Serial Cleaner thuộc thể loại đi stealth vốn không có nhiều đối thủ, nhưng trò chơi vẫn thu hút nhờ đề tài “hổng giống ai“.
Thể loại đi stealth hay chúng ta vẫn quen gọi là hành động lén lút có khá nhiều tượng đài game hiện đại. Thế nhưng Serial Cleaner lại không đi theo con đường đó. Nhà phát triển lựa chọn một lối đi rất riêng cho trò chơi, với phong cách đồ họa đặc trưng và lối chơi 2D nhìn từ trên xuống. Nhân vật chính của người chơi là Bob, làm công việc “dọn dẹp hiện trường” cho một người bạn trong băng nhóm mafia với nickname là Cleaner. Thông qua mối liên hệ này, Bob được một tên sát nhân bí ẩn Echo Killer thường xuyên giao nhiệm vụ “dọn dẹp”. Thế nhưng càng về sau, mọi chuyện lại càng phức tạp hơn cho đến khi biến cố ngoài dự kiến xảy ra.
Đồ họa của Serial Cleaner sử dụng chủ yếu những gam màu nâu, vàng và kem, khá hợp với chủ đề của trò chơi. Nó mang nhiều nét vẽ giống cartoon những năm 70, có lẽ để theo cốt truyện của trò chơi. Cá nhân tôi có cảm giác không nhất thiết phải dùng đến những gam màu này, nó tạo cảm giác nhìn không được dịu mắt lắm. Nhưng xem ra đấy là chủ đích thiết kế, nhằm tạo thêm khó khăn cho người trong việc theo dõi diễn tiến trên màn hình. Ở mặt ngược lại, Serial Cleaner sử dụng góc nhìn từ trên xuống khá hiện đại. Nó giúp bạn bao quát được màn chơi một cách tổng thể, và đưa ra những quyết định phù hợp với kiểu chơi lén lút của trò chơi.
Ban đầu, cái ý tưởng nội dung trong Serial Cleaner khiến tôi có chút ngạc nhiên. Có lẽ vì tôi thường thấy cốt truyện như thế này trong phim hơn. Tuy không đặc sắc, nhưng nó làm khá tốt việc mang đến cái nền cho nhân vật và những màn chơi được thiết kế rất tốt. Cứ sau mỗi khi hoàn thành “công việc”, nhân vật lại trở về nhà với mẹ để chuẩn bị cho nhiệm vụ tiếp theo. Thông qua những thông tin mà bạn có thể “đào bới” trên báo, đài và tivi, người chơi sẽ dần hiểu ra câu chuyện không vui của nhân vật chính và vì sao Bob lại phải làm công việc này.
Với thể loại hành động lén lút (stealth), lối chơi Serial Cleaner gần giống như trốn tìm với mỗi màn chơi mới lại có thêm những yếu tố mới. Nhiệm vụ của người chơi là phải thu thập “bằng chứng thép”, dọn vết máu và “hô biến” những các xác vào các khu vực nhất định trên bản đồ. Tất nhiên mọi thứ không chỉ dừng ở đó. Bạn còn phải lo tránh cảnh sát hoặc an ninh, tận dụng các lối tắt và chơi trò “Dương Đông kích Tây” để mở đường đi thuận tiện cho “công việc”. Càng về sau, lối chơi này đòi hỏi độ chính xác cao và màn chơi cũng nâng độ khó lên, rộng hơn và dễ sơ hở hơn.
Tuy nói thì nghe khá đơn giản, nhưng trải nghiệm lại mang đến cảm giác khác hẳn. Serial Cleaner có “đội” A.I. chất lượng không đồng đều. Chúng có thể rất mau từ bỏ việc tìm kiếm nhân vật của người chơi khi phát hiện, sang truy bắt tận cùng Bob bằng được mới thôi. Mặt khác, mỗi màn chơi đều có một số sắp đặt định sẵn, thay đổi mỗi khi nhân vật chính bị kẻ thù tóm được và chơi lại. Có nghĩa là ở lượt chơi kế tiếp, bạn có thể sẽ gặp màn chơi khác so với lần trước đó. Vị trí một số thứ mà nhiệm vụ yêu cầu giải quyết sẽ thay đổi, duy chỉ có kẻ thù là vẫn “giữ nguyên hiện trường”.
Chính yếu tố này giúp trải nghiệm của trò chơi không bị chán sau khi bạn để bị tóm quá nhiều. Chưa kể, nếu thích thử thách hoặc một màn chơi nào đó, bạn có thể chỉnh lại một số yếu tố của màn chơi đó. Chẳng hạn “xóa” tất cả các chỗ có thể ẩn nấp trong màn chơi, hoặc trải nghiệm với hai màu trắng và đen. Nhà phát triển cũng khá tinh tế khi giấu một số vật phẩm thu thập trong màn chơi. Nếu tìm được, người chơi có thể mở khóa trang phục cho Bob và một số màn chơi đặc biệt không liên quan đến cốt truyện, được lấy cảm hứng từ những phim nổi tiếng của thập niên 70 như Taxi Driver hay Monty Python and the Holy Grail.
Thật sự, độ khó mặc định của trò chơi cũng đã đủ để gây nhiều khó khăn cho người chơi. Về sau, bản đồ cũng rộng lớn và nhiều xác cần phi tang hơn. Mỗi khi bị bắt khi gần hoàn thành màn chơi là một “nỗi đau không bao giờ nguôi” khiến bạn rất dễ bỏ cuộc. Người chơi buộc phải chơi lại từ đầu màn, bắt đầu mọi thứ từ con số không, mất sạch toàn bộ công sức bỏ ra từ nãy giờ. Và những “nỗi đau” như thế này khá thường trực trong trải nghiệm Serial Cleaner. Bạn sẽ cần rất nhiều kiên nhẫn để có thể hoàn thành toàn bộ màn chơi.
Nhạc trong Serial Cleaner là một trong những điểm thú vị nhất của trò chơi. Phần soundtrack của game hầu hết đều là những bản nhạc Jazz nhẹ nhàng hoặc là những bài nhạc Rock tiết tấu mạnh. Tôi không thường nghe nhạc nhiều nhưng cái giai điệu của những bản nhạc trong trò chơi mang âm hưởng rất khác. Nó có cảm giác gì khá xưa chứ không mang tiết tấu nhạc hiện đại của ngày nay. Do vậy tôi phỏng đoán là Serial Cleaner cũng sử dụng những giai điệu từ những năm 70 cho phần soundtrack. Chỉ tiếc ở một điểm, trò chơi có khá nhiều câu thoại trong và giữa những màn chơi. Nhưng tất cả đều chỉ hiện chữ chứ không được lồng tiếng.
Sau cuối, Serial Cleaner là một tựa game đi stealth hết sức hấp dẫn. Tuy độ khó cao và lối chơi có phần mang tính lặp lại nhưng rất thú vị, khiến người chơi nhiều lần cảm thấy “sôi máu”. Chưa kể, phần đồ họa và soundtrack đều ấn tượng, và đấy rất có thể cũng là cảm nhận của bạn khi trải nghiệm trò chơi.
Serial Cleaner hiện được phát hành trên PC, PlayStation 4 và Xbox One.
Tham gia cùng chúng tôi trên Steam Xem thêm bài đánh giá các game khác