Cái tên Tim Schafer có lẽ chỉ được biết đến nhiều với những ai yêu thích thể loại phiêu lưu giải đố kinh điển từ thời kỳ hoàng kim của LucasArts những năm 90. Tuy nhiên sau rất nhiều tựa game với nội dung dí dỏm được fan hâm mộ yêu thích, Tim đã rời bỏ LucasArts và lập công ty riêng Double Fine. Psychonauts là một sản phẩm của ông sau khi rời khỏi công ty cũ. Thú vị hơn khi nó là tựa game sử dụng ý tưởng bị loại bỏ từ game kinh điển Full Throttle, xây dựng nên một cốt truyện hấp dẫn.
Psychonauts đưa người chơi đến với nhân vật Razputin nhưng bạn có thể gọi là Raz. Đây là một nhân vật có hình dạng hơi kỳ quặc với cái đầu rất lớn và đeo cặp kính không giống ai. Mở đầu game là câu chuyện nhân vật trốn cha rời khỏi rạp xiếc và “rơi” vào một trại hè bí ẩn để tầm sư học đạo để trở thành mật vụ với khả năng ngoại cảm được gọi là psychonaut. Khi biết được sự tình, người ta đồng ý cho cậu ở lại một ngày chờ cha đến đón về. Tuy nhiên có chuyện gì đó mờ ám đang diễn ra ở đây, biến bọn trẻ thành những kẻ vô hồn. Người chơi sẽ nhập vai Raz để tìm hiểu âm mưu nào đang được toan tính và làm anh hùng cứu lấy mọi người.
Là một tựa game khá cũ (phát hành lần đầu năm 2005), Psychonauts thể hiện đồ họa không mấy tuyệt vời mà bạn có thể mong đợi. Thậm chí, với những cỗ máy chơi game hiện đại ngày nay có thể khiến trải nghiệm của người chơi kém hào hứng đi khá nhiều. Một trong những điều đó là những đoạn phim CG và đồ họa xây dựng bằng game engine của Psychonauts khác biệt khá lớn, đủ để bạn nhận thấy rất rõ nhất là khi trải nghiệm ở độ phân giải cao. Nhiều cảnh bị lỗi mất texture hoặc lúc ẩn lúc hiện ở độ phân giải cao khiến bạn rất dễ cảm thấy “nhức” mắt. Tuy nhiên, nếu có thể bỏ qua những vấn đề này, trò chơi mang lại một trải nghiệm đi cảnh 3D hoài cổ khá hấp dẫn.
Một trong những yếu tố khiến tôi khá thích Psychonauts chính là số lượng nhân vật đa dạng, nhưng đều có cá tính rất riêng. Mỗi nhân vật đều mang tích cách khác biệt nhau rõ nét. Tất cả góp phần tạo nên những câu đối thoại dí dỏm và câu chuyện hấp dẫn mà fan của Tim Schafer có thể tìm thấy trong những tựa game của ông. Ngay cả nhân vật chính cũng vậy. Khó có thể nói đây là một nhân vật dễ thương do thiết kế hơi “kỳ lạ” và chiếc kính “không đụng hàng”, nhưng bạn sẽ khó có thể phủ nhận Raz đáng yêu khi đóng vai anh hùng, điều mà rất nhiều đứa trẻ khi nhỏ từng mơ ước.
Psychonauts không sáng tạo nên điều gì mới mẻ từ lối chơi đi cảnh 3D của trò chơi, nhưng nó vẫn tạo nên sự khác biệt với các game cùng thời. Game mang đến một trải nghiệm khám phá tự do gần như xóa bỏ mọi rào cản. Trại hè mà nhân vật khám phá vừa rộng lớn, lại vừa thử thách khả năng điều khiển nhân vật của người chơi với rất nhiều khu vực khó tiếp cận. Thậm chí, ngay cả yếu tố vật phẩm thu thập thường thấy của dòng game này cũng vẫn khiến bạn tốn rất nhiều công sức bỏ ra. Không chỉ có rất nhiều thứ để bạn thu thập, mà chúng còn được giấu cẩn thận ở những nơi khó tìm trong màn chơi. Chưa kể, những vật phẩm thu thập còn giúp bạn thăng cấp và mở khóa thêm nhiều kỹ năng cần thiết cho trải nghiệm của trò chơi.
Khía cạnh nghe cũng được xây dựng rất tốt trong Psychonauts. Mảng nhạc làm rất tốt trong việc tạo cảm xúc cho người chơi trong từng khu vực cụ thể. Ngay cả khâu lồng tiếng cũng không hề kém cạnh trong việc thể hiện được tính cách của nhân vật. Thế nhưng, nhiều lúc bạn sẽ gặp trường hợp lặp lại lời thoại của họ, nhất là những khi đánh trùm. Tuy nhiên điều này không gây ảnh hưởng tiêu cực đáng kể đến trải nghiệm của trò chơi nên không phải vấn đề to tát.
Các màn chơi “thâm nhập tâm trí” là điểm tôi khá thích trong Psychonauts, đặc biệt là trong tâm trí lungfish. Đội ngũ thiết kế đã “đi sâu” vào vấn đề tâm lý của mỗi nhân vật. Ai cũng có những vấn đề riêng không thể thổ lộ và để vượt qua màn chơi, Raz phải giải quyết được những “khúc mắc tâm lý” đó. Nó giống như một câu chuyện ngắn được lồng ghép một cách khéo léo trong những màn đi cảnh của trò chơi. Tuy nhiên tâm trí con người là một thứ rất phức tạp, và nếu có “suy nghĩ lạ” xâm nhập sẽ bị chúng phát hiện và lùng diệt. Ban đầu ý tưởng này khá thú vị, nhưng về sau lại bị biến thành những trò cũ rích khiến người mệt mỏi và nhàm chán. Điều này thể hiện rõ nét ở gameplay của trò chơi càng về sau có dấu hiệu đuối và cạn ý tưởng, không còn những khoảnh khắc khiến bạn bật cười vui vẻ như ban đầu nữa.
Thế nhưng, đáng phàn nàn nhất là ở khía cạnh đi cảnh của trò chơi. Tôi thường xuyên để nhân vật rớt khỏi vị trí cần nhảy tới do không có cơ sở nào để xác định được khoảng cách của hai vị trí. Trong khi đó, Psychonauts thường xuyên yêu cầu sự chính xác cao cho mỗi bước nhảy đến bực mình. Mặc dù nhân vật thường tự động bám vào các cạnh hay gờ của vị trí nhảy đến nếu trong tầm, tuy nhiên lại không được thiết kế đủ thông minh cho những trường hợp nhảy lố. Bên cạnh đó, trò chơi có vẻ không phù hợp với thao tác bằng gamepad như sử dụng chuột và bàn phím. Ngay cả khi dùng gamepad, nhiều thao tác để vào game vẫn yêu cầu phải dùng chuột. Trớ trêu hơn khi chuột và bàn phím thậm chí dễ điều khiển hơn gamepad, vì việc sử dụng các năng lực ngoại cảm đơn giản hơn so với trên gamepad.
Sau cuối, Psychonauts vẫn mắc phải những vấn đề của nhiều tựa game khác: hấp dẫn và thú vị ban đầu nhưng về sau càng thiếu đi những yếu tố tạo nên điều đó. Nếu từng lớn lên với thời đại game đi cảnh 3D thập niên 90, hay yêu thích kiểu game như Yooka-Laylee, bạn sẽ thích cảm giác trải nghiệm khám phá và tìm vật phẩm thu thập trong Psychonauts. Thế nhưng nếu không có nhiều kiên nhẫn hoặc không thuộc nhóm đối tượng người chơi nói trên, Psychonauts chắc chắn không phù hợp với bạn. Chưa kể, đồ họa 3D cũ kỹ của trò chơi có thể không “hợp nhãn” với nhiều người chơi.
Psychonauts được phát hành trên PC, PlayStation 4, Xbox 360, PlayStation 2 và Xbox.
Tham gia cùng chúng tôi trên SteamTham gia kênh Steam của Trải Nghiệm SốXem thêm bài đánh giá các game khácTrải Nghiệm Số viết rất nhiều bài đánh giá game, bạn đừng bỏ lỡ nhé!