Flatliners là phiên bản làm lại hướng đến yếu tố kinh dị từ phim cùng tên năm 1990, nhưng lại không tạo được sự hấp dẫn như mong đợi. Phim có tựa tiếng Việt là Trải nghiệm điểm chết.
Flatliners là bộ phim xoay quanh một nhóm thực tập sinh y khoa muốn trải nghiệm điều gì sẽ xảy ra sau cái chết bằng cách đưa cơ thể vào tình trạng chết lâm sàng. Thế nhưng sau khi nhận thấy lợi ích trước mắt, nhóm thực tập sinh đã vô tình đẩy mọi chuyện đi xa hơn và vướng vào một hậu quả không thể ngờ tới. Từ khi trải nghiệm điểm chết, cuộc sống của từng người dần biến thành cơn ác mộng ám ảnh.
Nếu nói về kỹ xảo vi tính và một số cảnh giật thót, thật sự Flatliners rất có “phong độ. Đáng tiếc phim lại khá yếu ở phần kể chuyện, nhất là từ nửa sau của phim. Câu chuyện trong Flatliners bắt đầu với nhân vật Courtney (Ellen Page) và một vụ tai nạn không thể nào quên. Nội dung phim tiếp nối vào chín năm sau đó, lúc này Courtney đang là thực tập sinh tại một bệnh viện. Hẳn các bạn cũng không lạ gì Ellen Page nếu thường hay xem phim, cô từng đóng vai nữ chính trong bộ phim nổi tiếng Inception và cũng để lại chút ấn tượng.
Đáng tiếc trong Flatliners thì vai diễn của Ellen khá nhạt, thậm chí không tạo được chút ấn tượng nào trong tôi về diễn xuất cả. Mà không chỉ Ellen Page, các vai diễn khác cũng không thật sự tạo được dấu ấn gì, chỉ ở mức tạm tròn vai. Họ gần như không thể hiện rõ nét cá tính của từng nhân vật, nhất là sau khi trải nghiệm cái chết. Cảm giác cứ nhàn nhạt mà không thể giải thích được. Chẳng hạn như Sophia (Kiersey Clemons) ban đầu luôn tỏ vẻ sợ hãi và luôn phản đối rất dữ dội, không muốn tham gia vào cuộc thí nghiệm Thế nhưng dù miệng phản đối nhưng nhân vật này vẫn không có động thái này chứng tỏ thái độ phản đối của mình.
Nếu có gì đáng chú ý, có lẽ phải kể đến nhân vật Marlo (Nina Dobrev) nhưng không phải vì diễn xuất, mà là cô nàng gợi cảm nhất trong đám. Nhiều cảnh diễn xuất của nhân vật này khiến tôi có chút thắc mắc về quy định của thực tập sinh ngành y ở nước ngoài có vẻ quá thoải mái. Nó hình như sai sai so với quy định trang phục rất cụ thể và chi tiết trong ngành y ở nước ta. Tuy nhiên, sự gợi cảm của nhân vật cũng chỉ thể hiện trong một số phân cảnh vì vai của Nina không có nhiều đất diễn như Ellen Page.
“Khác người” nhất và cũng là kẻ chân thành nhất là Ray (Diego Luna). Cảm giác của tôi về nhân vật này là anh ta có vẻ già hơn các nhân vật khác khá nhiều. Mà ngoài đời quả là vậy thật. Ray thể hiện là một kẻ rất khôn ngoan và biết đâu là điểm dừng cho mọi chuyện. Thế nhưng cũng chính nhân vật này sẽ khiến bạn cảm thấy khó hiểu không rõ lý do anh chàng cứ giúp đỡ cả nhóm làm thí nghiệm. Ngay cả về sau, khi phim hé lộ lý do gần như có thể đoán được thì tôi vẫn cảm thấy thiếu thuyết phục. Trong khi đó, nhân vật cuối cùng trong nhóm là Jamie (James Norton) thì thực chất chẳng có điểm gì đặc biệt, chỉ như bao nhân vật nhà giàu đầy đủ điều kiện nhưng học không giỏi bằng mọi người.
Mỗi nhân vật đều có bí mật chôn giấu của bản thân. Và vì lý do chưa thể lý giải nào đó, cuộc thí nghiệm đã gây tác động khác thường đến mọi người. Họ bắt đầu thấy những hình ảnh lẽ ra không nên thấy, và dẫn đến rơi vào những trạng thái hoảng loạn, căng thẳng. Vậy mà mỗi khi các diễn viên thể hiện những cảm giác đó, tôi lại chẳng cảm nhận được điều gì rõ ràng trên nét biểu cảm của họ. Tuy nhiên, tôi cũng không dám khẳng định đây là lỗi của diễn viên hay là do phim có vấn đề từ khâu kịch bản. Nửa đầu phim được xây dựng khá tốt. Nhưng càng về sau, khi mọi chuyện bắt đầu căng thẳng thì mạch phim có phần lộn xộn, không tạo sự gắn kết liền mạch với nhau.
Ít nhất thì phim cũng có điểm đáng khen về ánh sáng, âm thanh và cả nhạc nữa. Cả ba yếu tố này đều được vận dụng hợp lý, khiến cuộc trải nghiệm điểm chết của các nhân vật khá hấp dẫn. Thế giới đó được lên hình rất đẹp. Ngay cả những phân đoạn căng thẳng cũng vậy, nhà làm phim đã tạo dựng được cảm giác u ám bằng những chất liệu ánh sáng và âm nhạc khá tăm tối. Phần âm thanh cũng được sử dụng đúng nơi đúng chỗ, tạo những khoảnh khắc khiến người xem giật thót rất bất ngờ. Tôi chỉ khá ngạc nhiên khi những cảnh tăm tối thì dàn diễn viên lại diễn xuất rất khá, tạo được cảm giác nặng nề mà những nhân vật đang phải đối mặt.
Dù vậy, vấn đề lớn nhất của Flatliners là phim không hề có chút đáng sợ nào như cái mác kinh dị của nó. Mặc dù nội dung phim mang nặng yếu tố tâm linh siêu nhiên, nhưng phim lại làm rất kém phần này, khiến tôi cảm thấy hơi thất vọng. Nếu đã từng xem bản phim gốc, bạn cũng có thể nhận thấy phiên bản năm 2017 có thay đổi một số chi tiết, tập trung vào sự cạnh tranh về mặt chuyên môn y học của các nhân vật hơn. Phim vẫn giữ một số yếu tố từ phim cũ, chẳng hạn như phân biệt chủng tộc, bắt nạn, nhưng không thể hiện rõ ràng.
Mặc dù vậy, tôi vẫn cảm thấy kịch bản phim không tạo được sự hấp dẫn cho người xem. Thậm chí ngoài nhân vật chính Courtney, tôi hoàn toàn không có chút quan tâm nào đến số phận của các nhân vật còn lại. Cảm giác như nửa sau phim, đạo diễn không xác định rõ ràng được định hướng và bắt đầu để mọi thứ diễn ra lộn xộn và dẫn nhanh đến đến kết thúc. Chưa kể một số phân đoạn có hơi thừa, khiến tôi thỉnh thoảng vẫn tự vấn bản thân không hiểu chúng có ảnh hưởng gì đến nội dung phim mà phải đưa vào cho thêm dài dòng.
Sau cuối, Flatliners không phải là một phim tệ và nó cũng không hề nhàm chán. Tuy nhiên, có vẻ như yếu tố kinh dị đã khiến phim trở thành điểm trừ lớn. Lẽ ra nhà làm phim nên có thêm các sự kiện nhằm tăng chiều sâu hơn cho phim và tạo kết thúc mang nhiều ý nghĩa hơn. Dù sao đây vẫn là điều đáng tiếc vì lẽ ra Flatliners đã có thể làm tốt hơn, vì hầu như phần lớn tiềm năng của phim vẫn chưa được nhà làm phim quan tâm đến. Nếu chưa từng xem phim gốc năm 1990, thì Flatliners phiên bản 2017 vẫn là phim thuộc dạng xem được nhưng không đáng tiền vé lắm. Phim có nhiều ý nghĩa về cuộc sống nhưng đáng tiếc lại không tạo được dấu ấn nào về những điều đó.
Xem thêm đánh giá các phim khác.