Mặc dù MWC 2017 còn chưa kết thúc, nhưng qua những công nghệ và sản phẩm đã được giới thiệu tại triển lãm lần này, chúng ta có thể thấy MWC giống như bộ phim sản xuất năm 1966 có tựa đề “The Good, the Bad and the Ugly” – có đầy đủ Tốt, Xấu và Xuẩn ngốc.
Đối với một số người, triển lãm MWC năm nay không gây được ấn tượng. Đó là vì mẫu smartphone được trông đợi nhất là Galaxy S8 đã không được giới thiệu. Hơn nữa, một mẫu điện thoại cao cấp khác của LG là G6 cũng đã bị rò rỉ quá sớm, khiến cho sự xuất hiện của nó tại MWC không được “phê”.
Tất nhiên, một vài mẫu smartphone được giới thiệu lần này cũng khá thú vị, cho dù chúng không phải là sản phẩm mang tính đột phá. Có một số mẫu điện thoại được đánh giá là tạm ổn. Nhưng cũng có một số thiết bị thuộc dạng “dở ẹc”. Dĩ nhiên những nhận định này chỉ là đánh giá chủ quan, vì trong thế giới điện thoại di động, có những tính năng đối với người này là thú vị nhưng đối với người khác lại là thảm họa. Dưới đây là những mẫu smartphone được người viết đánh giá là Tốt, Xấu và Xuẩn ngốc
# Tốt
Cho dù bạn có thích hay không thì mẫu điện thoại mới nhất của LG cũng đã khiến nhiều người “bồ hóng”. Đó là nhờ chiến lược tiếp thị khôn ngoan của LG khi từng bước hé lộ các tính năng hấp dẫn của điện thoại trước khi chính thức ra mắt. Chiến lược này cùng với những hình ảnh bị rò rỉ từ trước đã giúp cho G6 trở thành mẫu điện thoại giành chiến thắng ở kỳ MWC 2017 năm nay. LG G6 xứng đáng trở thành ứng cử viên hàng đầu cho cuộc đua điện thoại cao cấp. G6 hơn hẳn “tiền bối” G5 ở chỗ LG đã dám gạt bỏ thiết kế kiểu phân chia mô-đun mà chuyển sang tập trung vào các tính năng đáp ứng nhu cầu người dùng.
Mặc dù LG G6 không phải là mẫu điện thoại được trang bị cấu hình “khủng” nhất khi chỉ dùng chip Snapdragon 821 thay vì 835, nhưng nó đã đáp ứng được hầu hết các tiêu chí mà một người sử dụng cần ở một chiếc điện thoại. LG G6 có những ưu điểm như máy ảnh góc rộng, màn hình tỷ lệ 18:9 với góc bo tròn viền mỏng, thiết kế đẹp mắt. Nhược điểm về model chip xử lý không thể làm lu mờ những ưu điểm của G6. Rõ ràng đây là mẫu điện thoại tốt nhất tính đến thời điểm này.
Huawei vẫn chưa chiếm lĩnh được thị trường Mỹ do những rào cản về địa chính trị, nhưng tại châu Á và châu Âu Huawei đang là một người khổng lồ về thiết bị viễn thông di động. Trong vài năm qua, Huawei đã cho ra mắt nhiều mẫu smartphone chất lượng rất tốt. Tại hội thảo MWC 2017, Huawei đã giới thiệu hai mẫu điện thoại cao cấp mới là P10 và P10 Plus.
Mặc dù một số người nhận xét bộ đôi P10 và P10 Plus không có sự khác biệt với chiếc P9 và P9 Plus năm ngoái, nhưng thực ra Huawei không cần phải thay đổi nhiều bởi những mẫu điện thoại năm ngoái đã quá tốt rồi.
Điểm nổi bật nhất ở P10 và P10 Plus nằm ở vẻ bề ngoài của chúng. Huawei đã hợp tác với hãng Pantone để thiết kế những bộ vỏ với màu sắc đa dạng. Ngoài ra, vỏ điện thoại đã được gia công với một công nghệ gọi là “cắt kim cương siêu việt” cho phép nó không bám vân tay và không trầy xước khi sử dụng. Hai mẫu điện thoại nói trên cũng có thông số kỹ thuật thuộc hàng “siêu khủng”, trong đó điểm nhấn là máy ảnh kép dùng thấu kính Leica. Có thể nói hai “anh em” P10 và P10 Plus đáp ứng được mọi nhu cầu của người dùng khó tính.
Một công ty nhỏ như HMD Global cũng không tránh khỏi bị rò rỉ hình ảnh sản phẩm. Tuy nhiên, cho dù chúng ta đã biết về Nokia 5, Nokia 3 và Nokia 3310 trước ngày ra mắt, nhưng “Nó kìa” vẫn khiến chúng ta ngạc nhiên về thiết kế đẹp và thông số kỹ thuật khá ổn. Hãng điện thoại của Phần Lan nổi tiếng một thời đã không ra mắt một dòng điện thoại cao cấp, nhưng điều này cũng dễ hiểu bởi “Nó kìa” mới đang “chân ướt chân ráo” trở lại thị trường. Những gì mà HMD và Nokia làm được tính đến thời điểm này là khá tốt. Họ tập trung vào các sản phẩm ở phân khúc trung bình và giá rẻ. Đặc biệt sự xuất hiện của Nokia 3310 cải tiến đã khiến nhiều người phấn khích. Chúng ta có thể hy vọng vào sự trở lại của “nhà vua” Phần Lan.
# Xấu
Chắc ít người biết rằng tập đoàn TCL của Trung Quốc là chủ sở hữu thương hiệu điện thoại BlackBerry và Alcatel. Cả hai thương hiệu này đang tiếp tục khiến người dùng thất vọng theo một cách thức giống nhau. Chiếc BlackBerry KeyOne (trước đây được đặt tên là Mercury) là một thiết bị tốt, nhưng BlackBerry một lần nữa lại áp dụng cho KeyOne một mức giá “cắt cổ” không hề đi đôi với thông số kỹ thuật. Trong khi đó, các mẫu điện thoại Alcatel lại chỉ ở mức thấp đến trung bình, không hề tạo được một điểm nhấn nào trong mắt khách hàng. Có chút bất ngờ là Alcatel tiếp tục chính sách bán điện thoại với giá khá rẻ so với thông số kỹ thuật. Có lẽ TCL và Alcatel đang thực hiện một chính sách trợ giá giống như Huawei đang làm với các nhà mạng ở châu Âu.
Samsung đặt cược vào máy tính bảng
Các sản phẩm điện thoại của Samsung bao giờ cũng “hot”. Mặc dù người khổng lồ Hàn Quốc đã cố gắng giữ bí mật sản phẩm trước khi ra mắt, nhưng hiếm khi họ thành công vì “tai vách mạch rừng”. Mặc dù hai mẫu điện thoại cao cấp Galaxy S8 và S8 Plus cuối tháng Ba mới trình làng, nhưng hình ảnh, video clip và thông số kỹ thuật của bộ đôi này đã ngập tràn trên internet.
Máy tính bảng của Samsung ít “hot” hơn điện thoại nhưng cũng thu hút được rất nhiều sự chú ý. Tại hội thảo MWC năm nay, Samsung cho ra mắt bộ ba máy tính bảng mới, trong đó có mẫu Tab S3 chạy Android 7.0 và hai mẫu Galaxy Book 10 và Book 12 chạy Windows 10. Cả 3 mẫu máy tính này đều rất ấn tượng với thiết kế đẹp, cấu hình cao. Chiếc Galaxy Book 12 thậm chí có phiên bản được trang bị tới 8GB bộ nhớ. Mặc dầu vậy, cơ hội của Samsung tại thị trường máy tính bảng khá là mỏng. Thị trường đang dần bão hòa nên nỗ lực làm mới “đơn thương độc mã” của Samsung sẽ không giúp hãng thu được nhiều lợi nhuận từ mảng kinh doanh này.
# Xuẩn ngốc
Điện thoại ZTE Gigabit
Trong khi mọi người đang háo hức để chiêm ngưỡng một thiết bị ấn tượng từ một nhà sản xuất còn ít tên tuổi như ZTE, thì mẫu điện thoại Gigabit mà hãng này đem đến giới thiệu tại MWC 2017 đã hoàn toàn thất bại. Thứ nhất, ZTE Gigabit không phải là một chiếc điện thoại thực thụ. Đây chỉ là một nguyên mẫu điện thoại – một thiết kế mẫu được đem ra giới thiệu trước công chúng mà không được bán trên thị trường. Thứ hai, công nghệ mà ZTE áp dụng cho Gigabit không có gì đặc sắc. Con chip Snapdragon 835 trên Gigabit cũng đã được sử dụng cho Samsung Galaxy S8 và Sony Xperia XZ Premium. Không giống như Gigabit, sản phẩm của Samsung và Sony sẽ sớm đến tay người tiêu dùng.
Vì thế có thể coi việc ra mắt điện thoại Gigabit của ZTE là một “mánh lới tiếp thị rẻ tiền”.
Cách đặt tên sản phẩm của Sony
Trong một thị trường điện thoại với vô số các thiết bị và tên gọi khác nhau, những cái tên mà Sony đặt cho dòng điện thoại Xperia thực sự rắc rối. Điện thoại của Sony rất ổn về thông số kỹ thuật, nhưng tại sao hãng điện tử Nhật Bản lại đặt tên cho sản phẩm mới của mình là– cái tên gần giống với thiết bị ra mắt năm ngoái? Và Sony còn có cả chiếc XZs, cái tên làm cho các sản phẩm của Sony “rối như tơ vò”.
Nếu Sony đặt tên cho “hậu bối” của XZ là XZ Premium, thì tại sao “hậu bối” của dòng XA lại không phải là XA Premium mà là XA1? Và chúng ta cũng đừng quên rằng Sony còn sản xuất một dòng XA1 Ultra nâng cấp từ dòng XA Ultra năm ngoái. Sự thiếu nhất quán về cách đặt tên cùng với thiết kế na ná nhau của các mẫu Xperia trong vài năm qua đã khiến các dòng điện thoại của Sony trở nên khó phân biệt model nào mới, model nào cũ.
Tóm lại
Không thể phủ nhận MWC 2017 là một sự kiện lớn, tuy nhiên nó vẫn để lại một chút gì đó nuối tiếc khi mà các công ty vẫn chưa cho thấy một sản phẩm thực sự đột phá. Các nhà sản xuất vẫn chơi chiêu bài an toàn khi tham gia sân chơi này. Các mẫu điện thoại cao cấp của LG và Huawei đã gây được ấn tượng mạnh, nhưng chúng ta vẫn chờ đợi một smartphone đẳng cấp hơn. Có một chút bất ngờ từ Nokia 3310 và Sony Xperia Touch, nhưng đây là những sản phẩm dành cho các fan trung thành, không phải dành cho đại chúng.
Có lẽ chúng ta sẽ phải chờ đến cuối tháng Ba khi Samsung ra mắt Galaxy S8 và đến tháng Chín khi “Táo khuyết” tung ra bộ 3 iPhone thì mới thực sự mãn nhãn.
Đăng Khoa (Theo Phone Arena)