Perception là sản phẩm đầu tay của Deep End Games. Đây là studio mới của một số các nhà phát triển cũ từng làm việc tại Irrational Games (nổi tiếng với System Shock 2, Freedom Force, SWAT 4 và seri BioShock).
Như lời giới thiệu từ đầu game, Perception lấy nội dung từ những sự kiện có thật. Trò chơi đưa bạn vào vai Cassie, một cô gái mù liên tục gặp những cơn ác mộng. Để tìm hiểu mối liên quan, nhân vật tìm đến một ngôi nhà trong giấc mơ, khám phá bí mật ẩn giấu ở nơi đây.
Đồ họa chủ yếu là đơn sắc với những những mảng màu xanh ngả xám. Cái không gian mà Perception tạo nên ban đầu khá rùng rợn, khác lạ và thật sự khó đoán. Nhưng chỉ sau khoảng độ chục phút, tôi chợt nhận ra toàn bộ trải nghiệm sẽ chỉ xoay quanh trong những hình ảnh mù mờ như thế và cảm thấy có đôi chút thất vọng. Hay nói một cách khác, bạn sẽ chỉ mãi mò mẫm trong bóng tối để tìm đường đi để thực hiện yêu cầu nhiệm vụ nào đó, và tất cả cũng chỉ có thế.
Cơ bản, mỗi bước chân của nhân vật Cassie sẽ tạo ra những tiếng vọng âm thanh, cho phép bạn “nhìn thấy” được những thứ xung quanh ở cự ly rất gần. Phần lớn những thứ “thấy” này không thật sự hữu ích cho trải nghiệm game. Để xem được toàn bộ hình ảnh chi tiết trong phòng, người chơi cần phải dùng cây gậy dò đường của cô gái mù. Thật sự, ở tựa game như Perception, tôi mong đợi đồ họa thật đẹp và chi tiết, nhưng thực tế khác hẳn. Có lẽ vì những hình ảnh chỉ xuất hiện thoáng qua nên không cần đầu tư nhiều. Ngoại trừ những những luồng gió thổi tạo những đường gợn sóng khá đẹp ra, chất lượng hình ảnh hầu hết đều ở mức trung bình. Điều này chỉ khiến tôi thêm phần thất vọng.
Tất nhiên, vì không thấy đường đi nước bước, nên người chơi sẽ phải gõ gậy thường xuyên. Nhưng trải nghiệm không đơn giản như vậy. Perception thiết kế thêm con ma khó tính Presence để hạn chế việc người chơi lạm dùng để tìm hiểu “đường đi lối về” của cả tòa nhà. Nói đơn giản thì trong suốt thời gian trải nghiệm, nhân vật này lúc nào cũng lảng vảng trong nhà. Nếu bạn tạo ra quá nhiều tiếng động, hắn sẽ xuất hiện, truy đuổi và sát hại Cassie. Vì không thể giết nên, nên để đối phó với Presence, bạn chỉ có hai giải pháp. Một là chấp nhận dò dẫm trong bóng tối loanh quanh khắp tòa nhà để tìm hiểu mọi thứ. Hoặc cách thứ hai là bạn núp vào đâu đó như gầm giường hay tủ áo, chờ cho thời gian “cooldown” đụng độ Presence hạ nhiệt.
Bị Presence túm lấy thật ra không hẳn là tệ. Căn nhà mà Cassie phải khám phá không quá rộng lớn, nhưng cũng khiến vệc quay trở lại nơi đang làm “nhiệm vụ” tốn không ít thời gian. Tuy nhiên mỗi khi bị Presence ăn thịt, nhân vật đều hồi sinh gần hơn vị trí thực hiện yêu cầu của trò chơi. Có thể đây là chủ ý thiết kế của Perception, nhưng khi nhận ra điều này, tôi lại lấy làm khó hiểu. Bởi lẽ, người chơi có thể lợi dụng nó để “quay về” cho nhanh, tránh được khoảng thời gian dò dẫm lang thang trong ngôi nhà khá mệt mỏi. Bạn chẳng mất gì khi để Presence ăn thịt. Mặt khác, chính điều này đã làm mất đi nhiều cảm giác sinh tồn trong trải nghiệm trò chơi, nếu không muốn nói là khiến nó trở nên khá dễ.
Nhưng không chỉ dừng ở đó, nhân vật Cassie còn có một thứ giống như giác quan thứ sáu. Khả năng này giúp bạn luôn xác định được vị trí của yêu cầu tiếp theo trong trò chơi. Mặc dù năng lực siêu phàm này không giải thích rõ ràng, nhưng nó gần giống như hệ thống gợi ý đường đi nước bước mỗi khi bạn bí đường. Việc không sử dụng khiến trải nghiệm trò chơi trở nên hết sức khó khăn. Bởi lẽ, bạn không thấy đường đi hay phương hướng đã đành, mà lại còn không biết phải làm gì trong bóng tối mù mịt đó nữa. Ngược lại, sử dụng nó giống như chơi ăn gian vì bạn không còn cần phải mò mẫm xem cần phải làm gì hay đọc hiểu cốt truyện nữa. Chính điểm này đã khiến trải nghiệm trong Perception đã dễ lại càng dễ hơn nữa. Phần còn lại chỉ còn phụ thuộc vào sự “gan dạ” của người chơi khi dấn thân vào Perception mà thôi.
Bên cạnh kiểu gameplay tạo cảm giác rùng rợn, Perception còn có hai yếu tố để hỗ trợ người mù như Cassie tìm hiểu mọi thứ. Đầu tiên là Scan with Delphi, có khả năng đọc chữ viết thành tiếng để Cassie biết được nội dung. Và yếu tố còn lại là ứng dụng điện thoại có tên Friendly Eyes. Ứng dụng này chụp hình và kết nối với cộng đồng những người hỗ trợ, mô tả những gì trong hình cho Cassie biết. Thực tế, hai yếu tố này chủ yếu giúp người chơi hiểu rõ nội dung chứ tôi thấy nó không thiết thực lắm với người mù như Cassie. Chẳng hạn, khi thấy những cảnh đáng ngờ, người mô tả cũng chẳng buồn báo cảnh sát hay hỏi han câu chuyện để biết cô đang ở hoàn cảnh nào. Họ chỉ đơn thuần mô tả xong rồi thôi, trong khi thực tế Cassie là người mù đang yêu cầu trợ giúp.
Sau tất cả, một trong những yếu tố thật sự tạo được “cái hồn” cho trò chơi là tiếng động. Những âm thanh được kết hợp với nhau, từ tiếng bước chân cho tới tiếng gõ gậy, hay những tiếng gió thổi, đều tạo cảm giác khá thật cho các giác quan đang căng ra khi trải nghiệm. Thậm chí, đôi lúc những tiếng động bình thường của trò chơi vẫn có thể khiến bạn giật thót hay dựng tóc gáy, nhất là khi Presence xuất hiện dí bạn chạy trối chết. Thế nhưng, những âm thanh này được tái sử dụng nhiều lần lại khiến bạn quen dần và không còn cảm giác như ban đầu nữa. Và nhà phát triển đã khắc phục vấn đề này bằng cách tăng độ khó hơn nữa ở những chapter về sau. Càng về sau, ngôi nhà càng cổ kính hơn, môi trường cũng tạo nhiều thanh âm hơn, tạo điều kiện cho Presense xuất hiện làm khó người chơi hơn.
Tóm lại, Perception đã khá thành công trong việc tạo cảm giác rùng rợn trong trải nghiệm ban đầu. Tuy nhiên, càng về sau, trò chơi càng thể hiện nó không phải là dạng game kinh dị mà người chơi nghĩ. Trò chơi giống một tựa game phiêu lưu với chút không khí rùng mình để tạo cảm giác mới mẻ hơn. Điều đáng tiếc là cách xây dựng cốt truyện không thật sự hấp dẫn và vẫn còn đây đó vấn đề phi lý khó tránh khỏi. Trò chơi được phát hành trên PC, PlayStation 4 và Xbox One. Phiên bản Nintendo Switch phải chờ thêm một thời gian nữa.
Bài viết sử dụng game do Deep End Games hỗ trợ.