm sao khi bạn điều một nhân vật “dương đông kích tây”, để nhân vật còn lại tiêu diệt mấy tên lính. Nhưng khi phải làm đi làm lại mãi một trò đó, cảm giác ban đầu đã “tụt mood” đi rất nhiều. Phần lớn người chơi chắc chắn sẽ chủ yếu lặp lại những gì họ đã được học căn bản từ đầu trò chơi, theo kiểu chơi “an toàn”. Bản thân Shadow Tactics cũng không “mở đường” để người chơi thực thi những kế hoạch sáng tạo hay “điên rồ” nào khác, ngoài một số định hướng có sẵn. Ngay cả những thử thách (badge) dành cho người chơi trong Shadow Tactics, cũng thường dễ đạt được khi bạn chơi theo cách thuần túy và cơ bản nhất. Trong khi lẽ ra chúng là thứ dành cho những “tay chơi” hardcore hơn. Đó chính là vấn đề.
Một vấn đề nữa cũng không kém phần đáng tiếc là cách vận hành của Shadow Mode. Bạn không thể hủy lệnh đã gán sai lầm cho một nhân vật, mà buộc phải hủy toàn bộ kế hoạch của tất cả những nhân vật khác và lập lại kế hoạch thực thi mới. Tôi thường gặp trường hợp này khi diễn biến của màn chơi diễn ra không như ban đầu nghĩ, và việc lập lại toàn bộ kế hoạch khá phiền toái. Tôi nghĩ vấn đề nằm ở cách thay đổi điều khiển của trò chơi khi chuyển từ PC dùng bàn phím và chuột lên console dùng gamepad, nhưng tôi không chắc lắm vì không có cơ hội trải nghiệm bản PC. Chỉ biết là bản PC đã phát hành trước khoảng hơn nửa năm nay và có giao diện cũng khác rất nhiều trên console. Chưa kể, cách điều khiển cho phép xoay camera 360 độ của trò chơi cũng khiến tôi lúng túng trong việc điều khiển, thường xuyên nhầm lẫn giữa hai hướng khác nhau, giống trường hợp trong Tokyo 42 mà tôi từng đề cập. Tuy nhiên, có thể đây là vấn đề của riêng tôi chứ không phải của trò chơi.
Sau cuối, Shadow Tactics: Blades of the Shogun là một tựa game đầy tiềm năng và dấu ấn riêng. Tôi thật sự phải khen ngợi cho nỗ lực của nhà phát triển khi cố gắng hồi sinh thể loại trò chơi đã tuyệt chủng trên thị trường hiện nay. Phần lồng tiếng hỗ trợ cả tiếng Nhật và tiếng Anh khá thú vị, mang lại nhiều cảm xúc rất khác trong trải nghiệm. Mặt khác, trong khi nhiều tựa game khác cùng thể loại vẫn thường đặt nặng yếu tố hành động hơn đi stealth, thì Shadow Tactics nổi lên như một điểm sáng khi cố gắng tiếp cận một hướng đi khác. Tuy vẫn có chút vấn đề nhỏ nhưng đây vẫn thật sự là tựa game hay, dành cho những ai yêu thích lối chơi đi stealth đúng nghĩa. Fan của series Desperados hay Commandos càng không thể bỏ qua!
Shadow Tactics: Blades of the Shogun hiện có cho PC (Windows, Linux), PlayStation 4 và Xbox One. Xem thêm kinh nghiệm chơi Shadow Tactics: Blades of the Shogun.
Bài viết sử dụng game do Daedalic Entertainment hỗ trợ.
Tham gia cùng chúng tôi trên SteamTham gia kênh Steam của Trải Nghiệm SốXem thêm bài đánh giá các game khácTrải Nghiệm Số viết rất nhiều bài đánh giá game, bạn đừng bỏ lỡ nhé!