Nioh là tựa game nhập vai hành động từng được phát hành độc quyền trên PS4 nay đã bất ngờ xuất hiện trên PC.
Cách đây hơn nửa năm, khi Nioh được phát hành độc quyền trên PS4 đã khiến nhiều người chơi PC ngậm ngùi. Ngay cả Sony lẫn Koei Tecmo cũng không hé lộ bất kỳ thông tin gì về việc trò chơi sẽ được phát hành trên PC vào một thời điểm nào đó. Tất nhiên, nhiều người chơi đã tin như vậy cho đến khi phiên bản PC bất ngờ được công bố và phát hành gần đây. Thật may là trò chơi không vướng phải nhiều vấn đề kỹ thuật như nhiều tựa game khác, chẳng hạn như Nier: Automata. Thế nhưng phiên bản Nioh hoàn chỉnh dành cho PC cũng không gây được ấn tượng gì so với khi phát hành trên PS4 hồi đầu năm.
Cũng như nhiều tựa game ra mắt muộn trên PC khác, Nioh phát hành phiên bản được gọi là Nioh: Complete Edition, bao gồm toàn bộ những DLC được phát hành trên PS4 trước đây, với mức giá rẻ hơn một chút. Ở khía cạnh trải nghiệm, nhất là sau nhiều tựa game chuyển từ console sang PC đều gặp không ít thì nhiều vấn đề kỹ thuật khá khó chịu, bản PC không tệ như tôi từng lo ngại ban đầu. Tuy nhiên, thay vì là phiên bản chất lượng vượt trội như thường thấy, thì phiên bản phát hành trên PC dường như không có ý định làm điều đó. Cụ thể, ngay cả hai tùy chọn trên PS4 là Cinematic và Action vẫn xuất hiện trong Nioh: Complete Edition. Điều này khiến tôi cảm thấy hơi khó hiểu vì dường như nhà phát triển không cố gắng tận dụng sức mạnh phần cứng trên PC. Thay vào đó họ chỉ muốn “sao y bản chính” để mang trải nghiệm từ PS4 lên thẳng PC mà không tốn nhiều công sức nhất.
Một trong những vấn đề đáng phàn nàn nhất có lẽ là việc tùy chỉnh thiết lập cấu hình đồ họa khá… khó khăn. Nếu chỉ nhanh nhảu “nhảy” ngay vào game để trải nghiệm, bạn sẽ lập tức bị dội bởi chất lượng hình ảnh sao mà quá… xấu. Nioh: Complete Edition đi kèm một launcher mà trong đó có phần thiết lập riêng, cho phép người chơi tùy chỉnh độ phân giải và những thiết lập quen thuộc khác nhưng không hỗ trợ độ phân giải ultrawide (21:9). Bên cạnh phần thiết lập chỉnh sẵn Cinematic và Action, người chơi PC còn có tùy chọn Custom để tùy chỉnh một số thiết lập đồ họa, nhưng kỳ thực không nhiều. Trò chơi không hỗ trợ mở khóa tốc độ khung hình như mong đợi, thay vào đó chỉ có lựa chọn giới hạn 30 hoặc 60fps. Một thông số khiến tôi bóp trán mãi không thể hiểu nổi đó là Rendering Resolution với lựa chọn Low, Medium và High.
Thiết lập này thậm chí còn đánh đố người chơi hơn khi tách biệt hẳn với độ phân giải của trò chơi, và tất nhiên nó gây khó vì không giải thích công dụng để làm gì, ra sao. Sau một thời gian tìm hiểu thì tôi nhận ra đây là tính năng dựng hình ở độ phân giải thấp và sau đó upscale hình ảnh lên độ giải mà người chơi thiết lập. Nếu bạn chỉnh High thì cả dựng hình và xuất hình sẽ có cùng độ phân giải mà người chơi thiết lập bạn đầu. Bạn có thể chọn Low hoặc Medium để giảm tải cho GPU. Chất lượng đồ họa khi đó tất nhiên sẽ có hiện tượng mờ và không rõ nét bằng High, nhưng nó cũng hữu dụng trong hợp cấu hình PC hơi yếu và bạn vẫn muốn “thi gan” cùng trò chơi. Đáng tiếc là ngoài thiết lập nói trên, người chơi cũng không có nhiều tùy chỉnh khác, chỉ gói gọn bật hoặc tắt Ambient Occlusion, Camera Motion Blur và Dynamic Reflections. Vâng, bạn đọc chính xác đấy, trò chơi không có cả tính năng khử răng cưa (Anti-Alising) như thường thấy.
Nếu chưa từng chơi Nioh trước đây, phiên bản Complete Edition có thể khiến bạn bất ngờ vì độ khó của nó. Yếu tố này khiến nhiều người chơi hay ví Nioh như một phiên bản Dark Souls khác, nhưng cá nhân tôi lại thấy trò chơi mang lối chơi chặt chém hành động nhanh, có nhiều hơi hướng giống Ninja Gaiden của chính nhà phát triển Team Ninja hơn. Chỉ tiếc là nếu so với Ninja Gaiden ở thời điểm ra mắt trên Xbox quá mãn nhãn, thì chất lượng đồ họa của Nioh: Complete Edition chỉ ở mức khá ngay cả “max setting” chứ không gây ấn tượng. Chưa kể, với màn chơi nhiều cảnh tối, chắc chắn những ai thích đồ họa choáng ngợp sẽ khó cảm thấy hài lòng với những gì mà họ nhận được. Tuy nhiên, tốc độ khung hình trong Nioh: Complete Edition khá ổn định trong phần lớn trường hợp, tùy vào thiết lập của người chơi có phù hợp hay không. Tôi chỉ phát hiện một số đoạn loading thì trò chơi có hơi giật một chút, còn lại hầu như đều ổn định dù lựa chọn thiết lập là Cinematic có chất lượng hình ảnh đẹp hơn nhưng chỉ có 30fps, hay Action giảm độ phân giải để ổn định ở 60fps.
Hệ thống chiến đấu của Nioh là một trong những điểm khiến tôi ấn tượng. Nếu trước đây từng chơi Dark Souls, bạn sẽ cảm nhận như trò chơi sao chép công thức quen thuộc của series Dark Souls. Thế nhưng, càng về sau Nioh lại có chiều sâu, càng giống Ninja Gaiden hơn với chuỗi combo đòn tấn công đẹp mắt. Điểm mới trong đó chính là stance mà tôi tạm gọi là hệ thống thủ thế, dường như được lấy cảm hứng từ series game song đấu Dead or Alive cũng do Team Ninja xây dựng. Có thể nói, chính hệ thống này đã đẩy cái chất hành động trong Nioh lên một tầm cao mới mà chưa từng bất kỳ tựa game nào làm được. Thậm chí nó còn hấp dẫn hơn những gì mà bạn từng trải nghiệm trong series Dark Souls hay một tựa game cùng thể loại “củ hành” khác là Bloodborne. Nếu chơi Nioh trước khi chơi series Dark Souls hay Bloodborne, có khi bạn còn nghĩ rằng Nioh mới là nguồn cảm hứng tạo nên hệ thống chiến đấu trong các tựa game nói trên nữa kìa.
Đáng nói nhất có lẽ là Nioh: Complete Edition không hỗ trợ chuột và bàn phím, điều mà chắc chắn những người chơi PC thuần sẽ cảm thấy rất bực mình. Chưa kể, mặc dù vẫn hiện con trỏ chuột trên màn hình nhưng bạn sẽ nhanh chóng nhận ra nó chỉ dùng để làm kiểng chứ không có công năng gì khác. Mặc dù người chơi vẫn có thể di chuột qua lại và con trỏ vẫn chạy theo trên màn hình, nhưng đó là tất cả những gì bạn có thể làm. Không thể sử dụng để điều chỉnh menu, và tất nhiên hoàn toàn không làm được gì trong gameplay. Khó hiểu hơn là Nioh: Complete Edition có kiểu hỗ trợ bàn phím khá nửa vời. Người chơi vẫn có thể sử dụng bàn phím để tùy chỉnh trong menu, nhưng các phím được gán rất lộn xộn. Nếu bạn có thể dò được phím nào dùng để làm gì và thoải mái điều khiển game bằng bàn phím thì quả thật tôi không còn gì để nói. Nói vậy cũng đồng nghĩa dùng gamepad dường như là cách duy nhất để chơi được Nioh: Complete Edition. Điều an ủi nhất có lẽ là trò chơi vẫn loading khá nhanh ngay cả trên HDD, không cần phải tốn hơn 70 GB để cài lên SSD như nhiều tựa game khác.
Sau cuối, Nioh: Complete Edition vẫn là một tựa game đáng chơi trên PC. Thế nhưng một số vấn đề như không hỗ trợ hoàn toàn bàn phím và chuột, hay đồ họa không thật sự ấn tượng có thể khiến nhiều người chơi thuần PC cảm thấy phật lòng. Phiên bản Complete có mức giá rẻ hơn nhưng kèm theo toàn bộ DLC trên PS4 là Dragon of the North, Defiant Honor và Bloodshed’s End là một điểm cộng. Các DLC này bổ sung thêm phần cốt truyện mới, hứa hẹn đem đến cho người chơi những thử thách hấp dẫn hơn cùng mũ Dharmachakra Kabuto xem như món quà dành riêng cho người chơi PC. Chưa kể, những PC có cấu hình thấp hơn yêu cầu tối thiểu một chút vẫn có thể tùy chỉnh thiết lập đồ họa để chơi mượt mà ở độ phân giải 1080p với tốc độ khung hình 60fps là một điều thật sự rất đáng khen.
Nioh hiện có cho PC (Windows) và PlayStation 4. Xem thêm bài kinh nghiệm chơi game Nioh.
Tham gia cùng chúng tôi trên SteamTham gia kênh Steam của Trải Nghiệm SốXem thêm bài đánh giá các game khácTrải Nghiệm Số viết rất nhiều bài đánh giá game, bạn đừng bỏ lỡ nhé!